VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Những thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng

Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Trung Quốc là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất trong 10 tháng qua…

Trong cơ cấu nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc thì xăng dầu tăng mạnh nhất, với 94,9%.

So với cùng kỳ năm ngoái, hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong 10 tháng năm nay đã tăng 12,8%. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng với con số 12,4%.
Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến hết tháng 10/2018 ước tính đạt 200 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Còn kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 193,84 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ bản, các thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam không có sự thay đổi đáng kể so với năm ngoái, có chăng chỉ là thay đổi con số tăng trưởng giữa các thị trường.
Theo đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 39 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Ba nhóm hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ có sự tăng trưởng lớn nhất là điện thoại và linh kiện tăng 43,7%; giày dép tăng 15,9% và hàng dệt may tăng 13,6%.
Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là EU đạt 34,9 tỷ USD trong 10 tháng qua, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao sang thị trường này là điện tử, máy tính và linh kiện tăng 26,5%; hàng dệt may tăng 14,8% và điện thoại và linh kiện tăng 6,6%.
Thị trường xuất khẩu xếp thứ ba là Trung Quốc với 32,1 tỷ USD, tăng 21,3%. Trong đó, điện thoại và linh kiện có mức tăng mạnh nhất, đạt 117,1%. Tiếp theo là điện tử, máy tính và linh kiện tăng 29,3% và mặt hàng rau quả tăng 14,1%.
Thị trường xuất khẩu tiềm năng thứ tư của Việt Nam là ASEAN đạt 20,6 tỷ USD, tăng 14,5%. Trong đó có ngành hàng xuất khẩu tăng cao nhất là gạo tăng 132,6%; sắt thép tăng 56,7% và hàng dệt may tăng 38,4%.
Nhật Bản và Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu xếp thứ năm và thứ sau, với kim ngạch lần lượt là 15,3 tỷ USD (tăng 10,6%) và 15 tỷ USD (tăng 23,5%).
Về nhập khẩu, Trung Quốc tiếp tục là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất, với kim ngạch đạt 52,9 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng chú ý, trong cơ cấu nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này thì xăng dầu tăng mạnh nhất, với 94,9%. Sản phẩm nhập khẩu thứ hai có sự tăng trưởng mạnh là vải tăng 17,4%. Các ngành hàng như điện tử, máy tính và điện thoại và linh kiện tăng lần lượt 10% và 3,9%.
Đứng thứ hai trong bản đồ nhập khẩu của Việt Nam là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 39,2 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những ngành hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc có sự bứt phá mạnh là sắt thép tăng 19,4%; xăng dầu tăng 17,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 14,1%.
ASEAN vẫn là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều thứ ba, đạt 26 tỷ USD, tăng 13,1%. Còn Nhật Bản đứng thứ tư với kim ngạch 15,5 tỷ USD, tăng 14,6%.
EU và Hoa Kỳ là hai thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều thứ tư và thứ năm. Trong đó, nhập khẩu từ EU trong 10 tháng qua đạt 11,2 tỷ USD, tăng 12,1%; còn nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 10,6 tỷ USD, tăng 37,5%.

Nguồn VnEconomy-TT