VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Những quyết sách được Quốc hội thông qua năm 2019

Không uống rượu bia khi lái xe, nâng tuổi nghỉ hưu, thêm một ngày nghỉ lễ trong năm… là những quyết sách được Quốc hội thông qua năm nay.

Đã uống rượu bia thì không lái xe

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2019), quy định cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

  Một phiên họp toàn thể tại hội trường của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Thắng    Một phiên họp toàn thể tại hội trường của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Thắng

Luật Giao thông đường bộ trước đó đã quy định lái xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường thì tuyệt đối không được uống rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở không được có nồng độ cồn). Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy chỉ được uống ở mức pháp luật cho phép – nồng độ cồn trong máu không vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Như vậy, một trong những điểm mới của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là bổ sung quy định cấm uống rượu, bia với người điều khiển xe máy. Nghĩa là người đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông.

Luật này còn quy định nhiều nhóm hành vi bị nghiêm cấm khác, như: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia và bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

Rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị cấm quảng cáo dưới mọi hình thức. Các doanh nghiệp, cá nhân không được cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.

Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa

Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng được Quốc hội thông qua hồi tháng 6, quy định, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; việc biên soạn sách giáo khoa được xã hội hoá.

Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng và quyết định ban hành sách giáo khoa sử dụng trong cả nước. UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Tiếng Việt được quy định là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục; căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể, Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các nhà trường.

Luật quy định 6 hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục gồm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên của cơ sở giáo dục và người học; xuyên tạc nội dung giáo dục; gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; hút thuốc, uống rượu, bia, gây rối an ninh, trật tự; ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.

Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.

Nâng tuổi nghỉ hưu

Tháng 11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với nam là đủ 62 tuổi vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035.

Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 3 tháng với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ.

Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…. có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn. Lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được nghỉ hưu muộn hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định.

Về nghỉ lễ, tết, ngoài 10 ngày nghỉ theo quy định hiện hành (gồm Tết Dương lịch, Tết âm lịch, ngày thống nhất đất nước, Quốc tế lao động, Quốc khánh, Giỗ tổ Hùng Vương), Bộ luật bổ sung thêm một ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh. Chính phủ sẽ lựa chọn ngày nghỉ vào 1/9 hoặc 3/9 tuỳ theo lịch từng năm.

Bộ Luật Lao động cũng quy định doanh nghiệp chỉ được sử dụng lao động làm thêm giờ khi có sự đồng ý. Số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường mỗi ngày. Nếu doanh nghiệp tính giờ làm việc theo tuần, tổng số giờ làm việc và làm thêm không quá 12 giờ mỗi ngày; không quá 40 giờ mỗi tháng.

Bộ luật cũng nêu rõ, doanh nghiệp đảm bảo giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ mỗi năm.

Các ngành, nghề được làm thêm đến 300 giờ mỗi năm gồm: Sản xuất dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; công việc đòi hỏi lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường không cung ứng đầy đủ; giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn vì có tính thời vụ; thiên tai, hoả hoạn, thiếu điện, sự cố dây chuyền sản xuất.

Với các trường hợp làm thêm đến 300 giờ, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh.

Bộ luật lao động (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021.

Miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng được thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Luật này bổ sung quy định miễn thị thực 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển (hiện cả nước có 18 khu, bao gồm hai huyện đảo Phú Quốc, Vân Đồn). Luật giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển nào được miễn thị thực nếu đáp ứng đủ bốn điều kiện.
Đảo Phú Quốc là khu kinh tế ven biển duy nhất hiện nay đủ điều kiện miễn thị thực cho người nước ngoài. Ảnh: Hữu Khoa

Đảo Phú Quốc – khu kinh tế ven biển đủ điều kiện miễn thị thực cho người nước ngoài. Ảnh: Hữu Khoa

Các điều kiện gồm: Có sân bay quốc tế, không gian riêng biệt; ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.

Ba hình thức kỷ luật cán bộ về hưu bị phát hiện vi phạm

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua tháng 11/2019.

Theo Luật này, mọi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ hưu đều bị xử lý; tuỳ theo tính chất, mức độ nghiêm trọng mà người vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc kỷ luật.

Ba mức kỷ luật cán bộ nghỉ hưu gồm: khiển trách, cảnh cáo, xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Mỗi hình thức kỷ luật được gắn với hệ quả pháp lý tương ứng. Chính phủ sẽ quy định chi tiết các hệ quả pháp lý này.

Cán bộ nghỉ hưu có vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1/7/2020 cũng bị xử lý theo Luật này.

Với cán bộ đương chức, Luật vẫn giữ sáu mức kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Luật cũng bỏ loại hợp đồng không thời hạn với người được tuyển dụng làm viên chức từ 1/7/2020, chỉ quy định một loại hợp đồng có thời hạn. Hợp đồng sẽ do bên tuyển dụng và người được tuyển dụng xác định, trong đó thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Khi hợp đồng hết hạn, nếu không ký tiếp với người được tuyển dụng, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Các trường hợp vẫn được ký hợp đồng không thời hạn gồm: viên chức tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ chuyển sang làm viên chức; vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Luật này có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.

Chính phủ chọn nhà đầu tư sân bay Long Thành

Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) được Quốc hội thông qua hồi tháng 11.

Theo đó, giai đoạn một dự án này sẽ gồm một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ, với công suất 25 triệu hành khách một năm và 1,2 triệu tấn hàng hoá mỗi năm.

Trước đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được đề xuất giao là nhà đầu tư, thực hiện dự án. Tuy nhiên, trong Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ chọn nhà đầu tư; việc chọn nhà đầu tư phải đảm bảo quốc phòng, an ninh và lợi ích của nhà nước, lợi ích của quốc gia cũng như quản lý của nhà nước về hàng không, quân sự.

Quốc hội cũng lưu ý, vốn đầu tư giai đoạn một dự án sân bay Long Thành phải là vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ. Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn một gần 111.690 tỷ đồng (khoảng 4,77 tỷ USD).

Dự án bổ sung hai tuyến giao thông kết nối, gồm tuyến số một nối với quốc lộ 51 và tuyến số 2 nối với đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. Cũng tại Nghị quyết này, Quốc hội đồng ý giảm diện tích đất quốc phòng từ 1.050 ha còn 570 ha dành riêng cho quốc phòng; 480 ha xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng.

Hà Nội thí điểm chính quyền đô thị

Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị ở Hà Nội được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Theo đó, từ tháng 7/2021, chính quyền các phường thuộc quận, thị xã tại thủ đô sẽ chỉ còn UBND; các cấp chính quyền khác vẫn gồm HĐND và UBND.

UBND phường sẽ gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và công chức khác, trong đó Chủ tịch có quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của phường do mình quản lý.

Chủ tịch, Phó chủ tịch phường do Chủ tịch UBND quận, thị xã bổ nhiệm. Chủ tịch phường chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND, Chủ tịch quận, thị xã về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; trực tiếp quản lý công chức phường theo quy định. Khi Chủ tịch phường vắng mặt thì Phó chủ tịch được uỷ nhiệm thay mặt điều hành và giải quyết công việc trên địa bàn.

UBND phường được đề xuất các chương trình, dự án đầu tư công dùng vốn ngân sách nhà nước; thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý; đề xuất các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng chống tội phạm.

Năm 2019, Quốc hội thông qua 18 Luật, Bộ luật và 27 nghị quyết.

Các Luật được thông qua tại kỳ họp thứ 7: Giáo dục (sửa đổi); Kiến trúc; Quản lý thuế (sửa đổi); Đầu tư công; Thi hành án hình sự; Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

Các Luật, Bộ luật được thông qua tại kỳ họp thứ 8: Lao động (sửa đổi); Chứng khoán (sửa đổi); Thư viện; Lực lượng dự bị động viên; Dân quân tự vệ; Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Kiểm toán nhà nước (sửa đổi, bổ sung); Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi, bổ sung).
Nguồn VnExpress-TT