VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Quốc hội đánh giá tình hình kinh tế – xã hội đất nước

 – Sáng nay (26/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế – xã hội hàng năm và giữa kỳ 2016 – 2020.
    Theo dự kiến, Quốc hội sẽ dành 3 ngày (26, 27 và 29/10) để thảo luận về nội dung này.
Cụ thể: Ngày 26 -27/10, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 – 2020; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019; đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016 – 2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.
Các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ngày 29/10, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 – 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Quốc hội cũng sẽ thảo luận về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 – 2020. Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Vào đầu phiên thảo luận có 69 đại biểu đăng ký phát biểu.

“Vận nước đang lên”
Phát biểu đầu tiên tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ niềm phấn khởi của ông cũng như cử tri cả nước trước thành công lớn của đất nước. Trong đó, năm 2018 có 12 chỉ tiêu thì vượt 8 chỉ tiêu, đạt 4 chỉ tiêu. Tăng trưởng GDP đạt ở mức cao, xuất khẩu đạt 238 tỷ USD, đặc biệt tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu chế biến và nông sản. Nợ công giảm. Tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước tăng, đầu tư tư nhân ước đạt 42,7%… cho thấy sự tín nhiệm của nhân dân, của DN với Chính phủ.
“Đất nước đang rất khởi sắc, vận nước đang lên”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho biết thêm, các lĩnh vực đều có những khía cạnh chưa an tâm hoặc chưa thực sự hiệu quả. Ví dụ, đầu tư FDI chuyển giao công nghệ chưa đạt kết quả như mong muốn, tiêu tốn năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm…
Là đại biểu công tác trong ngành y tế (Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương), ông Nguyễn Anh Trí đánh giá, ngành Y tế trong những năm qua có những tiến bộ rất đáng ghi nhận. Nhưng dịch bệnh vẫn còn bùng phát, ví dụ năm qua có 63.000 trẻ em bị chân tay miệng, sốt xuất huyết…
Bên cạnh đó, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế khá cao, nhưng chưa thực chất. “Vẫn còn gần 25% người dân chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Số người khám chữa bệnh mức chi trả bảo hiểm y tế còn thấp”, đại biểu nói.

Đồng đánh giá cao những kết quả đất nước ta đạt được thời gian qua, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) chia sẻ, ông rất ấn tượng khi 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2018 đều đạt và vượt. GDP tăng trưởng từ trung bình 5,91% giai đoạn 2011 – 2015 đã tăng lên 6,57% giai đoạn 2016 – 2018, quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, nợ công, nợ xấu giảm, FDI 2018 ước đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay…

Kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống nhân dân cải thiện rõ nét, môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện… Bên cạnh đó kết quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng làm nức lòng nhân dân cả nước. Bản thân đại biểu và cử tri cảm nhận về một Chính phủ gần dân, trọng dân đang có sức lan tỏa rất lớn.

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ

ĐBQH Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ, Quốc hội nhưng lưu ý một số vấn đề như sắp xếp, tinh giản bộ máy việc triển khai còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, còn lúng túng… Việc tháo gỡ các nút thắt của cơ chế, chính sách vì còn những điểm chồng chéo, không đồng bộ.

Trong khi đó ĐBQH Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) nhận định, có những tín hiệu đáng mừng trong thu chi ngân sách như giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư, nhưng việc chuyển dịch chưa thật mạnh mẽ.

Đại biểu phân tích, nguyên nhân chủ yếu chi thường xuyên lớn là bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tổ chức trung gian, số người hưởng lương từ ngân sách còn rất lớn. Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy, Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng, giảm trên 86 nghìn biên chế… Thực hiện hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Tuy nhiên, đối chiếu với các mục tiêu đề ra thì còn những bất cập, hạn chế, khó khăn.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ly (đoàn Bạc Liêu) cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ và Quốc hội, đặc biệt lần đầu tiên Chính phủ có báo cáo về kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các báo cáo của Chính phủ đã không né tránh các bất cập trong chỉ đạo, điều hành. Trong nhiệm kỳ, các chỉ tiêu đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng qua 3 năm thực hiện cho thấy chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một chủ trương đúng đắn, cấp thiết, đạt kết quả bước đầu, khắc phục được tình trạng dàn trải nguồn vốn. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn lực, cụ thể là nguồn vốn cho ngân sách còn thấp. Một trong những nguyên nhân chính là chưa chú trọng đúng mức việc đánh giá nguồn lực khi xây dựng chính sách, triển khai thi hành.

Theo ĐBQH Lại Xuân Môn (đoàn Cao Bằng), sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự đổi mới, sáng tạo, quyết tâm quyết liệt trên 5 điểm.

Đó là, Chính phủ phối hợp tốt với Quốc hội thể chế hóa nhanh các Nghị quyết của Trung ương, ban hành sửa đổi khối lượng lớn các luật có chất lượng, nợ đọng văn bản cơ bản giảm. Thứ hai, xây dựng kịch bản chỉ đạo, điều hành chính xác, ứng phó kịp thời với các diễn biến. Thứ ba, cắt giảm trên 60% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Thứ tư, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, công nhân, nông dân, quan tâm sâu sác đến cơ sở, nhất là khi có thiên tai, bão lũ. Cuối cùng, tham nhũng được kiềm chế, sắp xếp bộ máy đạt kết quả tích cực, như sắp xếp tổ chức, bộ máy Bộ Công an

Vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng

Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả đã đạt được, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu cũng nhìn nhận “với bề bộn những khó khăn, tôi và các đại biểu hết sức lo lắng”. Đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề thất thoát lãng phí trong đầu tư công, như các dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công Thương; và hiện giờ là một số dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

Như, dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã hỏng; những dự án đường sắt đô thị đội vốn. ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu thông tin thêm, theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông có 27/42 dự án điều chỉnh tăng thêm vốn, tương đương 97,2 triệu USD.

“Tình trạng điều chỉnh vốn như vậy, thời gian kéo dài, thất thoát lãng phí là điều có thể. Cử tri đòi hỏi Chính phủ xử lý nghiêm những sai phạm này, nếu không tới đây Nhà nước giao Bộ Giao thông xây dựng dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam với vốn đầu tư hàng triệu tỷ đồng thì thất thoát lớn là điều khó tránh”, đại biểu nói.

Ngoài ra, những tồn tại trong nền kinh tế như thu ngân sách, nợ thuế, những vấn đề của ngành giáo dục cũng được ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu đặt câu hỏi, để lưu ý Chính phủ thời gian tới cần có những giải pháp căn cơ để điều chỉnh kịp thời.

ĐBQH Trần Chí Quang (đoàn Đồng Tháp) nhìn nhận, còn nhiều vấn đề của nền kinh tế như chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, chưa phát huy hết được ưu thế của nông nghiệp nhiệt đới, cuộc cách mạng 4.0 chưa thực sự lan tỏa trong nền kinh tế.

Qua đó đại biểu nêu nhiều kiến nghị như tiếp tục tháo gỡ các nút thắt về thể chế, hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…

Nguồn Kinhtedothi-TT