VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

 – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith thăm chính thức Việt Nam; Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia; Nga ấn định ngày bầu cử Tổng thống; Các nước tiếp tục phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Jerusalem; Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên… là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith thăm chính thức Việt Nam
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Vorachith dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, từ ngày 19/12 đến ngày 21/12/2017.
Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith đã hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cùng tuyên bố bế mạc Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2017; hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; thăm một số đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam; tiếp Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào; gặp gỡ đại diện cựu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, thế hệ trẻ Việt Nam và lưu học sinh Lào tại Việt Nam; thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa ở Thủ đô Hà Nội, tỉnh Nghệ An và Bộ Tư lệnh Quân khu 4.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith lần này là dấu mốc có ý nghĩa lịch sử, khi hai nước đã phối hợp tổ chức rất thành công Năm Đoàn kết hữu nghị 2017, kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào. Hai bên khẳng định kế thừa truyền thống quan hệ gắn bó từ trong lịch sử, trong suốt 55 năm qua quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào đã đạt được những thành quả to lớn, toàn diện, rất quan trọng và có ý nghĩa lịch sử, nhấn mạnh những thành quả đó bắt nguồn từ mối quan hệ đoàn kết đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong kính yêu gây dựng và các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp và đã trở thành tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển, nhân tố quan trọng bảo đảm thành công của sự nghiệp cách mạng mỗi nước.
Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Lào. Tuyên bố chung có đoạn viết: “Hai bên chân thành cảm ơn về sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, quý báu, chí tình, chí nghĩa, trong sáng và có hiệu quả mà hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã dành cho nhau trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay. Hai bên khẳng định tiếp tục kế thừa và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp đó để bảo vệ, giữ gìn và không ngừng phát triển mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, coi đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với tương lai của hai dân tộc, vì sự phồn vinh và hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
Tuyên bố chung, nhấn mạnh: “Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ thực hiện có hiệu quả các Thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước; Tuyên bố chung Việt Nam/Lào tháng 4/2016, tháng 11/2016 và tháng 4/2017 nhân các chuyến thăm hữu nghị chính thức của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước”; “nhất trí tăng cường và đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, định hướng cho tổng thể quan hệ hợp tác giữa hai nước; tiếp tục duy trì các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước dưới nhiều hình thức; củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước; mở rộng hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các ban của Đảng, bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội, Mặt trận, đoàn thể, tổ chức nhân dân và các địa phương của hai nước, trong đó coi trọng việc trao đổi lý luận và thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế/xã hội và hội nhập quốc tế; tập trung phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về truyền thống quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam/Lào; tiếp tục phối hợp xây dựng các công trình và tôn tạo các di tích lịch sử về quan hệ Việt Nam/Lào ở mỗi nước”…
Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia
Ngày 18/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia 2017. Chiến lược mới này phản ánh những ưu tiên trong chủ thuyết “Nước Mỹ trước tiên” mà ông Trump đã cam kết khi ra tranh cử Tổng thống năm 2016, đó là bảo vệ nước Mỹ và các đường biên giới, tái thiết quân đội, triển khai sức mạnh ra bên ngoài và theo đuổi các chính sách thương mại có lợi hơn cho Mỹ.
Có thể thấy, chiến lược an ninh mới là sự kết hợp chặt chẽ 4 lợi ích quốc gia cốt lõi, bao gồm: bảo vệ đất nước và người dân Mỹ; thúc đẩy phát triển thịnh vượng; thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh; và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ. Điều này phản ánh mong muốn của Tổng thống Trump đẩy mạnh gắn kết với các nước khác trong khuôn khổ hợp tác “có đi có lại”, phù hợp tầm nhìn “Nước Mỹ trước tiên”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, để biết được Chiến lược an ninh quốc gia mới sẽ được thực thi ra sao vẫn còn cần thêm thời gian.
Nga ấn định ngày bầu cử Tổng thống
Ngày 15/12, Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga đã nhất trí thông qua nghị quyết ấn định bầu cử Tổng thống Liên bang Nga vào ngày 18/3/2018.
Theo Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương (CEC) E. Pamfilova, tổng cộng đã có 23 ứng cử viên thông báo ý định tranh cử, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin. Theo quy định, để đăng ký tranh cử độc lập, đến ngày 1/2/2018, ứng cử viên phải thu thập được ít nhất 300.000 chữ ký của cử tri. Nếu ứng cử viên tranh cử theo danh sách đảng, đảng đó phải thu thập được tối thiểu 100.000 chữ ký của cử tri cho ứng cử viên.
Trước đó, tại cuộc họp báo lớn hàng năm ngày 14/12, Tổng thống Putin đã tuyên bố sẽ ra tranh cử tái nhiệm với tư cách ứng cử viên tự do, song ông hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của các đảng và đông đảo người dân. Tổng thống Putin khẳng định, động cơ của ông cũng như của chính quyền là nâng cao thu nhập cho người dân cũng như cải thiện tình hình xã hội của đất nước. Mục tiêu của ông là xây dựng một nước Nga hiện đại, có hệ thống chính trị mềm dẻo, linh hoạt và nền kinh tế công nghệ cao.
Các nước tiếp tục phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Jerusalem
Ngày 21/12, trong phiên họp đặc biệt bất thường, với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trước đó, vào ngày 18/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã bỏ phiếu về một nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố ngày 6/12/2017 về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Tuy nhiên, bất chấp việc 14 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ lời kêu gọi trên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tuy nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc không có được sức nặng như nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng qua các cuộc bỏ phiếu trên đã cho thấy sự đồng thuận rộng rãi của quốc tế nhằm phản đối sự công nhận đơn phương của Mỹ về Jerusalem.
Nhằm đáp trả việc các nước phản đối quyết định của Mỹ về Jerusalem, ngày 20/12, Tổng thống Mỹ  Donald Trump đã đe dọa sẽ cắt viện trợ các quốc gia bỏ phiếu ủng hộ bản dự thảo nghị quyết của Liên hợp quốc kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Những quyết định của Mỹ về vấn đề Jerusalem đang thổi bùng nguy cơ gây ra làn sóng phản ứng dữ dội chống lại Israel, đồng thời có khả năng kích động các hoạt động chống lại các lợi ích của Mỹ tại Trung Đông.
Liên minh châu Âu chính thức gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng
Ngày 21/12, Liên minh châu Âu đã chính thức gia hạn thêm 6 tháng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine từ hơn 3 năm rưỡi qua. Theo đó, Liên minh châu Âu sẽ kéo dài thời hạn thực hiện những biện pháp trừng phạt đối với các lĩnh vực kinh tế đặc thù của Nga đến ngày 31/7/2018. Nguyên nhân được Liên minh châu Âu đưa ra là do các thỏa thuận về thực thi Hiệp định Minsk về thiết lập lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine đã không được thực thi đầy đủ.
Các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga chủ yếu nhằm vào những lĩnh vực đặc thù như năng lượng, quốc phòng, tài chính và cấm người châu Âu đầu tư tại Nga.
Liên minh châu Âu bắt đầu áp đặt trừng phạt Nga sau cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014. Kể từ đó đến nay, cứ mỗi 6 tháng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu lại xem xét gia hạn trừng phạt Nga. Đáp trả lại, Nga cũng có các biện pháp trừng phạt đối với Liên minh châu Âu bằng lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ Liên minh châu Âu. Lệnh cấm vận từ phía Nga cũng nhiều lần được gia hạn tương ứng động thái từ phía Liên minh châu Âu với thời gian là 6 tháng.
Các nhà phân tích cho rằng, các biện pháp trừng phạt qua lại lẫn nhau này đều gây thiệt hại kinh tế cho cả Nga và các nước Liên minh châu Âu. Từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, nền kinh tế Liên minh châu Âu mỗi tháng chịu thiệt hại 3,2 tỷ USD, có nghĩa là đến nay số tiền này đã lên tới hơn 100 tỷ USD, trong khi đó tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga là 55 tỷ USD.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên
Ngày 22/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Cụ thể, nghị quyết cấm gần 90% các sản phẩm dầu mỏ tinh chế xuất khẩu sang Triều Tiên bằng việc đặt ra một mức trần 500.000 thùng mỗi năm, đồng thời yêu cầu cho hồi hương các lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 12 tháng.
Đại sứ Nhật Bản, quốc gia giữ cương vị Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ trong tháng 12, cho biết toàn bộ 15 nước thành viên HĐBA đều bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trừng phạt mới do Mỹ soạn thảo.
Với nghị quyết mới này, tổng cộng HĐBA đã thông qua 4 nghị quyết trừng phạt Triều Tiên trong năm nay. Giới phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt tăng cường này có thể tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Triều Tiên. Bởi lẽ nếu được thực thi lệnh hạn chế xuất khẩu dầu mỏ sẽ là thảm họa đối với ngành công nghiệp Triều Tiên, trong khi việc buộc phải hồi hương lao động ở nước ngoài sẽ cắt đứt nguồn ngoại tệ sống còn không chỉ đối với chính phủ nước này mà cả nền kinh tế thị trường mới nổi lên của Triều Tiên.
Nghị quyết trên là phản ứng của HĐBA trước vụ bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Triều Tiên hôm 29/11. Tính đến thời điểm này của năm nay, Triều Tiên đã tiến hành 1 vụ thử hạt nhân và ít nhất 20 vụ thử tên lửa. Triều Tiên cho biết tên lửa mới đây nhất được phóng hôm 29/11 là tên lửa liên lục địa, và với tên lửa này Bình Nhưỡng có thể đặt toàn bộ vùng đại lục nước Mỹ vào tầm ngắm của vũ khí hạt nhân của họ.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cải cách thuế
Ngày 20/12, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cải cách thuế do đảng Cộng hòa đề xuất trị giá 1.500 tỷ USD. Mặc dù dự luật này vẫn vấp phải những chỉ trích của phe dân chủ bởi họ cho rằng việc giảm thuế này chỉ làm lợi cho những người giàu mà không ưu đãi nhiều cho tầng lớp trung lưu, song đây vẫn được xem là một thắng lợi của đảng Cộng hòa và của Tổng thống Donald Trump trong năm cầm quyền đầu tiên của mình.
Theo dự luật cải cách thuế, đa số người Mỹ sẽ được giảm thuế, nhưng thành phần được hưởng lợi nhiều nhất là những người giàu có. Trong khi đó, mức thuế đối với các doanh nghiệp giảm từ mức 35% xuống còn 20%. Dự luật này sẽ hủy bỏ một phần Đạo luật Chăm sóc Y tế giá rẻ (Obamacare) và tăng mức nợ liên bang lên gần 1.500 tỷ USD trong thập niên tới.
Ngay sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trên, hàng loạt các tập đoàn lớn của nước này, trong đó có AT&T và Boeing đã công bố kế hoạch thưởng cuối năm cho nhân viên và bổ sung các khoản chi cho năm sau. Nhiều công ty lớn tại Mỹ cũng đã tăng lương cho nhân viên, đẩy mạnh đầu tư và bày tỏ tin tưởng chính sách cải cách thuế của chính phủ sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và tạo nhiều việc làm có thu nhập tốt./.
Nguồn ĐCSVN-TT