VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những vấn đề nội tại của nền kinh tế như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt… vẫn là thách thức lớn.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo nhiều khởi sắc
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng qua đã có nhiều tiến triển tích cực, đáng mừng. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,6%); ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 11,8%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt khá, tăng 10,1% so với cùng kỳ, loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 7,5%).
Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng tiếp tục tăng trưởng mạnh, ước đạt 93,1 tỷ USD (tăng 15,8% so với cùng kỳ). Xuất siêu 5 tháng đạt khoảng 3,4 tỷ USD, chiếm gần 3,6% kim ngạch xuất khẩu. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng khá, đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ.
Đánh giá về tình hình kinh tế trong thời gian tới, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố thuận lợi đối với hoạt động kinh tế trong nước, tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, những nỗ lực từ phía Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, nhằm thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện triệt để và quyết liệt trong năm 2017 cũng sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018. Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được ký kết và thực hiện được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu. “Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Kết hợp những yếu tố thuận lợi nêu trên sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia nhận định.
Những khó khăn nội tại là thách thức lớn với nền kinh tế
Cũng liên quan đến những dự báo của nền kinh tế, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia cho biết, trong năm 2018, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có triển vọng khả quan khi được hưởng lợi khi có nhiều yếu tố tích cực sẽ hỗ trợ, về triển vọng kinh tế cũng như cơ hội trong quá trình hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại đàm phán thành công sẽ đem lại cơ hội cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, không chỉ ở các khoản đầu tư mới mà cả việc mở rộng các dự án sẵn có.
Đối với xuất nhập khẩu, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia cũng nhận định, có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực do những cải thiện trong quan hệ hợp tác của Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Cùng với đó, tăng trưởng tốt hơn của các đối tác chính của Việt Nam trong năm 2018, kéo theo những tác động tích cực cho nhu cầu về hàng hoá Việt Nam.
Ngoài ra, xu hướng tăng tiêu dùng dân cư có khả năng sẽ tiếp tục duy trì, năm 2018 được dự báo vẫn duy trì được xu hướng tăng trưởng khá của năm 2017. Mặc dù, xu hướng tiết kiệm vẫn diễn ra nhưng khi thu nhập tăng, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi tiêu cho các hoạt động mua sắm, giải trí, du lịch sử dụng tiền nhàn rỗi.
“Tâm lý tiêu dùng đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, khi có những biểu hiện lạc quan vào sự tăng trưởng kinh tế tốt trong tương lai, người tiêu dùng có thể tăng nhu cầu mua sắm trong hiện tại. Tuy vậy, giá cả nhiều mặt hàng hóa và dịch vụ đã được kiểm soát trong năm 2017 nhưng vẫn có rủi ro tăng lên trong năm 2018. Nguy cơ lạm phát vẫn là yếu tố tiêu cực có thể tác động đến tâm lý tiêu dùng”, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia cho hay.
Mặc dù vậy, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia cũng cho rằng, các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn là thách thức lớn như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá.
Yếu tố động lực tăng trưởng ở cả tổng cung và tổng cầu như khai thác dầu, than, đóng góp của kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tiêu dùng đều đã được tận dụng và khó có khả năng duy trì được mức tăng cao như trong năm 2017.
Thêm vào đó, thị trường lao động Việt Nam năm 2018 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang và sẽ tác động đến mọi mặt của nền kinh tế và xã hội, đặc biệt là thị trường lao động. Cuộc cách mạng này vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với thị trường lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực dệt may, điện tử, những ngành có nhiều lao động thủ công hoặc gắn với quá trình tự động hóa.
Nguồn VnMedia-TT