VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

 – Việt Nam kêu gọi tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine và cuộc chiến Syria; Việt Nam tăng 30 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số toàn cầu hóa; Thủ tướng Anh đề nghị tổ chức tổng tuyển cử sớm; Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý sửa đổi Hiến pháp…; Cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng một là một số tin tức quốc tế nối bật tuần qua.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (Ảnh AFP)

Tại phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề “Tình hình Trung Đông, trong đó có vấn đề Palestine” diễn ra ngày 20/4, Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov, cảnh báo: “Một cơn bão hoàn hảo” đang nhấn chìm khu vực Trung Đông, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế; sự chia rẽ trong khu vực đã mở cửa cho sự can dự từ bên ngoài, gây nên bất ổn và xung đột”.  Phiên thảo luận do Đại sứ Nikki Haley, Trưởng Phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 4 chủ trì.

Ông Mladenov đã thông tin về việc Israel cho phép thiết lập các khu định cư mới trên lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine, căng thẳng leo thang tại khu vực Gaza và Bờ Tây. Đề cập đến các diễn biến gần đây tại Syria, ông Mladenov kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết phấn đấu đạt một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài tại Syria.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh sự bùng phát bạo lực, khủng bố cực đoan, xung đột Israel-Palestine, các cuộc xung đột ở Syria, Yemen, Iraq và nhiều nơi khác đã khiến nhiều người thiệt mạng, khủng hoảng tị nạn trầm trọng, gây đau khổ cho hàng triệu người, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình an ninh khu vực và quốc tế. Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine vì những quyền cơ bản, đặc biệt là quyền tự quyết và quyền thành lập một nhà nước độc lập. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan sớm nối lại đàm phán để tìm kiếm một giải pháp hòa bình bền vững cho cuộc xung đột Israel-Palestine trên cơ sở các Nghị quyết của Liên hợp quốc, trong đó có Nghị quyết 2334 của HĐBA năm 2016 và Sáng kiến hòa bình Arab.

Đại sứ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây tại Syria, khẳng định Việt Nam lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí hóa học và phản đối những hành động chống lại thường dân vô tội. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có những hành động làm căng thẳng leo thang, thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 2254 năm 2015 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Thông cáo chung Geneva, hợp tác nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria thông qua thương lượng. Đại sứ nhấn mạnh chỉ có một giải pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, mới có thể đạt được một nền hòa bình bền vững cho Syria và chấm dứt đau khổ cho người dân Syria.

Việt Nam tăng 30 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số toàn cầu hóa

Trung tâm nghiên cứu kinh tế thuộc trường Đại học Bách khoa Zurich (Thụy Sĩ) ngày 20/4 công bố bảng xếp hạng chỉ số toàn cầu hóa (KOF), cho thấy Hà Lan là quốc gia đứng đầu danh sách này, tiếp đó là Ireland và Bỉ. Đáng chú ý, Việt Nam đã tăng 30 bậc nhờ được đánh giá có những bước tiến tích cực.

Bảng xếp hạng chỉ số KOF đối với 187 quốc gia trên thế giới được tính toán dựa theo 23 tiêu chí xếp hạng trong 3 lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, liên quan tới các chỉ số thu thập trong giai đoạn kéo dài từ năm 1970 đến 2014. Theo đó, 2 lĩnh vực đầu tiên thể hiện những bước phát triển đáng kể của cả Hà Lan, Ireland và Bỉ, song lĩnh vực thứ 3 lại có xu hướng chững lại. Trong bảng xếp hạng, Thụy Sĩ tiếp tục giữ vững vị trí thứ 5.

Trong khi đó, do các nền kinh tế lớn trên toàn cầu chủ yếu có xu hướng hướng nội nên thường ở vị trí thấp trong bảng xếp hạng KOF. Cụ thể, dù là nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng Mỹ chỉ đứng thứ 27, Trung Quốc xếp thứ 71, Nhật Bản ở vị trí thứ 39 và Đức xếp thứ 16.

Hơn 50% người dân Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý sửa đổi Hiến pháp

Ngày 16/4/2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về Dự luật cải cách Hiến pháp với mục tiêu tập trung quyền lực cho Tổng thống. Kết quả cho thấy, phe đồng ý sửa đổi Hiến pháp đã giành chiến thắng với 51,5% số phiếu ủng hộ.

Cuộc trưng cầu sửa đổi Hiến pháp này được cho là sẽ mở đường cho những diễn biến chính trị đáng chú ý nhất kể từ khi nền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thiết lập năm 1923. Với kết quả trưng cầu dân ý này, chính thể cộng hòa nghị viện của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thay thế bằng cộng hòa tổng thống. Tổng thống Erdogan sẽ được quyền ra tranh cử thêm hai nhiệm kỳ nữa, đồng nghĩa với việc nếu ông chiến thắng trong các cuộc bầu cử năm 2019 và 2024, ông sẽ nắm quyền nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ cho tới tận năm 2029. Bên cạnh đó, ông cũng sẽ được quyền kiêm nhiệm vị trí cao nhất của đảng Công lý và Phát triển (AKP), một đảng đang có đa số áp đảo trong Quốc hội.

Tuy giành được chiến thắng song các nhà phân tích cho rằng, chiến thắng của ông Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý lần này không phải là một chiến thắng được “tâm phục khẩu phục”. Bởi trước hết đây là một chiến thắng rất sít sao với tỷ lệ số phiếu ủng hộ chỉ là 51,5%. Trong khi đó, cuộc trưng cầu này cũng được cho là chưa đạt được những tiêu chuẩn do Hội đồng châu Âu đề ra. Còn các đảng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhanh chóng lên tiếng phản đối kết quả này.

Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử tổng thống

Ngày 17/4/2017, chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Hàn Quốc đã chính thức được bắt đầu. Dự kiến, cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn tại Hàn Quốc sẽ diễn ra vào đầu tháng 5/2017 sau khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hoàn tất việc phế truất Tổng thống Park Geun-hye.

Theo Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc, ngoài 5 ứng cử viên nổi bật nhất của các đảng có đại diện trong Quốc hội, tới nay đã có thêm 10 người chính thức đăng ký ứng cử trong cuộc bầu cử sắp tới. Mặc dù số ứng cử viên khá đông song cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Hàn Quốc đã gần như được định hình. Theo đó, đây được dự đoán là cuộc đua của 3 ứng cử viên chính, đó là ông Moon Jae-in của đảng Dân chủ theo đường lối tự do, ông Ahn Cheol-soo của đảng Nhân dân theo đường lối trung tả,và Hong Joon-pyo của đảng Hàn Quốc Tự do theo đường lối bảo thủ.

Các nhà phân tích nhận định, cho dù ai trở thành tổng thống kế tiếp của Hàn Quốc đi nữa, thì người đó cũng sẽ phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn và thách thức: tăng trưởng kinh tế trì trệ, mối đe dọa hạt nhân từ CHDNCD Triều Tiên, sự trả đũa của Trung Quốc liên quan đến việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, và sự yếu kém của các tập đoàn kinh tế hàng đầu.

Thủ tướng Anh đề nghị tổ chức tổng tuyển cử sớm

Ngày 19/4/2017, với 522 phiếu thuận và 13 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua đề xuất của Thủ tướng Theresa May về việc tiến hành tổng tuyển cử trước hạn. Với kết quả này, nước Anh sẽ chính thức bước vào cuộc tổng tuyển cử sớm trong 7 tuần tới, dự kiến là ngày 8/6/2017. Theo quy định, cuộc tổng tuyển cử tới đây của Anh sẽ phải diễn ra vào năm 2020.

Quyết định của bà May được cho là khá bất ngờ bởi đã có tới 5 lần trước đó, nữ Thủ tướng Anh bác bỏ giả thuyết tiến hành bầu cử sớm với lý do muốn giữ ổn định cho đất nước. Đây có thể được coi là nước cờ “bất ngờ” song “cao tay” của người kế thừa danh hiệu “bà đầm thép” nước Anh, do đảng Bảo thủ của bà May hiện đang chiếm ưu thế tại hầu hết các cuộc thăm dò.

Bên cạnh đó, lý do thực sự đằng sau việc đột ngột thay đổi quan điểm là bởi bà May đã thấy được sự thật về nền kinh tế Anh và cho rằng chúng không mang lại một viễn cảnh tốt cho tương lai của bà. Tới năm 2020, nếu bà May để cho Quốc hội khóa này tiếp tục hoạt động, bà sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử khó khăn vì khi đó những tác động từ Brexit sẽ thể hiện rõ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại…

Tấn công ở trung tâm thủ đô Paris, Pháp

Tối ngày 20/4, một vụ nổ súng tại Đại lộ Champs-Elysees ở trung tâm thủ đô Paris của Pháp đã khiến ít nhất một cảnh sát thiệt mạng và hai cảnh sát khác bị thương nặng. Cảnh sát Pháp cho biết, vụ nổ súng xảy ra khi một xe ôtô đã dừng bên cạnh một xe cảnh sát đang đỗ. Một người đàn ông đã ra khỏi xe và nổ súng về phía xe cảnh sát. Theo nguồn tin cảnh sát, có ít nhất hai kẻ tấn công liên quan tới vụ nổ súng này, một kẻ tấn công đã bị cảnh sát tiêu diệt và một kẻ tấn công khác đã bỏ trốn. Cảnh sát Pháp đã phát lệnh truy nã đối với nghi can thứ 2.

Ngay sau vụ tấn công khủng bố tại Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã triệu tập một cuộc họp Hội đồng an ninh và quốc phòng vào ngày 21-4. Ông cũng khẳng định lực lượng an ninh sẽ ở mức cảnh giác cao nhất, đặc biệt liên quan đến tiến trình bầu cử sau vụ nổ súng này.

Vụ tấn công tại Đại lộ Champs-Elysees xảy ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 1 và hai ngày sau khi hai đối tượng bị cảnh sát Pháp bắt giữ ở thành phố Marseille với cáo buộc âm mưu tấn công khủng bố. Điều này cho thấy khủng bố vẫn đang là nỗi ám ảnh bao trùm nước Pháp hiện nay, trở thành thách thức đối với các lực lượng an ninh và mối đe dọa thường trực đối với người dân Pháp.

Quỹ Tiền tệ quốc tế nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2017 lên 3,5%

Ngày 18/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”, theo đó nâng mức báo kinh tế toàn cầu năm 2017 lên 3,5% trong năm 2017, tăng so với mức dự báo 3,4% hồi tháng 1 vừa qua.

IMF cho biết tình trạng trì trệ kéo dài của các nền kinh tế phát triển sẽ được cải thiện nhờ vào vòng tuần hoàn phục hồi của ngành sản xuất và thương mại toàn cầu, vốn bắt đầu có dấu hiệu tích cực từ mùa hè năm 2016. IMF đã nâng dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản thêm 0,4% lên mức 1,2%. Còn Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới- cũng tăng thêm 0,1%, lần lượt lên 1,7% và 6,6% so với con số đưa ra hồi tháng 1.

Trong khi đó dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn được IMF giữ nguyên ở mức 2,3%, một phần là nhờ vào chính sách giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ mà Tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện. Đây là mức tăng trưởng đáng kể so với con số 1,6% của năm 2016…

Bầu cử Tổng thống Pháp: Cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng một

Bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày hôm nay (theo giờ địa phương), cử tri Pháp sẽ tới các điểm bỏ phiếu để bầu người trở thành tổng thống nhiệm kỳ 2017-2022. Khoảng 45,7 triệu cử tri Pháp đủ điều kiện để đi bỏ phiếu bầu Tổng thống. Các điểm bầu cử sẽ đóng cửa vào 19 giờ (tức 0 giờ ngày 23/4 giờ Hà Nội). Tại một số thành phố lớn như Paris, Marseille, Lyon…, giờ bỏ phiếu sẽ kết thúc muộn hơn, vào 20 giờ.

Một ngày trước khi vòng 1 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp chính thức diễn ra, các công dân Pháp ở nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại như Polynesia ở Nam Thái Bình Dương và Guadeloupe, Guiana và Martinique nằm ở phía Đông vùng biển Caribe đã đi bỏ phiếu trong ngày 22/4. Tương tự, các kiều dân Pháp sinh sống tại New York (Mỹ) và Montréal (Canada) cũng đã đi bầu trước 1 ngày. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu tại các vùng lãnh thổ trên sẽ chỉ được công bố vào tối 23/4 sau khi các điểm bỏ phiếu tại Pháp đóng cửa.

Tại vòng 1 của cuộc bầu cử sẽ có sự tham gia tranh cử của 11 ứng cử viên. Tuy nhiên, kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy 4 ứng cử viên được đánh giá có nhiều tiềm năng nhất. Hiện ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 23%, tiếp theo là Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen với 22%, hai ứng cử viên gồm cựu Thủ tướng François Fillon và nhà lãnh đạo của phong trào “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélenchonđứng ở vị trí ngang nhau với 19%. Dự báo sẽ không có ứng cử viên nào giành đủ số phiếu quá bán trong vòng 1, hai ứng cử viên dẫn đầu sẽ bước vào vòng 2 cuộc bầu cử diễn ra vào 7/5 tới.

Kết quả các cuộc khảo sát trong những ngày qua cho thấy, tỷ lệ đi bầu sẽ không cao. Khoảng 72% cử tri tuyên bố sẽ đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, vụ nổ súng tối ngày 20/4 tại Đại lộ Champs-Elysées và vụ bắt giữ 2 ngày trước đó 2 đối tượng đang âm mưu thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở thành phố Marseille có thể sẽ là yếu tố khuyến khích người dân đi bỏ phiếu, nhằm chọn ra ứng cử viên có khả năng hành động kiên quyết và hiệu quả để bảo vệ người dân trước nguy cơ khủng bố. Đây cũng có thể là nhân tố tạo bước ngoặt tác động tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống vòng một. Bên cạnh đó, khoảng 30% cử tri cũng cho biết chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Theo giới chuyên gia, quyết định bỏ phiếu của các cử tri còn do dự cũng có thể làm thay đổi kết quả các cuộc thăm dò trước đó.

Kể từ 19 giờ ngày 23/4, công tác kiểm phiếu sẽ được bắt đầu. Dự đoán, kết quả sẽ rất sít sao giữa 4 ứng cử viên thuộc tốp đầu. Cuộc bầu cử Tổng thống năm nay là cuộc bầu cử khó đoán định nhất ở nước này từ trước tới nay. Những diễn biến bất ngờ từ đầu cuộc đua đã làm thay đổi đáng kể tương quan lực lượng giữa các ứng cử viên.

 Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay cũng được báo chí nước ngoài theo dõi sát sao. Các nước trong Liên minh châu Âu (EU) lo sợ sẽ xảy ra cú sốc tương tự như việc nước Anh bỏ phiếu rời EU (Brexit) và bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 nếu ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) thắng cử, bởi vì bà Marine Le Pen liên tục dẫn đầu trong các cuộc thăm dò bỏ phiếu vòng 1 thời gian qua./.

Nguồn ĐCSVN-TT