VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Siết tín dụng vào bất động sản

Kiểm soát gắt gao
Thời gian qua, NHNN thể hiện quan điểm khá cương quyết về kiểm soát dòng tiền với lĩnh vực này bằng nhiều hình thức. Trong năm 2017, tổng dư nợ trong lĩnh vực kinh doanh BĐS là gần 450.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay BĐS chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 6% tổng dư nợ nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cho vay BĐS khoảng 8,5%.
Tuy nhiên, một nguồn tiền khác đổ vào BĐS là từ nguồn vốn vay mua, xây sửa nhà thông qua kênh tiêu dùng được đẩy rất mạnh. Tín dụng cho vay tiêu dùng đã tăng đến gần 65% trong năm 2017, trong đó cho vay mua và sửa chữa nhà ở luôn chiếm tỉ trọng trên 50%, theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính.
Ngoài ra, NHNN đã dần hạ tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, đến nay còn 50% và từ năm 2019 sẽ giảm về mức 40% cũng là những biện pháp cần thiết để hạn chế rủi ro BĐS. Bên cạnh đó, hệ số rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng BĐS năm nay đã tăng lên 250%, từ đó tạo điều kiện cho các ngân hàng cho vay lĩnh vực này đảm bảo hiệu quả. Dù không vi phạm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhưng muốn để mở rộng cho vay trung dài hạn, trong đó có cho vay BĐS, các ngân hàng chỉ có cách là đẩy mạnh huy động vốn trung dài hạn, nếu không phải thu nợ cũ.
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế NHNN- Nguyễn Quốc Hùng, NHNN sẽ có nhiều giải pháp để kiểm soát dòng chảy tín dụng dưới nhiều hình thức. Đơn cử, có thể NHNN giám sát từ xa thông qua số liệu báo cáo hàng ngày của các tổ chức tín dụng. Sau khi rà soát tổ chức nào có dấu hiệu vượt khung sẽ bị tuýt còi cảnh báo ngay, hoặc qua các chỉ số an toàn hoạt động của các ngân hàng…
Cũng theo ông Hùng, tinh thần chung của NHNN là tiếp tục định hướng dòng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực sản xuất. “Từ 2018, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa sẽ được triển khai. Các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công nghệ cao, xuất khẩu… vẫn tiếp tục là địa chỉ quan trọng để dòng chảy tín dụng hướng tới”- ông Hùng khẳng định.

Buộc phải điều tiết
Theo đánh giá của các chuyên gia, với các điều tiết vốn cho BĐS như trên, những dự án BĐS mới triển khai, chưa được ngân hàng cam kết vốn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi ngân hàng khó có thể cho vay thêm nhiều. Ngoài ra, nhóm chịu tác động sẽ là các nhà đầu tư mua đi bán lại và các chủ dự án, đặc biệt ở phân khúc BĐS cao cấp.
Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, năm nay, các NHTM cổ phần đều phải hạn chế cho vay BĐS. Con số này không thể nói lớn hay nhỏ mà còn tùy thuộc vào thị trường. Người dân vay mua nhà cũng bị hạn chế, do các ngân hàng có một số quy định riêng với nhau là hạn chế về giá trị cho vay. Nếu trước đây, ngân hàng có thể cho cá nhân vay 12 – 15 tỷ đồng để mua nhà nhưng bây giờ chỉ cho vay tối đa khoảng 5 – 7 tỷ đồng. Quy định này buộc các thủ tục cho vay từ phía ngân hàng sẽ khắt khe, áp lực tìm dự án tốt để cho vay tăng lên.
Cũng theo vị này, ngân hàng ông cũng đang phải thúc đẩy huy động vốn trung dài hạn cũng như lên kế hoạch tăng vốn trong năm nay. “Bởi sang năm 2018, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ tiếp tục giảm thêm 10% nữa, về mức 40%”- vị lãnh đạo này khẳng định.
Thời điểm này, không chỉ các chủ đầu tư, DN tạo lập dự án mà người mua nhà cũng sẽ bị tác động. Do các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động tiền các kỳ hạn dài nên có thể người mua nhà sẽ phải trả lãi suất lên đến 12%/năm, thậm chí còn cao hơn nữa. Các chuyên gia đánh giá, đây sẽ là gánh nặng cho người mua nhà buộc họ phải cân nhắc hơn khi vay vốn.

Thời điểm thanh lọc thị trường
Thực tế hai tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào BĐS đạt 312 triệu USD (khoảng 7.000 tỷ đồng). DN BĐS liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ làm tăng tính minh bạch và bền vững của thị trường. Khi đó, những DN không đủ sức cạnh tranh sẽ bị thanh lọc, đó là nguyên tắc của thị trường.
TS Nguyễn Trí Hiếu

Giá bất động sản tăng trung bình 15%
Công ty tư vấn BĐS CBRE vừa công bố báo cáo thị trường địa ốc Hà Nội năm 2018. Phân khúc nhà, đất ở tiếp tục tiêu thụ tốt nhất. Đặc biệt, năm 2018 có nhiều dự án đến thời điểm “tung hàng” nên nguồn cung dự báo dồi dào hơn năm 2017. Dù vậy, sức tiêu thụ có thể không tăng nhiều, dẫn đến cạnh tranh mạnh hơn trong việc bán hàng. Giá BĐS Hà Nội vì thế khó tăng đột biến.

Dự báo, mức tăng trung bình chỉ khoảng 5% trong năm nay, riêng đối với phân khúc đất nền sẽ tăng từ 20 – 25% ở khu Đông, 15 – 20% ở khu Tây và khu Nam chỉ tăng trưởng ở mức dưới 15%.Đáng chú ý, thị trường BĐS năm nay khó xảy ra bong bóng hoặc sốt ảo, bởi Nhà nước đã có những chính sách kiểm soát giá kịp thời. Các chủ đầu tư cũng khá linh hoạt và nhạy bén trong việc đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. (Đức Dinh)

Nguồn Kinhtedothi-TT