VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam vào top 3 khu vực Đông Nam Á

      – Theo Bộ Công Thương, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trở thành một trong những thị trường TMĐT phát triển năng động nhất trong khu vực và có tốc độ tăng trưởng TMĐT thuộc top 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ

  Ảnh minh họa.
Ngày 08 tháng 8 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020 kèm theo Quyết định số 1563/QĐ-TTg. Thực hiện Quyết định số 1563/QĐ-TTg, các nhóm mục tiêu lớn đề ra tại Quyết định đã từng bước đạt được.
Theo Bộ Công Thương, doanh số TMĐT bán lẻ B2C năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước, tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 42%. Với mức tăng trưởng ổn định như hiện nay, doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2020 dự tính sẽ đạt mốc 13,6 tỷ USD (dự báo được đưa ra trước khi diễn ra dịch Covid-19).
Thị trường TMĐT Việt Nam trở thành một trong những thị trường TMĐT phát triển năng động nhất trong khu vực và có tốc độ tăng trưởng TMĐT thuộc top 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn đầu của dịch bệnh Covid-19 (từ khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm 2020), có 57% doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan tới TMĐT cho biết doanh thu tăng trưởng dưới 30% so với cùng kỳ năm 2019, thậm chí tăng trưởng âm. Tuy nhiên, vẫn có 24% doanh nghiệp có doanh thu tăng trên 51% so với cung kỳ năm trước đó.
Tốc độ tăng trưởng về doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 ước giảm khoảng 6% mặc dù số lượng giao dịch tăng 25% (do các mặt hàng giao dịch TMĐT giai đoạn Covid-19 có giá trị thấp).
Dự báo TMĐT cả năm 2020, với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay, tốc độ tăng trưởng TMĐT về doanh thu trong quý IV là 20%, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ ước đạt 12 tỷ USD. Với trường hợp xấu nhất, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trong quý IV/2020, sản xuất tiêu dùng trong nước bị tác động, nguồn hàng, các hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng lớn như vận tải hàng không, dịch vụ lưu trú, ăn uống; sức tiêu dùng của người dân chậm thì khả năng quy mô thị trường TMĐT bị tác động lớn ước đạt 11 tỷ USD, và tốc độ tăng trưởng doanh thu TMĐT bán lẻ chỉ đạt 13%.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động thương mại điện tử
Theo Bộ Công Thương, với mục tiêu thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường TMĐT, ngày 28/2/2020, Tổng cục QLTT đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác về TMĐT (Tổ 368) bao gồm đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và một số Cục Quản lý thị trường tại địa phương. Ngay sau khi được thành lập, Tổ 368 đã triển khai nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra, trong đó nổi bật là việc kiểm tra đồng loạt Hệ thống Ansan Cosmetics, website kagawa.vn tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, trong cả năm 2019, lực lượng thanh tra chuyên ngành về TMĐT, cùng với lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra trên 2.400 vụ việc, xử lý trên 2.200 vụ việc vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, xử phạt trên 16,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 40 tỷ đồng.
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về TMĐT, Cục TMĐT và KTS đã phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an trực tiếp tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính với các đối tượng vi phạm với tổng mức phạt 173 triệu đồng, trong đó nổi bật vụ xử phạt minhchay.com – Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới vì hành vi thiết lập website TMĐT không thông báo với Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật. Tổng mức xử phạt trong năm 2020 nói trên không bao gồm mức xử phạt mà Cục phối hợp với Tổng Cục Quản lý thị trường.
Cũng theo Bộ Công Thương, năm 2020, Bộ đã yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT rà soát, gỡ bỏ tổng số gần 223,6 nghìn gian hàng và hơn 1 triệu sản phẩm, qua đó đã xử lý trên 30.000 gian hàng với gần 48.000 sản phẩm vi phạm. Bên cạnh đó, Cục TMĐT và KTS đã chủ động đăng tải cảnh báo đến người dùng trên các phương tiện truyền thông về các hành vi lừa đảo, giả mạo khi thực hiện mua sắm, đặt hàng trên môi trường điện tử, các dấu hiệu, chiêu trò lừa đảo bán các sản phẩm, thiết bị y tế kém chất lượng như khẩu trang, nước rửa tay trên mạng xã hội.

Nguồn VnMedia-TT