Trong trường hợp nếu có yếu tố biến động cần phải điều chỉnh lùi thời điểm của 1 năm nào đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ báo cáo Chính phủ quyết định…
Ảnh minh họa.
Tại dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng sang ngày 1/7 hằng năm thay vì 1/1 như trước đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, việc thay đổi này có thể gây xáo trộn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI.
TĂNG LƯƠNG VÀO NGÀY 1/1 LÀ PHÙ HỢP
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, hiện nay Bộ luật Lao động không ấn định thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu cụ thể mà chỉ quy định các yếu tố làm căn cứ điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Từ năm 2000 đến nay, Chính phủ đã 18 lần điều chỉnh lương tối thiểu nói chung, trong đó có 3/18 lần Chính phủ thay đổi thời điểm điều chỉnh sang tháng 10 là vào các năm 2005, 2006 và 2011. Còn lại 15/18 lần thực hiện điều chỉnh vào ngày 1/1.
Việc 3 lần thay đổi thời điểm từ ngày 1/1 sang tháng 10 là do năm 2005, 2006 lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp áp dụng chung cho cả khu vực hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Theo đó, năm 2005, 2006 phải điều chỉnh lại sang tháng 10 để phù hợp với khả năng ngân sách. Đối với năm 2011, Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng vào tháng 10 để kéo dãn tác động đến doanh nghiệp, tránh điều chỉnh tăng quá cao trong một lần khi thực hiện lộ trình thống nhất mức lương tối thiểu của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong năm này.
Bên cạnh đó, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giữa CPI và việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng nói chung là có mối quan hệ nhất định. Tuy nhiên ở Việt Nam do lương tối thiểu vùng chỉ áp dụng khu vực doanh nghiệp và chỉ là mức thấp nhất nên thực tế các số liệu thống kê từ năm 2000 đến nay cho thấy việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng không có tác động rõ ràng hoặc tác động không đáng kể đến CPI.
Những năm Chính phủ thay đổi thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu sang tháng 10 thì tốc độ tăng CPI của tháng 10 đều tăng thấp hơn so với các tháng liền kề; thời điểm tháng 10/2011, lương tối thiểu được điều chỉnh tăng hơn 41% và là mức tăng cao nhất trong lịch sử thì CPI của tháng này lại có mức tăng thấp nhất trong năm với mức 0,36%.
Ngoài ra, đa số các quốc gia lựa chọn thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu trùng với thời điểm bắt đầu năm tài chính để tạo thuận tiện cho việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại Úc, Mỹ năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc vào ngày 30/6 của năm kế tiếp, lương tối thiểu điều chỉnh vào ngày 1/7.
Tại Đức, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và một số nước khác, năm tài chính trùng với năm dương lịch, bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc vào 31/12 hàng năm nên các quốc gia này thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu từ ngày 1/1.
Trong khi đó, năm tài chính của Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc vào ngày 31/12. Theo đó, việc Việt Nam lựa chọn thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vào thời điểm 1/1 như hiện nay là phù hợp với thông lệ quốc tế.
CÓ THỂ GÂY XÁO TRỘN HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP NẾU “DỜI” SANG 1/7
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến, khi chính sách lương tối thiểu thay đổi, thông thường doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch tài chính, sản xuất kinh doanh cho phù hợp. Việc xác lập ổn định thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vào ngày 1/1 gắn với thời điểm bắt đầu của năm tài chính về cơ bản tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lập kế hoạch tài chính, sản xuất phù hợp với định kỳ hằng năm và giai đoạn.
Khi thay đổi sang ngày 1/7 hằng năm có thể gây xáo trộn trong 1 số năm đầu chuyển đổi, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI khi mỗi lần điều chỉnh đều phải xin ý kiến công ty mẹ, trong khi đa phần công ty mẹ đều thuộc những nước có năm tài chính gắn với năm dương lịch như Việt Nam.
Về quan hệ lao động, khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng vào ngày 1/1 thì các doanh nghiệp và tổ chức đại diện người lao động cũng đồng thời tiến hành thương lượng để điều chỉnh các chính sách tiền lương, thưởng và các điều kiện lao động mới.
Thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp đều thực hiện theo xu hướng này, qua đó tình hình quan hệ lao động được duy trì khá ổn định.
“Nếu chuyển thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng sang 1/7, khi đó doanh nghiệp và người lao động có thể phải nhiều lần thương lượng để thay đổi chính sách (có thể vừa vào dịp Tết, vừa vào dịp điều chỉnh lương tối thiểu vùng…), điều này có thể phát sinh những bất đồng, ảnh hưởng đến quan hệ lao động”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định.
Mặc khác, hiện nay nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp khá lớn, nhất là ở các khu công nghiệp tập trung. Dự kiến, trong thời gian tới khi lượng đầu tư tiếp tục tăng thì khả năng thiếu hụt lao động sẽ xảy ra. Để thu hút, giữ chân người lao động dịp đầu năm, các doanh nghiệp thường có xu hướng tăng lương, chế độ đãi ngộ.
“Nếu điều chỉnh tăng lương vào dịp tháng 1 sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng chế độ, chính sách đãi ngộ cho người lao động, theo đó khuyến khích lao động quay trở lại làm việc, đảm bảo cân đối cung – cầu lao động cho các địa bàn trọng điểm”, Bộ này cho hay.
Từ những phân tích trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị tiếp tục duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1 như thời gian vừa qua đã thực hiện. Trong điều kiện có những yếu tố biến động bất thường cần phải điều chỉnh lùi thời điểm của 1 năm nào đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Nguồn VnEconomy-TT