Thế giới đã tiến tới thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Ở khắp nơi trên thế giới, phụ nữ đã chứng minh rằng họ có thể gánh vác trách nhiệm phát triển kinh tê ë- xã hội, cũng như tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Sự ủng hộ ngày càng tăng đối với những mục tiêu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Phụ nữ tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội trên toàn thế giới. Ảnh: Council on Foreign Relations.
Những người phụ nữ tiên phong dám phá vỡ “xiềng xích” của chủ nghĩa cực đoan, định kiến để kiến tạo hòa bình, thịnh vượng đang là những câu chuyện truyền cảm hứng trên toàn thế giới.
Chuyện từ địa ngục
Mấy ngày gần đây báo chí khắp thế giới đã nói rất nhiều về các câu chuyện của những người phụ nữ dũng cảm đã dám đứng lên tố cáo sự bất bình đẳng, nạn bạo hành hay việc phân biệt mà không dám trao quyền cho phụ nữ. Câu chuyện mới nhất là bác sĩ người Congo Denis Mukwege và cô Nadia Murad vừa chính thức trở thành hai chủ nhân của giải Nobel 2018.
Bằng những cách riêng của mình, họ đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế đối với nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh, tạo tiền đề để tìm kiếm và xét xử thích đáng những kẻ gây ra tội ác này.
Nadia Murad 25 tuổi, là một nhà hoạt động nhân quyền người Yazidi, một cộng đồng sắc tộc tôn giáo người Kurd, đến từ tỉnh Sinjar, miền Bắc Iraq đã chia sẻ câu chuyện của mình với truyền thông quốc tế, trở thành một tiếng nói đại diện cho những phụ nữ và trẻ em gái bị bắt cóc.
Tháng 8-2014, cô là một trong số hơn 5.000 người Yazidi bị tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng bắt cóc và buộc phải làm nô lệ tình dục khi lực lượng này chiếm các vùng lãnh thổ ở miền Bắc Iraq đã là nhân chứng trực tiếp kể lại những tội ác chống lại phụ nữ và nhân loại.
Với vai trò là Đại sứ thiện chí tại Liên Hiệp Quốc ủng hộ những nạn nhân sống sót trong các vụ buôn bán người, Nadia Murad nhấn mạnh tuyên bố rằng: Một thế giới hòa bình chỉ có thể xây dựng nên nếu phụ nữ và các quyền cơ bản của nữ giới được công nhận và bảo vệ trong chiến tranh. Tuyên bố của Nadia Murad đã giúp thế giới hiểu rõ hơn về thực trạng đáng buồn, một góc khuất của thế giới và tình trạng bất bình đẳng vẫn xảy ra trên phạm vi toàn cầu.
Tuyên bố của cô cũng giúp thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia thông qua việc bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về các quyền cho nữ giới.
Gánh vác trách nhiệm
Câu chuyện của Nadia Murad cho thấy, thực ra phụ nữ đã làm được rất nhiều, chỉ có điều, điều này được ghi nhận không nhiều. Ở khắp nơi trên thế giới, phụ nữ đang chứng minh rằng họ có thể gánh vác trách nhiệm phát triển kinh tế -xã hội, cũng như tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Thế giới cũng đang chứng kiến sự ủng hộ ngày càng tăng đối với những mục tiêu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Chỉ cách đây vài ngày, California đã trở thành bang đầu tiên ở Mỹ đã luật hóa vai trò lãnh đạo của nữ giới. Bang đầu tiên tại Mỹ đã có quy định yêu cầu các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán phải có nữ giới trong ban giám đốc, một trong những luật mới nhằm khuyến khích hoặc bảo vệ nữ giới mà Thống đốc bang Jerry Brown ký ngày 30-9.
Theo đó, từ nay tới cuối năm 2018, mỗi tập đoàn đã niêm yết, có trụ sở tại California, sẽ phải có một thành viên ban giám đốc là phụ nữ. Các công ty cũng được yêu cầu tới cuối năm 2021, phải có 3 nữ giám đốc tùy theo số vị trí trong ban quản trị. Luật được áp dụng với các công ty có văn phòng quản trị đặt tại California.
Công ty không tuân thủ sẽ bị phạt 100.000 USD trong lần vi phạm đầu tiên và 300.000 USD cho các lần vi phạm tiếp theo. Luật cũng yêu cầu các công ty phải báo cáo thành phần ban quản trị với giới chức nếu không sẽ phải đối mặt với mức phạt 100.000 USD.
Trước đó, tại Hội nghị các nữ Ngoại trưởng đầu tiên trên thế giới kéo dài hai ngày vào cuối tháng 9-2018, tại thành phố Montreal, tỉnh Quebec, Canada, ngoại trưởng nước chủ nhà Chrystia Freeland khẳng định đây là “thời khắc lịch sử” khi lần đầu tiên các nữ ngoại trưởng của thế giới gặp nhau tại một hội nghị chính thức.
Đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini, đồng chủ trì hội nghị, đánh giá Hội nghị các nữ ngoại trưởng lần này có thể là nguồn cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới. Hội nghị đã tập trung thảo luận về các chủ đề: phụ nữ tham chính và vị trí lãnh đạo; tăng cường dân chủ; thúc đẩy hòa bình, an ninh; và chấm dứt nạn bạo lực giới.
Sự vươn lên của người phụ nữ đặc biệt mạnh mẽ ở các nước đạo Hồi. Ví dụ từ một nước đạo Hồi như Kuwait. Nước này đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực này trao đầy đủ các quyền chính trị cho phụ nữ. Động thái này sẽ mở đường cho phụ nữ Kuwait được đi bầu cử, tham gia tranh cử cũng như có thể giữ các cương vị lãnh đạo cấp cao. Đây là thành quả đạt được sau nhiều thập kỷ kiên trì kêu gọi và vận động của các nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ ở quốc gia giàu dầu mỏ này.
Dư luận cũng như truyền thông Trung Đông đã bày tỏ hoan nghênh và đánh giá tích cực về việc làm này của chính quyền Kuwait, cho rằng đây là động thái hướng tới sự tiến bộ về bình đẳng giới, vì quyền lợi chính đáng của phụ nữ Kuwait nói riêng và phụ nữ vùng Vịnh nói chung. Việc trao các quyền chính trị đầy đủ và hợp pháp cho phụ nữ được giới quan sát đánh giá là sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị cho đến các dịch vụ xã hội… của nước này.
Động thái này được cho là cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội dành cho phụ nữ ở mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội với nhiều công việc ở vị trí cao vốn trước đây chỉ dành cho nam giới. Theo trang mạng Middle East Monitor, để có được các quyền về chính trị đầy đủ dành cho phụ nữ là cả một chặng đường dài ở quốc gia Trung Đông này. Phụ nữ Kuwait đã phải vượt qua nhiều rào cản cũng như khó khăn trở ngại để có được sự bình đẳng một cách toàn diện, một hiện tượng hiếm thấy ở khu vực bị chi phối bởi những người đàn ông quyền lực.
Tiến trình này đã và đang tiếp tục diễn ra ở Kuwait, gần đây đã có ngày càng nhiều phụ nữ được bổ nhiệm vào các vị trí cao trong bộ máy chính quyền, đã có người giữ ghế bộ trưởng hoặc các cấp hàm tương đương. Ở các trường đại học, cơ quan đại diện ngoại giao hay Quốc hội Kuwait đã có nhiều gương mặt nữ giới xuất chúng. Đây là một sự tiến bộ đáng ghi nhận và việc phụ nữ có đầy đủ các quyền chính trị có thể được coi là dấu mốc lịch sử đối với quốc gia Hồi giáo này.
Trực tiếp chống khủng bố và tự bảo vệ
Không chỉ biết làm chính trị, lo toan cho đất nước, mà những người phụ nữ ở Panama, Ấn Độ hay Indonesia đã biết tự bảo vệ mình thông qua các hoạt động chống khủng bố, thành lập đơn vị đặc nhiệm chống bạo hành phụ nữ. Nếu như ngành cảnh sát Panama đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm mới có nhiệm vụ phòng chống bạo hành phụ nữ trên toàn quốc, cũng như tham gia hỗ trợ và bảo vệ các nạn nhân trong những vụ án liên quan tới bạo hành phái yếu thì ở Indonesia phụ nữ Indonesia còn trực tiếp tham gia chống khủng bố.
Còn nhớ hàng loạt vụ đánh bom liều chết đẫm máu xảy ra có cả phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng lại chính là những vụ có nhiều phụ nữ và trẻ em gái đã bị lôi kéo tham gia, trong đó có những trẻ em dưới 10 tuổi. Điều này đã tạo ra cú sốc rất lớn đối với xã hội Indonesia. Nhiều phụ nữ sẵn sàng trở thành những chiến binh “tử vì đạo”.
Sự cần thiết của việc xem xét và giải quyết hiệu quả những vấn đề liên quan đến vai trò của phụ nữ trong các phong trào cực đoan – yếu tố cần thiết của cuộc chiến chống khủng bố – ngày càng gia tăng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra vai trò của phụ nữ trong chủ nghĩa khủng bố. Chẳng hạn như sinh ra những đứa trẻ và nuôi nấng chúng trở thành “những phần tử thánh chiến” bạo lực; giúp đỡ chồng mình trong các hoạt động khủng bố, kể cả việc chuẩn bị hậu cần; chăm sóc gia đình; hỗ trợ những người khác thực hiện các vụ khủng bố; tham gia các vụ đánh bom liều chết; phổ biến, tuyên truyền các tư tưởng thánh chiến và Hồi giáo vũ trang trên các mạng xã hội; truyền đạt những quan điểm cực đoan cho con cái mình và đóng góp vào việc gây quỹ để tiến hành các vụ khủng bố.
Nhiều phụ nữ tham gia khủng bố bởi họ được tiêm nhiễm ý nghĩ rằng một ngày nào đó họ sẽ được lên thiên đường nếu họ có thể cùng trợ giúp nam giới trong công cuộc thánh chiến, và nhất là khi những đứa con của họ được tham gia các “trọng trách” đặc biệt. Vì vậy, để hạn chế những nguy cơ trên, giới chức cần xây dựng một chính sách toàn diện, tập trung vào việc ngăn chặn và phòng ngừa.
Năm 2016, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các nước thành viên “đảm bảo sự tham gia và vai trò lãnh đạo của phụ nữ cũng như các tổ chức phụ nữ trong việc thúc đẩy các chiến lược chống khủng bố và chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực”. Tới đây Indonesia sẽ là quốc gia thành viên ASEAN đầu tiên có kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống và ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực do Cơ quan Chống khủng bố quốc gia (BNPT) khởi xướng.
Trụ cột đầu tiên của dự thảo kế hoạch hành động này là các biện pháp ngăn chặn, giúp phụ nữ trở thành những nhân tố hòa bình và phá vỡ “xiềng xích” của chủ nghĩa cực đoan.
Quan điểm về vai trò của phụ nữ trong cuộc chiến chống khủng bố, cực đoan dường như vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Các nhà lãnh đạo rõ ràng hiểu rõ phụ nữ có thể đóng nhiều vai trò tích cực trong việc ngăn chặn bạo lực và ngăn chặn sự lây lan của tư tưởng và hành động cực đoan. Với vai trò là người lãnh đạo trong cộng đồng, là người mẹ, người vợ, người chị… họ có thể định hình giá trị của các thành viên cộng đồng.
Hiểu được vai trò và khả năng khác nhau của phụ nữ trong cuộc chiến này là một điểm quan trọng để thu hút cộng đồng trong việc đối phó và ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực và khủng bố. Tham gia và trao quyền cho phụ nữ trong việc chống khủng bố, đặc biệt là ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực đòi hỏi sự hiểu biết về thực hành văn hóa bình đẳng đối với vai trò của họ.
Trong Cách mạng công nghiệp 4.0
Không chỉ quyết liệt với vai trò trong công tác xã hội, chính trị, ngoại giao, vị thế người phụ nữ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng ngày càng rõ nét. Châu Á đang đi đầu trong công cuộc này. Hàng loạt câu chuyện thành công mang lại sự bình đẳng và đảm bảo sự phát triển đồng đều được duy trì trong tương lai.
Tại châu Á hiện nay diễn ra một nghịch lý, các bé gái thường có kết quả học tập tốt hơn bé trai ở trường học, sinh viên nữ cũng chiếm đa số trong giáo dục đại học ở một số quốc gia, tuy nhiên khả năng nhóm này có những đóng góp đáng kể cho sự hình thành cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn đang bị hạn chế.
Một báo cáo mới của Tổ chức Solutions for Youth Employment (S4YE) nhấn mạnh rằng sự chuyển đổi kỹ thuật số đang có ảnh hưởng sâu sắc đến những người trẻ tuổi, việc thiếu đầu tư vào tiềm năng của các trẻ em gái sẽ khiến những thách thức này khó giải quyết hơn khi những định kiến về giới tính dẫn đến vô số những trở ngại đối với các trẻ em gái, bao gồm việc tiếp cận bình đẳng với giáo dục chất lượng và đào tạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Trong các lĩnh vực tăng trưởng và có giá trị cao ở châu Á, chẳng hạn như công nghệ và kỹ thuật số, có rất ít đại diện là nữ giới và phụ nữ rất khó có khả năng lên được những vị trí lãnh đạo.
Số phụ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo chỉ chiếm 1/3 tại các nước ASEAN. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mức lương trung bình của phụ nữ tại châu Á ước tính thấp hơn 4,1 lần so với nam giới. Trong khi đó, chi phí của các công việc chăm sóc không lương mà người phụ nữ đảm trách trên toàn cầu là một con số đáng kinh ngạc là 10.000 tỷ USD.
Nguồn CAND-TT