Hội nghị ASEAN – Trung Quốc ‘nóng’ vấn đề Biển Đông, COVID-19; Mỹ hủy thị thực của hơn 1.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc; Trung Quốc ồ ạt điều quân, máy bay ném bom đến cao nguyên gần biên giới Ấn Độ; Tái giãn cách xã hội, Jakarta (Indonesia) đặt trong tình trạng khẩn cấp do Covid-19; Tổng thống Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình nhờ thỏa thuận Israel-UAE; Gần 28 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu…là những tin chihs được cập nhật.
Hội nghị ASEAN – Trung Quốc ‘nóng’ vấn đề Biển Đông, COVID-19
Hợp tác chống đại dịch COVID-19 cũng như vấn đề Biển Đông là các vấn đề nóng được thảo luận giữa ASEAN và các nước đối tác.
Mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, ASEAN tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp trên Biển Đông. ASEAN và Trung Quốc nên đảm bảo áp dụng hiệu quả DOC ở Biển Đông, trong khi tiếp tục làm việc hướng tới có được một COC hiệu quả, thực chất, tuân theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong hội nghị cấp cao ASEAN 36 và hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, các lãnh đạo và Bộ trưởng ASEAN đã tái khẳng định lập trường của ASEAN về Biển Đông. Các bên cần tăng cường lòng tin lẫn nhau, thực hành tự kiềm chế với những hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng, tránh các hành động tiếp tục làm căng thẳng tình hình, không quân sự hóa, theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình theo luật pháp quốc tế.
Mỹ hủy thị thực của hơn 1.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc
Tính đến ngày 8/9, Mỹ đã hủy thị thực của hơn 1.000 sinh viên sau đại học và nghiên cứu sinh có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Hôm qua (9/9), chỉ huy Bộ An ninh Nội địa Mỹ, ông Chad Wolf cho biết, nước này đang tiến hành hủy thị thực một số sinh viên sau đại học và nghiên cứu sinh Trung Quốc để ngăn chặn khả năng bị đánh cắp tài sản trí tuệ về kiến thức thương mại và nghiên cứu học thuật của Mỹ.
Phát biểu trước báo giới, ông Chad Wolf nhắc lại các cáo buộc của Mỹ về hoạt động kinh doanh bất chính và hoạt động gián điệp công nghiệp của Trung Quốc, bao gồm cả hoạt động đánh cắp nghiên cứu về virus Corona và cáo buộc nước này lạm dụng thị thực sinh viên để khai thác học thuật của Mỹ. Tính đến ngày 8/9, Mỹ đã hủy thị thực hơn 1.000 sinh viên sau đại học và nghiên cứu sinh có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Tuy vậy, Mỹ vẫn chào đón sinh viên, nghiên cứu sinh không hợp tác với quân đội Trung Quốc sang nghiên cứu, học tập. Theo thống kê của Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ, số sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Mỹ là gần 370.000, chiếm 33,7% tổng số sinh viên quốc tế.
Trung Quốc ồ ạt điều quân, máy bay ném bom đến cao nguyên gần biên giới Ấn Độ
Hôm 9/9, Hoàn Cầu Thời Báo đưa tin, giữa căng thẳng biên giới Trung – Ấn, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã huy động các lực lượng từ nhiều khu vực khác nhau của Trung Quốc tới khu vực cao nguyên gần biên giới với Ấn Độ. Theo đó, các lực lượng được điều động đến gồm có máy bay ném bom, lính phòng không, pháo binh, xe bọc thép, lính dù, đặc nhiệm và các đơn vị bộ binh.
Cũng theo Hoàn Cầu Thời Báo, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật và nhiều hoạt động quân sự khác tại các khu vực sa mạc ở Tây Bắc và tại khu tự trị Tây Tạng ở Tây Nam của Trung Quốc trong nhiều tuần qua sau các căng thẳng ở biên giới giữa hai nước.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh một vụ nổ súng vừa mới xảy ra ở biên giới Trung Quốc – Ấn Độ hôm 7/9. Bắc Kinh cáo buộc binh sĩ Ấn Độ vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC) tại khu vực núi Shenpao, nổ súng đe dọa các binh sĩ Trung Quốc lần đầu tiên trong 45 năm. Trong khi đó, phía Ấn Độ sau đó bác bỏ, cho rằng binh sĩ Trung Quốc mới là bên đã nổ súng.
Tổng thống Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình nhờ thỏa thuận Israel-UAE
Chỉ vài tuần sau khi làm trung gian hòa giải cho Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được đề cử cho giải Nobel Hòa bình 2021.
Christian Tybring-Gjedde, một thành viên của Nghị viện Na Uy đã đề cử ông Trump cho giải thưởng này, đồng thời khen ngợi những nỗ lực của nhà lãnh đạo Mỹ trong việc giải quyết các cuộc xung đột kéo dài trên thế giới. “Với phẩm chất của ông ấy, tôi nghĩ ông ấy đã nỗ lực trong việc xây dựng hòa bình giữa các quốc gia nhiều hơn hầu hết các ứng viên được đề cử giải Nobel Hòa bình khác”, Tybring-Gjedde, chủ tịch phái đoàn Na Uy tại Đại hội đồng Nghị viện NATO nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với Fox News.
Trong bức thư đề cử lên Ủy ban Nobel, ông Tybring-Gjedde đã viết rằng, chính quyền Tổng thống Trump đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ giữa Israel và UAE. “Hy vọng rằng các nước Trung Đông khác sẽ thực hiện theo những bước đi của UAE. Thỏa thuận này có thể làm thay đổi cuộc chơi, biến Trung Đông thành một khu vực hợp tác và thịnh vượng”.
Tái giãn cách xã hội, Jakarta (Indonesia) đặt trong tình trạng khẩn cấp do Covid-19
Sau khi số ca mắc Covid-19 tăng ở mức báo động, chính quyền thành phố Jakarta của Indonesia đã khẩn cấp tái áp dụng giới hạn xã hội quy mô lớn.
Trong cuộc họp báo ngày 9/9, Thống đốc Jakarta, ông Anies Baswedan thẳng thắn cho biết, tình hình Covid-19 tại thủ đô Jakarta rất đáng lo ngại khi trong tuần vừa qua tỷ lệ dương tính ở Jakarta đã tăng lên thành 13,2% so với tỉ lệ 6,9% trước đó. Thống đốc Jakarta, Anies Baswedan nhấn mạnh: “Từ dữ liệu về tỷ lệ tử vong, tình hình khu cách ly và phòng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân Covid-19 cho thấy, đại dịch ở Jakarta đang ở mức báo động”.
Tổng thống Indonesia đã ra lệnh không được khởi động kinh tế trước khi dịch bệnh được kiểm soát. Sức khỏe người dân được đặt lên hàng đầu. Nhìn vào tình huống khẩn cấp này, Jakarta không có cách nào ngoài việc “phanh khẩn cấp” càng sớm càng tốt, bắt buộc quay lại giãn cách xã hội quy mô lớn như thời kì đầu của đại dịch.
Giá vàng bất ngờ tăng vọt
Chốt phiên giao dịch đêm qua (9/9 – theo giờ Việt Nam), giá vàng tại thị trường New York niêm yết ở mức 1.947,20 USD/ounce, tăng thêm tới 15,20 USD/ounce, tương đương 0,79%. Vàng tăng trở lại chủ yếu do đồng USD giảm và chứng khoán Mỹ hồi phục nhanh sau 3 phiên lao dốc. Các cổ phiếu tăng mạnh, nhất là cổ phiếu Apple và Tesla sau 3 ngày bị bán tháo rất mạnh.
Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn được niêm yết ở mức 55,05 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra là 56,77 triệu đồng/lượng, tăng tương đương 400 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào – bán ra tăng 350 nghìn đồng/lượng so với phiên trước đó.
Doanh nghiệp Mỹ bi quan về căng thẳng thương mại Mỹ – Trung
Theo kết quả của cuộc thăm dò dư luận với hơn 340 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc trong khoảng thời gian từ ngày 16/6 đến ngày 16 tháng 7 vừa qua do Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, hơn một nửa doanh nghiệp được hỏi, tăng hơn 30% so với kết quả thăm dò của năm 2019 cho biết, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn kéo dài ít nhất 3 năm nữa. 1/3 doanh nghiệp cho biết, điều này sẽ tác động không nhỏ tới số nhân viên mà họ có thể duy trì cho doanh nghiệp. 27% số doanh nghiệp được hỏi còn bi quan hơn khi nói rằng, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung sẽ kéo dài vô thời hạn.
Do lo ngại về căng thẳng trong quan hệ song phương Mỹ – Trung và nguy cơ bất ổn kinh tế do Covid-19, chỉ có 29% doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc lên kế hoạch tăng đầu tư ở Trung Quốc trong năm nay.
Sáu “ông lớn” công nghệ lớn nhất thế giới mất hơn 1.000 tỷ USD chỉ trong 3 ngày
Sau khi phiên giao dịch 8/9 của thị trường Phố Wall (Mỹ) kết thúc, sáu công ty công nghệ lớn nhất thế giới đã mất tổng cộng hơn 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường. Cụ thể, hãng công nghệ Apple đã mất khoảng 325 tỷ USD trong 3 ngày qua sau khi ghi nhận giá trị vốn hóa thị trường đạt 2.000 tỷ USD vào ngày 19/8.Theo nhà phân tích Jared Weisfeld của ngân hàng đầu tư và dịch vụ tài chính Jefferies, với kết quả trên, giá trị thị trường của Apple đã “rớt” khỏi mốc 2.000 tỷ USD.
Trong khi đó, mức vốn hóa thị trường của hãng chế tạo phần mềm máy tính Microsoft và nhà bán lẻ trực tuyến Amazon giảm lần lượt 219 tỷ USD và 191 tỷ USD, còn giá trị thị trường của Alphabet “bay hơi” 135 tỷ USD. Hãng xe điện Tesla ghi nhận ngày giao dịch tồi tệ nhất trong lịch sử hoạt động với giá cổ phiếu giảm 21% trong ngày 8/9, khiến mức vốn hóa thị trường của Tesla giảm 109 tỷ USD chỉ trong 3 ngày giao dịch qua. Về phần mình, Facebook là doanh nghiệp công nghệ có mức giảm giá trị thị trường ‘khiêm tốn” nhất với 89 tỷ USD bị “bay hơi”.
Công nghệ 5G giúp Vũ Hán chống đại dịch Covid-19
– Dự án chống dịch thông minh nhờ 5G ở Vũ Hán được nhiều bệnh viện lớn, tổ chức y tế và các cơ quan chính phủ đồng thành lập ngay sau khi virus corona bùng phát vào đầu năm 2020.
1.850 bác sĩ, 3.400 nhân viên điều dưỡng và 8.350 bệnh nhân đã được hưởng lợi từ dự án này, giúp tăng đáng kể tỷ lệ chữa khỏi và hiệu quả chăm sóc sức khỏe đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế. Trong khi đó, mạng 5G là phương tiện quan trọng để triển khai giáo dục từ xa, cộng tác và hội nghị từ xa.
Dự án đã tận dụng băng thông cao, độ trễ thấp, sự đơn giản của trạm viễn thông và tính linh hoạt trong triển khai của 5G để đẩy nhanh việc ứng dụng các giải pháp chăm sóc sức khỏe thông minh. Dự án đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật số mạnh mẽ cho các nhân viên y tế để nghiên cứu hiệu quả các tác động và sự lây lan của virus, tiêu biểu cho việc ứng dụng sáng tạo công nghệ 5G trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông minh.
Với sự đảm bảo dịch vụ đáng tin cậy của 5G, các thiết bị y tế cần thiết cho chăm sóc sức khỏe thông minh được đảm bảo có quyền truy cập và lên lịch ưu tiên cao nhất, băng thông cao nhất và độ trễ thấp nhất. Việc triển khai MEC tại chỗ được kích hoạt để thực hiện truyền và xử lý dữ liệu y tế nhanh chóng. Dựa trên các mạng 5G mạnh mẽ, Dự án Chống dịch bằng 5G thông minh ở Vũ Hán đã cung cấp các dịch vụ thông tin cho các cơ quan chính quyền địa phương, các tổ chức y tế và nhiều doanh nghiệp khác. Do đó, các dịch vụ vẫn hoạt động trơn tru trong thời gian xảy ra đại dịch.
5G cũng đã giúp ứng dụng rộng rãi video đám mây, đo thân nhiệt hồng ngoại, khử trùng dựa trên robot và các dịch vụ ở sân bay, nhà ga, tòa nhà văn phòng và cộng đồng dân cư. Các ứng dụng này có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm sự lây lan của virus bằng cách giúp phối hợp phòng ngừa và kiểm soát, xác định bệnh nhân tiềm năng ở các khu vực công cộng, khử trùng quy mô lớn ở các môi trường trong nhà và ngoài trời, đồng thời sẽ được tích hợp vào cơ sở hạ tầng y tế sau đại dịch.
Được biết, tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới 5G năm 2020 (5G World 2020 Summit), Huawei đã được công nhận vì đóng góp trong Dự án chung chống đại dịch thông minh nhờ 5G ở Vũ Hán với giải thưởng “Thử nghiệm/Đối tác doanh nghiệp 5G sáng tạo nhất”.
*** Gần 28 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận hơn 28 triệu người nhiễm, gần 907.000 người chết do nCoV, sóng Covid-19 thứ hai đang đe dọa nhiều quốc gia.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 27.993.667 ca nhiễm và 906.891 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 283.244 và 6.257 ca sau 24 giờ, trong khi 20.078.535 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 6.546.726 ca nhiễm và 195.148 người chết, tăng lần lượt 37.416 và 1.214 ca so với một ngày trước đó. Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington ước tính đến ngày 1/1 năm sau, 410.000 người sẽ chết vì nCoV ở Mỹ, tức là hơn 220.000 người chết trong 4 tháng tới, nếu xu hướng tránh đeo khẩu trang vẫn tiếp diễn.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, cho rằng “rất ít khả năng” nước này sẽ có vaccine Covid-19 trước ngày bầu cử 3/11. Nhận định của ông trái ngược với tuyên bố mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 7/9 rằng nhà chức trách sẽ sẵn sàng phân phối vaccine Covid-19 trước ngày bầu cử.
Ba quan chức giấu tên cho biết chính quyền Trump dự định chấm dứt việc sàng lọc hành khách nhập cảnh tại sân bay. Mỹ đã bắt đầu sàng lọc hành khách đến từ Vũ Hán, nơi khởi phát Covid-19, tại một số sân bay vào tháng một. Trong những tháng tiếp theo, thêm một số sân bay khác kiểm tra kỹ hành khách từ các quốc gia có nguy cơ cao.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo thêm 95.529 ca nhiễm và 1.168 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 4.462.965 và 75.091.
Dù ca nhiễm đang tăng mạnh, chính phủ Thủ tướng Narendra Modi thể hiện lạc quan bằng cách chỉ ra tỷ lệ hồi phục cao tại Ấn Độ, với khoảng 75% tổng số ca nhiễm đã bình phục.
Ấn Độ gần đây nới lỏng nhiều hạn chế hơn để giảm bớt áp lực kinh tế và đã cho phép tàu điện ngầm ở khu vực đô thị hoạt động trở lại từ ngày 7/9. Tại thành phố Bengaluru, hàng nghìn quán rượu được phép phục vụ rượu cho khách hàng từ 1/9 sau khoảng gần 6 tháng hoạt động này bị cấm. Họ vẫn phải đảm bảo quy định về giãn cách xã hội và chỉ được hoạt động với 50% công suất.
Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, số ca tử vong tăng lên 128.539 sau khi ghi nhận thêm 463 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 32.765 trong 24 giờ qua, lên 4.197.889.
Bộ Y tế Brazil nhận định số ca nhiễm nCoV ở nước này gần đây giảm nhẹ và hy vọng đã đạt đỉnh dịch sau những tháng ghi nhận ca tử vong trung bình hàng ngày là hơn 1.000 người. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tình hình dịch ở Brazil có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương và khu vực nhượng bộ trước áp lực từ các doanh nghiệp để mở cửa lại nền kinh tế quá sớm, cũng như không siết các biện pháp cách biệt cộng đồng.
Quyền Bộ trưởng Y tế Brazil Eduardo Pazuello ngày 8/9 nói rằng nước này có thể có vaccine và bắt đầu tiêm chủng toàn dân từ tháng một năm sau. Quốc gia đông dân nhất Mỹ Latinh đã trở thành nơi thử nghiệm quan trọng cho các loại vaccine Covid-19 tiềm năng.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 142 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 18.135. Số ca nhiễm tăng 5.218, lên 1.041.007. Nga dự kiến bắt đầu tiêm chủng hàng loạt vaccine Sputnik V cho nhóm dân số có nguy cơ nhiễm nCoV cao từ tháng 11-12.
Bộ Y tế Nga cho biết lô vaccine Sputnik V đầu tiên, do trung tâm Gamaleya nghiên cứu và phát triển, đã được đưa vào lưu hành từ hôm 7/9.
Nga hôm 31/8 bắt đầu dỡ bỏ hạn chế ngăn dịch ở phần lớn đất nước khi hàng triệu học sinh bước vào năm học mới. Website thông tin về chống Covid-19 của chính phủ cho hay học sinh không bị bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học, nhà ăn hoặc giờ nghỉ trưa, song sẽ được kiểm tra thân nhiệt khi tới trường.
Nam Phi, vùng dịch lớn thứ bảy thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 642.431 ca nhiễm và 15.168 ca tử vong, tăng lần lượt 1.990 và 82 ca.
Dù ca nhiễm và tử vong do nCoV đang có xu hướng giảm, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết ông vẫn lo lắng về nguy cơ xuất hiện sóng Covid-19 lần hai như các quốc gia khác. Tổng thống Cyril Ramaphosa cũng cảnh báo ca nhiễm có thể gia tăng trở lại nếu người dân lơ là cảnh giác. Chính phủ Nam Phi đã dần nới lỏng hạn chế để cho phép hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế mở cửa trở lại.
Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, ghi nhận ca nhiễm tăng trở lại sau một quãng thời gian kiềm chế được dịch. Nước này báo cáo 543.379 ca nhiễm và 29.628 ca tử vong, tăng lần lượt 8.866 và 34 ca.
Tây Ban Nha yêu cầu trẻ từ 6 tuổi trở lên đeo khẩu trang tại các trường học. Học sinh phải duy trì khoảng cách 1,5 m với nhau, chỉ được giao tiếp với bạn cùng lớp và phải rửa tay ít nhất 5 lần một ngày. Thủ đô Madrid đóng cửa các hồ bơi công cộng từ ngày 1/9 và các công viên sẽ đóng cửa vào ban đêm.
Pháp ghi nhận thêm 8.577 ca nhiễm, nâng tổng số lên 344.101, trong đó 30.794 người chết, tăng 30 trường hợp. Ca nhiễm ở Pháp tăng trở lại sau một quãng thời gian kiềm chế được dịch, nhưng chủ yếu tập trung ở người trẻ có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng nên không tạo ra áp lực mới với hệ thống bệnh viện.
Chính phủ Pháp hôm 6/9 nâng mức cảnh báo tại các thành phố lớn như Lille, Strasbourg và Dijon khi ca nhiễm mới nCoV liên tục tăng cao. Giới chức Pháp trước đó tuyên bố đóng cửa 22 trường học do phát hiện các ca nhiễm chỉ vài ngày sau khi học sinh quay trở lại lớp học.
Iran báo cáo 22.669 người chết sau khi ghi nhận thêm 127 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.313, lên tổng cộng 393.425 ca. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran có xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 6. Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.
Dù nhiều phụ huynh lo lắng về nguy cơ lây lan nCoV, Iran mở lại trường học từ ngày 5/9 với các quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn.
Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 245.143 ca nhiễm và 3.986 ca tử vong, tăng lần lượt 3.176 và 70 ca.
Thủ đô Manila và các tỉnh lân cận vẫn áp đặt các hạn chế cho đến cuối tháng 9, hạn chế việc di chuyển không thiết yếu và cấm tụ tập đông người. Đi lại quốc tế và di chuyển giữa các vùng vẫn bị hạn chế.
Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 203.342 ca nhiễm, tăng 3.307 trường hợp so với hôm trước, trong đó 8.336 người chết, tăng 106 ca.
Tổng thống Joko Widodo hôm 1/9 nói dịch ở Indonesia nhiều khả năng đạt đỉnh vào tháng này, đồng thời cho biết ông “rất tự tin” về khả năng tiếp cận vaccine an toàn và hiệu quả vào cuối năm nay. Bộ trưởng Nghiên cứu Indonesia Bambang Brodjonegoro tháng trước cho biết nước này cũng đang phát triển vaccine cải tiến của riêng mình, được gọi là vaccine “đỏ và trắng” theo màu quốc kỳ.
Thủ đô Jakarta tái áp đặt hạn chế khi ca nhiễm tăng trung bình 1.000 ca mỗi ngày vào tháng này. Giao thông công cộng bị hạn chế, người dân không được ăn uống trong nhà hàng và phải làm việc tại nhà từ ngày 14/9.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 57.166 người nhiễm, tăng 75 ca, và 27 người chết. Giới chức hôm 3/9 phát hiện ổ dịch mới ở khu ký túc xá cho lao động nước ngoài, sau khi tuyên bố hồi tháng trước rằng tất cả công nhân sống trong ký túc xá đã hồi phục hoặc đã làm xét nghiệm.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 2/9 thừa nhận nước này có nhiều thiếu sót trong nỗ lực ứng phó Covid-19. Ông cho rằng nếu có cơ hội làm lại, chính phủ Singapore sẽ ban hành lệnh bắt buộc đeo khẩu trang sớm hơn, đồng thời cách ly toàn bộ công dân từ nước ngoài về, thay vì chỉ áp dụng với những người nhập cảnh từ một số quốc gia nhất định.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng thế giới cần chuẩn bị tốt hơn cho những đại dịch tiếp theo và đầu tư nhiều hơn vào hệ thống y tế cộng đồng. “Đây sẽ không phải đại dịch cuối cùng. Lịch sử dạy chúng ta rằng các đợt dịch bệnh là thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, thế giới cần sẵn sàng khi đại dịch tiếp theo tấn công, phải sẵn sàng hơn lần này”, ông nói.
Tổng hợp-TT