“Mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Ôxy cạn kiệt. Rất khó để tìm giường bệnh. Không thể làm xét nghiệm vì phải chờ đợi hơn một tuần lễ. Hệ thống y tế gần như sụp đổ”, Ramanan Laxminarayan, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dịch bệnh tại New Delhi, cho biết.
Các lò hỏa táng hoạt động hết công suất cũng không đủ đáp ứng nhu cầu hỏa thiêu bệnh nhân tử vong vì Covid-19.
Làn sóng Covid-19 thứ ba ở Ấn Độ một phần do sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 mới được cho là nguy hiểm hơn và có tốc độ lây lan nhanh hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khác không kém phần quan trọng đó là sự chủ quan trong phòng dịch của người dân Ấn Độ, một số sai lầm về chính sách ứng phó của chính phủ và nhược điểm của hệ thống y tế.
Bất chấp dịch bệnh bùng phát, các sự kiện tập trung đông người vẫn diễn ra ở các địa phương của Ấn Độ như các đám cưới, các cuộc biểu tình.
Sau đợt phong tỏa toàn quốc lần đầu từ tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái, chính phủ Ấn Độ không có ý định phong tỏa toàn quốc lần hai với lý do lệnh phong tỏa ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.
Ấn Độ là quốc gia sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 lớn nhất thế giới, nhưng lại rơi vào nghịch lý: trong khi New Delhi theo đuổi “ngoại giao vắc xin” (viện trợ và xuất khẩu vắc xin cho nước ngoài) thì nguồn cung vắc xin trong nước không đủ đáp ứng. Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu vắc xin từ tháng 3 để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Báo động số người chết thực sự sau những giàn thiêu đỏ lửa ở Ấn Độ
(DTO) -Con số thống kê từ các lò hỏa táng hoạt động hết công suất tại Ấn Độ cho thấy số người chết vì Covid-19 thực tế cao gấp nhiều lần so với số liệu công bố chính thức.
Mỗi ngày chính phủ Ấn Độ ghi nhận hơn 300.000 ca mắc Covid-19 mới, chiếm gần một nửa số ca nhiễm trên toàn cầu và lập kỷ lục thế giới.
Làn sóng Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ đang nhanh chóng biến thành một cuộc khủng hoảng tàn khốc. Các bệnh viện quá tải bệnh nhân, nguồn cung ôxy cạn kiệt, những người tuyệt vọng cận kề với cái chết vẫn phải xếp hàng chờ gặp bác sĩ – và thu thập bằng chứng cho thấy, số người chết trên thực tế cao hơn nhiều so với con số báo cáo chính thức.
Mặc dù các số liệu được công bố về dịch Covid-19 tại Ấn Độ đã đủ khiến cả thế giới bàng hoàng, song các chuyên gia cho rằng những con số đó mới chỉ thể hiện một phần nhỏ tốc độ lây lan thực sự của vi rút khiến Ấn Độ rơi vào tình trạng khẩn cấp. Trên khắp đất nước vẫn còn hình ảnh những người bệnh nằm thoi thóp tại các bệnh viện hỗn loạn, trong khi chính các cơ sở y tế này cũng đang cạn kiệt ôxy cứu trợ.
Sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm trong những tuần gần đây đã làm dấy lên nghi ngờ về số người chết thực sự vì Covid-19 tại Ấn Độ. Theo con số công bố chính thức, số ca tử vong tại Ấn Độ hiện lên đến gần 200.000 người, với hơn 2.000 người chết mỗi ngày.
Các cuộc phỏng vấn do New York Times thực hiện tại các cơ sở hỏa táng trên khắp Ấn Độ, nơi các giàn thiêu hoạt động suốt ngày đêm, cho thấy số ca tử vong trên thực thế vượt xa số liệu chính thức.
Các nhà phân tích nhận định, các chính trị gia và giới chức y tế Ấn Độ có thể đã bỏ sót hoặc coi nhẹ số lượng người chết. Và vì xấu hổ, chính gia đình các nạn nhân có thể cũng đang che giấu, khiến tình hình dịch bệnh càng thêm phức tạp tại quốc gia 1,4 tỷ dân này.
“Đây là thảm họa về số liệu. Từ tất cả mô hình tính toán mà chúng tôi đã thực hiện, chúng tôi tin rằng số người chết thực sự cao gấp 2 đến 5 lần so với những gì được báo cáo”, Bhramar Mukherjee, nhà dịch tễ học tại Đại học Michigan, người theo sát tình hình Ấn Độ, cho biết.
Tại một trong những khu hỏa táng lớn ở Ahmedabad – thành phố ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ, những ngọn lửa từ lò hỏa táng thắp sáng cả bầu trời đêm. Lửa cháy suốt 24 giờ mỗi ngày, giống như một nhà máy công nghiệp không bao giờ tắt. Suresh Bhai, một công nhân tại khu hỏa táng, cho biết anh chưa bao giờ thấy một “dây chuyền” người chết không có điểm dừng như vậy.
Tuy nhiên, trên tờ giấy xác nhận trao cho gia đình các nạn nhân, Suresh không viết nguyên nhân tử vong là do Covid-19.
“Ốm, ốm, ốm. Đó là những gì chúng tôi viết”, Suresh cho biết.
Khi được hỏi lý do điền thông tin như vậy, Suresh nói rằng anh làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Trong hơn 13 ngày vào giữa tháng 4, giới chức thành phố Bhopal chỉ báo cáo 41 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19. Tuy nhiên một cuộc khảo sát của New York Times tại các khu hỏa táng và chôn cất nạn nhân Covid-19 trong thành phố cho thấy, tổng cộng có tới hơn 1.000 người chết trong cùng khoảng thời gian này.
“Nhiều ca tử vong không được ghi nhận và con số này đang gia tăng mỗi ngày”, Tiến sĩ G.C. Gautam, bác sĩ tim mạch tại Bhopal, cho biết. Ông nói rằng các nhà chức trách muốn giảm bớt số liệu tử vong vì “họ không muốn tạo ra sự hoảng loạn”.
Hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở Lucknow và Mirzapur, các thành phố lớn ở bang Uttar Pradesh, và trên khắp bang Gujarat. Tại những khu vực này, trong khoảng thời gian tương tự vào giữa tháng 4, các nhà chức trách báo cáo có từ 73 đến 121 ca tử vong liên quan đến Covid mỗi ngày. Nhưng số liệu chi tiết được tổng hợp bởi một trong những tờ báo hàng đầu của bang Gujarat, Sandesh – tờ báo cử các phóng viên đến các khu hỏa táng và chôn cất trên toàn bang, chỉ ra rằng con số thực tế cao hơn nhiều lần, khoảng 610 người mỗi ngày.
Hỏa táng đêm ngày
Hỏa thiêu là một phần quan trọng trong nghi thức tang lễ của người Hindu, được xem như một cách để giải thoát linh hồn khỏi thể xác. Những nhân viên làm việc tại khu hỏa táng cho biết họ đã hoàn toàn kiệt sức. Họ không bao giờ có thể nhớ được có bao nhiêu người đã chết trong khoảng thời gian ngắn như vậy.
Tại Surat, một thành phố công nghiệp ở Gujarat, các giàn thiêu được sử dụng nhiều đến mức tan chảy cả khung sắt. Tính riêng trong ngày 14/4, các nhà hỏa táng nạn nhân Covid-19 ở Surat và Gandhi Nagar đã tiết lộ với New York Times rằng họ đã hỏa táng 124 người, trong khi chính quyền cho biết chỉ có 73 người chết vì Covid-19 trong toàn bang.
Tại thành phố Kanpur, bang Uttar Pradesh, thi thể được đưa ra các công viên của thành phố để hỏa thiêu. Trong khi đó, tại nhà hỏa táng Vadaj ở Ahmedabad, có thể nhìn thấy những cột khói đen khổng lồ bốc lên.
Suresh Bhai cho biết lò hỏa táng nơi ông làm việc xử lý từ 15 đến 20 thi thể của bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày. Khi ông trao đổi với New York Times hôm 23/4, 3 thi thể vẫn đang bốc cháy trên những giàn thiêu, cạnh đó là một đống củi mới được chặt. Đống củi ngày càng chất cao hơn để chuẩn bị hỏa thiêu những thi thể sắp được chuyển đến.
Nhiều tháng trước, Ấn Độ dường như đã ứng phó rất tốt với đại dịch. Sau khi đợt phong tỏa khắc nghiệt vào đầu năm ngoái được nới lỏng, Ấn Độ không còn ghi nhận số ca nhiễm và người chết đáng sợ như nhiều nước lớn khác. Điều này khiến nhiều quan chức và người dân Ấn Độ không đề phòng. Họ hành động như thể những ngày tồi tệ nhất đã qua.
Bây giờ, vô số người Ấn Độ đang phải lên mạng xã hội để gửi tin nhắn khẩn cấp, xin giường bệnh, thuốc men và ôxy để thở. Trên khắp Ấn Độ, các khu hỏa táng tập thể hoạt động suốt ngày đêm. Có những thời điểm hàng chục thi thể được hỏa táng cùng một lúc.
Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 của Ấn Độ đang gặp khó khăn. Chưa đến 10% người dân Ấn Độ được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, dù Ấn Độ là nhà sản xuất vắc xin hàng đầu thế giới.
Các bác sĩ cho rằng một phần nguyên nhân khiến Ấn Độ “vỡ trận” vì đại dịch là bởi sự xuất hiện của một biến thể vi rút được gọi là “đột biến kép”, B.1.617. Biến thể này vừa có khả năng lây lan nhanh, vừa khó kiểm soát hơn so với vi rút thông thường.
2.500 người chết mỗi ngày, Covid-19 tàn phá Ấn Độ “như Thế chiến 2”
Bác sĩ Ấn Độ mô tả làn sóng dịch Covid-19 mới tại nước này như “Chiến tranh thế giới thứ hai” khi số ca tử vong lên tới 2.500 người mỗi ngày.
Tại Rajkot, một thị trấn nhỏ ở bang Gujarat, Ấn Độ, một tờ báo địa phương đã dành 8 trong số 20 trang để đăng cáo phó của 285 người tử vong vì Covid-19 vào tuần trước.
“Ba người trong số họ là bệnh nhân của tôi”, bác sĩ Vivek Jivani, chuyên gia chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện tư nhân ở Rajkot, một trong những thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ, cho biết.
Để chống chọi với cảm giác bất lực và lo lắng, Jivani đã dành thời gian để cầu nguyện 10 phút mỗi sáng.
“Mọi người chết vì những tình huống mà tôi không thể kiểm soát, nhưng mỗi khi có bệnh nhân qua đời, tôi lại tự nhủ rằng, hãy cố gắng hơn nữa vì người tiếp theo”, bác sĩ Jivani, 30 tuổi, nói trong giờ nghỉ trưa.
Khi phóng viên của Straits Times nói chuyện với các nhân viên y tế trên khắp Ấn Độ, những người đang chứng kiến và chống chọi với đợt Covid-19 tàn khốc thứ hai, những biểu cảm liên tục xuất hiện là: choáng ngợp, tức giận, buồn ngủ, đói, kiệt sức, sợ hãi, tê liệt, bất lực và hơn hết, mệt mỏi.
Bác sĩ Jalil Parkar tại Bệnh viện Lilavati ở Mumbai cho biết không giống như đợt dịch đầu tiên, các bác sĩ hiện đã quen với bản chất của Covid-19. Tuy nhiên, lần này, bác sĩ Jalil Parkar nói rằng “khối lượng công việc khổng lồ, sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm, nỗi sợ hãi khủng khiếp bủa vây xung quanh và nguồn lực hạn chế của chính chúng ta đang giết chết chúng ta”.
Ông gọi làn sóng dịch bệnh thứ hai này là “Chiến tranh thế giới thứ hai” – nó thậm chí còn nguy hiểm hơn so với lần đầu tiên.
Khi các ca nhiễm giảm xuống vào tháng 12 năm ngoái, các chính trị gia, người dân và nhân viên y tế tại Ấn Độ đã chủ quan và cho phép mình thảnh thơi. Từ bỏ khẩu trang và giãn cách xã hội, tụ tập chính trị, tổ chức những lễ hội tôn giáo kéo dài hàng tháng và đám cưới xa hoa. Tiến sĩ Parkar cho biết chính những “ổ dịch” này đã khiến vi rút hoành hành khắp đất nước.
Theo Reuters, Ấn Độ hiện ghi nhận khoảng 347.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Hệ thống y tế vốn đã quá tải nay đứng trên bờ vực sụp đổ. Mỗi ngày trôi qua, Ấn Độ có hơn 2.500 người tử vong vì Covid-19.
Tính đến nay, Ấn Độ ghi nhận gần 17 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 192.000 ca tử vong. Quốc gia Nam Á hiện là tâm dịch lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ghi nhận 24.331 ca nhiễm và 348 trường hợp tử vong hôm 23/4. Các bệnh nhân và người thân của họ đang phải tranh giành giường bệnh và thuốc men.
Tại Bệnh viện Indraprastha Apollo ở New Delhi, S. Chatterjee, một bác sĩ nội khoa, cho biết ông cảm thấy kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Bác sĩ Chatterjee, 56 tuổi, làm việc trung bình 18 giờ một ngày.
Ông có 90 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị và hàng loạt người khác cần tư vấn trực tuyến, khiến bác sĩ không có thời gian ngủ hoặc ăn. 4 tiếng đồng hồ là số giờ ông ngủ nhiều nhất mỗi ngày trong 10 ngày qua.
“New Delhi là nơi có cơ sở hạ tầng tốt nhất rồi. Nhưng để nghĩ rằng New Delhi có thể vượt qua đợt dịch này là điều khó tin”, bác sĩ Chatterjee nói.
Suốt một tuần qua, bác sĩ Jivani ở Rajkot cũng quay cuồng với “200 đến 300 cuộc gọi mỗi ngày” để hỏi về việc có sẵn giường bệnh hoặc nơi lấy remdesivir, một loại thuốc chống vi rút được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. Loại thuốc này hiện rất khan hiếm và đang được bán với giá gấp 6 lần giá gốc trên thị trường chợ đen.
Trong đợt dịch đầu tiên, các nhân viên y tế còn lo lắng về việc nhiễm vi rút, nhưng lần này, họ phải vật lộn để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất dưới những thách thức chưa từng có.
Do nguồn dự trữ ôxy đang cạn kiệt, Rajendra Prasad, bác sĩ phẫu thuật thần kinh và cột sống tại Bệnh viện Indraprastha Apollo ở New Delhi, cho biết các bác sĩ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn là quyết định xem bệnh nhân nguy kịch nào cần nhiều ôxy hơn.
“Những trường hợp nào cần ưu tiên? Ai là người nguy kịch và ai là người được tiên lượng xấu? Chúng tôi chưa từng phải đối mặt với những tình huống như vậy trong sự nghiệp của mình”, ông Prasad nói.
Ngay cả những người từng trải qua những ngày tháng như chiến tranh cũng cảm thấy rằng, họ chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch lần này.
ReshmaTewari, người đứng đầu bộ phận điều trị nguy kịch tại Bệnh viện Artemis ở Gurgaon, và từng làm việc trong một bệnh viện quân đội vào năm 1999 khi Ấn Độ xung đột với Pakistan ở Kashmir, cho biết: “Đã có rất nhiều thương vong vào thời điểm đó… Bây giờ các bệnh viện cũng trong tình huống (giống chiến tranh) như vậy”.
Mỗi sáng, bác sĩ Reshma và các bác sĩ khác phải kiểm tra lượng ôxy để đảm bảo cung cấp đủ cho các bệnh nhân.
Bác sĩ Reshma nói rằng với 30 năm kinh nghiệm, bà không phải là người “dễ chán nản”.
“Nhưng tôi đang cảm thấy không đủ sức. Tôi có thể chiến đấu trên một mặt trận, nhưng rất khó để chiến đấu trên hai mặt trận”, nữ bác sĩ nói thêm.
Đối mặt với làn sóng dịch mới, hầu hết bệnh viện chỉ tiếp nhận các bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng và có bệnh nền, trong khi chuyển những người khác về nhà. Tuy vậy, các bệnh viện ở Ấn Độ vẫn quá tải.
Hầu hết các bác sĩ cho biết họ không thể chia sẻ nỗi lo lắng hoặc sợ hãi với gia đình để bảo vệ gia đình họ. Các quy trình an toàn khiến các bác sĩ bị cô lập như chính những bệnh nhân mà họ đang điều trị.
Nguồn DTO-TT