Đánh thuế kỹ thuật số, Pháp khơi mào chiến tranh thương mại với Mỹ?; Dân số thế giới đạt 7,7 tỷ người, gây nhiều lo ngại; Mỹ có thể đang cân nhắc nới lỏng trừng phạt Triều Tiên; Kim Jong Un chính thức là nguyên thủ Triều Tiên…là những tin chính được cập nhật.
Đánh thuế kỹ thuật số, Pháp khơi mào chiến tranh thương mại với Mỹ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Kinhtedothi – Mỹ có quyền “đáp trả các hoạt động thương mại không công bằng của nước ngoài” theo luật thương mại, theo Đại diện Thương mại Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới yêu cầu điều tra kế hoạch đánh thuế của Pháp nhằm “đòi lại công bằng” các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Amazon, Apple, Google và Facebook.
Cuộc điều tra được Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer công bố tối 10/7 rất có thể sẽ leo thang thành những đòn thuế trả đũa và để ngỏ khả năng khơi mào một cuộc chiến thương mại mới giữa Pháp và Mỹ.
Thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp, dự kiến sẽ được thông qua trong hôm nay, sẽ yêu cầu các công ty công nghệ có doanh thu lớn hơn 845 triệu USD phải trả thuế 3% cho doanh thu tại Pháp.
Động thái này sẽ thu về khoảng 500 triệu Euro, tương đương 563 triệu USD cho ngân sách công của Pháp mỗi năm, mà Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno le Maire tuyên bố sẽ trở thành “công lý”. Doanh thu từ thuế là lời cảnh báo chống lại các động thái trốn thuế tinh vi của một số DN công nghệ Mỹ tại Pháp.
Đại diện thương mại Lighthizer cho biết Washington có lý do để tin rằng Pháp đang “nhắm mục tiêu thuế không công bằng” vào các công ty Mỹ. Và đó là nguyên nhân Tổng thống Mỹ phát động cuộc điều tra nói trên.
“Mỹ lo ngại rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số dự kiến được Thượng viện Pháp thông quavào ngày mai nhằm vào các công ty Mỹ một cách thiếu công bằng”, ông Lighthizer nói.
“Tổng thống đã chỉ đạo điều tra các tác động của đạo luật này và xác định xem đó là phân biệt đối xử hay không hợp lý, hay nhằm vào gây thiệt hại hoặc hạn chế thương mại Mỹ”
Mỹ có quyền “đáp trả các hoạt động thương mại không công bằng của nước ngoài” theo luật thương mại. Ông Lighthizer cũng cho biết Mỹ có thể quyết định đáp trả Pháp bằng những đòn thuế mới.
Dân số thế giới đạt 7,7 tỷ người, gây nhiều lo ngại
Thế giới có thể tăng thêm 2 tỷ người, chạm mốc 9,7 tỷ năm 2050, kéo theo nhiều vấn đề như già hóa, cạn kiệt tài nguyên.
Ấn Độ sắp vượt mặt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới / Người mẹ 38 con được ví như biểu tượng bùng nổ sinh đẻ ở châu Phi
Dân số thế giới sẽ tăng thêm hai tỷ người trong 30 năm tiếp theo, từ mức 7,7 tỷ hiện nay lên 9,7 tỷ vào năm 2050, theo báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố hôm 17/6.
Dân số toàn cầu phải mất hàng nghìn năm để đạt mức 5 tỷ vào năm 1987, nhưng 32 năm sau, chúng ta đang đạt mức gần 8 tỷ. Sự bùng nổ này là lý do Liên Hợp Quốc coi ngày 11/7 hàng năm là Ngày Dân số Thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về các vấn đề dân số.
Dân số toàn cầu tăng nhanh, nhưng lại không đồng đều, khi có một số khu vực đang mất dân số. Theo Liên Hợp Quốc, 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đang suy giảm dân số với tỷ lệ 1% hoặc hơn kể từ năm 2010 do mức sinh thấp, trong đó có các nước như Trung Quốc hay Nhật Bản. Tỷ lệ sinh toàn cầu đã giảm từ 3,2 con/phụ nữ năm 1990 còn 2,5 con/phụ nữ năm 2019 và dự kiến tiếp tục giảm.
Ở một số khu vực khác, dân số lại bùng nổ. Tại khu vực châu Phi cận Sahara, dân số dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2050. 9 quốc gia gồm Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Congo, Ethiopia, Tanzania, Indonesia, Ai Cập và Mỹ, sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng dự kiến của dân số toàn cầu từ nay tới năm 2050.
Tuổi thọ của người dân toàn cầu dự kiến tăng từ 72,6 tuổi lên 77,1 tuổi năm 2050. Đáng chú ý là tuổi thọ tại các nước kém phát triển thấp hơn 7,4 năm so với mức trung bình toàn cầu. Theo Liên Hợp Quốc, nguyên nhân do tỷ lệ tử vong ở trẻ em và người mẹ cao, cùng với đại dịch HIV và tình trạng bạo lực ở các khu vực xung đột.
Ngoài ra, 68% dân số thế giới dự kiến sống ở khu vực đô thị vào năm 2050, đặt trách nhiệm phát triển bền vững và giảm biến đổi khí hậu lên vai các nhà quy hoạch đô thị.
Mỹ có thể đang cân nhắc nới lỏng trừng phạt Triều Tiên
Triều Tiên sẽ được gỡ lệnh trừng phạt có thời hạn ở một số lĩnh vực nếu đồng ý đóng cửa cơ sở hạt nhân chính của nước này.
Mỹ đang cân nhắc đình chỉ một số lệnh trừng phạt đối với ngành xuất khẩu than và dệt may của Triều Tiên trong 12 đến 18 tháng nếu Bình Nhưỡng tháo dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon và đóng băng toàn bộ chương trình hạt nhân, một nguồn tin am hiểu các cuộc thảo luận tại Nhà Trắng về vấn đề Triều Tiên ngày 11/7 cho hay.
“Khi các cuộc thảo luận chuyên môn bắt đầu, Nhà Trắng muốn đặt ra các điều kiện để họ có thể khởi động quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên”, nguồn tin nói và thêm rằng việc ngừng áp cấm vận có thể được gia hạn nếu quá trình giải trừ hạt nhân Triều Tiên “tiến triển tốt”, song sẽ nhanh chóng bị hủy bỏ nếu Bình Nhưỡng gian dối.
Nếu cách tiếp cận trên hiệu quả, nó có thể được áp dụng cho các cơ sở khác ngoài khu phức hợp hạt nhân Yongbyon và thực hiện từng bước cho đến khi Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt. Lúc đó, Washington sẽ xóa bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Bình Nhưỡng.
Điều này quan trọng vì nó cho phép Mỹ và Triều Tiên tìm hiểu ý định của đối phương và xây dựng lòng tin, nhưng theo cách thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa và gỡ bỏ cấm vận”, nguồn tin nói.
Kim Jong Un chính thức là nguyên thủ Triều Tiên
Bản hiến pháp mới vừa được Triều Tiên công bố khẳng định, nhà lãnh đạo Kim Jong Un là người đại diện quốc gia trong các hoạt động ngoại giao của nước này.
Hãng tin Yonhap cho hay, trang web tuyên truyền Naenara của Triều Tiên đã công bố toàn văn hiến pháp sửa đổi, được quốc hội nước này thông qua hồi tháng 4, trong đó nêu rõ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên là nhà lãnh đạo tối cao “đại diện cho đất nước”. Theo đó, ông Kim được công nhận là nguyên thủ của Triều Tiên.
Bản hiến pháp trước đây của Triều Tiên quy định Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ là lãnh đạo tối cao, còn Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên (Quốc hội) là người đại diện cho đất nước với tư cách là nguyên thủ quốc gia về danh nghĩa.
Đầu năm nay đã xuất hiện nhiều đồn đoán về việc Triều Tiên sửa đổi hiến pháp để đưa nhà lãnh đạo Kim Jong Un chính thức trở thành nguyên thủ quốc gia. Trong phiên họp hôm 29/3, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cũng đưa nhận định về việc này, cho rằng Triều Tiên có thể sẽ tiến hành sửa đổi Hiến pháp trong tháng 4.
“Từ việc ông Kim không giữ chức vụ nào tại quốc hội trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 10/3, NIS đang theo dõi một số kịch bản có thể xảy ra ở Triều Tiên, như khả năng tiến hành sửa đổi hiến pháp tại phiên họp của quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 11/4”, nghị sĩ Lee Eun-jae thuộc đảng đối lập Tự do Hàn Quốc (LKP) dẫn tin từ NIS cho hay.
*** Ông Putin bất ngờ điện đàm với tân Tổng thống Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có cuộc điện đàm đầu tiên với tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ sau khi ông này nhậm chức hồi tháng 5.
Bác sĩ Việt Nam giúp vợ Thống đốc Bang Bentiu “mẹ tròn con vuông”
Vợ của Thống đốc Bang Bentiu nhập Bệnh viện Dã chiến (BVDC) cấp 2-số 1 của Việt Nam trong tình trạng nguy cấp nhưng đã được các bác sĩ Việt Nam tại đây chữa trị kịp thời giúp vợ ông sinh hạ an toàn một bé gái kháu khỉnh. Để bày tỏ lòng biết ơn, Thống đốc Bang Bentiu đã tặng bệnh viện một con bò để liên hoan chia vui cùng gia đình.
Vụ án cánh đồng ngô và “cơ hội thứ hai”
Kẻ sát nhân đã bóp cổ một cô gái lạ mặt và quẳng xác cô tại cánh đồng ngô ở thành phố Crown Point (Indiana). 37 năm sau, thủ phạm của vụ án đã trở nên nổi tiếng với tư cách là chồng của một người có khả năng trở thành thị trưởng Crown Point, rao giảng về cơ hội thứ hai trong đời sau khi đã gây tội ác trong quá khứ.
Venezuela bác khả năng bầu cử sớm theo yêu sách của Guaido
Chủ tịch Quốc hội Lập hiến Venezuela Diosdado Cabello bác bỏ khả năng bầu cử sớm theo yêu sách của phe đối lập, nhấn mạnh ông Nicolas Maduro là tổng thống hợp pháp duy nhất.
Kế hoạch chiến tranh sinh học ở Mỹ của Nhật Bản bị đổ bể
Chiến dịch “Hoa anh đào vào ban đêm” là kế hoạch năm 1945 do tướng Shiro Ishii phát triển để tiến hành chiến tranh sinh học tấn công các trung tâm dân sự vùng Nam California của Mỹ trong những tháng cuối cùng Chiến tranh Thế giới lần 2, sử dụng mầm bệnh do các thành viên Đơn vị 731 nằm dưới sự lãnh đạo của Ishii tạo ra.
Nhật-Hàn tìm lối thoát cho vòng xoáy căng thẳng thương mại
Hôm nay (12-7), đoàn đàm phán cấp cao của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ gặp mặt trực tiếp để giải quyết các tranh cãi thương mại, vốn bắt đầu từ những vấn đề tồn đọng từ quá khứ, nhưng được cho là có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu trong tương lai.
Bùng phát cuộc chiến kinh tế Hàn Quốc – Nhật Bản
Cả thế giới đã chú ý vào kết quả cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ – Trung Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua ở Osaka, Nhật Bản. Dường như cộng đồng quốc tế đã được an lòng khi cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo cường quốc kinh tế số 1 và số 2 đã đem đến kết quả là một thỏa thuận đình chiến mong manh.
Iran bác cáo buộc bắt hụt tàu dầu của Anh trên Eo biển Hormuz
Anh xác nhận tàu chở dầu British Heritage của nước này bị tàu Iran chặn lại gần Eo biển Hormuz, song Tehran lập tức bác bỏ cáo buộc.
Dấu mốc “thay đổi Hy Lạp”
Trải qua nhiều năm mệt mỏi với chính sách “thắt lưng buộc bụng”, người dân Hy Lạp đã quyết định tạo ra sự thay đổi thông qua việc gửi gắm lá phiếu vào một nhà lãnh đạo mới – thủ lĩnh đảng Dân chủ Mới Mitsotakis với hy vọng về một cuộc sống “dễ thở” hơn.
Mỹ thừa nhận ICBM Triều Tiên vươn tới mọi nơi trên lãnh thổ
Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đánh giá tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 của Triều Tiên có tầm bắn gần 13.000km, tức đủ sức vươn tới mọi địa điểm trong lục địa Mỹ.
“Tướng” giang hồ Gruzia
Tariel Oniani sống những năm tháng tuổi thơ tại làng nhỏ Lentekhi chỉ có 2.000 dân, Gia đình sau đó chuyển về thị trấn Tkibuli để người cha làm nghề thợ mỏ. Cha mất sớm vì sập hầm, gia đình lại chuyển về thành phố Kutaisi, Tariel chuyên đi ăn cắp.
Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nhưng thúc ép Iran tuân thủ
Mỹ cho rằng việc Iran dừng tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giống như hành vi “tống tiền”, bất chấp việc nước này là bên đơn phương rút khỏi thỏa thuận.
Mất tiền tài khoản, bị bắt cóc, trộm cắp… vì Facebook
Lợi ích của Facebook là rất lớn, nhưng mặt trái là không nhỏ, từ lừa đảo, trộm cắp tín dụng, tin cá nhân tới bắt cóc, tống tiền hãm hại phụ nữ và trẻ em.
Mỹ tố Iran dùng xuồng vũ trang bắt ‘hụt’ siêu tàu dầu của Anh
Quan chức Mỹ nói rằng Iran điều 5 xuồng vũ trang cỡ nhỏ tiếp cận tàu chở dầu British Heritage của Anh song rời đi khi chạm mặt tàu hộ vệ tên lửa của London.
Tham vọng cao tốc xuyên Á-Âu của Nga và Trung Quốc
Chính phủ Nga mới đây đã chính thức phê duyệt dự án xây dựng siêu cao tốc xuyên Á – Âu kéo dài hơn 2.000km, thuộc một phần kế hoạch phát triển hành lang giao thông chiến lược nối châu Âu và Tây Trung Quốc.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân Mỹ-Triều vẫn chưa được loại bỏ
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bước qua “lằn ranh” ở Khu phi quân sự (DMZ) liên Triều trong cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ngày 30-6 vừa qua mới chỉ được xem là giảm nhẹ chứ chưa có cơ sở loại bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng.
FTA EU-Mercosur, tấm khiên mới của Liên minh châu Âu
Hiệp định tự do thương mại (FTA) EU-Mercosur được coi là tấm khiên mới của Liên minh châu Âu trong cuộc đương đầu về kinh tế với các cường quốc thế giới, nhất là Mỹ. Tuy nhiên, để có được lá chắn này, người dân châu Âu phải đánh đổi không ít.
Thảm sát bộ lạc ở Papua New Guinea, nhiều phụ nữ và trẻ em thiệt mạng
The Guardian ngày 10-7 đưa tin, ít nhất 16 phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng trong vụ thảm sát tàn khốc nhằm vào một bộ lạc xảy ra 2 ngày trước đó tại tỉnh Hela, Papua New Guinea.
Tổng hợp-TT