Khi Covid-19 khiến hơn 22,8 triệu người nhiễm và gần 800.000 người chết, cuộc săn tìm nguy cơ gây đại dịch mới trên toàn cầu trở nên cấp bách hơn.
Trong nhiều tháng qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chuẩn bị cho cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Mục tiêu là truy vết người đầu tiên nhiễm bệnh, để tìm hiểu họ đã đi đâu và làm gì. WHO hy vọng dấu vết này sẽ giúp tìm thấy loài động vật đã truyền nCoV sang người.
Chưa có thông tin về thời điểm bắt đầu và thành viên đội điều tra nguồn gốc Covid-19, nhưng có một điều rõ ràng là giới khoa học sẽ đối mặt với lỗ hổng kiến thức lớn về các loại virus trong môi trường và cách chúng truyền bệnh sang người.
Giới nghiên cứu ước tính có thể có hơn một triệu loại virus có thể lây nhiễm bệnh cho con người và công nghệ có thể giúp vẽ bức tranh rõ ràng hơn về những gì xảy ra và nơi có nhiều rủi ro.
Nhưng đến nay, chỉ một phần nhỏ trong số các mầm bệnh đó được xác định và khả năng nhận biết các triệu chứng của chúng trên cơ thể người còn nhiều hạn chế, do thiếu ngân sách hoạt động, phối hợp quốc tế và vấn đề chính trị trong lĩnh vực này.
Nhóm nghiên cứu của EcoHealth Alliance bắt dơi lấy mẫu xét nghiệm tìm virus ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: EcoHealth Alliance.
Vương Lâm Phát từng thực hiện hành trình như vậy. Giám đốc Chương trình Các bệnh truyền nhiễm Mới xuất hiện tại Đại học Y Duke-NUS ở Singapore đã đóng vai trò hàng đầu trong việc phát hiện virus gây hội chứng suy hô hấp SARS có liên quan tới dơi, loài động vật được cho là đã phát tán nCoV.
Ông Vương nói rằng trong khi còn nhiều điều chưa biết về các mầm bệnh này, thế giới nên chuẩn bị tốt hơn để đối phó với chúng, đặc biệt là bệnh liên quan tới virus hình vương miện (corona) mới xuất hiện trong hai thập kỷ qua, như SARS và hội chứng suy hô hấp Trung Đông MERS.
“Một số trong đó là ‘ẩn số chưa biết’, nhưng Covid-19 là một ẩn số đã biết”, ông Vương nói. “Chúng ta đã biết các loại virus này có thể giết chết con người… chúng ta có thể làm tốt hơn”.
Khoảng 70% mầm bệnh được phát hiện trong 50 năm qua có nguồn gốc động vật. Dơi được cho là nguồn gốc của một số dịch bệnh chết chóc nhất, như Ebola, Nipah và MERS, dù virus thường truyền qua vật trung gian khác, nơi chúng biến đổi hoặc kết hợp trước khi truyền sang người. nCoV nhiều khả năng cũng đến từ loài dơi, nhưng chúng đã truyền sang người như thế nào và ở đâu, vật trung gian là gì hoặc mọi thứ liên quan vẫn là ẩn số.
Giới khoa học từ lâu cảnh báo nguy cơ đại dịch xuất hiện ngày càng nhiều cùng với sự phát triển của con người. “Chúng ta đang sống ở hành tinh mà mỗi thập kỷ có thêm cả tỷ người. Dân số ngày càng đông, chúng ta khai thác môi trường nguyên sơ, chúng ta tạo ra và gia tăng áp lực lên hệ sinh thái. Điều này cũng làm tăng nguy cơ phá hủy hàng rào bảo vệ giữa con người và động vật”, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan nói.
“Thợ săn virus” trên khắp thế giới đang nỗ lực làm việc để hiểu biết nhiều hơn về các loại virus ẩn náu trong tự nhiên và cách con người tự đẩy mình vào nguy cơ nhiễm bệnh. Nhóm nghiên cứu của dự án PREDICT do Mỹ tài trợ đã dành cả thập kỷ để tăng cường năng lực toàn cầu với hy vọng tìm ra các loại virus có nguy cơ gây ra đại dịch.
Họ đã xác định được khoảng 1.000 virus mới trong chương trình, dự kiến kết thúc hồi đầu năm nhưng được gia hạn thêm 6 tháng vì Covid-19. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tham gia dự án đã cung cấp manh mối tốt nhất họ có về nguồn gốc của nCoV: loại virus ở dơi với 96% tương đồng được tìm thấy ở hang động phía tây nam nước này.
Nhưng 4% là khác biệt rất lớn. “Tinh tinh cũng có 96% bộ gene tương đồng với con người”, Jonna Mazet, giám đốc PREDICT, nói.
Khoảng cách di truyền lớn giữa nCoV và họ hàng tương đồng nhất trong tự nhiên cho thấy còn rất nhiều loại virus khác có thể được tìm thấy.
Mazet, giáo sư dịch tễ học và sinh thái học bệnh tại Trường Thú y Davis, thuộc Đại học California, nói nếu con người biết và lập được danh sách các loại virus trong tự nhiên, việc tìm kiếm nguồn gốc virus mới sẽ dễ dàng hơn.
“Nếu có dữ liệu này trước thời hạn, chúng ta sẽ không phải thực hiện việc truy vết nguồn gốc khó khăn như vậy”, bà nói. “Chúng ta đã biết khoảng 0,2% virus có khả năng lây bệnh cho người. Thậm chí còn chưa tới 1%”.
Mazet cho hay điều quan trọng không chỉ là biết cách Covid-19 xuất hiện mà còn phải tìm hiểu các loại virus khác có nguy cơ trở thành đại dịch. “Bạn không thể ngăn chặn nếu không biết về điều mình đang ngăn chặn. Bạn phải nghiên cứu để biết điều đó”, bà nói.
Giáo sư dịch tễ học muốn nói tới nghiên cứu công nghệ cao trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học, kiểm tra các loại virus đã biết hoặc chưa biết qua xét nghiệm máu, nước bọt và mẫu phân thu thập từ dơi và nhiều động vật khác, thậm chí cả con người, để truy tìm nguồn lây nhiễm.
Nó cũng bao gồm công việc công nghệ thấp như khảo sát thói quen hàng ngày có thể khiến con người nhiễm bệnh, hoặc đặt camera trong tự nhiên để theo dõi các loài động vật có ăn trái cây bị nhiễm nước bọt của dơi mang virus hay không.
Đây là kỹ thuật được Wanda Markotter, giám đốc trung tâm bệnh truyền nhiễm tại Đại học Pretoria, Nam Phi thực hiện để tìm kiếm virus. Bà đã theo dõi nhiều loại virus từ loài dơi liên quan tới các căn bệnh chết người như Ebola và bệnh dại.
Markotter cho rằng còn quá sớm để biết Nam Phi có trở thành điểm nóng Covid-19 hay không. Đội của bà vẫn chưa tìm thấy dấu vết của virus, nhưng cho biết “mới chỉ xét nghiệm được 200 con dơi móng ngựa”.
Rào cản khi chuẩn bị ứng phó với mối đe dọa từ virus là có nhiều hạn chế về ngân sách cần thiết cho nghiên cứu. Hơn nữa, chính phủ các nước có thể không hỗ trợ giám sát sinh học cơ bản và liên tục.
Markotter nói rằng sự phức tạp về kỹ thuật và hạn chế về thời gian, ngân sách đồng nghĩa các nhà khoa học không thể đủ năng lực xét nghiệm nhiều loại virus trong một nghiên cứu, hoặc xem liệu chúng có tồn tại trên loài khác, như con người hoặc vật chủ trung gian, hay không.
“Chỉ lấy mẫu và xét nghiệm dơi không thể giúp bạn phòng ngừa và dự đoán, bạn cần nhiều hơn thế”, bà nói.
Nhiều nhà tài trợ đã kêu gọi mở rộng nghiên cứu trong vài năm gần đây, nhưng Markotter cho rằng còn rất nhiều việc cần làm để vẽ ra bức tranh toàn diện về mối đe dọa của virus, cũng như việc phát triển vaccine và chẩn đoán các đợt bùng phát trong tương lai.
“Tôi hy vọng Covid-19 sẽ là lời cảnh tỉnh thực sự”, bà nói.
Các nhà khoa học hy vọng Covid-19 sẽ khiến lãnh đạo thế giới xem nguy cơ đại dịch từ virus là mối ưu tiên lớn hơn. David Morens, cố vấn cấp cao của giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói rằng mối đe dọa từ đại dịch nên được xem “ngang hàng” với vũ khí hạt nhân và hóa học và đòi hỏi nỗ lực chung để ngăn chặn.
“Ngăn chặn đại dịch là nỗ lực quốc tế, không quốc gia nào có thể làm một mình”, ông nói.
Mazet, giám đốc PREDICT, đang tham gia vào sáng kiến Global Virome Project, với mục tiêu lập danh sách hầu hết các loại virus chưa biết, dự án cần sự chia sẻ dữ liệu quốc tế.
“Tất cả bằng chứng đều cho thấy mối đe dọa và số loại virus có thể lây bệnh cho người đang tăng theo cấp số nhân. Hy vọng rằng đây không chỉ là một kế hoạch nằm trên giấy”, bà nói.
Nguồn vnexpress.net-TT