VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 10/11/2019.

 Nguy cơ làn sóng vỡ nợ tại Trung Quốc; Giới tỉ phú toàn cầu mất 388 tỉ đô la bởi kinh tế bất ổn; Ông Trump: Trung Quốc đang ‘tồi tệ nhất 57 năm qua’; Giá thịt heo đẩy lạm phát Trung Quốc lên cao…là những tin chính được cập nhật.

 Nguy cơ làn sóng vỡ nợ tại Trung Quốc

 Quận tài chính Lujiazui tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg    Quận tài chính Lujiazui tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg

Nửa đầu năm, quy mô số vụ vỡ nợ trái phiếu diễn ra tại Trung Quốc đã lên tới hơn 55 tỷ NDT (8 tỷ USD).
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng vượt dự báo / Những con số ‘khổng lồ’ về nền kinh tế Trung Quốc
Các công ty Trung Quốc đang đối mặt với thử thách thực sự sau nhiều năm vay nợ. Từ năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chiến dịch giảm đòn bẩy để kiềm chế rủi ro trên thị trường tài chính. Nó đã khiến hoạt động cho vay phi chính thức đi xuống. Nhiều quy định chặt chẽ hơn về quản lý tài sản cũng được áp dụng. Việc này khiến nhiều công ty khó huy động thêm vốn, gây ra hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu năm 2018.
Nửa đầu năm nay, tình hình có vẻ đang lắng xuống, khi chính phủ Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiếu hụt thanh khoản. Tuy nhiên, trên thực tế, rủi ro vỡ nợ lại đang cao lên, một phần do tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Đây được đánh giá là vấn đề rất lớn, với nguy cơ ngày càng trầm trọng. Nửa đầu năm, quy mô số vụ vỡ nợ trái phiếu diễn ra tại Trung Quốc là hơn 55 tỷ NDT (8 tỷ USD), trong đó có 20 vụ là lần đầu tiên. Con số cả năm ngoái là 122 tỷ NDT, gấp hơn 4 lần năm 2017. Các công ty tư nhân chiếm hơn 90% số vụ vỡ nợ năm ngoái. Tình hình này năm nay cũng tương tự.
Nguyên nhân được đánh giá chủ yếu là thiếu hụt thanh khoản. Nhà đầu tư và các ngân hàng vốn chuộng cho vay doanh nghiệp nhà nước. Họ thường lưỡng lự đổ tiền cho doanh nghiệp tư nhân với quy mô nhỏ hơn. Bên cạnh đó, việc chính phủ Trung Quốc đột ngột tiếp quản ngân hàng Baoshang hồi tháng 5 cũng khiến nhiều nhà đầu tư ngại rủi ro.
Một nguyên nhân khác là tăng trưởng của Trung Quốc đang mất đà. Các công ty yếu kém được dự báo sắp trải qua các đợt đói vốn với áp lực trả nợ ngày càng tăng.
Trong đợt cao điểm trước, các công ty vỡ nợ nhiều nhất thuộc những ngành dư thừa công suất, như than hay thép. Lần này, quy mô ảnh hưởng rộng hơn. Hãng dầu mỏ CEFC Shanghai International Group và hãng khai thác than Wintime Energy là những cái tên vỡ nợ lớn nhất năm 2018, theo số liệu của Bloomberg. Năm nay, tập đoàn đa ngành China Minsheng Investment Group cũng đang chịu sức ép từ núi nợ 34 tỷ USD.
Các công ty Trung Quốc đã tích lũy nợ trong ít nhất một thập kỷ, nhằm đối phó khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việc này đã giúp chống đỡ kinh tế Trung Quốc, nhưng cũng khiến họ phải trả giá. Tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP tăng vọt lên kỷ lục 160% cuối năm 2017, từ 101% cách đây 10 năm.

Giới tỉ phú toàn cầu mất 388 tỉ đô la bởi kinh tế bất ổn
Tổng giá trị tài sản của giới tỉ phú toàn cầu suy giảm lần đầu tiên trong 3 năm qua vào năm ngoái do đồng đô la Mỹ mạnh lên, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, các biến động xấu của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu, theo báo cáo Billionaires Insights 2019 do Ngân hàng UBS và hãng kiểm toán PwC phối hợp thực hiện.
Báo cáo của UBS/PwC, công bố hôm 8-11, cho biết tổng giá trị tài sản của giới tỉ phú trên toàn cầu giảm 388 tỉ đô la Mỹ (4,3%) trong năm 2018, rơi về mức 8.539 tỉ đô la. Đây là lần đầu tiên, tổng giá trị tài sản của họ suy giảm kể từ năm 2015. Báo cáo cũng cho biết số tỉ phú trên toàn cầu cũng rơi về con số 2.101 người trong năm ngoái, giảm 57 người so với năm 2017.
Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể trong 5 năm qua, tổng giá trị tài sản của giới tỉ phú toàn cầu tăng 2.200 tỉ đô la (34,5%).
Josef Stadler, Giám đốc đơn vị phụ trách các khách hàng siêu giàu ở Công ty UBS Global Wealth Management, nói: “Cơn bùng nổ tỉ phú trong 5 năm qua giờ đây bước vào thời kỳ điều chỉnh tất yếu. Giá trị mạnh lên của đồng đô la Mỹ kết hợp với các bất ổn đang gia tăng ở các thị trường chứng khoán trong một môi trường địa chính trị nguy hiểm, đã tạo ra các điều kiện cho sự sụt giảm này”.
Một trong những nơi góp phần lớn nhất cho sự sụt giảm giá trị tài sản ròng của giới tỉ phú là khu vực Trung Quốc mở rộng (gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Macau và Đài Loan). Tổng tài sản của giới tỉ phú Trung Quốc giảm đến 12,8% vào năm ngoái, về mức 982,4 tỉ đô la vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng ở mức yếu nhất trong gần 3 thập kỷ, thị trường chứng khoán Trung Quốc suy giảm và đồng nhân dân tệ giảm giá. Số lượng tỉ phú ở Trung Quốc cũng giảm 48 người, về con số 325 trong năm 2018.
Châu Á – Thái Bình Dương vẫn là nơi có số lượng tỉ phú đông đảo nhất thế giới với 754 người dù đã giảm 7,4% vào năm ngoái và họ có tổng giá trị tài sản 2.500 tỉ đô la. Trong số này, các tỉ phú Trung Quốc chiếm đến 43%, còn các tỉ phú Ấn Độ, Hồng Kông và Nhật Bản chiếm lần lượt 14%, 9% và 4%.
Số tỉ phú ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi giảm 5% trong năm 2018, xuống còn 598 người, sở hữu tổng tài sản 2.400 tỉ đô la.

Ông Trump: Trung Quốc đang ‘tồi tệ nhất 57 năm qua’
Tổng thống Donald Trump hôm 9/11 khẳng định các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt đẹp nhưng Washington chỉ chốt thỏa thuận nếu thỏa thuận này có lợi cho họ.
Ông Trump khẳng định tiến độ đàm phán đã diễn ra chậm hơn ông mong muốn nhưng Trung Quốc mới là quốc gia muốn đạt được thỏa thuận hơn.
“Nếu thỏa thuận không như mong muốn, tôi sẽ không chốt. Tôi muốn đạt được một thỏa thuận nhưng đó phải là thỏa thuận phù hợp. Trung Quốc rất nóng lòng chốt thỏa thuận. Họ đang có một năm tồi tệ nhất trong suốt 57 năm qua. Chuỗi cung ứng của họ vỡ như trứng. Có lẽ họ phải chốt thỏa thuận thôi, tôi không biết nữa, tôi không quan tâm, việc đó phụ thuộc vào họ”, ông chủ Nhà Trắng khẳng định.
Cũng theo Tổng thống Trump, thời gian qua xuất hiện thông tin sai trái về việc Mỹ sẵn sàng gỡ bỏ thuế quan cho Trung Quốc. Ông Trump nhấn mạnh thuế quan đã mang về hàng chục tỉ USD cho Mỹ và “con số này sẽ sớm tăng lên hàng trăm tỉ USD”.
“Có rất nhiều thông tin không chính xác nhưng các bạn hãy chờ xem tôi sẽ làm gì. Mức độ gỡ bỏ thuế quan là không chính xác”, ông Trump nói nhưng không giải thích.
Trước đó, vào ngày 7/11, giới chức 2 nước khẳng định Washington và Bắc Kinh đã đồng ý gỡ bỏ thuế quan theo từng giai đoạn để khắc phục thiệt hại do thương chiến gây ra. Tuy nhiên, theo Reuters, ý tưởng này vấp phải sự phản đối quyết liệt của một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump. Ông Trump cũng khẳng định chưa đồng ý với ý tưởng gỡ bỏ thuế quan.

Giá thịt heo đẩy lạm phát Trung Quốc lên cao
(SGGP) Theo số liệu Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 9-11, giá tiêu dùng của nước này trong tháng 10 đã ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong gần 8 năm, trong bối cảnh giá thịt heo tăng mạnh do dịch tả heo châu Phi bùng phát.
NBS nêu rõ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát bán lẻ chủ chốt, đã ở mức 3,8% trong tháng 10, cao hơn mức 3% của tháng 9 và đây cũng là mức lạm phát theo năm cao nhất kể từ tháng 1-2012.
Theo NBS, giá thịt heo ở Trung Quốc đã tăng hơn gấp hai lần trong năm qua. Ước tính hơn 1 triệu con heo đã bị tiêu hủy kể từ khi dịch tả heo châu Phi bùng phát vào tháng 8-2018. Tình trạng này đã đẩy giá các loại thịt khác tăng lên, như thịt bò, thịt gà, vịt và trứng, do người tiêu dùng chuyển sang các nguồn cung cấp protein khác.
Hãng tin Bloomberg dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, người Trung Quốc phải giảm ăn thịt heo vì giá quá cao. Thậm chí, tình trạng khan hiếm thịt heo và giá thịt heo tăng cao ở Trung Quốc sẽ còn kéo dài thêm nhiều tháng nữa…

***   Hàn Quốc, Nhật Bản nhất trí giải quyết căng thẳng
Ngày 4/11, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 tại Thái Lan, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí về tầm quan trọng của mối quan hệ song phương, đồng thời tái khẳng định nguyên tắc giải quyết các vấn đề bất đồng giữa hai nước, trong đó có căng thẳng thương mại, thông qua đối thoại.
Cả hai nhà lãnh đạo đều đã đồng ý rằng quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản là quan trọng và các vấn đề tồn đọng giữa hai bên cần được giải quyết thông qua đối thoại. Tổng thống Hàn Quốc đã đề nghị tổ chức các cuộc hội đàm cấp cao hơn nếu cần thiết, trong khi Thủ tướng Nhật Bản Abe đề nghị tìm kiếm một giải pháp với tất cả các phương tiện sẵn có.
Dù 4 tháng trước, nhà lãnh đạo hai nước Nhật – Hàn đã có những cái bắt tay tại hội nghị G20 tại Nhật Bản, song đây mới là cuộc thảo luận đầu tiên giữa hai người vòng hơn một năm qua. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Đến ngày 8/11, Hàn Quốc đã chính thức thông báo tổ chức vòng đàm phán thứ hai với Nhật Bản sẽ diễn vào cuối tháng này để tháo gỡ căng thẳng thương mại giữa hai nước tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Căng thẳng thương mại giữa hai nước ở Đông Bắc Á đã gia tăng sau khi Tokyo áp đặt các biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn với hoạt động xuất khẩu sang Seoul 3 vật liệu quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình dẻo. Sau đó, Nhật Bản cũng loại Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy. Seoul cho rằng các động thái trên của Tokyo là nhằm đáp trả những phán quyết năm ngoái của Tòa án Tối cao Hàn Quốc, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho các công dân Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động trong thời kỳ chiến tranh từ năm 1910-1945. Về phần mình, Nhật Bản luôn khẳng định các biện pháp trên là cần thiết vì Hàn Quốc có hệ thống quản lý lỏng lẻo với những mặt hàng thương mại nhạy cảm, luận điểm mà Seoul kiên quyết phản đối.

Iran nối lại việc làm giàu urani tại cơ sở Fordow
Ngày 7/11, Iran đã chính thức khởi động quy trình bơm khí gas vào hàng trăm máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Fordow dưới lòng đất. Đây là bước cắt giảm cam kết thứ 4 của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết với nhóm P5+1 (gồm: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức) năm 2015.
Tuyên bố của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) cho biết, quy trình bơm khí gas vào các máy ly tâm đã được bắt đầu từ 0 giờ ngày 7/11 theo giờ địa phương (20:30 GMT), sau khi 2.800 kg xi-lanh chứa 2.000 kg UF6 (uranium hexafluoride) được chuyển từ cơ sở hạt nhân Natanz tới cơ sở Fordow – nơi được lắp đặt 1.044 máy li tâm.
Thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 (còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện – JCPOA), cho phép Iran vận hành các máy ly tâm IR-1 thế hệ 1 tại cơ sở hạt nhân Fordow mà không sử dụng khí gas urani.
Trước đó, ngày 5/11, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lần đầu tiên công bố về việc Iran sẽ thực hiện bước cắt giảm thứ 4 trong JCPOA. Ngày 6/11, nhà lãnh đạo này tiếp tục thông báo trên Twitter rằng việc bơm khí gas vào các máy ly tâm sẽ sớm được khởi động.
Về phía Iran đã tỏ rõ lập trường rằng, việc nước này cắt giảm các cam kết không phải là hành động vi phạm JCPOA mà được thực hiện dựa trên các điều 26 và 36 trong bản thỏa thuận.

Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba
Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 7/11 đã thông qua một nghị quyết kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba. Đây là lần thứ 28 một nghị quyết tương tự đã được thông qua.
187 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, trong khi Mỹ, Israel và Brazil bỏ phiếu chống, Colombia và Ukraine bỏ phiếu trắng.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez đã hoan nghênh sự ủng hộ gần như tuyệt đối của cộng đồng quốc tế đối với việc chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế-thương mại kéo dài hơn nửa thế kỷ qua mà Mỹ áp đặt chống Cuba. Trên mạng xã hội Twitter, nhà lãnh đạo Cuba nêu rõ: “Những tiếng nói của thế giới đoàn kết chống lại sự phong tỏa Cuba”.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez Parrilla cho biết lệnh cấm vận của Mỹ đã gây ra nhiều thiệt hại nhân đạo không thể tính được và là một sự vi phạm nhân quyền có hệ thống. Theo Ngoại trưởng Cuba, lệnh cấm vận của Mỹ là một hành động diệt chủng và mọi người dân Cuba đều phải chịu đựng những hậu quả của chính sách của Mỹ.
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhắc lại lời kêu gọi tất cả các quốc gia kiềm chế “ban hành và thực thi” các luật và biện pháp có những “hiệu ứng ngoài lãnh thổ” ảnh hưởng đến chủ quyền của các quốc gia khác, và đặc biệt đề cập đến luật Helms-Burton của Mỹ, được thông qua vào năm 1996.

Kết thúc vòng đối thoại mở đầu về Syria
Vòng đàm phán mở đầu về tương lai chính trị của Syria đã kết thúc vào ngày 8/11 với những tiến triển đạt được vượt trên sự mong đợi và vòng đối thoại tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 25/11 tại Geneva. Điều này mang lại cơ hội hòa giải chính trị cho các bên ở Syria sau hơn 8 năm chiến tranh.
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Hiến pháp Syria với sự tham dự của Đặc phái viên LHQ tại Syria Geir Pedersen ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 30/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đặc phái viên của Liên hợp quốc Geir Pedersen cho biết kết quả cuộc đối thoại giữa các bên đạt được vượt trên sự mong đợi của nhiều người. Các bên tham gia đối thoại chủ yếu tập trung vào các vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và khủng bố mà không đi sâu vào chi tiết.
Tuy nhiên, không có thỏa thuận về việc lập tức phóng thích hàng nghìn tù nhân trong nước. Đặc phái viên Liên hợp quốc nhấn mạnh việc phóng thích các tù nhân sẽ là một bước quan trọng, cần thiết để xây dựng niềm tin giữa các bên ở Syria./.

Tổng hợp-TT