Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 còn đối mặt với nhiều thách thức
– Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù năm 2019 có những tín hiệu lạc quan, nhưng nền kinh tế vẫn đối diện với nhiều thách thức. Trong đó có thể kể đến sức ép lạm phát cao do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế…
Lạc quan về mục tiêu 6,8% mà Chính phủ đặt ra trong cả năm 2019
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quý I/2019, tăng trưởng kinh tế tiếp tục được cải thiện nhưng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2018. Ước tính quý I/2019, kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,79%, thấp hơn nhiều so với mức 7,41% của cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, so với cùng kỳ giai đoạn 10 năm trở lại đây, con số 6,79% vẫn là mức tăng trưởng cao, chỉ sau mức tăng của quý I/2018. Điều này cho phép nền kinh tế có thể có kỳ vọng lạc quan về mục tiêu 6,8% mà Chính phủ đặt ra trong cả năm 2019.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia, nguyên nhân tăng trưởng quý I/2019 chậm lại là do những động lực tăng trưởng từ cả phía cung và phía cầu đã có phần giảm sút so với cùng kỳ.
Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I/2019 vấn tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%, tuy thấp hơn mức tăng 14,3% của quý I/2018 nhưng cao hơn mức tăng quý I các năm 2012 – 2017, đóng góp lớn vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm với 2,72 điểm phần trăm. Chỉ số IIP của ngành này ước tính đạt 11,1%, đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung, tuy nhiên tốc độ tăng này thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 15,7% của cùng kỳ năm 2018.
Ngành dệt may và lọc hóa dầu đang dần trở thành điểm sáng tăng trưởng của khu vực công nghiệp trong quý I/2019, nhưng vẫn không bù đắp sự giảm sút của ngành điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Cũng theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia, tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2019 tiếp tục dựa vào khu vực sản xuất công nghiệp, chế biến và cơ chế thúc đẩy nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh. Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn có mức tăng trưởng khả quan, cùng với những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất từ phía Chính phủ nên khu vực này vẫn được coi là động lực của khu vực công nghiệp và kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng của toàn nền kinh tế trong những tháng tới.
Hơn nữa, động lực tăng trưởng tới đây của nền kinh tế vẫn phải trông vào tiêu dùng của dân cư và xã hội, và những động lực được tạo ra từ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; qua đó, góp phần thu hút nguồn lực xã hội vào tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Trong đó, xuất nhập khẩu cũng nhận được nhiều thuận lợi từ các nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trong nước. Việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất mới.
Ngoài ra, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung diễn ra gay gắt, việc tận dụng tốt cơ hội để xuất khẩu nhóm hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam như da giày, dệt may, sản phẩm thuỷ sản sẽ là hướng đi hợp lý trong bối cảnh thương mại hiện nay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Nền kinh tế vẫn còn những thách thức
Mặc dù năm 2019 có những tín hiệu lạc quan, nhưng Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia cho rằng, nền kinh tế vẫn đối diện với nhiều thách thức.
Theo đó, một số ngành vốn tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế như điện thoại, điện tử,… không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước, đi kèm với sự giảm tốc của ngành khai khoáng.
Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ gặp còn đối mặt với nhiều thách thức khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ, do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Đáng chú ý, những tháng còn lại của năm 2019 còn chịu sức ép lạm phát cao do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế. “Việc điều chỉnh giá bán điện (tăng 8,63%) được thực hiện từ cuối quý I sẽ có tác động tiêu cực đến sản xuất và tiêu dùng, qua đó tác động bất lợi đến tăng trưởng từ quý II. Nếu cộng hưởng việc điều chỉnh giá điện với điều chỉnh giá xăng dầu gần đây thì tác động suy giảm tăng trưởng có thể lớn hơn so với dự báo (dự kiến làm giảm GDP khoảng 0,6 – 0,8%)”, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế đánh giá.
Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn ở nhiều bộ ngành, địa phương chậm. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều rào cản. Sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.