– Theo Báo cáo nghiên cứu toàn cầu quý 2 mang tựa đề “The aftershock-Dư chấn” vừa được ngân hàng Standard Chartered công bố, nền kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây do nhu cầu của thị trường thế giới suy yếu.
Ảnh minh họa.
Theo lý giải của Standard Chartered, mặc dù ở trong nước, các hoạt động kinh tế diễn biến hết sức khả quan, song nền kinh tế có thể sẽ bị tác động bởi nhiều thách thức đến từ môi trường bên ngoài, ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Cũng theo báo cáo của Standard Chartered, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sẽ tiếp tục phục hồi và góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm. Tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất dự kiến sẽ đạt khoảng 1,5% trong năm nay và có mức đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung giảm 1,8 điểm phần trăm. Mức đóng góp vào tốc độ tăng GDP của lĩnh vực dịch vụ dự kiến giảm xuống 0,5 điểm phần trăm từ 2,8 điểm phần trăm của năm 2019.
“Hoạt động xây dựng được dự báo sẽ chậm lại do yếu tố tâm lý thị trường và dòng vốn FDI giảm. Tuy nhiên, đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể sẽ trở nên mạnh mẽ hơn so với giai đoạn 18 tháng trước nhờ chương trình kích cầu của Chính phủ. Ngành du lịch và các hoạt động liên quan bị chững lại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng – dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm khi nền kinh tế đã mở cửa trở lại, nhưng sẽ thấp hơn so với mức tăng của năm 2019”, báo cáo của Standard Chartered dự báo.
Các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered cũng dự đoán, hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ cải thiện trong nửa cuối năm khi nhu cầu thế giới phục hồi, mặc dù khó có thể trở lại như thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ gia tăng trong ngắn hạn nhờ sức cầu từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu yếu ớt trên thế giới sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng thương mại. Tăng trưởng nhập khẩu có thể sẽ thấp hơn xuất khẩu, do đó, cán cân thương mại dự kiến sẽ tiếp tục thặng dư.
Nghiên cứu cũng dự đoán, dòng vốn FDI sẽ sụt giảm trong năm 2020, đạt 13 tỷ USD, trước tác động của tình trạng bất ổn gia tăng và tâm lý đầu tư ảm đạm trên toàn cầu. Các biện pháp của Chính phủ sẽ hỗ trợ dòng vốn FDI trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển các hoạt động sản xuất không yêu cầu công nghệ cao sang Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị sẽ phần nào bù đắp sự sụt giảm do yếu tố tâm lý đầu tư, từ đó, hỗ trợ dòng vốn FDI.
Ở diễn biến khác, theo số liệu công bố trước đó của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.
Tổng cục Thống kê cho biết, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn bán lẻ tăng 4,3%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%).
Riêng GDP quý II/2020, ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020. Nguyên nhân là do quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%; khu vực dịch vụ giảm 1,76%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 0,83%, chỉ cao hơn mức tăng trưởng âm 0,78% của 6 tháng đầu năm 2016 trong giai đoạn 2011-2020; ngành lâm nghiệp tăng 2,15% nhưng chiếm tỷ trọng thấp; ngành thủy sản tăng 2,37%, chỉ cao hơn mức tăng 2,34% của 6 tháng đầu năm 2013 và 1,25% của 6 tháng đầu năm 2016 trong giai đoạn 2011-2020.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020. Ngành khai khoáng giảm 5,4% do sản lượng dầu thô khai thác giảm 13,9% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%. Ngành xây dựng tăng 4,5%, cao hơn mức tăng 0,11% và 2,41% của 6 tháng đầu năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011-2020.
Trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011 – 2020.
Nguồn VnMedia-TT