Thương mại toàn cầu đang giảm, xuất khẩu Việt Nam có bị ảnh hưởng?
– Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm 1,8% so với cùng kỳ, cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng thì kết quả xuất khẩu của Việt Nam tăng 4,7% trong quý 1/2019 cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành.
Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam tăng thấp do ảnh hưởng của thế giới
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý 1/2019 có xu hướng tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng bởi những diễn biến kém tích cực của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tại các nền kinh tế chủ chốt có thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc và việc Anh rời khỏi EU có những diễn biến hết sức phức tạp.
Theo Bloomberg, thương mại toàn cầu suy giảm mạnh nhất trong 10 năm qua (thương mại trong khoảng thời gian 3 tháng tính đến tháng 1/2019 giảm 1,8% so với cùng kỳ năm – đây là mức giảm sâu nhất tính từ tháng 5/2009). Trong khi đó, nhiều tổ chức uy tín trên thế giới (như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMP), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Liên hợp quốc…) đều có những dự báo và nhận định không mấy khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay với sự giảm tốc của nền kinh tế chủ chốt như: Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản.
Cụ thể, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2019 lần thứ 2 trong vòng 3 tháng qua, giảm từ mức 3,7% xuống còn 3,5%. OECD tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 sẽ chỉ tăng 3,3% (tốc độ giảm 0,2% so với dự báo tháng 11 năm ngoái), WTO dự báo chỉ đạt 3,7% (giảm so với mức 3,9% so với năm 2018). “Trước tình hình đó, xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam cũng bị ảnh hưởng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 vừa qua ước đạt 22,4 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Tính chung cả quý 1/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 29,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 41,46 tỷ USD), tăng 2,7%, chiếm 70,9%.
Theo Bộ Công Thương, trong những tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn do một số mặt hàng xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu giảm, cạnh tranh gia tăng, nhu cầu tiêu thụ chững lại…
Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 7/9 mặt hàng trong nhóm này có sự sụt giảm trong quý 1/2019. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 1,4%, rau quả giảm 8,6%, cà phê giảm 23,8%, gạo giảm 23,6%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 23,6%… “Nông thủy sản là mặt hàng có tính mùa vụ. Thông thường những tháng đầu năm, đặc biệt là quý 1 chưa phải là thời điểm mùa vụ và xuất khẩu. Ngoài ra, đối với một số mặt hàng như thủy sản, kim ngạch xuất khẩu trong nhưng tháng đầu năm đều giảm do thị trường tiêu thụ chưa hết hàng nhập khẩu cuối năm”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lý giải.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường EU; Trung Quốc; thị trường Asean; Nhật Bản; Hàn Quốc…
Việt Nam xuất siêu ước đạt 600 triệu USD
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3 ước tính đạt 21,8 tỷ USD, tăng 48,6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 57,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12,7 tỷ USD, tăng 42,8%.
Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 57,98 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 24,09 tỷ USD, tăng 13,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,89 tỷ USD, tăng 6%.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong quý 1/2019, đã có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 69,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước như điện tử, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; vải; sắt thép; chất dẻo; ô tô; nguyên phụ liệu dệt, may; giày dép…
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu quý 1, Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 11,8 tỷ USD, tăng 1,1%; thị trường Asean; Nhật Bản; EU; Hoa Kỳ…
Như vậy, tháng 3 năm 2019, Việt Nam xuất siêu ước đạt 600 triệu USD, tính chung cả quý 1/2019, Việt Nam xuất siêu 536 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,7 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 7,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,57 tỷ USD.
“Trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm 1,8% so với cùng kỳ, xuất khẩu của nhiều nước giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm 2019 như Hàn Quốc giảm 8,7%; Trung Quốc giảm 4,6%; Nhật Bản giảm 4,7%; Indonesia giảm 7,7%. Cùng với đó, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng thì kết quả xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam có thể xem là một kết quả cho thấy sự nỗ lực rất lớn”, Bộ Công Thương cho hay.