Bạo lực bùng phát ở Syria
Từ ngày 18/2, bạo lực đã liên tục bùng phát dữ dội tại vùng Afrin ở miền Bắc Syria và khu vực Đông Ghouta ở ngoại ô thủ đô Damascus.
Tại Đông Ghouta, trung tâm Nga về hòa giải các bên đối địch tại Syria thông báo, những nỗ lực giải quyết căng thẳng ở đây đã bị thất bại khi các tay súng phiến quân ngăn cản dân thường rời khu vực chiến sự, cũng như không chấp thuận chấm dứt giao tranh và hạ vũ khí. Xung đột bùng nổ dữ dội sau khi Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad điều quân tiếp viện tới khu vực giáp Ðông Ghouta nhằm sẵn sàng giải phóng các vùng lãnh thổ chung quanh Damascus khỏi sự chiếm đóng của phiến quân. Tiến trình thương lượng giữa các bên xung đột tại đây đã đổ vỡ do các tay súng phiến quân phớt lờ lời kêu gọi ngừng giao tranh, giao nộp vũ khí và giải quyết vấn đề quy chế. Đặc biệt, bạo lực ở Đông Ghouta đang có nguy cơ đẩy khoảng 400 nghìn dân thường vào “thảm kịch” của nhân loại. Khoảng 250 dân thường đã thiệt mạng trong các đợt không kích tại Đông Ghouta trong tuần qua và đến nay đã có hơn 1.200 người dân thương vong, trong đó có nhiều trẻ em. Hiện có hàng trăm nghìn dân thường vẫn mắc kẹt tại khu vực này.
Trong khi đó, ở mặt trận khác, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục nã pháo vào các lực lượng thân Chính phủ Syria sau khi lực lượng này tiến vào vùng Afrin do người Kurd kiểm soát. Các hoạt động quân sự này đánh dấu sự leo thang trong chiến dịch Nhành ôliu của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các tay súng thuộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Cuốc (YPG) trên lãnh thổ Syria. Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan tuyên bố, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vây hãm thành phố Afrin nhằm tiêu diệt lực lượng mà nước này cho là khủng bố. Trong khi đó, hàng trăm chiến binh thân Chính phủ Syria cũng đã tiến vào Afrin nhằm phản công chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực này. Điều này khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ như “ngồi trên đống lửa” bởi nó gây khó khăn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đạt các mục tiêu của chiến dịch quân sự tiêu diệt lực lượng người Kurd ở Syria.
Tình hình chiến sự tại các khu vực Ðông Ghouta và Afrin của Syria đang khiến diễn biến cuộc chiến ở Syria trở nên phức tạp. Nếu không được ngăn chặn, xung đột có nguy cơ đẩy hàng trăm nghìn dân thường Syria vào thảm kịch nhân đạo tồi tệ.
Phiên họp của Hội đồng Bảo an về Syria ở New York (Mỹ). (Nguồn: THX/TTXVN)
Chiều 24/2 (giờ địa phương), sau nhiều lần trì hoãn bỏ phiếu, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày tại Syria, để cho phép hoạt động vận chuyển hàng nhân đạo và sơ tán y tế ở khu vực Đông Ghouta của Syria.
Hội nghị an ninh Munich lần thứ 54 – đồng thuận xen lẫn bất đồng
Từ ngày 16 đến 18/2, Hội nghị an ninh Munich (MSC) thường niên lần thứ 54 đã diễn ra tại thành phố Munich (Đức) với sự tham gia của hơn 500 quan chức trong đó có nhiều lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế lớn. Kết quả nổi bật của hội nghị là các bên đã cùng nhau đi đến nhận thức chung về những thách thức an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống. Đó là nguy cơ khủng bố tiếp tục đe dọa an ninh thế giới, bất chấp tại Syria và Iraq, cuộc chiến chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã cơ bản thắng lợi. Đó cũng là vấn đề an ninh mạng đang trở nên nghiêm trọng hơn trong một thế giới ngày càng số hóa. Tại hội nghị, các nước đã cùng nhau chia sẻ một loạt sáng kiến, như Hiệp định an ninh mới giữa Liên minh châu Âu (Liên minh châu Âu) và Anh sau khi London rời khỏi “mái nhà chung”, Tuyên bố chung về an ninh mạng được 9 tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có Airbus của châu Âu, Daimler và Allianz của Đức cùng IBM của Mỹ ký kết… Những kết quả này đã phản ánh mối quan tâm và sự nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế đối phó với những thách thức chung.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Hội nghị An ninh Munich năm nay còn cho thấy thế giới hiện còn tồn tại rất nhiều bất ổn, với những thách thức an ninh không dễ vượt qua. Đó là việc mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, một trong những xuất phát điểm của Hội nghị An ninh Munich được tổ chức từ năm 1963 đến nay, đang đứng trước thử thách lớn, đặc biệt khi chính quyền mới ở Mỹ theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, trong đó có những thay đổi căn bản về quan hệ thương mại và quốc phòng-an ninh.
Đó còn là những căng thẳng giữa Israel và Iran khi hội nghị an ninh Munich lần này đã trở thành diễn đàn để hai nước này công kích lẫn nhau, liên quan đến căng thẳng leo thang giữa hai nước sau vụ một máy bay chiến đấu của Israel đã bị trúng tên lửa được cho là phóng từ Syria vào ngày 10/2 vừa qua.
Ngoài ra, những tranh cãi về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ hồi năm 2016 vẫn còn dai dẳng…
Tất cả những tồn tại này cho thấy, để giải quyết những vấn đề của một thế giới còn nhiều bất ổn này, các bên cần có những bước đi cụ thể nhằm triển khai tất cả các tầm nhìn và ý tưởng, như chính lời Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Wolfgang Ischinger đã nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc.
Anh công bố kế hoạch cho giai đoạn chuyển tiếp
Ngày 21/1, Chính phủ Anh đã công bố dự thảo kế hoạch cho giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit. Theo đó, chính phủ Anh cam kết hạn chế để giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kéo dài không quá 2 năm sau khi Anh chính thức không còn là thành viên Liên minh châu Âu kể từ ngày 29/3/2019, song Anh cũng đề nghị Liên minh châu Âu ủng hộ đề xuất của Anh về thời gian chấm dứt quá trình trên, đồng nghĩa với việc cân nhắc một quá trình chuyển tiếp dài hơn so với đề xuất của Liên minh châu Âu. Theo Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh David Davis định nghĩa thì “khoảng 2 năm” tức là từ 21 đến 27 tháng.
Tuy nhiên Liên minh châu Âu lại tuyên bố chỉ cho phép thời gian cho quá trình trên là 21 tháng. Hiện Liên minh châu Âu vẫn khẳng định giai đoạn chuyển tiếp sẽ khép lại vào ngày 31/12/2020, tức là trùng với thời điểm kết thúc giai đoạn ngân sách hiện nay của khối. Nhưng Chính phủ Anh lại muốn thời gian chuyển tiếp sẽ được xác định dựa trên quá trình chuẩn bị và triển khai cho mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai. Điều này khiến giới chức Liên minh châu Âu tỏ ra hoài nghi về việc Anh sẵn sàng hoàn toàn chấm dứt tư cách thành viên trong “ngôi nhà chung châu Âu” đúng thời điểm do Liên minh châu Âu đề xuất là ngày 31/12/2020.
Bên cạnh đó, trong bản dự thảo kế hoạch vừa được công bố trên, Chính phủ Anh cũng không bác bỏ những đòi hỏi của Liên minh châu Âu về duy trì nguyên trạng tự do đi lại trong giai đoạn chuyển tiếp, đồng thời không đề cập khả năng phủ quyết những luật mới của Liên minh châu Âu, cũng như việc Anh không có quyền thực hiện các thỏa thuận thương mại quốc tế mới nếu không có sự đồng ý của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, những nhượng bộ này được cho là sẽ khiến Thủ tướng Theresa May vấp phải sự chỉ trích về việc bà hy sinh việc kiểm soát biên giới của Anh để làm hài lòng giới chủ ngân hàng và trung tâm tài chính London, vốn muốn duy trì hiện trạng càng lâu càng tốt.
Venezuela phát hành đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới
Ngày 20/2/2018, Chính phủ Venezuela đã chính thức bán đồng tiền điện tử mang tên Petro được hậu thuẫn bởi dầu mỏ. Đây là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới do một chính phủ phát hành được định giá trên cơ sở nguồn dự trữ dầu khí dồi dào, nguồn vàng và kim cương của Venezuela. Tiếp sau đồng Petro, đồng tiền điện tử thứ 2 mang tên ¨Petro vàng¨ do chính kim loại vàng hậu thuẫn cũng sẽ được chính phủ Venezuela tung ra trong vài ngày tới.
Đồng tiền điện tử Petro sẽ được vận hành nhờ vào việc sử dụng công nghệ một chuỗi khối (blockchain), tương tự như những đồng tiền điện tử khác như bitcoin. Sự khác biệt giữa petro và các đồng tiền điện tử khác đó là việc chính phủ Venezuela sẽ kiểm soát hoạt động của đồng tiền này, với giá trị ban đầu tương đương với giá một thùng dầu. Hiện Chính phủ Venezuela đang triển khai việc thành lập Blockchain với sự tham gia của các chuyên gia công nghệ, kinh tế, tài chính, tiền tệ và pháp lý để xây dựng cơ sở và nền tảng vững chắc cho đồng Petro.
Việc phát hành đồng tiền điện tử của Venezuela nhằm thu hút nguồn tiền trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang thiếu hụt trầm trọng ngoại tệ và nhằm chống lại “sự phong tỏa” từ phía Mỹ. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Maduro nhấn mạnh tiền điện tử ¨Petro vàng¨ thậm chí sẽ mạnh hơn đồng Petro và được đưa ra nhằm hỗ trợ cho đồng Petro. Việc phát hành hai loại đồng tiền này được cho là sẽ góp phần cải thiện nền kinh tế, củng cố hệ thống tín dụng và an sinh xã hội Venezuela. Chính phủ Venezuela dự báo nước này có thể thu về từ 20 triệu USD đến 200 triệu USD với việc phát hành đồng Petro.
Xả súng ở Mỹ làm ít nhất 17 người thiệt mạng
Ngày 14/2, xảy ra vụ xả súng tại trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas ở thành phố Parkland thuộc bang Florida, Mỹ khiến ít nhất 17 người thiệt mạng. Cảnh sát địa phương đã xác định, thủ phạm gây ra vụ xả súng trên là Nikolas Cruz, một học sinh cũ của trường. Đối tượng đã dùng khẩu súng trường AR-15 tấn công các lớp học.
Như vậy, với vụ xả súng nói trên, nước Mỹ đã phải đối mặt với tổng cộng 18 vụ xả súng trường học chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2018. Theo nhóm vận động kiểm soát súng đạn “Everytown for Gun Safety”, trong 18 vụ nói trên có 8 vụ không gây thương vong, 2 vụ nhằm tự tử và số còn lại là các vụ tấn công. Trong đó, vụ xả súng tại Florida ngày 14/2 là nghiêm trọng nhất, với số người thiệt mạng được xác định lên tới 17 người.
Ngay sau vụ xả súng tại Florida trên, một làn sóng biểu tình của học sinh tại hàng chục trường trung học ở Mỹ đã diễn ra rộng khắp từ Arizona đến Maine, nhằm gây sức ép hối thúc cơ quan lập pháp cần có hành động để kiểm soát việc sử dụng súng đạn. Nước Mỹ hiện giữ kỷ lục thế giới về sở hữu súng giữ trong dân với 270-310 triệu khẩu, có khoảng 30.000 người chết vì súng đạn hàng năm, kể cả số người tự sát.
Hiện nội bộ nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc xung quanh vấn đề kiểm soát súng đạn. Trong các cuộc tranh luận về vấn đề kiểm soát súng, các nghị sĩ đảng Dân chủ cho biết 90% người Mỹ ủng hộ thúc đẩy dự luật yêu cầu kiểm tra lý lịch của người mua súng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa lại bỏ phiếu chống lại các biện pháp kiểm soát súng an toàn mở rộng. Điều này cho thấy, việc giảm bảo lực súng đạn không phải là một điều dễ dàng, một phần bởi sở hữu súng là nét đặc trưng của người Mỹ.
Bầu cử Thượng viện Campuchia
Từ 7h đến 15h ngày 25/2, Campuchia đã bỏ phiếu bầu cử Thượng viện khóa IV. Trong cuộc họp báo chiều cùng ngày, Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) cho biết thống kê sơ bộ cho thấy, có 99% cử tri đã đi bỏ phiếu.
Theo NEC, 11.670 người đã đi bỏ phiếu, chiếm 99,79%. Chỉ có 25 người không đi bầu. NEC khẳng định cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bầu không khí ổn định, không có các hoạt động biểu tình, gây rối hay cản trở nào.
Tại cuộc bầu cử lần này, 33 phòng phiếu ở 8 khu vực bầu cử trong cả nước được mở để 11.695 người đến bỏ phiếu, gồm 123 nghị sĩ Quốc hội và 11.572 ủy viên Hội đồng xã, phường. Tổng cộng có 276 quan sát viên đến từ 12 tổ chức phi chính phủ đã tham gia giám sát cuộc bầu cử.
Tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử lần này có 4 chính đảng gồm: đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đảng Funcinpec (FCP), đảng Thanh niên Campuchia (CYP) và đảng Khmer hòa hợp dân tộc (KNUP). Riêng đảng CPP hiện giữ 79 ghế trong Quốc hội và có 11.051 ủy viên Hội đồng xã, phường.
Thượng viện Campuchia khóa IV có 62 ghế, trong đó 58 ghế được bầu trong cuộc bầu cử lần này, 2 ghế do Quốc vương Norodom Sihamoni chỉ định và 2 ghế còn lại do Quốc hội bầu.
Dự kiến, kết quả kiểm phiếu sơ bộ của cuộc bầu cử sẽ được công bố vào tối 25/2 và kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 3/3 nếu không có trường hợp khiếu kiện. Trong trường hợp có khiếu kiện, kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 3/4.
Tại cuộc bầu cử Thượng viện khóa III tổ chức vào tháng 1/2012, đảng CPP giành được 46/61 ghế./.
Nguồn ĐCSVN-TT