Vụ tấn công đêm 14/4 làm rung chuyển thủ đô Damascus. (Ảnh: Hassan Ammar-AP/Shutterstock)
Dư luận phản ứng gay gắt việc Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria
Ngày 14/4, liên quân Mỹ, Anh và Pháp đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào lãnh thổ Syria với lý do “trừng phạt” chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trước nghi ngờ đã xảy ra một vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria và ngăn chặn kịch bản này tái diễn.
Kênh truyền hình Syria đưa tin, các lực lượng không quân của nước này đã đáp trả các cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp. Các cuộc không kích của Mỹ, Anh, Pháp đã đánh trúng một trung tâm nghiên cứu khoa học ở ngoại ô thủ đô Damascus – đang bị nghi là nơi sản xuất vũ khí hóa học và một số mục tiêu khác. Trong cuộc không kích này, Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp đã sử dụng 105 tên lửa hành trình được phóng đi từ các chiến hạm và máybay cường kích để tấn công thủ đô Damascus của Syria. Theo báo cáo ban đầu, hệ thống phòng không của Syria đã bắn hạ được 13 tên lửa gần thủ đô Damascus.
Cuộc tấn công chớp nhoáng này lập tức đã nhận được những phản ứng gay gắt từ dư luận:
Nga: Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov khẳng định, hành động của Mỹ và các nước đồng minh ở Syria sẽ khiến các nước này phải đối mặt với hậu quả. “Kịch bản tồi tệ nhất đã trở thành sự thật. Những lời cảnh báo của chúng tôi đã bị bỏ qua. Mọi trách nhiệm giờ thuộc về Washington, London và Paris… Mỹ – một nước sở hữu vũ khí hóa học nhiều nhất trên thế giới, không có đủ tư cách để hướng sự cáo buộc về phía các nước khác” – ông Antonov nói.
Ngay sau khi cuộc tấn công xảy ra,Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng chỉ trích cuộc tấn công quân sự của Mỹ và các đồng minh Pháp và Anh nhằm vào Syria là hành động vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Putin nhấn mạnh vụ tấn công là hành vi thù địch nhằm vào một nhà nước có chủ quyền và Nga kịch liệt án hành động này. Ông khẳng định việc các cường quốc phương Tây tiến hành tấn công Syria sẽ dẫn tới hậu quả nhân đạo nghiêm trọng. Bằng những hành động này, Washington đang thúc đẩy một làn sóng người tị nạn mới từ Syria cũng như trên toàn khu vực. Nhà lãnh đạo Nga đồng thời cho biết đã kêu gọi triệu tập một phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về cuộc tấn công của các cường quốc phương Tây tại Syria.
Bộ Ngoại giao Nga bình luận rằng việc Mỹ, Anh và Pháp không kích Syria cho thấy những nước này muốn trao cơ hội cho lực lượng cực đoan tại Syria khôi phục hàng ngũ.
Tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Cần phải lưu ý rằng hành động xâm lược được thực hiện vào đúng thời điểm quân đội Syria đang tiếp tục tấn công hiệu quả chống lại các nhóm khủng bố, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo  tự xưng và Jabhat al-Nusra. Do đó, hành động của Mỹ cùng các đồng minh tạo cho các lực lượng cực đoan cơ hội lấy lại sức mạnh, khôi phục hàng ngũ của mình, kéo theo đổ máu tại Syria và làm phức tạp hóa tiến trình giải quyết chính trị”.
Moskva cũng kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra đánh giá cần thiết về vụ tấn công nhằm vào Syria và loại bỏ khả năng tái diễn.
Trung Quốc:  Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Ma Zhaoxu cũng vừa lên tiếng kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh và kiềm chế trước tình hình hiện nay ở Syria – vốn được ông cho là đang rất nguy hiểm, đứng trước ngã rẽ giữa chiến tranh và hòa bình.
Ai Cập: Ngày 14/4, Ai Cập đã bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang quân sự mới nhất tại Syria, cho rằng vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ, Anh và Pháp sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự an toàn của người dân Syria và đe dọa những nhận thức chung đạt được về các vùng giảm căng thẳng ở quốc gia Trung Đông này.

Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết nước này hoàn toàn phản đối việc sử dụng bất kỳ vũ khí bị cấm nào trên lãnh thổ Syria, đồng thời yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế minh bạch.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh cộng động quốc tế cần phải thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria và phải giúp đảm bảo tiếp cận nhân đạo tới những nạn nhân đang bị mắc kẹt và bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột vũ trang.

Peru: Trong khi đó, cùng ngày 14/4, Chính phủ Peru đã bày tỏ lo ngại về cuộc không kích của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Syria, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để tránh một cuộc xung đột leo thang có thể đe dọa hòa bình thế giới.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Peru nhấn mạnh bất kỳ biện pháp đáp trả nào đối với việc sử dụng vũ khí hóa học cũng cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế và bày tỏ ủng hộ việc cử một phái đoàn của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tới Syria để điều tra vụ việc một cách minh bạch.

Peru cũng cho rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần phải thiết lập một cơ chế giúp xác định và truy cứu trách nhiệm những bên sử dụng vũ khí hóa học.

Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chính phủ Peru thông báo đang cùng với các nước tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria, cũng như bảo vệ dân thường trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Bolivia: Tổng thống Evo Morales đã lên án mạnh mẽ hành động tấn công quân sự của Mỹ, Anh và Pháp, kêu gọi Washington chấm dứt việc sát hại những người vô tội ở Syria.

Brazil: Ngoại trưởng Brazil Aloysio Nunes cũng bày tỏ lo ngại việc leo thang các hành động quân sự tại Syria, đồng thời khẳng định Brazil luôn bảo vệ một giải pháp thương lượng đối với cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

Ông Nunes cũng hy vọng phái đoàn của OPCW sẽ sớm có những kết luận điều tra về những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

UNESCO công nhận Di sản địa chất toàn cầu mới tại Việt Nam
Ngày 12/4/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 ở Paris, Pháp, đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO. Với danh hiệu này, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu thứ hai ở Việt Nam, sau Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới chỉ có tổng cộng 127 Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO ở 35 quốc gia.
Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO là danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý-hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội…, tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Một Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO cần có diện tích đủ lớn để có tác động đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương.
Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng có diện tích hơn 3275 km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện nơi địa đầu Tổ quốc, nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc ít người. Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ – sông – hang ngầm liên thông…, phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới. Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản…, tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.
Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, Quần thể Hồ Thang Hen, Động Ngườm Ngao… và đặc biệt Thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.
Kết thúc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018  
Từ ngày 8 đến 11/4, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018 (BFA) với chủ đề: “Châu Á mở cửa sáng tạo – Thế giới phát triển thịnh vượng” đã diễn ra tại thành phố duyên hải Bác Ngao, trên đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Trong 4 ngày họp, hơn 2.000 đại biểu và hơn 1.000 nhà báo đã tham gia thảo luận những sáng kiến kết nối, mở cửa, cải tiến và cải cách cơ cấu, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất trong hơn 60 phiên thảo luận quan trọng thuộc khuôn khổ Diễn đàn. Lãnh đạo các nước đều nhất trí rằng toàn cầu hóa là điều không thể đảo ngược, trong khi thương mại mở cửa, tự do, các bên cùng có lợi là phù hợp với lợi ích chung của châu Á, châu Âu và các khu vực khác trên thế giới. Điều này đã được dư luận đánh giá cao, coi đây là điểm đột phá và là đòn bẩy trong phát triển kinh tế của các nước, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, toàn cầu hóa kinh tế gặp nhiều trở ngại, chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng lan rộng trở lại.
Kể từ khi thành lập đến nay, Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) đã luôn thể hiện vai trò của một diễn đàn kinh tế có uy tín ở châu Á. Bên cạnh đó, diễn đàn cũng là nơi chính phủ các nước có thể chia sẻ ý tưởng nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, tài chính – ngân hàng.
BFA năm nay trong bối cảnh có những thách thức mà châu Á đang phải đối mặt, từ an ninh tới môi trường, từ vấn đề cạnh tranh, ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đến tác động của xu thế bảo hộ thương mại đang trỗi dậy…, buộc các nền kinh tế châu Á phải tìm ra cách thức ứng phó hiệu quả. Do đó, phát triển theo hướng đổi mới được xem là động lực duy nhất có thể duy trì sự thành công của các nền kinh tế châu Á trong dài hạn.
Quân đội Yemen giải phóng hoàn toàn thành phố cảng Medi
Ngày 11/4, các lực lượng trung thành với Tổng thống Yemen được quốc tế công nhận Mansour Hadi đã giành quyền kiểm soát thành phố cảng Medi thuộc tỉnh Hajja, miền Bắc Yemen sau các cuộc giao tranh dữ dội với phiến quân Houthi.
Với sự hỗ trợ của liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu, các lực lượng của chính phủ Yemen đã giải phóng hoàn toàn thành phố Medi và các chuyên gia về chất nổ hiện đang thực thi nhiệm vụ tháo dỡ hàng nghìn quả mìn do lực lượng Houthi cài tại thành phố này.
Chiến thắng Medi diễn ra sau khi hàng nghìn binh sĩ quân đội Yemen tiến hành chiến dịch không kích và tấn công trên bộ quy mô lớn vào một số quận và khu vực ở Medi do lực lượng phiến quân Houthi chiếm giữ. Các máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu của liên quân Arab đã “dọn đường” cho lực lượng bộ binh bằng các cuộc không kích, phá hủy các thiết bị và căn cứ quân sự của Houthi. Hàng trăm tay súng của Houthi đã thiệt mạng và bị thương trong chiến dịch này trong vài tuần qua.
Medi là cảng biển quan trọng từ lâu đã bị lực lượng Houthi sử dụng để vận chuyển và buôn lậu vũ khí. Do vậy, đây được xem là chiến thắng rất quan trọng. Đại diện quân đội Yemen cho biết mục tiêu tiếp theo của quân chính phủ là giải phóng thành phố Haradh và thành phố cảng Hodeida. Hodeida có một trong những cảng biển quan trọng nhất của Yemen và việc kiểm soát thành phố này có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc chiến chống phiến quân Houthi.
Cuộc nội chiến tại Yemen xảy ra năm 2014 khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa và giao tranh với các lực lượng trung thành với chính phủ của Tổng thống đương nhiệm Mansur Hadi. Kể từ tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab – do Saudi Arabia đứng đầu và được sự hậu thuẫn của Mỹ – đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để ủng hộ chính quyền của Tổng thống Hadi được quốc tế ủng hộ. Liên quân đã tiến hành hàng nghìn cuộc không kích nhằm vào các căn cứ của phiến quân Houthi tại Yemen. Để đáp trả, phiến quân Houthi cũng đã tiến hành hàng trăm vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào các thành phố của Saudi Arabia, tuy nhiên đa số các vụ tấn công này đều bị lực lượng phòng không Saudi Arabia đánh chặn.
Cuộc nội chiến ở Yemen thời gian qua cũng khiến cho quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran thêm căng thẳng khi Saudi Arabia cáo buộc phiến quân Houthi là một lực lượng ủy nhiệm của Iran.
Giám đốc điều hành Facebook điều trần trước Quốc hội Mỹ
Sau vụ bê bối về bảo mật thông tin gây chấn động dư luận, ngày 10 và 11/4, nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành (CEO) mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Tại phiên điều trần đầu tiên kéo dài 5 tiếng trước Thượng viện Mỹ (ngày 10/4), Mark Zuckerberg đã thừa nhận sai lầm, xin lỗi người sử dụng nhưng khẳng định sẽ không từ chức. Ngoài ra, Zuckerberg cũng đã trả lời chi tiết về hoạt động thu thập thông tin của Facebook, cũng như việc công ty bị cáo buộc độc quyền và quan điểm của bản thân về quản lý các doanh nghiệp Internet. Nhìn chung dư luận đánh giá, dù “ông chủ Facebook” có hơi vấp váp khi trả lời một số câu hỏi nhưng về tổng thể, sự thẳng thắn và trung thực của Zuckerberg trong phiên điều trần tại Thượng viện nhận được sự đánh giá cao của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, tại phiên điều trần thứ hai ở Hạ viện Mỹ (ngày 11/4), 55 hạ nghị sỹ Mỹ đã liên tiếp chỉ trích và truy vấn quyết liệt, khiến “ông chủ Facebook” bộc lộ rõ sự căng thẳng và đôi lúc mất bình tĩnh. Trong cả hai phiên chất vấn, có tới 40 lần CEO của Facebook không có câu trả lời và đề nghị được trả lời sau.
Trước đó 4 tuần, mạng xã hội Facebook đã lâm vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có liên quan tới dữ liệu người dùng. Đó là khi giới truyền thông đưa tin Facebook đã để Cambridge Analytica, hãng phân tích dữ liệu của Anh, tiếp cận trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016. Nghiêm trọng hơn, ngày 5-4, nguồn tin từ Facebook cho biết, số người dùng bị lộ dữ liệu lên đến 87 triệu người, cao hơn nhiều so với con số 50 triệu người được đưa ra trước đó. Ngay sau khi vụ bê bối trên bị tiết lộ, hàng nghìn người đã kêu gọi tẩy chay mạng xã hội này với chiến dịch có tên là “Delete Facebook”.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, vấn đề cấp bách mà chính phủ các nước cần phải làm ngay bây giờ, đó là tìm kiếm và triển khai những biện pháp, quy định pháp lý nghiêm ngặt hơn để quản lý và đảm bảo những trang mạng xã hội đáp ứng được tiêu chuẩn bảo mật thông tin người dùng.
Rơi máy bay quân sự Algeria khiến hơn 250 người thiệt mạng
Ngày 11/4, một máy bay quân sự của Algeria đã rơi gần khu vực sân bay quân sự Boufarik, gần thủ đô Algiers, làm 257 người thiệt mạng. Chiếc máy bay này bị rơi khi đang trên đường từ Boufarik đi qua Tindouf tới Bechar, chỉ ít phút sau khi cất cánh từ sân bay của căn cứ quân sự tại Boufarik, cách thủ đô Algiers 50 km về phía Nam. Máy bay đã rơi xuống một cánh đồng và bốc cháy.DIễn đàn Bác Ngao 2018
Đây được coi là thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất từng xảy ra tại quốc gia Bắc Phi này. Phần lớn nạn nhân là người phục vụ trong quân đội và nhiều nạn nhân là người tị nạn Tây Sahara. Một nhân chứng đã kể lại rằng họ nhìn thấy một cánh máy bay bị cháy ngay sau khi máy bay cất cánh. Và phi công đã thay đổi đường bay hướng xuống cánh đồng để máy bay không rơi xuống đường.
Theo Bộ Quốc phòng Algeria, những người sống sót đang được điều trị tại một bệnh viện quân đội.
Sau khi biết tin về vụ rơi máy bay quân sự Algeria khiến hơn 250 người thiệt mạng, nhà lãnh đạo của các quốc gia, tổ chức trên thế giới như Mỹ, Nga, Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU)… đã chia buồn với Chính phủ và nhân dân quốc gia Bắc Phi này.
Cách đây bốn năm, một máy bay quân sự khác của Algeria cũng đã gặp nạn tại vùng núi phía Đông của nước này làm 77 người thiệt mạng.
Khai mạc Hội chợ thương mại lớn nhất Trung Quốc
Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc, còn được gọi là Canton Fair, đã mở cửa từ ngày 15/4 tại tỉnh Quảng Đông (miền Nam nước này), thu hút sự tham gia của hơn 25.000 công ty.
Hội chợ thương mại này được tổ chức 2 lần/năm bắt đầu từ năm 1957 và được xem như là hội chợ thương mại lớn nhất Trung Quốc. Dự kiến các khách hàng từ hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham dự hội chợ.
Trong giai đoạn đầu tiên bắt đầu từ ngày 15/4 đến ngày 19/4, hội chợ trưng bày và bán các sản phẩm thuộc nhóm hàng gia dụng, điện tử và phần cứng. Ngoài ra, hội chợ còn có một khu hàng nhập khẩu với hơn 600 công ty từ 34 quốc gia và khu vực triển lãm khoảng 1.000 gian hàng.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), lĩnh vực ngoại thương của nước này đã tăng trưởng ổn định trong quý I vừa qua, với thặng dư thương mại giảm. Thặng dư thương mại đứng ở mức 326,18 tỷ NDT (khoảng 51,85 tỷ USD), giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu hàng hóa tăng 7,4% trong 3 tháng đầu năm, trong khi nhập khẩu tăng 11,7%./.
 Nguồn ĐCSVN-TT