Chiếc khẩu trang xóa khác biệt văn hóa; Bill Gates: “Vắc-xin Covid-19 phải đến tay những người cần nhất, chứ không phải giàu nhất”; Mỹ thẳng thừng gọi yêu sách Biển Đông của Trung Quốc là phi pháp; Thế giới có hơn 13,2 triệu ca nhiễm COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
Chiếc khẩu trang xóa khác biệt văn hóa
Tổng thống Mỹ Donald Trump đeo khẩu trang trước công chúng khi đến thăm bệnh viện quân y quốc gia Walter Reed
SGGP Nếu như cách đây vài tháng, nhiều người gốc Á ở Mỹ hay một số nước châu Âu từng là nạn nhân hứng chịu những ánh nhìn kỳ thị, thậm chí bị hành hung khi ra đường đeo khẩu trang, thì sự khác biệt về văn hóa này đang thay đổi mạnh mẽ.
Văn hóa không chỉ bao gồm những nhân tố (tạm gọi là bề nổi) như âm nhạc hay ẩm thực, mà còn bao gồm cả những niềm tin và giá trị mà những người sống trong nền văn hóa đó nắm giữ – theo định nghĩa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO).
Nếu như cách đây vài tháng, nhiều người gốc Á ở Mỹ hay một số nước châu Âu từng là nạn nhân hứng chịu những ánh nhìn kỳ thị, thậm chí bị hành hung khi ra đường đeo khẩu trang, thì sự khác biệt về văn hóa này đang thay đổi mạnh mẽ.
Hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên đeo khẩu trang nơi công cộng ngày 11-7 đã tràn ngập trên các phương tiện thông tin thế giới đã là minh chứng thuyết phục nhất cho sự thay đổi này.
Cuộc tranh cãi về vấn đề đeo khẩu trang nổ ra ngay từ thời kỳ đầu dịch bùng phát, khi nhiều nước châu Á sử dụng khẩu trang như một trong những biện pháp cần thiết để phòng chống virus, còn phần lớn các nước phương Tây không coi trọng. Khi đó, các chuyên gia văn hóa và tâm lý học cho rằng, chính những khác biệt về văn hóa, thói quen, đặc biệt là cách tiếp cận và quan điểm, nhận thức không giống nhau về phòng chống dịch bệnh đã dẫn tới những ý kiến trái ngược về sự cần thiết của việc sử dụng khẩu trang trong dịch Covid-19.
Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều nghiên cứu và dữ liệu dịch tễ học chứng minh đeo khẩu trang giúp hạn chế lây lan virus SARS-CoV-2, cũng như thực tế kiểm soát dịch hiệu quả ở một loạt quốc gia, thì tại Mỹ và các nước phương Tây, những thông điệp kêu gọi đeo khẩu trang cũng bắt đầu xuất hiện dày đặc trên các tấm áp phích, băng rôn ngoài đường phố cho đến trang mạng. Đây là điều mà chỉ vài tháng trước là cực kỳ hiếm thấy, nếu không muốn nói là chưa từng có.
Rõ ràng, nhận thức về văn hóa đeo khẩu trang đã có những thay đổi rõ rệt trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng đang phản ánh phần nào ý thức tự bảo vệ bản thân cũng như thể hiện trách nhiệm tập thể đối với xã hội của mỗi người.
Cựu Bộ trưởng Y tế Pháp Jean-François Mattéi còn nhận định, đeo khẩu trang trong dịch bệnh “có khả năng trở thành điều bình thường” ở các nước phương Tây khi Covid-19 kết thúc. Nói như vậy không có nghĩa là những tranh cãi về vấn đề đeo khẩu trang đã chấm dứt.
Ngay tại tâm dịch Brazil, chỉ 3 ngày trước khi được xác định nhiễm virus giữa tuần trước, Tổng thống Jair Bolsonaro đã phủ quyết một phần nội dung của dự luật quốc gia quy định người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Khác biệt văn hóa dẫn đến xung đột văn hóa ngày càng diễn ra thường xuyên hơn, một phần vì đi lại giữa các quốc gia dễ dàng hơn, giao tiếp trực tuyến thuận lợi hơn. Tuy nhiên, con người là sản phẩm của văn hóa, nhưng văn hóa cũng đồng thời là sản phẩm của con người. Người ta có thể học hỏi từ những nền văn hóa khác để cải thiện điểm yếu và củng cố điểm mạnh trong văn hóa của mình. Ví dụ, đôi khi trong một bối cảnh đặc biệt nào đó, các giá trị cổ xưa sẽ không còn phù hợp ở thời hiện tại. Gần đây, chính nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng người Hà Lan Gert Jan Hofstede cũng đã đồng tình rằng các giá trị văn hóa đúng là có thể thay đổi, mặc dù chậm.
Bill Gates: “Vắc-xin Covid-19 phải đến tay những người cần nhất, chứ không phải giàu nhất”
Ông cảnh báo một viễn cảnh chết chóc kéo dài nếu mức giá và cách thức phân phối vắc-xin Covid-19 không tuân thủ các tiêu chuẩn về nhân đạo.
Chia sẻ tại hội nghị từ xa về Covid-19 do Hiệp hội AIDS Quốc tế tổ chức, tỷ phú từ thiện Bill Gates cho biết: “Nếu chỉ bán thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh Covid-19 cho những người trả giá cao nhất, thay vì những người dân và quốc gia đang cần nhất, thì chúng ta
Ông chia sẻ thêm: “Chúng ta cần các nhà lãnh đạo đưa ra những quyết định khó khăn về việc phân phối thuốc dựa trên tính công bằng, chứ không chỉ dựa vào các yếu tố định hướng thị trường”.
Bill Gates: "Vắc-xin Covid-19 phải đến tay những người cần nhất, chứ không phải giàu nhất" – Ảnh 1
Khi các quốc gia và nhiều công ty đua nhau đưa vắc-xin ra thị trường, đã xuất hiện những mối lo ngại về việc các quốc gia giàu có sẽ nhận được nhiều thuốc hơn những nước đang phát triển. Đã có những lời kêu gọi vắc-xin phòng Covid-19 nên được coi là hàng hóa công cộng cho tất cả mọi người và phi lợi nhuận.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết 21 loại vắc-xin tiềm năng hiện đang được thử nghiệm lâm sàng trên các tình nguyện viên, 3 trong số 21 loại đã đến giai đoạn thử nghiệm thứ ba.
Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ, công ty dược phẩm AstraZeneca của Anh và Sinovac Biotech của Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ nhất trong việc phát triển vắc-xin tiềm năng. Tuy nhiên, Morderna, đang hợp tác với Viện Y tế quốc gia Mỹ, gần đây cho biết thử nghiệm ở giai đoạn cuối của họ sẽ bị trì hoãn, có thể trong vài tuần tới.
Một loại vắc-xin tiềm năng khác được phát triển bởi hãng thuốc nổi tiếng Pfizer và công ty công nghệ sinh học BioNTech đã có được phản ứng miễn dịch ở bệnh nhân khỏe mạnh, nhưng lại gây sốt và một số tác dụng phụ khác.
Bên cạnh niềm vui từ những bước tiến nhanh chóng của cuộc đua sản xuất vắc-xin Covid-19, không ít người tỏ ra lo lắng khi mức giá dự báo cho loại thuốc này ở mức rất cao so với thu nhập trung bình tại nhiều quốc gia cho diễn biến dịch phức tạp.
Là nhà từ thiện đồng thời là người đã bỏ ra hàng tỷ USD để tài trợ cho các nghiên cứu vắc-xin, tỷ phú Bill Gates cũng chia sẻ lo ngại của mình đến vấn đề phân phối sản phẩm này. Ông cảnh báo thế giới sẽ phải đối mặt với đại dịch kéo dài, số người chết sẽ tăng nhanh hơn nếu chỉ bán thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh Covid-19 cho những người trả giá cao nhất, thay vì những người dân và quốc gia đang cần nhất.
Mỹ thẳng thừng gọi yêu sách Biển Đông của Trung Quốc là phi pháp
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa công khai loạt tuyên bố bác bỏ chính thức của Washington đối với hầu hết yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo CNN, nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ mô tả động thái trên nhằm tăng cường chính sách của nước này. Ông quả quyết, “những yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu khắp Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó là hoàn toàn bất hợp pháp”.
“Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của riêng họ. Mỹ luôn sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ chủ quyền của những nước này đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế”, ông Pompeo nhấn mạnh trong một tuyên bố phát đi ngày 13/7.
Ông Pompeo cũng lên án việc Chính phủ Trung Quốc có các yêu sách hàng hải bên trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của những quốc gia khác ở Biển Đông.
“Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối hoạt động đánh bắt cá hay khai thác dầu khí trong những vùng nước này, hoặc đơn phương thực hiện các hành động như vậy đều là phi pháp”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
*** Thế giới có hơn 13,2 triệu ca nhiễm COVID-19
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 14/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 13.219.854 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 574.803 ca tử vong và 7.685.720 ca phục hồi.
Đại dịch COVID-19 đã lan sang 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận có thêm 186.037 ca nhiễm mới và 3.553 ca tử vong vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận 3.474.848 ca nhiễm COVID-19, trong đó 138.188 ca tử vong vì dịch bệnh. Tình hình dịch bệnh tại Mỹ vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới đã tăng đột biến trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, bất chấp tình hình dịch diễn biến phức tạp, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn hối thúc các trường học mở lại vào mùa thu tới.
Châu Âu tiếp tục là khu vực ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong nhiều nhất vì đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Hiện, số người nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 2.586.513 người, với 196.821 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 11.930 ca nhiễm mới và 247 ca tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, châu Âu tiếp tục xu thế “hạ nhiệt”, tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.
Nga là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực. Quốc gia này ghi nhận đã có 733.699 ca mắc COVID-19 và 11.439 ca tử vong vì dịch bệnh. Giới chức Nga thông báo đã ghi nhận thêm 6.537 ca nhiễm mới COVID-19 trong một ngày. Số ca tử vong cũng tăng thêm 104 ca.
Tây Ban Nha, Anh, Italy lần lượt là các quốc gia xếp sau Nga về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 trong khu vực với lần lượt 303.033; 290.133; 243.230 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào thời điểm hiện tại. Hiện Anh là quốc gia đứng đầu châu lục và thứ 3 thế giới về số ca tử vong do dịch COVID-19, với 44.830 trường hợp.
Châu Á, đã có tổng cộng 3.015.049 ca nhiễm và 71.453 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 55.544 ca mắc mới và 1.167 trường hợp tử vong. Riêng tại châu Á, có 2.095.763 ca được điều trị khỏi; 847.833 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 19.520 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 13/7, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 28.179 ca mắc và 540 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 907.645 và 23.727 ca.
Iran là quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 tại châu lục. Ngày 13/7, giới chức y tế Iran xác nhận số các trường hợp COVID-19 ở nước này đã lên tới 259.652 người, sau khi có thêm 2.349 trường hợp mới ghi nhận trong ngày. Nước này cũng ghi nhận có thêm 203 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại Iran lên 13.032 trường hợp.
Ngày 13/7, thêm nhiều khu vực ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã hạ mức cảnh báo dịch bệnh COVID-19, đánh dấu ngày thành phố này không còn khu vực nào có nguy cơ dịch bệnh ở mức cao. Bắc Kinh cũng ghi nhận nhiều ngày liên tiếp không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Sau vài tháng dịch bệnh tạm lắng, từ giữa tháng 6, giới chức thủ đô Bắc Kinh đã phải nỗ lực ngăn chặn một đợt bùng phát dịch bệnh mới liên quan tới chợ đầu mối lớn nhất thủ đô Tân Phát Địa.
Tại Đông Nam Á, đến hết ngày 13/7, khu vực này ghi nhận thêm 2.361 ca mắc mới và 115 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca mắc vì COVID-19 tại khu vực lên 193.258 người, trong đó 5.470 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, khu vực này có 5 quốc gia ghi nhận có ca nhiễm mới COVID-19 bao gồm, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia và Thái Lan. Chỉ có 2 quốc gia là Indonesia và Philippines ghi nhận có ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Hiện, Indonesia vẫn đang là quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca mắc và tử vong vì COVID-19 với 76.981 ca nhiễm và 3.656 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 13/7, Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận 1.282 ca nhiễm mới và 50 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cùng ngày thông báo số ca mắc COVID-19 tại đây đã tăng thêm 747 ca, lên 57.006 ca. Trong khi đó, số ca tử vong trên toàn Philippines đã tăng thêm 65 ca lên 1.599 ca. Ba quốc gia còn lại có ca mắc COVID-19 mới gồm Singapore (322 ca), Malaysia (7 ca) và Thái Lan (3 ca).
Hiện Việt Nam, Campuchia, Lào và Timor-Leste vẫn chưa ghi nhận có trường hợp tử vong nào vì COVID-19. Tại Việt Nam, theo bản tin 6h ngày 14/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến nay, đã 89 ngày Việt Nam không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 69.432 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 3.995.688 ca, tổng số người tử vong là 185.804 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 1.837.700 trường hợp, trong khi đó 1.972.184 ca đang được điều trị tích cực và 19.168 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 295.268 ca nhiễm và 34.730 ca tử vong. Đáng chú ý trong ngày 13/7, Mexico đã vượt Italy trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ 4 thế giới sau khi Bộ Y tế nước này ghi nhận thêm 539 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 107.590 ca nhiễm và 8.783 ca tử vong vì COVID-19.
Khu vực Nam Mỹ có tổng 2.893.624 ca nhiễm; 105.156 ca tử vong và 1.873.771 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 2 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, nước này ghi nhận đã có tổng cộng 1.866.176 ca nhiễm, trong đó 72.151 ca tử vong. Peru xếp sau Brazil tại khu vực với 326.326 ca nhiễm và 11.870 ca tử vong vì dịch bệnh. Tiếp đến là Chile với 315.041 ca nhiễm và 6.979 ca tử vong vì COVID-19.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 598.236 ca mắc COVID-19, trong đó 13.285 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu lục, với 276.242 trường hợp, trong đó 4.079 ca tử vong. Ai Cập là quốc gia xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng tại khu vực khi ghi nhận có 82.070 ca nhiễm COVID-19 và 3.858 ca tử vong vì dịch bệnh.
Từ ngày 13/7, Nam Phi đã áp dụng trở lại lệnh giới nghiêm toàn quốc sau khi Tổng thống Cyril Ramaphosa cảnh báo nước này đang đối mặt với “một cơn bão dịch bệnh khắc nghiệt hơn và có sức tàn phá mạnh hơn” so với bất kỳ dịch bệnh nào trước đây. Với số ca mắc mới vượt mức 12.000 ca/ngày, Nam Phi đã tái áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm và cấm bán đồ uống có cồn, một biện pháp chỉ vừa mới được dỡ bỏ 6 tuần trước.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia và New Zealand là các quốc gia trong khu vực ghi nhận có ca mắc mới vì COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 243 trường hợp mắc mới và 1 trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên tới 9.796 ca, trong đó số ca tử vong là 108 trường hợp. Australia được đánh giá là nước kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, tình hình số ca mới tăng mạnh gần đây đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai tại nước này.
New Zealand là quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 sau Australia về số ca lây nhiễm, với 1.544 ca, trong đó 22 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc mới COVID-19./.
Tổng hợp-TT