VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Những thách thức mà lao động của Việt Nam sẽ gặp phải từ Hiệp định EVFTA

 – Mặc dù lao động của Việt Nam có ưu thế là khéo léo và chăm chỉ, nhưng trong tương lai, với công nghệ 4.0 máy móc, thiết bị có thể làm chính xác hơn rất nhiều so với con người. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với nguồn lao động Việt Nam.
Công nghệ 4.0 có thể thay thế nguồn lao động Việt Nam
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) sẽ không làm tăng thêm cũng không làm giảm bớt ưu thế về nguồn lao động của Việt Nam. Và những cam kết về di chuyển nguồn lao động rất chặt chẽ, nên nguy cơ Việt Nam bị mất nguồn lao động chất lượng cao hay bị cạnh tranh quá mức sẽ khó xảy ra.
Cũng theo bà Trang, các yêu cầu về tiêu chuẩn lao động trong Hiệp định EVFTA thể làm cho chi phí tuân thủ của các ngành hàng nói chung và ngành dệt may nói riêng cao hơn. Đây có thể là một thách thức đối với lao động trong ngành dệt may của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu làm tốt thì đây chính là chứng nhận cho sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Liên quan đến những thách thức về lao động khi thực thi Hiệp định EVFTA, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cũng chia sẻ, lao động của Việt Nam có ưu thế là chất lượng tốt, khéo léo, chăm chỉ tạo ra sản phẩm made in Việt Nam được khách hàng ở nhiều nước ưa chuộng. Tuy nhiên, trong tương lai, với công nghệ 4.0 máy móc, thiết bị có thể làm chính xác hơn rất nhiều so với con người thì liệu lao động Việt Nam sẽ gặp thách thức. “Giá lao động ở Việt Nam đang có xu hướng tăng cao, nó gây áp lực lên doanh nghiệp. Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam thấp. Dân số đang có xu hướng già hóa, sẽ không còn là lợi thế lao động của Việt Nam. Đây là những thách thức thực tế đặt ra cho ngành dệt may của Việt Nam”, bà Trang chia sẻ.
Lao động của Việt Nam có ưu thế là chất lượng tốt, khéo léo, chăm chỉ tạo ra sản phẩm made in Việt Nam được khách hàng ở nhiều nước ưa chuộng. Ảnh minh họa
Lao động của Việt Nam có ưu thế là chất lượng tốt, khéo léo, chăm chỉ tạo ra sản phẩm made in Việt Nam được khách hàng ở nhiều nước ưa chuộng. Ảnh minh họa
 Liên quan đến vấn đền này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam sẽ cạnh tranh lao động với các doanh nghiệp trong nước. Và họ sẵn sang bỏ ra một mức chi phí cao hơn lương của các doanh nghiệp Việt Nam đang trả và điều đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh. Đây cũng là thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Doanh nghiệp cần phải biết các quy định khi kinh doanh với EU
Trả lời câu hỏi các doanh nghiệp cần làm gì để thực thi tốt nhất Hiệp định EVFTA, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương cho biết, để chuẩn bị cho việc phê chuẩn hiệp định này, Chính phủ đã có sự chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, ngành để chuẩn bị hồ sơ để sau đó trình lên Chính phủ, Chủ tịch nước và Quốc hội phê chuẩn.
“Trước khi Quốc hội phê chuẩn, Quốc hội luôn quan tâm đến việc triển khai các chương trình hành động để thực thi tốt hiệp định này. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng cụ thể các chương trình hành động để sau này có cơ chế phối hợp tổng thể để kiểm tra, giám sát, điều phối những hoạt động đó để bắt tay thực thi hiệp định một cách hiệu quả”, ông Thái thông tin.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng chia sẻ, doanh nghiệp cần phải biết đối với hiệp định này khi kinh doanh với thị trường EU thì sản phẩm, ngành hàng của doanh nghiệp sẽ được ưu đãi gì, sẽ có tác động như thế nào?.
Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2018, ghi nhận phản hồi của trên 8.600 doanh nghiệp với câu hỏi “Doanh nghiệp hiểu biết gì về các hiệp định?”. Kết quả, Hiệp định EVFTA có tỷ lệ 65% doanh nghiệp biết về Hiệp định này. Tuy nhiên, trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp đã tìm hiểu về EVFTA chiếm 21% và tìm hiểu tương đối kĩ chỉ chiếm 1,5%. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu hiệp định.
“Chúng tôi đang cố gắng dịch những cam kết trong hiệp định để cung cấp cho doanh nghiệp và tư vấn cho doanh nghiệp những trường hợp cụ thể. Đồng thời, chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các cam kết ở hiệp định thành quy định pháp luật cụ thể để doanh nghiệp biết mà tuân thủ”, bà Nguyễn Thị Thu Trang thông tin.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang đề nghị, Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nên sớm đưa ra những dòng thuế ở trong từng mặt hàng một, cần phải có thông tin cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần phải tổ chức nhiều hơn nữa các buổi hội thảo để truyền tải thông tin đến doanh nghiệp vì hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ về Hiệp định EVFTA.
Theo Bộ Công Thương, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ, v.v. là rất đáng kể.
Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019 – 2023); 4,57-5,30% (năm 2024 – 2028) và 7,07-7,72% (năm 2029 – 2033).
Nguồn -TT