VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Nông sản Hải Dương chờ giải cứu

     Hàng chục ngàn tấn nông sản tại Hải Dương, trong đó có hàng ngàn tấn đang nằm trong kho lạnh chờ xuất khẩu, đã bị ùn ứ sau khi UBND TP Hải Phòng ra thông báo tạm dừng tiếp nhận hàng hóa từ Hải Dương.
Đặc biệt, theo yêu cầu của TP Hải Phòng, lái xe của địa phương này đi từ Hải Dương về sẽ phải được cách ly tập trung khiến cho việc vận chuyển hàng hóa bị “đóng băng”.
Trong khi lãnh đạo tỉnh Hải Dương kêu cứu khắp nơi sau khi bị “ngăn sông cấm chợ”, lãnh đạo TP Hải Phòng cho rằng việc áp dụng các biện pháp mạnh này là cần thiết do dịch Covid-19 tại Hải Dương ngày càng phức tạp.
Các phương tiện vận chuyển hàng hóa ra vào TP Hải Phòng, đặc biệt là phương tiện đến từ Hải Dương, đều bị kiểm soát chặt - Ảnh: Tiến Thắng    Các phương tiện vận chuyển hàng hóa ra vào TP Hải Phòng, đặc biệt là phương tiện đến từ Hải Dương, đều bị kiểm soát chặt – Ảnh: Tiến Thắng
Hàng chục ngàn tấn hàng bị ứ đọng
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18/2, ông Trần Văn Quân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương – cho biết địa phương này đang có khoảng 10.000 tấn cà rốt và 3.000 tấn rau đang bảo quản trong kho mát, chưa kể 30.700 tấn cà rốt và 5.500 tấn rau đến kỳ thu hoạch.
Ngoài ra còn có 1.000 tấn heo sữa, rau chế biến bảo quản trong kho cấp đông cùng nhiều mặt hàng khác đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, thương lái không đến thu mua do việc đi lại phải trải qua quá nhiều thủ tục.
Theo kế hoạch, 80% lượng nông sản nói trên sẽ được xuất khẩu qua cảng Hải Phòng từ nay đến cuối tháng 2/2021, các doanh nghiệp (DN) cũng đã ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài để đặt lịch tàu biển.
Tuy nhiên, từ ngày 16/2, UBND TP Hải Phòng ra thông báo tạm dừng tiếp nhận tất cả hàng hóa từ Hải Dương và có quy định lái xe Hải Phòng nếu đi từ Hải Dương về sẽ phải cách ly tập trung khiến các DN, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh này lao đao.
“Quy định này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu nông sản của Hải Dương, khi phần lớn đơn vị nhập đều là DN tại Hải Phòng. Nếu sau khi vận chuyển hàng về phải đi cách ly, các lái xe người Hải Phòng sẽ không đến Hải Dương để lấy hàng nữa, hàng hóa tại Hải Dương không được thu mua” – ông Quân nói.
Đồng thời cho rằng yếu tố thời gian ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng nông sản, nếu để quá chỉ vài ngày là đã có thể gây thiệt hại lớn cho người dân và DN tại Hải Dương.
Theo ông Phạm Xuân Thăng – bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, địa phương này có nhiều khu công nghiệp, hàng hóa đều xuất khẩu và nhập khẩu linh kiện. Do đó, nếu các địa phương lân cận không cho xe chở hàng lưu thông sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất, trong khi chỉ đạo của Thủ tướng nhấn mạnh dù phong tỏa hay cách ly vẫn phải tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo điều kiện sản xuất.
“Hải Dương đã và đang quyết liệt với nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ Covid-19. Cụ thể, tại các chốt kiểm soát, chúng tôi yêu cầu tất cả lái xe, phụ xe phải làm xét nghiệm và phải có kết quả âm tính mới được ra vào. Vì thế, chúng tôi mong muốn các địa phương khác hỗ trợ Hải Dương trong cuộc chiến chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo sản xuất phát triển kinh tế” – ông Thăng nêu.
Không thể “ngăn sông cấm chợ”
Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Tùng – chủ tịch UBND TP Hải Phòng – cho rằng việc địa phương này áp dụng các biện pháp mạnh, trong đó có việc tạm dừng tiếp nhận hàng hóa từ Hải Dương vào địa bàn, là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại Hải Dương và một số địa phương.
Tuy nhiên, địa phương cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét từng trường hợp cụ thể, gắn với yêu cầu bảo đảm các điều kiện như có hợp đồng, đơn hàng cụ thể và có các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.
Cụ thể, lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus corona bằng phương pháp PCR và có giấy xác nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương trong ba ngày gần nhất. Lái xe chở hàng hóa từ Hải Phòng vào Hải Dương phải có xác nhận của chủ phương tiện hoặc chính quyền địa phương, khi trở về phải ở khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và phải lấy mẫu xét nghiệm.
“Trường hợp cố tình vi phạm hoặc bỏ về nhà sẽ bắt buộc vào nơi cách ly tập trung, phải tự trả chi phí cách ly cũng như sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định”, ông Tùng khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Quân, Hải Phòng vẫn chưa có văn bản chính thức về nội dung này và thực tế hàng nông sản trên địa bàn vẫn gặp khó khăn trong vấn đề thông thương. “Để tháo gỡ cho bà con nông dân tại Hải Dương, cần có cơ chế hỗ trợ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương nhằm giúp hàng hóa vận chuyển đảm bảo khơi thông hiệu quả” – ông Quân nêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 18/2, ông Lê Văn Thành, chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết sau khi nắm được thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương và UBND TP Hải Phòng phối hợp thống nhất chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho các xe container chở nông sản Hải Dương ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu thuận lợi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh nông sản.
Chẳng hạn, phải thống nhất quy định lộ trình, thời gian, tần suất vận chuyển nông sản xuất khẩu từ Hải Dương đến cảng Hải Phòng.
“Cần thiết lập đội lái xe, bốc dỡ chuyên trách, điểm bốc dỡ hàng hóa cụ thể theo quy định, kiểm soát chặt chẽ đội ngũ lái xe vận chuyển nông sản. Áp dụng biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện phun khử trùng phương tiện, bao bì hàng hóa” – ông Thành nói, đồng thời cho rằng các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng là “không được ngăn sông cấm chợ”.
Nhà bán lẻ cam kết hỗ trợ tiêu thụ
Một lượng lớn nông sản đến kỳ thu hoạch của người dân Hải Dương đang gặp khó khăn trong khâu vận chuyển đi tiêu thụ, cung ứng cho đối tác – Ảnh: T.Thắng
Trước tình hình nông sản tiêu thụ tại Hải Dương gặp khó khăn, một số doanh nghiệp thương mại, phân phối đã tham gia “giải cứu”. Theo đó, Công ty Central Group và hệ thống BigC đã tích cực thu mua, tiêu thụ nông sản thực phẩm cho nông dân để phân phối trong hệ thống bán lẻ.
Hệ thống MM Mega Market cũng có đề nghị phối hợp với Hải Dương trong việc phối hợp với các hộ sản xuất, kinh doanh và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh để thu mua, vận chuyển đưa mặt hàng nông sản từ tỉnh Hải Dương đến người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố khác nhằm “giải cứu” lượng nông sản tồn tại trên địa bàn tỉnh.
Đại diện hệ thống này cho hay sẵn sàng cử nhân viên phụ trách thu mua và kiểm soát chất lượng để phối hợp cùng địa phương tổ chức thu mua cũng như sẵn sàng cung ứng mặt hàng nhu yếu phẩm mà Hải Dương có nhu cầu.
Cần bố trí khu vực riêng cho giao thương hàng hóa
Cùng ngày, Sở Công thương tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi Sở Công thương các địa phương lân cận đề nghị quan tâm hỗ trợ, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan tạo điều kiện hỗ trợ Hải Dương được vận chuyển hàng hóa ra, vào khi đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo quy định.
Trong văn bản gửi đến Sở Công thương Hải Phòng, Sở Công thương tỉnh Hải Dương cho hay nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản thực phẩm, nguyên vật liệu sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa trở lại tăng nhiều hơn sau kỳ nghỉ tết.

Chuyện khó tin: Xuất khẩu nông sản Việt giảm hơn một nửa vì thiếu… container

Do đó, để tạo điều kiện đảm bảo vận hành thông suốt hàng hóa, nông sản thực phẩm, nguyên vật liệu, đề nghị Hải Phòng cho phép phương tiện, người lái, người giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương được ra, vào địa phương để lưu thông hàng hóa, kịp thời tiêu thụ nông sản, thực phẩm, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu sản xuất và thông quan xuất khẩu theo đúng kế hoạch.
Tham mưu với UBND tỉnh Hải Phòng bố trí khu vực riêng biệt, đảm bảo đầy đủ quy định phòng dịch để tạo điều kiện thông thương, trao đổi hàng hóa nông sản, thực phẩm.
Sở Công thương tỉnh Hải Dương cũng gửi danh sách các doanh nghiệp cung ứng, thu mua chế biến nông sản, thực phẩm có người, phương tiện đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch cần ra vào Hải Phòng để tiêu thụ nông sản, thực phẩm để địa phương tạo điều kiện cho phương tiện qua lại các chốt, trạm giao nhận hàng hóa thuận tiện.

Nguồn TTO-TT