Những động lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019
–Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến được hỗ trợ tích cực từ đà tăng trưởng kinh tế cao và toàn diện trong năm 2018, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Cùng với đó, nền kinh tế đã, đang và tiếp tục được bổ sung thêm nhiều năng lực sản xuất mới.
Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong hai tháng đầu năm 2019, có nhiều tín hiệu phục hồi từ kinh tế Mỹ và Nhật Bản, sự lạc quan bước đầu trong đàm phán thương mại Mỹ -Trung đã góp phần làm hạ nhiệt thị trường tài chính và hàng hóa thế giới. Tuy nhiên, tiến trình Brexit có nhiều dấu hiệu không tích cực, Ngân hàng trung ương Anh cảnh báo về một cú sốc trên thị trường tài chính nếu nước này và EU không thể đạt được thỏa thuận. Thương mại và đầu tư toàn cầu đều có dấu hiệu tiếp tục suy giảm.
Bên cạnh đó, những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và bất ổn địa chính trị trên thế giới đã khiến bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2019 kém lạc quan. Nhiều tổ chức uy tín trên thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Liên hợp quốc… đều có những dự báo và nhận định không mấy khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Theo đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2019 lần thứ 2 trong vòng 3 tháng qua, giảm từ mức 3,7% xuống còn 3,5% , OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 sẽ chỉ tăng 3,5%.
Theo IMF, 4 đám mây đen lớn đang bao phủ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, gồm: căng thẳng thương mại và sự leo thang của các hàng rào thuế quan; tình trạng thắt lưng buộc bụng về tài chính của các quốc gia; những bất ổn liên quan việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu; nguy cơ hụt hơi của nền kinh tế Trung Quốc.
Cũng theo IMF, nếu 4 đám mây đang bao phủ nền kinh tế thế giới không sớm được xua tan, nguy cơ thế giới phải đối mặt với một cơn bão kinh tế là điều có thể xảy ra.
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả tích cực
Trước những diễn biến khó lường trên thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực. Lạm phát được kiểm soát tương đối tốt dù tháng 2 là tháng Tết âm lịch với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ tăng cao; công tác điều hành giá cả hợp lý trước những diễn biến trên thị trường hàng hóa thế giới, đảm bảo không gây sức ép bất lợi tới lạm phát; thị trường tài chính tiền tệ diễn biến tích cực.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ được hưởng nhiều động lực. Bao gồm: Đà tăng trưởng kinh tế cao vào toàn diện trong năm 2018; Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển; Kết quả đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Cùng với đó, nền kinh tế đã, đang và tiếp tục được bổ sung thêm nhiều năng lực sản xuất mới; hoạt động thương mại quốc tế mở rộng tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2019 và động lực từ các ngành, lĩnh vực then chốt, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò là động lực nòng cốt đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; du lịch phát triển mạnh, tác động lan tỏa tới nhiều ngành dịch vụ khác; ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh những thuận lợi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ, như nguy cơ lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam, cũng như thay đổi chuỗi cung ứng khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng gia tăng. Công cuộc hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tuy đã có bước chuyển mạnh mẽ, nhưng còn gặp rất nhiều thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, FTA với EU…) đòi hỏi yêu cầu cao hơn và phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng so với yêu cầu tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời, xu hướng đô thị hóa với sự di cư của người dân ra thành phố đang tạo nên sức ép về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam. Chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Việt Nam đang đối mặt với biến đổi khí hậu ngày càng nhanh và tác động mạnh hơn. Nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế vẫn đang hiện hữu.
“Cuộc cách mạng khoa học 4.0 buộc các nước đang theo đuổi chiến lược phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư nước ngoài như nước ta phải có những điều chỉnh trong chính sách phát triển kinh tế, đặc biệt những ngành nghề mà Việt Nam đang phát triển với lợi thế lao động giá rẻ, lao động phổ thông không còn phù hợp dẫn đến nguy cơ dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp là rất lớn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra những thách thức đối với kinh tế Việt Nam.