– Giá vàng đảo chiều tăng, treo cao ở mức đỉnh; Khối ngoại chi phối thị phần thanh toán trực tuyến ở Việt Nam; Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng vượt 10 tỷ USD… là nội dung chú ý tuần qua.
Giá vàng đảo chiều tăng, treo cao ở mức đỉnh
Ảnh minh họa.
Chốt phiên cuối tuần qua 23/8, giá vàng SJC tại Hà Nội giao dịch ở mức 41,35 triệu đồng/lượng – 41,75 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 20.000 đồng/lượng so với thời điểm 8h30 sáng cùng ngày.
Còn tại TPHCM, giá vàng SJC chốt phiên ở mức 41,45 triệu đồng/lượng – 41,75 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 50.000 đồng/lượng so với thời điểm mở cửa phiên sáng nay.
Trên thế giới, giá vàng giao dịch tại Kitco.com thời điểm 19h40 hôm nay (giờ Việt Nam) có biên độ tăng 4,9 USD, giao dịch ở mức 1.502,4 USD/ounce.
Như vậy, sau những đợt điều chỉnh giảm, giá vàng thế giới lại treo cao trên đỉnh bất chấp thị trường Mỹ vừa ghi nhận sự đảo chiều của một tín hiệu lịch sử. Tuy nhiên, nỗi lo về cuộc chạy đua bơm tiền giữa chính phủ các nước vẫn bao phủ thị trường.
Giới đầu tư đang chờ đợi một bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị chuyên đề thường niên Jackson Hole, Wyoming (Mỹ) diễn ra vào cuối tuần. Tại đây, đại diện ngân hàng trung ương các nước sẽ gặp mặt và trao đổi về các chính sách tiền tệ. Thị trường vàng cũng sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ các chính sách này.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết tại buổi toạ đàm về Fintech hôm 20/8 khối ngoại chi phối thị phần thanh toán trực tuyến ở Việt Nam. Số liệu đến cuối quý I cho biết, cả thị trường có 27 ví điện tử nhưng hơn 90% thị phần thuộc về 5 đơn vị lớn nhất và tất cả đều có sở hữu nước ngoài từ 30% đến 90%.
Đại diện cơ quan điều hành cho rằng đã có nhiều mối quan ngại về thực tiễn hoạt động của các đơn vị này, liên quan đến an toàn thông tin giao dịch và thông tin cá nhân của khách hàng. Bên cạnh đó, việc các tổ chức nước ngoài đang sở hữu tỷ lệ cao tại những Fintech thanh toán đứng đầu thị trường cũng gây ra lo ngại về nguy cơ thao túng thị trường.
Do đó, sắp tới cơ quan quản lý sẽ có những điều chỉnh với hoạt động này. Dự thảo Nghị định 101 đang lấy ý kiến lần đầu đề xuất áp tỷ lệ sở hữu nước ngoài với các Fintech trong lĩnh vực thanh toán ở mức 30% hoặc 49%.
Ngân hàng Nhà nước xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các trung gian thanh toán thông qua sở hữu do nắm giữ trực tiếp và cả sở hữu gián tiếp. “Cơ quan quản lý đã tính tới trường hợp các tổ chức nước ngoài nắm giữ cổ phần thông qua pháp nhân tại Việt Nam, nên tỷ lệ sở hữu tối đa sẽ bao gồm cả phần nắm giữ gián tiếp tại các Fintech thanh toán.
Tuy nhiên, dưới góc độ thị trường, các chuyên gia cho rằng việc áp tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại những Fintech thanh toán có thể ngăn cản sự phát triển của nhóm doanh nghiệp này.
Ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư ký VAFI cho rằng hiện nay Fintech rất cần vốn để phát triển. Nếu giới hạn đầu tư nước ngoài sẽ rất khó để kêu gọi những nguồn vốn lớn hoặc các nhà đầu tư, tổ chức chuyên nghiệp. Việc hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài có thể kìm hãm sự phát triển của Fintech thanh toán.
Chính phủ đã cho phép ngân hàng, chi nhánh 100% vốn nước ngoài hoạt động, và xem xét nới room cho các ngân hàng thương mại. Vì vậy, không thể lấy hạn mức đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng hiện tại làm tiền lệ cho Fintech.
Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 (VBF), đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) kiến nghị không nên áp dụng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong thanh toán và Fintech.
Theo đại diện Amcham, sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ tài chính và Fintech sẽ phụ thuộc vào việc triển khai khung pháp lý, quy định và chính sách cho đầu tư. Tuy nhiên, việc áp trần sở hữu nước ngoài tại những doanh nghiệp trong lĩnh vực này “sẽ hạn chế đáng kể khả năng huy động vốn ngoại của các công ty khởi nghiệp Fintech Việt Nam”.
Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng vượt 10 tỷ USD
Vào phiên giao dịch ngày 22/8, cổ phiếu VinGroup (VIC) đã tăng 3% (3.700 đồng) đưa giá cổ phiếu của tập đoàn này lên mức 126.100 đồng. Như vậy, cổ phiếu VIC tiếp tục xác lập được kỷ lục trên sàn chứng khoán kể từ thời điểm niêm yết tới nay (tính theo giá điều chỉnh).
Mức giá 126.100 đồng/cp đã kéo vốn hóa của thị trường VinGroup lên tới 421.922 tỷ đồng tương đương với 18,1 tỷ USD và chiếm 12,5% vốn hóa HoSE và cũng là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Với con số này, VinGroup đã bỏ xa nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam như: Vietcombank (296.710 tỷ đồng), VinHomes (294.422 tỷ đồng), Vinamilk (215.969 tỷ đồng), PVGAS (200.199 tỷ đồng), Sabeco (176.994 tỷ đồng)…
Việc giá cổ phiếu của Vingroup tăng mạnh và cán mốc lịch sử đồng nghĩa với việc tỷ phú Phạm Nhật Vượng có tài sản trên sàn chứng khoán đạt kỷ lục mới.
Tính tới thời điểm hiện tại, chủ tịch Vingroup đang nắm trong tay 1,865 tỷ cổ phiếu VIC tương ứng gần 235.200 tỷ đồng (khoảng 10,1 tỷ USD).
Như vậy, với tài sản 8 tỷ USD đến thời điểm 22/8 (theo thống kê của Forbes), ông Vượng là người giàu thứ 198 trên Thế giới, tăng 41 hạng so với thời điểm đầu năm.
Chỉ tính riêng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng hiện đã vượt qua vốn hóa của hầu hết các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Vinamilk, PVGAS, Sabeco, BIDV, Masan, Vietinbank, Vietjet Air…
Với mức tăng trưởng cổ phiếu lên đến 32%, tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VIC đã bỏ xa đà tăng trưởng của thị trường chung.
Mới đây nhất, VinGroup tiếp tục thành lập Công ty hàng không Vinpearl Air và mở trường đào tạo phi công, thợ máy với mục tiêu gia nhập thị trường hàng không trong tương lai không xa. Sự kỳ vọng về thành công của “hệ sinh thái” VinGroup là yếu tố quan trọng hỗ trợ đà tăng cổ phiếu VIC.
Theo báo cáo KQKD 6 tháng đầu năm được công bố, VinGroup ghi nhận doanh thu hợp nhất 51.290 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% nhưng lợi nhuận sau thuế lên tới 3.352 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước.
Hãng hàng không Vinpearl Air sẽ bay thương mại vào tháng 7/2020
Cục Hàng không Việt Nam tuần qua đã báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT), liên quan tới dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air của Công ty CP hàng không Vinpearl Air thuộc Tập đoàn Vingroup.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, Công ty Vinpearl Air đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp. Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư 4.700 tỉ dồng, đặt căn cứ tại sân bay Nội Bài.
Hãng này sẽ kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế, nội địa và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 7/2020 với đội máy bay gồm 6 chiếc. Đến năm 2025, đội bay của Vinpearl Air đạt 36 chiếc.
Dự kiến, Vinpearl Air sẽ khai thác các loại máy bay thân hẹp Airbus A320, A321 hoặc Boeing B737 và máy bay thân rộng Airbus 330, Airbus 350 hoặc Boeing 787; mạng đường bay bao gồm 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế.
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không đánh giá Dự án Vinpearl Air nằm trong quy hoạch phát triển doanh nghiệp vận chuyển hàng không mới và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, phù hợp với chính sách phát triển vận tải hàng không của Chính phủ.
Cũng theo Cục Hàng không, trong tương quan kế hoạch phát triển đội bay của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020, dự án của Vinpearl Air là phù hợp với Quyết định 236 của Thủ tướng về quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo dự báo của Cục Hàng không, trong trường hợp Vietnam Airlines thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh cao và các hãng hàng không thực hiện theo đúng kế hoạch đội bay đã báo cáo thì quy mô đội bay 36 chiếc vào năm 2025 của Vinpearl Air có khả năng sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường, vi vậy Cục này cho rằng quy mô đội bay của Vinpearl Air nên ở mức 30 máy bay.
Trong một diễn biến có liên quan, hôm 16/8, Trường Đào tạo nhân lực kĩ thuật cao ngành Hàng không thuộc Tập đoàn Vingroup đã công bố chính thức tuyển sinh khóa 1 với số lượng dự kiến 400 học viên phi công.
Học viên trúng tuyển sẽ được đào tạo trong 26 tháng, có cơ hội liên thông lên Đại học chuyên ngành quản trị Hàng không và được đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp.