VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Những yếu tố có thể cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam

 – Theo Bộ Công Thương, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm.

FDI giúp gia tăng nguồn vốn đầu tư phát triển

Đưa ra những dự báo xuất – nhập khẩu trong tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết, thông thường kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng cuối năm thường đạt khá cao so với đầu năm, do đây là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trên toàn cầu trong cả năm như Lễ Giáng sinh, tết Dương lịch, tết Âm lịch ở Việt Nam và một số nước châu Á… Do đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu trong thời gian sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ. Trong đó, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế với 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với nhiều nhà cung cấp khác nhờ hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ.

kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới   Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới

Trong đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết và dự kiến có hiệu lực năm 2020 đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất mới.

Một yếu tố nữa hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới là, vốn FDI đăng ký cấp mới trong tháng 10/2019 đạt mức cao nhất từ đầu, với trị giá đạt 1,86 tỷ USD. Tính chung cho 10 tháng năm 2019, tổng trị giá vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn cổ phần đạt 29,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. FDI không chỉ giúp gia tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng thu ngân sách, tạo thêm việc làm, mà còn thúc đẩy xuất khẩu, mang tới động lực tăng trưởng kinh tế.

“Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ dự báo sẽ tiếp tục tăng do sự chuyển dịch các đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam”, Bộ Công Thương cho hay.

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục tác động đến thương mại Việt Nam

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi trên, Bộ Công Thương cũng cho biết, đà tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn nhiều yếu tố bất lợi cản trở. Theo đó, nhiều tổ chức đã dự báo kinh tế thế giới trong thời gian tới tiếp tục giảm tốc. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 21/11 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, đồng thời cho biết không thấy có dấu hiệu kinh tế toàn cầu năm 2021 phục hồi mạnh do những rủi ro từ căng thẳng thương mại. OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,9% năm 2020, giảm 0,1 phần trăm điểm so với dự báo tổ chức này đưa ra hồi tháng 9 vừa qua.

Bên cạnh đó, trong tháng 10/2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,0% trong năm 2019, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 7 và là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009. Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi lên 3,4% trong năm 2020, nhưng dự báo này vẫn thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 7/2019.

“Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm. Ngoài ra, xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn gặp nhiều trở ngại do nước này tăng cường kiểm tra, siểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu”, Bộ Công Thương đưa ra yếu tố bất lợi cản trở xuất khẩu Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, chỉ số PMI, đo lường sức khỏe của ngành chế biến chế tạo trong những tháng gần đây không mấy khả quan. Trong tháng 10/2019, chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, xuống chỉ còn 50 điểm – mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Điểm sáng là số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, tuy nhiên tốc độ tăng đã có sự chậm lại rõ rệt. Xuất khẩu điện thoại các loại – mặt hàng có có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại.

“Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức. Trong đó, EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, cạnh  tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hoá nông sản, thuỷ sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế. Kiểm soát vấn đề chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đang là vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ. Trong khi đó, giá các mặt hàng nông, thuỷ sản đang trong xu hướng giảm”, Bộ Công Thương cho hay.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa từ nay đến cuối năm 2019 ở Nam Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 – 30%. Dòng chảy trên các sông thiếu hụt từ 20 – 50%.  Điều này sẽ khiến tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019 – 2020 nghiêm trọng hơn, trong khi xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ đến sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của khu vực trong thời gian tới.

Ngoài ra, xuất khẩu sang Mỹ tăng nhanh trong thời gian qua có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam.

NGuồn VNMedia.vn-TT