Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt 7% trong năm 2019
–Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, với những tiền đề khá tốt trong năm 2018, tăng trưởng kinh tế Việt Nam GDP năm 2019 được dự báo có khả năng đạt 7%.
Kinh tế thế giới năm 2019 được dự báo giảm tốc
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, kinh tế thế giới tăng trưởng chững lại trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng. Bằng chứng, tháng 10/2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 xuống mức 3,7%.
Trong khi đó, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế thế giới đã đạt đỉnh vào năm 2017, dự báo đạt 3,7% trong năm 2018 và đạt khoảng 3,5% trong năm 2019.
“Thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm hơn dự báo khi Mỹ thay đổi chiến lược chuyển sang đàm phán song phương, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng còn tiếp tục kéo dài. IMF hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2018 xuống mức 4,2%, thấp hơn 1 điểm% so với năm 2017”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thông tin.
Đưa ra triển vọng kinh tế thế giới 2019 tại Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2018, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, kinh tế thế giới năm 2019 được dự báo giảm tốc hoặc nhiều nhất chỉ duy trì được mức tăng như năm 2018. Những rủi ro chủ yếu đối với kinh tế toàn cầu năm 2019 là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ – Trung Quốc, cũng như rủi ro rút vốn và khủng hoảng cơ chế tỷ giá hối đoái tại các nước mới nổi.
Bên cạnh đó, thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Tăng trưởng thương mại thế giới năm 2019 được IMF (T10/2018) dự báo khoảng 4%, giảm 0,2 điểm % so với năm 2018 do chịu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Giá hàng hóa, giá dầu dự báo biến động không nhiều.Dự báo năm 2019, giá dầu sẽ được giữ ở mức ổn định hoặc tăng nhẹ khoảng 3% so với giá dầu bình quân năm 2018 (IMF, WB).
Tăng trưởng GDP năm 2019 được dự báo có khả năng đạt 7%
Liên quan đến tình hình kinh tế Việt Nam, Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2018 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 10 năm nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ, nông, lâm thủy sản tăng trưởng tốt.
Cũng theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2018, kinh tế Việt Nam ước tăng 6,9 – 7%, đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp khoảng 2,5 điểm% vào tăng trưởng; ngành dịch vụ đóng gópkhoảng 2,75% vào tăng trưởng. Tổng cầu của nền kinh tế duy trì mức tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ.
Trong khi đó, lạm phát bình quân cả năm 2018 ướckhoảng 3,6%. Lạm phát cơ bản bình quân tăng dưới 1,5% so với cùng kỳ. Nhân tố tác động chủ yếu đến lạm phát năm 2018 là thực phẩm và xăng dầu: giá thực phẩm tăng 6,67% so với đầu năm (đóng góp 1,51 điểm%); nhóm giao thông tăng 7,3% so với đầu năm (đóng góp 0,68 điểm%).
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng thông tin, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư trong nước đã ở mức cao nhờ cán cân thương mại dự báo xuất siêu ở mức cao hơn năm 2017. Cán cân tài chính tiếp tục thặng dư nhờ giải ngân FDI tiếp tục đạt khá, dòng vốn đầu tư gián tiếp đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, kiều hối tăng trưởng trên 10%…
Cân đối Ngân sách Nhà nước đảm bảo tiến độ do thu Ngân sách Nhà nước đạt khá trong khi chi được kiểm soát, cơ cấu thu – chi cải thiện tích cực, nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây.
Đưa ra những triển vọng kinh tế Việt Nam 2019, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, thành phần xu thế đã liên tục cải thiện trong những năm qua và được dự báo tiếp tục trong năm 2019. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam có thể được hỗ trợ bởi các yếu tố quốc tế như hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất, do tác động của chiến tranh thương mại và triển vọng từ các hiệp định mới như CPTPP và các các FTAs khác.
“Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 có khả năng đạt 7%” , Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo.
Về lạm phát năm 2019, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, có thể chịu tác động từ yếu tố giá thực phẩm và chi phí nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, áp lực khiến CPI tăng mạnh là không nhiều do giá hàng hóa thế giới dự báo chỉ tăng nhẹ. Tính toán cho thấy, nếu chưa tính đến điều chỉnh giá dịch vụ công, CPI bình quân năm 2019 có thể dưới mức 3,6%.