– Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên; Vấn đề Jerusalem tiếp tục căng thẳng; Khủng bố đẫm máu ở Afghanistan làm hàng chục người chết; Các nước tăng cường an ninh trước thềm Năm mới; Tấn công vào nhà thờ Cơ đốc giáo tại Cairo (Ai Cập); Nhiều nơi trên thế giới bắt đầu chào đón Năm mới 2018… là những tin tức nổi bật vào tuần cuối cùng của năm 2017.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh AP)
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên
Ngày 22/12/2017, HĐBA Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2397 thắt chặt các lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Theo Nghị quyết 2397, toàn bộ thành viên Liên hợp quốc bị cấm nhập khẩu thực phẩm, nông sản, máy móc, thiết bị điện tử, khoáng sản, đất và đá, gỗ và tàu của Triều Tiên. Nghị quyết này cũng cấm gần 90% các sản phẩm dầu mỏ tinh chế xuất khẩu sang Triều Tiên bằng việc đặt ra một mức trần 500.000 thùng mỗi năm, đồng thời yêu cầu cho hồi hương các lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 12 tháng.
Nghị quyết cũng nêu rõ, các hạn chế dầu sẽ được siết chặt nếu Triều Tiên tiến hành thêm các hành động khiêu khích, trong đó có vụ thử hạt nhân hoặc phóng thử ICBM. Nghị quyết mới kêu gọi bắt các tàu bị tình nghi chở hàng hóa bị cấm ra. Ngoài ra, việc xuất khẩu sang Triều Tiên các phương tiện giao thông, thiết bị công nghiệp, thép và kim loại cũng bị cấm.
Với nghị quyết mới này, tổng cộng năm 2017, HĐBA Liên hợp quốc đã thông qua 4 nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Giới phân tích cho rằng động thái này có thể gây ảnh hưởng đáng kể đối với nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của Triều Tiên.
Ngay lập tức, CHDCND Triều Tiên đã lên tiếng bác bỏ nghị quyết của HĐBA Liên hợp quốc, cho rằng các biện pháp trừng phạt mới là “hành động chiến tranh” và là động thái phong tỏa toàn diện kinh tế Triều Tiên.
Vấn đề Jerusalem tiếp tục căng thẳng
Căng thẳng giữa Israel và Palestine tiếp tục leo thang trong tuần qua khi ngày 24/12/2017, Bộ trưởng Nhà ở và xây dựng Israel Yoav Galant đã phát động kế hoạch xây dựng 300.000 nhà định cư tại Đông Jerusalem. Kế hoạch này là một phần của dự luật mang tên “Jerusalem to lớn hơn” nhằm sáp nhập các khu định cư xây dựng trên phần đất mà người Palestine dự định làm thủ đô trong tương lai. Những diễn biến căng thẳng này đang tiếp tục đe dọa tiến trình hòa bình Trung Đông.
Ngoài ra, ngày 25/12, Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely cho biết nước này đã liên lạc với “ít nhất 10 quốc gia” về khả năng chuyển đại sứ quán của họ tới Jerusalem, sau khi Mỹ công nhận thành phố này là thủ đô của Israel.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Palestine đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Israel, đồng thời tuyên bố sẽ cân nhắc xem xét lại toàn bộ tiến trình hòa bình.
Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ Trump (ngày 6/12) đến nay vẫn để lại những phản ứng gay gắt của cộng đồng thế giới. Các cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra tại nhiều nước, đặc biệt là tại các nước Hồi giáo. Những cuộc xung đột với các lực lượng Israel xảy ra gần như hàng ngày tại các vùng lãnh thổ của Palestine. Bạo lực giữa hai bên đã làm ít nhất 12 người Palestine thiệt mạng.
Khủng bố đẫm máu ở Afghanistan làm hàng chục người chết
Những ngày qua, Afghanistan đã liên tục phải hứng chịu các vụ đánh bom khủng bố tại nhiều nơi của nước này. Đó là các vụ nổ bom ở tỉnh Helmand, miền Nam Afghanistan (ngày 24/12) khiến ít nhất 7 dân thường thiệt mạng và 3 người bị thương; vụ đánh bom liều chết làm rung chuyển trung tâm thủ đô Kabul của Afghanistan (ngày 25/12) khiến ít nhất 4 người thiệt mạng – bao gồm cả phần tử đánh bom liều chết – và 1 người bị thương; vụ đánh bom xe tự sát nhằm vào một đoàn xe quân đội tại Lashkar Gah, thủ phủ tỉnh Helmand (ngày 27/12) làm 2 người thiệt mạng và 14 binh sĩ bị thương; vụ nổ tại thủ đô Kabul (ngày 28-12) làm ít nhất 40 người thiệt mạng và 30 người bị thương…
Ngay sau đó, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã lên tiếng nhận gây ra loạt vụ đánh bom liều chết nhằm vào một trung tâm văn hóa ở thủ đô Kabul.
Tình hình an ninh tại Afghanistan đã trở nên bất ổn kể từ cuối năm 2014, sau khi lực lượng quốc tế do Mỹ đứng đầu kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại đây và chỉ duy trì khoảng 13.000 quân để hỗ trợ đào tạo lực lượng Afghanistan chống khủng bố. Lợi dụng bất ổn, nhiều tổ chức khủng bố đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia Tây Nam Á này. Trong thời gian qua, phiến quân Taliban liên tục gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào quân đội, cảnh sát và các cơ quan công quyền nước này để đáp trả chiến lược mới của Mỹ, trong khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và các nhóm vũ trang khác không ngừng gây ra các vụ bạo lực nhằm gieo rắc sợ hãi và phô trương thanh thế.
Các nước tăng cường an ninh trước thềm Năm mới
Trước thềm năm mới 2018, nhiều hoạt động đã được chuẩn bị sôi nổi trên thế giới. Tuy nhiên đây cũng là dịp để các tổ chức khủng bố thực hiện âm mưu gây bất ổn cho các nước. Để đảm bảo an toàn cho người dân dịp này, đặc biệt là vào lễ Giao thừa, nhiều nước đã lên kế hoạch triển khai các biện pháp siết chặt an ninh tại các khu vực nhạy cảm và các điểm tập trung đông người.
Tại New York (Mỹ), ngày 28/12, cảnh sát nước này cho biết đã tăng cường các biện pháp an ninh cho sự kiện đón năm mới tại Quảng trường Thời đại. Lễ đón năm mới hàng năm tại Quảng trường Thời đại được biết đến rộng rãi nhờ nghi lễ thả quả cầu pha lê khổng lồ. Quả cầu sẽ rơi xuống trong vòng 60 giây, bắt đầu từ 23h59’ ngày cuối cùng của năm. Dự kiến có khoảng 2 triệu người tới Quảng trường Thời đại mỗi năm tham gia buổi lễ náo nhiệt này.
Tại Đức, một số thành phố thông báo siết chặt các biện pháp an ninh để chuẩn bị cho lễ đón năm mới, theo đó lực lượng cảnh sát sẽ tăng cường hiện diện ở gần như mọi trung tâm chính của nước Đức. Cảnh sát không được cung cấp cho báo chí các thông tin về biện pháp an ninh trước khi diễn ra các sự kiện lớn. Kể từ sau vụ tấn công chợ Giáng sinh Berlin năm 2016, giới chức Đức đã kiểm tra toàn diện các phương tiện vận tải và kiểm tra kỹ lưỡng những khách tham quan là dân thường đi vào khu vực tổ chức lễ hội có hàng rào bảo vệ.
Còn tại Australia, lực lượng cảnh sát đã được huy động thêm nhân viên và biện pháp an ninh cho lễ đón năm mới. Dự kiến có hơn 1 triệu người sẽ có mặt tại trung tâm Sydney để tham gia lễ hội đếm ngược và xem trình diễn pháo hoa. Các biện pháp an ninh tập trung vào an toàn công cộng, các tội phạm liên quan đến rượu và hành vi gây hại cho người khác.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 120 người tình nghi do liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng trong lễ hội đếm ngược đón năm 2018. Nước này cũng tăng gấp đôi số cảnh sát làm nhiệm vụ tại thành phố Istanbul và hủy bỏ hoặc cấm các hoạt động tụ tập đông người trong đêm Giao thừa vì lý do an ninh…
Tấn công vào nhà thờ Cơ đốc giáo tại Cairo (Ai Cập)
Ít nhất 3 người đã thiệt mạng trong một vụ xả súng nhằm vào một nhà thờ Cơ đốc giáo ở phía Nam thủ đô Cairo, Ai Cập. Kẻ tấn công đã bị tiêu diệt ngay tại chỗ.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn con số thương vong trên từ các nguồn tin an ninh đồng thời cho biết chưa rõ con số trên có bao gồm kẻ tấn công hay không và có bao nhiêu đối tượng tham gia vào vụ tấn công này. Trong khi đó, truyền thông địa phương dẫn thông tin của Bộ Nội vụ cho biết có 2 sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng.
Vụ việc xảy ra tại quận Helwan, thuộc khu ngoại ô phía Nam của Cairo. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết kẻ tấn công nổ súng bên ngoài nhà thờ, làm bị thương 5 nhân viên an ninh và tìm cách vào trong nhà thờ song bị cảnh sát bắn chết. Trang mạng của báo Al-Ahram đưa hình ảnh nghi phạm đã bị tiêu diệt.
Vụ tấn công trên xảy ra trước thềm lễ Giáng sinh của người Cơ đốc giáo Ai Cập vào ngày 7/1 hàng năm (theo lịch của Cơ đốc giáo chính thống). Sau khi được thông tin về vụ tấn công đẫm máu này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án vụ việc và thể hiện chia buồn sâu sắc với gia đình các nạn nhân cùng chính phủ và người dân Ai Cập, đồng thời hy vọng những người bị thương nhanh hồi phục. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iraq cũng lên án vụ tấn công khủng bố tại Ai Cập và nhấn mạnh đoàn kết với nước này trong cuộc chiến chống khủng bố.
Các vụ xả súng và đánh bom nhằm vào các nhà thờ Cơ đốc giáo của Ai Cập trong năm qua đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người, đồng thời cho thấy nguy cơ nhằm vào cộng đồng người theo đạo Cơ đốc thiểu số ở quốc gia này. Có khoảng 10% trong tổng số 93 triệu người dân Ai Cập theo đạo Cơ đốc. Các vụ tấn công nhằm vào cộng đồng này được cho là do chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo ở Ai Cập tiến hành.
Nhiều nơi trên thế giới bắt đầu chào đón Năm mới 2018
Lễ chào đón Năm mới 2018 đã khởi động ở nhiều nơi trên thế giới, với các hòn đảo Thái Bình Dương Samoa, Tonga và Kiribati là những nơi tạm biệt năm 2017 sớm nhất.
Hòn đảo Samoa nhỏ bé đón năm 2018 vào khoảng 10h sáng 31/12 theo giờ GMT (khoảng 5h chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam). Người dân Samoa chào mừng giờ phút chuyển giao với pháo hoa và các màn biểu diễn vũ điệu truyền thống. Nhiều khách du lịch đã tới đảo quốc Thái Bình Dương nhỏ bé này để được tận hưởng cảm giác đón năm mới sớm nhất trên thế giới.
Một giờ sau Samoa, năm 2018 chính thức đến “gõ cửa” New Zealand. Hàng nghìn người dân và khách du lịch đã tập trung về Tháp Sky ở thủ đô Auckland để chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa công phu với 3.000 quả pháo và mất tới 6 tháng trời chuẩn bị. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động giải trí và lễ hội cũng diễn ra trên toàn quốc.
Tiếp sau New Zealand, bữa tiệc đón chào năm mới sẽ diễn ra tại Australia, vào khoảng 1h chiều theo giờ GMT (khoảng 8h tối theo giờ Việt Nam). Hơn 1,5 triệu người dự kiến đổ về Sydney để theo dõi màn bắn pháo hoa kỳ công theo chủ đề cầu vồng tại cầu cảng Sydney.
Những nơi cuối cùng đón năm 2018 sẽ là các hòn đảo của Mỹ như đảo Baker và Howland, vào khoảng 1h chiều 1/1 theo giờ GMT (khoảng 8h tối cùng ngày theo giờ Việt Nam)./.