VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 235 tỷ USD

 – Trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Chương trình Thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Thông tin trên được chia sẻ tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam lần thứ 12 năm 2019 với chủ đề “Chiến lược Thương hiệu Quốc gia Việt Nam” vừa được tổ chức ngày 17/4.
“Vietnam” nằm trong nhóm thương hiệu mạnh
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam, hiện nay, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. “Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Vì vậy, việc Việt Nam triển khai xây dựng Chiến lược Thương hiệu quốc gia phù hợp với xu thế phát triển mới là hết sức cần thiết”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, Trưởng ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia cũng cho biết, qua 6 lần xét chọn, số lượng doanh nghiệp được công nhận có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia tăng đều qua các thời kỳ. Đến nay, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Đặc biệt, tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho thương hiệu quốc gia Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh và gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh minh họa
“Trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Chương trình Thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ”, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thông tin
Trong khi đó, ông Antonio Tedesco, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Italy tại Hà Nội cho biết, thương hiệu “Made in Italy” đứng thứ 3 trên thế giới về độ nổi tiếng, chỉ sau Coca-Cola và Visa. Thành quả này có được nhờ sự phối hợp đồng bộ của hệ thống thể chế từ Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế, Cơ quan thương mại Italy. Giá trị thương hiệu “Made in Italy” tăng đều qua từng năm.
Theo ông Antonio Tedesco, để có được thành quả trên là nhờ vào việc xây dựng mạng lưới phủ sóng rộng rãi từ đại sứ quán, lãnh sự quán, trung tâm văn hóa Italy, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa rộng khắp. Cùng với đó, Italy cũng đặt ra những ưu tiên cho nhóm sản phẩm hàng đầu
Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng Thương hiệu
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương, trong 16 năm tổ chức chương trình Thương hiệu quốc gia đã thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, với sự hỗ trợ đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề Thương hiệu đã cải thiện nhiều hơn, họ coi Thương hiệu là công cụ trong cạnh tranh và kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nghĩa cũng cho rằng, hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, nên chưa có những nhận thức, hành động nâng cao giá trị. Bên cạnh đó, một bộ phận các cơ quan cũng chưa có biện pháp hỗ trợ, đầu tư cho nguồn lực, quảng bá xúc tiến chư toàn diện và đồng bộ.
Để khắc phục tình trạng này, đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong thời gian tới, Ban Kinh tế trung ương sẽ phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất trong nghị quyết, quyết định phát triển kinh tế, xã hội, lồng ghép phát triển thương hiệu. Cùng với đó, phối hợp Bộ ban ngành tổ chức tuyên truyền bổi dưỡng nâng cao nhận thức về vai trò thương hiệu, nhận thức chính trị, niềm tự hào dân tộc, tinh thần tự lực tự cường giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu gắn với Thương hiệu quốc gia.
Để đưa thương hiệu Việt vươn xa ra thế giới, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh mong rằng Ban Kinh tế trung ương sẽ là cầu nối quan trọng tới các cơ quan, đặc biệt là tới Bộ ngoại giao, bởi đó là cánh cửa gắn liền Việt Nam với thế giới.
Nguồn -TT