– Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về chỉ số tinh thần khởi nghiệp; Xăng, dầu đồng loạt tăng giá từ chiều 6/9; Việt Nam xuất siêu 2,8 tỷ USD; Người đại diện vốn Nhà nước rời ban điều hành Sabeco… là nội dung chú ý tuần qua.
Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về chỉ số tinh thần khởi nghiệp
Theo khảo sát mới nhất về tinh thần khởi nghiệp (AGER 2018), Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp và thứ đầu về thái độ tích cực đối với tiềm lực của bản thân.
Khảo sát do Tập đoàn Amway phối hợp cùng Trường Đại học Technische Universitat Munchen (TUM, Đức), Công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung (GfK) tiến hành, được công bố ngày 6/9.
Đây là lần thứ 8 báo cáo này được thực hiện và là năm thứ 3 Việt Nam xuất hiện trong báo cáo.
Báo cáo về tinh thần khởi nghiệp 2018 (AGER 2018) với chủ đề “Yếu tố thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp” có gần 49.000 người ở 44 quốc gia tham gia khảo sát.
Năm nay, Việt Nam giữ vững vị trí số 1 về chỉ số tinh thần khởi nghiệp, vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Nam Phi…
Một trong những điểm nổi bật của AGER 2018 là kết quả này có thể chỉ rõ nguy cơ thất bại và triển vọng được đầu tư cũng như những trở ngại chính đối với người khởi nghiệp tiềm năng.
Chỉ số của Việt Nam luôn nằm ở vị trí đứng đầu bảng khảo sát, chẳng hạn có đến 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi bắt đầu khởi nghiệp, trong khi chỉ số trung bình của thế giới chỉ ở mức 47%.
Bên cạnh đó, có 89% người Việt Nam được hỏi tin rằng mình có thể triển khai thực hiện và phát triển ý tưởng kinh doanh của riêng mình (so với chỉ số trung bình của thế giới là 52%); 78% biết cách gây quỹ cho ý tưởng kinh doanh của mình (so với chỉ số trung bình của thế giới là 38%).
Bản báo cáo năm nay đã phân tích những yếu tố mà người khởi nghiệp tin tưởng sẽ thành công như những người đi trước và loại hình kinh doanh mà họ đang hình dung để bắt đầu thực hiện.
Theo ông Doug DeVos – Chủ tịch Tập đoàn Amway, việc hiểu rõ lý do mọi người quyết định khởi nghiệp hoặc không ủng hộ việc khởi sự kinh doanh cũng như loại hình kinh doanh hấp dẫn nhất sẽ có ích trong việc nuôi dưỡng cộng đồng khởi nghiệp hiệu quả.
Từ nguồn kiến thức đó, Nhà nước và doanh nghiệp sẽ có những quyết định và hành động để giúp đỡ những người vừa bắt đầu kinh doanh cũng như giúp họ phát huy hết tiềm năng trong lĩnh vực họ đang kinh doanh.
Xăng, dầu đồng loạt tăng giá từ chiều 6/9
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương – Tài chính, từ 15h chiều 6/9, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước được đồng loạt điều chỉnh theo hướng tăng. Được biết, Liên bộ đã cho phép DN tiếp tục tăng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức 1.563 đồng/lít với xăng E5 RON92, 960 đồng/lít với xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa lần lượt ở mức 400 đồng và 300 đồng/lít.
Cụ thể, với mức tăng 300 đồng, xăng E5 RON92 và RON95-III sẽ có giá mới không cao hơn 19.911 đồng/lít và 21.477 đồng/lít. Với mức tăng 383 đồng/lít, dầu diesel 0.05S có giá bán lẻ mới không cao hơn 18.069 đồng/lít. Mức tăng 296 đồng/lít với dầu hỏa cũng khiến giá bán lẻ lên mức 16.559 đồng/lít. Với mặt hàng dầu mazut 180CST 3.5S giá được tăng 173 đồng/kg, lên mức giá không cao hơn 14.916 đồng/kg.
Giá etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 RON92 theo quyết định của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 14.874,60 đồng/lít (chưa có thuế GTGT).
Theo Bộ Công Thương, giá thành phẩm xăng dầu thế giới thời gian gần đây tăng khá mạnh. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày qua tăng 3,220 USD/thùng, lên mức 85,005 USD/thùng xăng RON92. Xăng RON95 tăng 2,926 USD/thùng, lên 87,258 USD/thùng trong khi dầu diesel 0.05S lên mức 91,328 USD/thùng, tăng 4,843 USD/thùng.
Cùng với giá xăng dầu thế giới tăng, tỷ giá tăng cũng tác động đến giá bán lẻ xăng dầu của DN. Giá USD/VND bán ra của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam bình quân trong 15 ngày qua ở mức 1 USD bằng 23.337VND (tăng 3 VND/1USD so với kỳ trước).
Việt Nam xuất siêu 2,8 tỷ USD
Số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, tháng 8 Việt Nam xuất khẩu gần 21 tỷ USD, lũy kế 8 tháng là hơn 155,4 tỷ USD. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm dầu thô) đạt 110,3 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với khu vực trong nước.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,2 tỷ USD, kế đến là EU 27,7 tỷ. Ngược lại, 8 tháng cả nước nhập gần 153 tỷ USD, chủ yếu là mặt hàng điện tử, máy tính, linh kiện, vải, xăng dầu…
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 41,4 tỷ USD, tăng 12,8%. Hàn Quốc giữ vị trí thứ 2, gần 31 tỷ USD.
Với dữ liệu trên, Mỹ và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường xuất, nhập khẩu lớn của Việt Nam. Trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc gần gấp đôi sang Mỹ, xấp xỉ 65 tỷ USD. Tính chung 8 tháng Việt Nam vẫn xuất siêu 2,8 tỷ USD, trong đó trong nước nhập siêu 17 tỷ, FDI xuất siêu 19,5 tỷ USD.
Người đại diện vốn Nhà nước rời ban điều hành Sabeco
Hội đồng quản trị của Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã CK: SAB) vừa thông báo về quyết định bổ nhiệm ông Trần Nguyên Trung làm Kế toán trưởng công ty này, thay thế ông Nguyễn Tiến Dũng từ ngày 1/9.
Ông Dũng là một trong 2 người được Bộ Công Thương cử, đại diện phần vốn Nhà nước tại Sabeco từ giữa tháng 7/2018. Theo đó ông này đại diện, nắm giữ trên 128 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ doanh nghiệp.
Với quyết định miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng với ông Dũng, đồng nghĩa ông này sẽ rời ban điều hành Sabeco. Tuy nhiên, ông Dũng vẫn nằm trong Hội đồng quản trị của công ty này.
Sau động thái thôi chức vụ Kế toán trưởng của ông Dũng, Sabeco là doanh nghiệp lớn thứ 2 (sau Vinamilk) không có người đại diện vốn Nhà nước trong ban điều hành.
Trước đó, Sabeco cũng đã miễn nhiệm chức vụ tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Thành Nam từ ngày 31/7 và bổ nhiệm ông Neo Gim Siong Bennet (quốc tịch Singapore) thay thế vị trí này.
Theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Sabeco tổ chức cuối tháng 7, các cổ đông đã thông qua danh sách 7 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới. Ngoài 4 thành viên là người của tỷ phú Thái, trong số 3 ứng viên còn lại thì có hai người là đại diện hơn 36% vốn Nhà nước tại Sabeco là ông Nguyễn Tiến Dũng và ông Lương Thanh Hải. Thành viên độc lập duy nhất có ghế trong Hội đồng quản trị Sabeco là ông Nguyễn Tiến Vỵ, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương).
Năm 2018, Sabeco đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.000 tỷ đồng, giảm 19% so với năm ngoái, cho dù ngành bia Việt Nam được dự báo tăng trưởng 5% trong năm nay. Công ty dự kiến sẽ chia cổ tức 35%. Tiền lương cho Hội đồng quản trị và ban kiểm soát năm nay là 3,7 tỷ đồng, giảm 25% so với 2017.
Cuối năm 2017, Bộ Công Thương đã bán 53,59% vốn Sabeco cho Công ty TNHH Vietnam Beverage (công ty của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi) với giá trị lên tới 4,8 tỷ USD.
Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng nhóm siêu giàu
Hãng nghiên cứu Wealth-X vừa công bố báo cáo về người siêu giàu thế giới – World Ultra Wealth Report cho thấy, Việt Nam nằm trong top 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012 – 2017.
Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, đạt con số 12,7% mỗi năm và chỉ đứng sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).
Châu Á là châu lục có tỷ lệ người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới cả về số lượng lẫn tài sản. Có tới 6/10 nền kinh tế châu Á lọt Top 10 nền kinh tế có tỷ lệ giới siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới.
Theo báo cáo, năm 2017, dân số siêu giàu thế giới tính với nhóm những người có tài sản trên 30 triệu USD lên tới khoảng 255.810 người, tăng 12,9% so với năm 2016. Tổng tài sản kết hợp của giới siêu giàu cũng tăng 16,3%, đạt kỷ lục 31,5 nghìn tỷ USD.
Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều người siêu giàu nhất (79.595 người với tổng tài sản 9.845 tỷ USD). Tiếp đến là Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Canada.
Châu Á có 3 đại diện trong danh sách 10 nước có nhiều người giàu nhất thế giới là Nhật, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc). Số người siêu giàu châu Á cũng trẻ hơn so với thế giới với gần một phần tư có độ tuổi dưới 50.
Trong một thập kỷ qua, tỷ lệ người giàu trên tổng số toàn cầu của châu Á đã tăng từ 18% lên 27%, xếp sau khu vực giàu thứ 2 thế giới là châu Âu (chiếm 28%).
Xếp theo TP, Hongkong cũng đã vượt New York để trở thành nơi có nhiều người siêu giàu nhất. Xếp sau đó là Tokyo (Nhật), Los Angeles (Mỹ) và Paris (Pháp).
Theo World Ultra Wealth, trong những năm tới, khoảng cách này có thể còn thu hẹp nữa với dự báo tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu của châu Á – Thái Bình Dương có thể đạt con số 8,3% trong 5 năm tới, trong khi tổng tài sản tăng nhanh hơn 8,6%.
Cải thiện kinh tế và thị trường chứng khoán tăng vọt vào năm 2017 góp phần giúp giới siêu giàu tại châu Á tăng vọt. Dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ của châu Á vẫn được dẫn dắt bởi một làn sóng các doanh nhân siêu giàu, những người đang tận dụng được cơ hội phát triển trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ cao.