VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 16/7/2019.

Người Việt đông thứ ba trong số người nước ngoài sống ở Nhật; Kinh tế Trung Quốc giảm tốc gây ra những tác động trên toàn cầu;  Malaysia ‘tiến thoái lưỡng nan’ với các dự án tỷ USD của Trung Quốc; Thách thức lớn lao…là những tin chính được cập nhật.

Người Việt đông thứ ba trong số người nước ngoài sống ở Nhật

  Người Việt đông thứ ba trong số người nước ngoài sống ở Nhật - Ảnh 1.   Một công nhân Indonesia đang làm việc trong nhà máy ở Oizumi, Nhật Bản – Ảnh: AFP

TTO – Theo các thống kê mới nhất, trong số những người nhập cư mới đến Nhật thời gian gần đây, người Trung Quốc là nhóm đông nhất, đứng thứ hai là Hàn Quốc và thứ ba là Việt Nam.
Trong tình hình dân số Nhật ngày càng già, tỉ suất sinh giảm, để bù đắp sự thiếu hụt người lao động, chính quyền Nhật cũng đã nới lỏng nhiều chính sách, mở cửa hơn với người nhập cư.
Hiện có 2.667.000 người nước ngoài đang sống tại Nhật Bản, tăng hơn khoảng 170.000 người so với 12 tháng trước. Đây là những số liệu thống kê thường niên do Bộ Nội vụ và truyền thông Nhật Bản công bố tháng này, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Sau 5 năm tăng liên tục, số người nước ngoài sống tại Nhật đang chiếm khoảng 2,09% dân số Nhật. Trong số những người nước ngoài mới đến Nhật này, đông nhất là Trung Quốc, thứ hai là Hàn Quốc và xếp thứ ba là Việt Nam.
“Chúng tôi bắt đầu nhận thấy xu hướng tăng dần số người nước ngoài sống tại Nhật từ khoảng 30 năm trước, nhưng trong 10 năm qua đã tăng nhiều hơn”, nhà nghiên cứu cao cấp Masataka Nakagawa, điều hành Viện dân số quốc gia và nghiên cứu an ninh xã hội Nhật Bản, cho biết.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc gây ra những tác động trên toàn cầu
Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay xuống 6,2%, so với mức thấp nhất trong ba thập niên được ghi nhận vào năm ngoái là 6,6%.
Kinh te Trung Quoc giam toc gay ra nhung tac dong tren toan cau hinh anh 1Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 2/2019 giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba thập niên, gây thêm sức ép lên các nhà lãnh đạo nước này trong khi đang giải quyết cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Theo số liệu công bố ngày 15/7, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý 2 vừa qua tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức 6,4% của quý 1.
Người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, Mao Shengyong, nhận định môi trường bên ngoài trong nửa cuối năm có thể vẫn phức tạp hơn.
Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi vào cuối năm 2018, nhưng mục tiêu này đã bị đẩy lùi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc để gây sức ép lên nước này sau những tuyên bố trong việc phát triển công nghệ. Các nhà kinh tế nhận định đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ kéo dài sang năm tới.

 Malaysia ‘tiến thoái lưỡng nan’ với các dự án tỷ USD của Trung Quốc
Mahathir đã cho dừng một số dự án của Trung Quốc, tuy nhiên, các công trình khác vẫn được tiếp tục với chi phí thấp hơn.
Khi tranh cử thủ tướng Malaysia năm 2018, ông Mahathir Bin Mohamad chỉ trích khoản đầu tư trị giá 30 tỷ USD của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng của Malaysia, gọi đây là “mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia”. Ông nói rằng thủ tướng vào thời điểm đó Najib Razak đã “bán Malaysia cho Trung Quốc”.
Trong 9 năm cầm quyền, Najib đã bơm khoảng 100 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng đường sắt, cảng, năng lượng, đường bộ và bất động sản. Ông khẳng định các dự án này là cần thiết để biến Malaysia từ một quốc gia có thu nhập trung bình thành một cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á. Khoảng 1/3 số tiền đến từ Trung Quốc. Dự án tiêu biểu là Đường sắt bờ Đông (ECRL) chở khách và vận chuyển hàng hóa dài 688 km từ cảng của Kuala Lumpur đến Pengkalan.
Dự án 60 tỷ ringgit này (14 tỷ USD) là một trong những dự án lớn nhất trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Nó khiến nhiều tổ chức môi trường Malaysia lo lắng về những cánh rừng bị phá để xây dựng.
Vài tuần sau khi đắc cử hồi giữa năm ngoái, Mahathir hủy bỏ dự án đường ống dẫn dầu dài 600 km dọc bờ biển phía tây Malaysia và ống dẫn khí đốt dài 662 km trên đảo Borneo do Trung Quốc đầu tư, đồng thời đình chỉ ECRL. Ông Mahathir cũng đe dọa sẽ dừng nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn hơn và ngăn công dân Trung Quốc mua căn hộ trong một dự án bất động sản gần Singapore. Ông mở một cuộc điều tra hình sự và truy tố người tiền nhiệm Najib Razak.
Chính phủ Malaysia hôm 15/7 tịch thu 243,5 triệu USD từ tài khoản ngân hàng của Công ty Kỹ thuật Đường ống Dầu khí (CPP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, đơn vị thi công hai mạng lưới ống dẫn dầu và khí đốt trị giá 2,3 tỷ USD cho Malaysia. “Tôi hiểu rằng 80% chi phí đã được thanh toán, nhưng mới chỉ có 13% công việc được hoàn thành. Chính phủ Malaysia có quyền thu lại số tiền này do dự án đã bị chấm dứt”, ông Mahathir nói.

Thách thức lớn lao
(SGGPO) Trung Quốc đang đối mặt với thách thức chưa từng thấy khi ô nhiễm môi trường đã lan rộng tới các vùng nông thôn vốn rộng lớn và ít nhà máy.
Theo báo cáo của Greenpeace và AirVisual, quá nửa trong tốp 100 thành phố ô nhiễm nhất thế giới thuộc về Trung Quốc và nếu tính trong tốp 200 thành phố ô nhiễm nhất thế giới thì Trung Quốc chiếm hơn 2/3.
Bắc Kinh đã thoát khỏi danh sách 100 thành phố ô nhiễm nhất ở châu Á trong những năm gần đây, với mức độ ô nhiễm chung thấp hơn 10% so với các thành phố trên khắp Trung Quốc (tính từ năm 2017 -2018). Theo AirVisual, Thượng Hải, trung tâm tài chính của nước này, cũng đã có những tiến bộ về môi trường, như áp dụng các quy định tái chế nghiêm ngặt.
Quay lại vấn đề ô nhiễm khu vực nông thôn, theo Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề nông thôn Trung Quốc, trong hai quý đầu năm nay, toàn quốc đã có hơn 50.000 trạm xử lý rác thải sinh hoạt và khoảng 80.000 cơ sở xử lý nước thải được xây dựng ở các vùng nông thôn.
Ông Lý Vĩ Quốc, quan chức bộ này cho biết, trong hơn 6 tháng qua đã có hơn 40 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 30 triệu tấn bùn thải ở khu vực nông thôn được xử lý. Tờ Chinadaily đưa tin rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm, nước thải chưa qua xử lý hiện đang hoành hành ở hơn 80% khu vực nông thôn. Tính riêng trong năm 2018, cả nước đã tu sửa, nâng cấp và xây mới được trên 10 triệu nhà vệ sinh ở khu vực nông thôn, trong đó có 60% đã được lắp đặt các thiết bị xử lý chất thải. Ước tính, chỉ riêng kế hoạch phát triển, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh cho dân cư nông thôn đã tiêu tốn 7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,02 tỷ USD).
Theo kế hoạch 3 năm làm sạch môi trường Trung Quốc công bố hồi đầu năm 2018, môi trường sống ở khu vực nông thôn sẽ được cải thiện đáng kể vào cuối năm 2020. Mục tiêu là triển khai 100% hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt và nhà vệ sinh ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, chính phủ cũng phân bổ thêm 3 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ 141 huyện nghèo ở khu vực phía Tây của đất nước cải thiện môi trường.

***   Iran thúc giục châu Âu cứu thỏa thuận hạt nhân
Iran kêu gọi châu Âu cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 bằng cách áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn giúp Tehran chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bốn nữ nghị sĩ Mỹ lên tiếng sau phát biểu gây sốc của ông Trump
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết những người mà theo ông là “chỉ trích nước Mỹ” thì tốt nhất nên rời khỏi nước Mỹ.

Tổng thống Joko Widodo hiện thực hóa “Tầm nhìn Indonesia”
2 tuần sau khi kết quả chính thức cuộc tổng tuyển cử Indonesia được công bố, Tổng thống Joko Widodo ngày 14-7 (giờ địa phương) đã có bài phát biểu chính thức đầu tiên trước hơn 267 triệu người dân của mình, trong đó đề ra một tầm nhìn Indonesia mới, một tầm nhìn mang tên Joko Widodo, sẽ được hiện thực hóa với sự đoàn kết và chung tay của toàn dân.

Ngoại trưởng Mỹ muốn đàm phán với Triều Tiên “sáng tạo hơn”
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 15-7 cho biết ông hy vọng Triều Tiên và Mỹ có thể “sáng tạo hơn một chút” khi hai bên thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tây Phi bóc gỡ đường dây buôn lậu tinh tinh
Sau khi bị bắt, những con tinh tinh con qua tay những kẻ săn trộm trong rừng đến những người trung gian – chúng sắp xếp giấy phép xuất khẩu giả và vận chuyển, cuối cùng đến tay người mua.

Nguồn tin tình báo giúp tiêu diệt trùm khủng bố Anwar Al Awlaki
Là tín đồ Hồi giáo cực đoan nhưng đồng thời lại là điệp viên của Cơ quan An ninh Đan Mạch (PET), Cơ quan Tình báo Anh quốc (MI5) và Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA), Morten Storm đã có 10 năm hoạt động trong hàng ngũ tổ chức khủng bố Al Qaeda. Những tin tức do ông cung cấp đã giúp PET, MI5, CIA tiêu diệt nhiều phần tử cao cấp của Al Qaeda…

Cảnh sát Australia tóm gọn “băng đảng nhí” trộm xe ô tô đi bụi
4 đứa trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 14 cùng sống tại bang Queensland, Australia đã liều lĩnh lấy trộm xe của bố và “đi phượt” một hành trình dài 900 km trước khi bị cảnh sát tóm gọn.

Hai phe đối lập tại Venezuela sắp tiếp tục đàm phán
Phe đối lập tại Venezuela ngày 14-7 (giờ địa phương) cho biết họ sẽ quay trở lại Barbados để tiếp tục đàm phán với chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro như một phần trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Nam Mỹ này.

Palestine tố Mỹ thiên vị Israel trong vấn đề lãnh thổ
Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat chỉ trích Mỹ phá hoại triển vọng về nền hòa bình ở Trung Đông vì luôn thiên vị Israel trong vấn đề lãnh thổ.

Quân cảnh Nga thoát chết trong gang tấc ở Syria nhờ trang bị khủng
Các binh sĩ quân cảnh Nga bị tấn công bằng bom tự chế khi tuần tra ở tỉnh Deraa của Syria, song may mắn thoát chết nhờ được trang bị nhiều thiết bị an toàn.

Máy bay lao thẳng xuống đảo Thụy Điển, 9 người thiệt mạng
Một máy bay cỡ nhỏ chở theo một số học viên nhảy dù đã bất ngờ bị rơi ở miền Bắc Thụy Điển ngay sau khi cất cánh hôm 14-7 (giờ địa phương) khiến toàn bộ 9 người trên máy bay thiệt mạng.

Iran nêu điều kiện đàm phán, bác tin đồng ý gặp mặt Ngoại trưởng Mỹ
Iran khẳng định sẵn sàng đàm phán “lập tức và ở bất cứ đâu” với Mỹ ngay khi các lệnh trừng phạt đơn phương của Washington được dỡ bỏ, đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng hai bên sắp gặp mặt lần đầu.

Máy bay vào vùng nhiễu động, hơn 30 hành khách bị thương
Đang trên đường tới Australia, một chuyến bay của Hãng Hàng không Air Canada đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở Hawaii (Mỹ), do bay vào vùng nhiễu động cực mạnh khiến hơn 30 hành khách bị hất văng lên trần và bị thương.

Venezuela giải quyết bất đồng theo hướng hòa bình và dân chủ
Tại vòng đàm phán đang diễn ra tại Barbados, đại diện Chính phủ Venezuela và phe đối lập đã đạt được thỏa thuận sẽ thành lập 1 nhóm làm việc thường xuyên như một phần của tiến trình đối thoại hiện nay. Đây được xem là 1 thành công của vòng đàm phán trong bối cảnh 2 bên vẫn cho thấy những khác biệt “quá lớn”.

Mưa lớn ở Nepal khiến 30 người thiệt mạng
Các quan chức Nepal cho biết mưa lớn đã dẫn đến lũ quét và lở đất ở một số khu vực của nước này, khiến 15 người thiệt mạng và 12 người khác bị thương chỉ trong một đêm, cùng với đó là 18 người vẫn đang mất tích.

Tổng hợp-TT