VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kết quả ấn tượng

– Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã đi được gần hết chặng đường và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Theo đó, tăng trưởng GDP phục hồi rõ nét sau giai đoạn 2011-2015, duy trì được tốc độ cao, đặc biệt là trong các năm 2017-2019 (với tốc độ tăng tương ứng đạt 6,81%; 7,08% năm 2017, 2018 và khoảng 7,1% năm 2019).

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo: “Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025: Cơ hội và thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Cơ hội lớn cho Việt Nam khi tham gia các FTA

Theo bà Trần Thị Hồng Minh – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF), kinh tế Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuyển đổi quan trọng gắn với tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của dựa trên các đột phá về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và khoa học công nghệ với những thuận lợi và khó khăn đan xen. Với tốc độ kinh tế được đánh giá cao trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam được kỳ vọng bước vào giai đoạn 2021-2025 với nhiều triển vọng phát triển.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chuyển sang thời kỳ kỷ nguyên số và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ Việt Nam đang tập trung cải cách theo hướng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế ngoài nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.

  Tăng trưởng GDP phục hồi rõ nét sau giai đoạn 2011 - 2015, duy trì được tốc độ cao, đặc biệt là trong các năm 2017-2019   Tăng trưởng GDP phục hồi rõ nét sau giai đoạn 2011 – 2015, duy trì được tốc độ cao, đặc biệt là trong các năm 2017-2019

Tuy nhiên, theo bà Hồng Minh, Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức và áp lực khi đã, đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và sắp tới là Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEF). Các hiệp định này dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế trong nước, tới doanh nghiệp và toàn xã hội.

Đồng tình với quan điểm này, bà Elisa Cavacece – Phó Đại sứ, Trưởng ban Phát triển Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam cho rằng, thực tế Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương. Điều này tạo ra nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam cũng như các nước khác để có thể thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mình. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, các hiệp định thương mại, trong đó có CPTPP và EVFTA sẽ mang lại những thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách mạnh mẽ về các vấn đề liên quan đến thể chế.

Tăng trưởng GDP Việt Nam phục hồi rõ nét

Theo thông tin tại Hội thảo, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 đã đi được gần hết chặng đường và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Tăng trưởng GDP phục hồi rõ nét sau giai đoạn 2011 – 2015, duy trì được tốc độ cao, đặc biệt là trong các năm 2017-2019 (với tốc độ tăng tương ứng đạt 6,81%; 7,08% năm 2017, 2018 và khoảng 7,1% năm 2019). Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các khu vực, các nền kinh tế chậm lại. Tính chung giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế đạt khoảng 6,84%/năm (đạt mục tiêu 6,5 – 7% của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016-2020 đã đề ra).

Nhìn từ phía cung, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là hai khu vực dẫn dắt tăng trưởng chung, bù đắp cho sự giảm sút của khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản, do đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là vào các năm 2016 và 2019. Từ phía cầu, tăng trưởng kinh tế cao nhờ tiêu dùng tăng cao hơn và thặng dư thương mại lớn hơn giai đoạn trước. Xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt là ở một số thị trường đối tác CPTPP và thị trường Mỹ, trong bối cảnh thương mại quốc tế giảm sút, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung diễn biến khó lường. Điều này cho thấy, Việt Nam đã tận dụng được hiệu quả từ các hiệp định thương mại và cơ hội từ diễn biến của kinh tế thế giới và hội nhập quốc tế. Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước tăng nhanh, cơ cấu đầu tư dịch chuyển theo hướng tích cực. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao và có sự dịch chuyển mạnh mẽ cả về hình thức, đối tác và lĩnh vực đầu tư.

Không chỉ được hỗ trợ bởi sự gia tăng về quy mô của các yếu tố sản xuất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 còn được thúc đẩy bởi sự cải thiện của năng suất và hiệu quả lao động. Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố với lạm phát ở mức thấp (dưới 4%), tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, lãi suất ổn định, tăng trưởng tín dụng và cung tiền được kiểm soát chặt chẽ. Cân đối tài khóa cải thiện. Tỷ lệ nợ công và nợ Chính phủ giảm nhanh theo chiều hướng vững chắc hơn. Môi trường kinh doanh có sự cải thiện tích cực, góp phần thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.

Bước vào giai đoạn 2021 – 2025, kinh tế Việt Nam được dự báo có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Theo đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lan rộng và việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam thông qua việc mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ.

Ngoài ra, giai đoạn 2021 – 2025, tăng trưởng kinh tế dự báo vẫn sẽ phụ thuộc vào khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Sự chuyển đổi nhanh hơn của mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, với động lực chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn VnMedia.vn