– Các em học sinh phổ thông đã có những sáng tạo thiết thực cho cuộc sống. Điều đó cho thấy tiềm năng sáng tạo của người Việt khá lớn nhưng thực tế các sáng chế của Việt Nam lại khá thấp so với thế giới.
Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bình Định lần thứ V, năm 2018, đã trao giải nhất lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em cho công trình Máy bóc vỏ dừa của hai em Hồ Tiến Đạt và Ngô Nguyễn Thị Đan Quỳnh, đang là học sinh lớp 8A1, Trường THCS Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn).
Bình Định là xứ dừa. Các sản phẩm từ quả dừa có giá trị kinh tế cao và cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình, nhưng công đoạn bóc vỏ dừa rất vất vả. Thấy cha mẹ cực nhọc nên Đạt nảy sinh ý tưởng chế tạo chiếc máy bóc vỏ dừa. Từ tháng 8/2017, cùng với bạn Đan Quỳnh và sự hỗ trợ thầy cô giáo, sau gần 3 tháng mày mò, các em đã hoàn thành mục tiêu.
Máy bóc vỏ dừa cấu tạo khá đơn giản, gồm 1 mô tơ điện công suất 1,1 kW, bộ truyền động ma sát – truyền động đai, bộ truyền động bánh răng – truyền động ăn khớp, 2 trục ru lô, thanh kim loại và cần truyền lực. Chi phí để chế tạo máy này khoảng 2 triệu đồng. Người lao động dùng cách cũ để bóc vỏ dừa thì mỗi ngày nhiều nhất cũng chỉ thu được khoảng 240.000 đồng nhưng sử dụng máy bóc vỏ dừa có thể lên tới 700.000 đồng/người/ngày.
Ở miền Bắc, một sáng chế khác cũng của học sinh, khiến dư luận ngạc nhiên và thán phục. Đó là xe lăn leo cầu thang điều khiển bằng nhận dạng cử chỉ đầu, giọng nói và điện thoại thông minh của em Nguyễn Công Khánh lớp 12 Tin và Nguyễn Hữu Thành Đạt lớp 11 Toán của Trường THPT chuyên Bắc Ninh. Đây là 1 trong 13 dự án nhận giải Nhất trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh năm 2018 khu vực phía Bắc.
Hiện nay trên thế giới đã có nhiều loại xe lăn leo cầu thang nhưng khá đắt đỏ, chi phí sửa chữa lớn hoặc các linh kiện trong nước không có sẵn, chỉ phù hợp với những người khuyết tật chân… Ở Việt Nam mặc dù có xe lăn điều khiển bằng nhận dạng cử chỉ đầu nhưng không thể leo cầu thang, hoặc xe lăn leo cầu thang nhưng vẫn phải điều khiển bằng tay, thậm chí khi đi xuống cầu thang không chắc chắn, dễ bị lộn…
Xe lăn của Khánh và Đạt dễ làm, chi phí sửa chữa ít, linh kiện dễ tìm khi thay thế, khả năng bám cầu thang tốt, người sử dụng không cần sự trợ giúp khi lên xuống. Điều đặc biệt là xe có thể điều khiển bằng giọng nói hoặc cử chỉ đầu. Xe chạy bằng điện có tốc độ tối đa trên đường là 10km/h, có hệ thống phanh điện tự hãm, tải nặng 120kg, có nút SOS giúp gọi điện cho người thân khi cần.
Đây chỉ là hai trong hàng trăm dự án, sản phẩm sáng chế khoa học độc đáo gắn liền với thực tiễn đã được giới thiệu tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia, dành cho học sinh trung học những năm qua. Đã có rất nhiều những ý tưởng, dự án độc đáo gắn với thực tiễn đời sống được thực hiện như: Hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt và sạt lở đất; thiết bị cảnh báo hiệu lực phanh và tăng cường an toàn phanh cho xe cơ giới đổ đèo; hệ thống báo cháy rừng tự động, tức thời; Robot có khả năng leo cầu thang và dập tắt đám cháy; kết hợp tận dụng năng lượng mặt trời và thiết bị làm ngưng tụ để lấy được nước ngọt từ nước mặn…
Điều đó cho thấy tiềm năng sáng tạo của học sinh nói riêng, của người Việt nói chung là khá lớn. Vấn đề đặt ra là tại sao các sáng chế của Việt Nam lại không nhiều, hay nói cách khác là rất thấp so với các nước xung quanh và thế giới. Bằng sáng chế được cấp ở Việt Nam, trong 5 năm gần đây tăng 60%, nhưng so với thế giới thì chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/11 của Malaysia, 1/30 của Singapore, 1/1240 của Hàn Quốc…
Rõ ràng, nhiều nhà khoa học và công nghệ chưa say mê nghiên cứu, chưa giành nhiều tâm huyết cho sáng tạo, nên số lượng nhân lực lớn mà sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo hữu ích lại tỷ lệ nghịch. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân từ việc thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy, tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo nhằm phát huy hết tiềm năng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 đã phổ biến trên thế giới hiện nay./.