– Phát biểu tại Nghị trường chiều 27/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. Chính phủ và Thủ tướng chưa và sẽ không bao giờ chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu.
2019 khó khăn trong kiềm chế lạm phát
Trong phiên thảo luận kinh tế-xã hội ngày 27/10, nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện sự quan tâm đến việc kiểm soát lạm phát và chất lượng tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện đánh giá, chỉ số giá tiêu dùng CPI theo dự kiến cả năm bình quân tăng dưới 4%, thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội giao. Điều này thể hiện sự nỗ lực rất cao của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế.
Tuy nhiên, bà Hải e ngại, ngân sách nhà nước năm nay ít nhiều cũng bị ảnh hưởng trong cân đối thu chi trong thời gian còn lại của năm 2018 và áp lực này sẽ dồn đẩy sang năm 2019 trong việc điều hành thực hiện kiềm chế lạm phát. Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ cần phải có kế hoạch thật tốt cho việc thực hiện kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng và kiềm chế lạm phát trong năm 2019.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) nhận định, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế có thể thấy niềm tin và những động lực mới của cải cách đang được khơi dậy. Tuy nhiên, theo đại biểu Lộc, mặc dù giai đoạn 2016-2018 nền kinh tế tăng trưởng khả quan với tốc độ trung bình ước tính khoảng 6,57%/năm, nhưng việc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm trong cả giai đoạn 2016-2020 vẫn là thách thức rất lớn.
Ông Lộc cho biết, nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế Mỹ trong giai đoạn 2019-2020 đang được điều chỉnh theo hướng giảm đi, trong bối cảnh đó, các xu hướng về xuất khẩu và đầu tư trong thời gian tới sẽ khó khả quan và thuận lợi như trong 3 năm qua đối với nền kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, việc xác định các mục tiêu khác như thu chi ngân sách, nợ công… cần có sự thận trọng và cân nhắc kỹ, không nên dựa vào kế hoạch tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 6,5%.
“Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát “khoảng 4%” thay cho “dưới 4%” trong năm 2019, tới đây Quốc hội sẽ đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu này như thế nào?” – ông Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) thì nhắc lại, cách đây một năm, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc ban hành Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu và năm qua, công tác xử lý nợ xấu đã được triển khai và có nhiều chuyển biến tích cực. Nợ xấu đã giảm dần và đi vào quỹ đạo kiểm soát được. Tuy nhiên, theo đại biểu Sơn, những xung đột trong các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và một số quy định của nghị quyết này đang trở thành rào cản cho quá trình thực hiện nghị quyết này. Ông Sơn đề nghị Quốc hội và Chính phủ có sự chấn chỉnh kịp thời.
Đặc biệt, về thu hút đầu tư nước ngoài, đại biểu thành phố Đà Nẵng cho biết ông đồng tình với quan điểm của nhiều đại biểu rằng “coi trọng thu hút đầu tư FDI nhưng không phải và càng không thể bằng bất cứ giá nào”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Nghị trường chiều 27/10
Không nới lỏng kiểm soát lạm phát
Tham gia trả lời các đại biểu Quốc hội về nội dung này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Chính phủ không hề có động thái nào về nới lỏng kiểm soát lạm phát. Chính phủ phải đẩy mạnh xã hội hoá việc cung cấp các dịch vụ công nên việc đặt ra kiểm soát lạm phát khoảng 4% là cần thiết.”
Phó Thủ tướng nhấn mạnh kiểm soát lạm phát cũng là một trong các giải pháp để tiếp tục kiên định chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô được Đảng, Quốc hội đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Về phía Chính phủ, ổn định vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ, bảo đảm các cân đối lớn về thu chi ngân sách, cung cấp điện, thanh toán vãng lai, dự trữ ngoại hối, giữ mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất ở những lĩnh vực ưu tiên, điều hành tỷ giá thận trọng, theo tín hiệu thị trường, phối hợp tốt các giải pháp điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ và ngoại thương.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. “Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. Chính phủ và Thủ tướng chưa và sẽ không bao giờ chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu. Chúng ta thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ nhưng chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt. Chính phủ không có động thái nới lỏng kiểm soát lạm phát và sẽ điều hành chặt chẽ, cố gắng giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng, việc ổn định kinh tế vĩ mô sẽ giúp Chính phủ củng cố hơn nữa nền tảng tăng trưởng, tăng cường sự chống chịu của hệ thống ngân hàng trước sức ép của căng thẳng thương mại, sức ép gia tăng lãi suất của các nền kinh tế thế giới, đồng thời cơ cấu lại các lĩnh vực, ngành còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Ngoài ra, Chính phủ đang tính toán các động lực cho tăng trưởng từ nay tới năm 2020, trước khi xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.
Cùng với đó là tiếp tục phấn đấu đẩy nhanh khu vực trong nước, để kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; chọn lọc hơn đầu tư FDI, ưu tiên công nghệ cao, thân thiện với môi trường và sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp trong nước.
“Với sự vào cuộc của cả hệ thống sẽ đạt mục tiêu chất lượng tăng trưởng nhiệm kỳ này” – ông Vương Đình Huệ nói.
Về thị trường tài chính, Phó Thủ tướng cho biết nhiều chỉ tiêu đi trước kế hoạch 5 năm. Thị trường chứng khoán tăng trưởng đã giảm gánh nặng cung ứng vốn trung, dài hạn. Giảm mạnh nợ xấu, từ 10,08% năm 2016 xuống hiện còn 6,7%. Nợ xấu trong bảng cân đối kế toán còn khoảng 2% so với mức 2,56% đầu năm.
“Điểm sángncủa nhiệm kỳ này là Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Bộ Chính trị có Nghị quyết 07 về cơ cấu thu chi ngân sách và đảm bảo an toàn nợ công. Đại biểu băn khoăn nợ nước ngoài quốc gia tăng sát trần nhưng nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm nợ của Chính phủ và nợ của khối doanh nghiệp thì nợ Chính phủ đã giảm từ 60% xuống 40% trong cơ cấu nợ. Thủ tướng có hạn chặt chẽ cho nợ nước ngoài quốc gia. Xin hứa với Quốc hội là tiếp tục kiểm soát chặt cái này” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.