158 mục tiêu cụ thể
Bộ chỉ tiêu thống kê về PTBV của Việt Nam được xây dựng với sự phối hợp và tham vấn chặt chẽ giữa Tổng Cục thống kê với các bộ ngành và các đối tác liên quan.
“Bộ chỉ tiêu cung cấp những bằng chứng thực tiễn xác thực với số liệu phù hợp, đáng tin cậy, nhất quán, có thể so sánh với quốc tế và dễ tiếp cận nhằm theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể về PTBV quy định tại Quyết định 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”- Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm chia sẻ.
Trong đó: 38 chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia quy định tại Luật Thống kê 2015; 112 chỉ tiêu tương tự 101 chỉ tiêu PTBV ở cấp độ toàn cầu; 140 chỉ tiêu thống kê có lộ trình A (thực hiện từ năm 2019); 18 chỉ tiêu thống kê có lộ trình B (thực hiện từ năm 2025)…
17 mục tiêu chung và 158 mục tiêu cụ thể như: Xoá đói, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; đảm bảo nền giáo dục chất lượng, toàn diện, thúc đẩy cơ hội học tập cho tất cả mọi người, trong đó quy định tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên, tỷ lệ trường học có điện, internet, cơ sở hạ tầng, vệ sinh tiện lợi riêng rẽ cho từng giới tính; Quan tâm đến mục tiêu hạ tầng và nước (tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung); Mục tiêu về phát triển đô thị, nông thôn bền vững trong đó đề ra đến năm 2030, bảo đảm tất cả mọi người dân được tiếp cận với những dịch vụ cơ bản trong khả năng chi trả, xây mới, nâng cấp cải tạo các khu nhà ở không đảm bảo chất lượng, mở rộng giao thông công cộng thuận tiện, bền vững …; Về mục tiêu tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm, đề ra đến năm 2030 giảm đáng kể lượng chất thải phát sinh, giảm thiểu tái chế và tái sử dụng, thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải theo các cam kết quốc tế đã ký nhằm giảm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí tác động đến sức khỏe con người và môi trường…
Đặc biệt với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững, Bộ chỉ tiêu đề ra duy trì tăng trưởng GDP bình quân đầu người từ 4 – 4,5% và tăng trưởng GDP hàng năm trung bình từ 5-6%, tăng năng suất lao động thông qua đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cấp đổi mới công nghệ, tập trung vào các ngành tạo giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động
Lồng ghép với kế hoạch kinh tế – xã hội của bộ ngành, địa phương
Theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, mục tiêu Bộ chỉ tiêu là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, phục vụ cho việc theo dõi, giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu PTBV. “Bộ chỉ tiêu sẽ được sử dụng rộng rãi, thúc đẩy việc phối hợp giữa các bên có liên quan, đặc biệt giữa cơ quan của Chính phủ, địa phương, các DN, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng quốc tế trong thực hiện PTBV”- ông Lâm nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh thông tin thêm, để thực hiện các mục tiêu PTBV, Việt Nam phải tập trung vào thực hiện nhiều giải pháp quan trọng. Đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện các mục tiêu PTBV; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PTBV quốc gia.
Tại lễ công bố, nhiều diễn giả cho rằng, cần lồng ghép các mục tiêu này trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương… bắt tay vào việc xây dựng một số kế hoạch hành động nhằm tham gia sâu hơn vào việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu PTBV, phù hợp với những ưu tiên, yêu cầu và hoàn cảnh phát triển của mỗi địa phương.
Để đạt được mục tiêu PTBV, nguồn lực tài chính thực hiện sẽ rất lớn, ước tính tổng nhu cầu vốn cần bổ sung thêm trên 5 lĩnh vực chính là giáo dục, y tế, giao thông nông thôn, điện, nước đến năm 2030 khoảng 108,1 tỷ USD. Trong đó, khu vực công chỉ đáp ứng khoảng 75,8 tỷ USD. Như vậy riêng đối với 5 lĩnh vực nêu trên, Việt Nam cần phải bổ sung thêm 32,3 tỷ USD.
“Do đó, bên cạnh nguồn lực công cho thực hiện các mục tiêu PTBV, cần tập trung huy động nguồn lực từ tất cả các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân. Tạo điều kiện cho tư nhân tham gia thực hiện PTBV thông qua các cải cách thích hợp về thể chế, chính sách” – bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA chia sẻ.
“Bộ chỉ tiêu PTBV của Việt Nam sẽ giúp Việt Nam tiến một bước gần hơn đến việc xác định cơ chế giám sát việc thực hiện các mục tiêu PTBV” – TS Michael Krakowski – Cố vấn trưởng, Giám đốc Chương trình cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh GIZ Việt Nam |
Nguồn Kinhtedothi-TT