VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 21/8/2019.

Mua đảo Greenland – nước cờ cao tay của Trump nhằm vào Nga, Trung?; ‘Chiến lược Trung Quốc’ của ông Trump đang thất bại; Biển Đông: Trung Quốc coi thường luật, các nước cùng hành động; Trump đề xuất đưa Nga trở lại G7…là những tin chính được cập nhật.

Mua đảo Greenland – nước cờ cao tay của Trump nhằm vào Nga, Trung?

Tổng thống Trump công khai ý định muốn mua lại hòn đảo Greenland      Tổng thống Trump công khai ý định muốn mua lại hòn đảo Greenland

– Hòn đảo Greenland đang trở thành chủ đề thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận thế giới sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tiết lộ ý định mua hòn đảo này. Greenland – hay nói chính xác hơn là việc mua lại Greenland đang được thảo luận sôi nổi trong Văn phòng Bầu dục của Tổng thống Trump. Nhưng điều gì đã khiến một trong những hòn đảo hoang vắng nhất thế giới lại trở thành chủ đề hấp dẫn đến như vậy?
Tổng thống Trump đã nói rõ khi ở trên đường băng, trước khi chuẩn bị lên chiếc máy bay Không lực 1 đến tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp rằng, ông nghĩ Greenland có một cái giá, giống như mọi thứ và mọi người đều có một cái giá, và rằng Đan Mạch có thể sẵn sàng bán Greenland.
Ông Trump nói: “Chúng tôi bảo vệ Đan Mạch giống như chúng tôi đã làm với nhiều khu vực rộng lớn khác của thế giới. Vì vậy, ý tưởng về việc mua Greenland đã nảy ra. Về mặt chiến lược, đó là điều thú vị. Về mặt bản chất, đó là một thỏa thuận mua bất động sản lớn”.
Nghệ thuật của việc đạt được thỏa thuận là phát hiện ra điểm yếu của đối thủ. Ông Trump cho rằng, Greenland tiêu tốn của Đan Mạch khoảng 700 triệu USD/1 năm cho các chính sách trợ cấp cho hòn đảo này. Trong khi ông Trump chỉ ra thực tế trên có thể hút cạn nguồn tài chính công của Đan Mạch thì ông này cũng nhìn thấy rõ đó là một con bài mặc cả mà ông có thể sử dụng để thuyết phục những người nộp thuế ở Đan Mạch.
Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, mua được Greenland sẽ là thỏa thuận bất động sản để đời của ông. Vùng đất rộng bằng1/4 lãnh thổ nước Mỹ này sẽ trở thành di sản của ông Trump, đảm bảo cho ông này một chỗ đứng bên cạnh Tổng thống Andrew Johnson – người đã mua lại Alaska từ Nga năm 1867, và Tổng thống Thomas Jefferson – người mua lại Louisiana từ Pháp năm 1803.
Đối với các cố vấn của Tổng thống Trump, kế hoạch mua lại hòn đảo trị giá nhiều tỉ USD này sẽ giúp nước Mỹ thách thức vị trí thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực kim loại dành cho công nghiệp của thế giới cũng như giúp Mỹ ngăn chặn các tham vọng quân sự mới của Nga.
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 2.166.000 km2. Greenland là một khu vực tự trị. Đan Mạch – nước có quyền chủ quyền với hòn đảo Greenland chỉ phụ trách chính sách quốc phòng và đối ngoại của hòn đảo này.
Greenland chính là nơi đặt Căn cứ Không quân Thule Air của Mỹ. Những radar và thiết bị nghe đặt ở căn cứ này thuộc hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo, có khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa sâu hàng nghìn km trong lãnh thổ Nga.

‘Chiến lược Trung Quốc’ của ông Trump đang thất bại
“Chiến lược Trung Quốc” của Tổng thống Donald Trump đang thất bại. Cách tiếp cận cứng rắn hơn của ông không buộc được Bắc Kinh nhượng bộ mà lại khiến kinh tế Mỹ tổn thương.
Đó là bình luận của giáo sư Jason Furman thuộc trường Harvard Kennedy, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Nhà Trắng từ năm 2013 đến 2017, trong một bài viết trên tạp chí Phố Wall ngày 19/8.
Theo giáo sư Furman, Trung Quốc ngày nay đang hội nhập nhiều hơn với phần còn lại của thế giới, trong khi Mỹ lại cô lập hơn. Ông cho rằng, để đấu một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận, tranh thủ các đồng minh cùng các thể chế quốc tế để thúc đẩy các yêu cầu trọng tâm hơn.
Giáo sư Furman chỉ ra rằng, thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc đã gây thiệt hại rõ ràng cho nền kinh tế Mỹ về ngắn hạn. Trong quý 2 năm nay, chúng đã góp phần làm suy giảm đầu tư kinh doanh cố định, và nhiều khả năng sẽ xén đi nửa điểm phần trăm của mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội năm 2019.
Đây không nhất thiết là một bản cáo trạng chính sách của ông Trump khi người lao động đình công, họ làm như vậy dù biết mình sẽ mất lương về ngắn hạn, vì hy vọng sẽ thu lại những gì đã mất nhờ được tăng lương dài hạn hơn.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán thể hiện rõ rằng các nhà đầu tư không trông mong Trung Quốc sẽ nhượng bộ để có thể bù đắp cho những thiệt hại ngắn hạn như thế. Suy giảm sau khi Tổng thống Trump thông báo đợt áp thuế mới ngày 1/8 cho thấy ở giá trị hiện tại thì chiến lược là vô hiệu.
Tăng trưởng của Trung Quốc cũng chậm dần, nhưng phần lớn thực tế này khó có thể ghi nhận là do các hành động thương mại của Mỹ. Thay vào đó, nó chủ yếu phản ánh những hạn chế trong ý định của Bắc Kinh muốn thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư ngắn hạn và các doanh nghiệp nhà nước, kể cả khi tăng trưởng năng suất chậm lại.

Biển Đông: Trung Quốc coi thường luật, các nước cùng hành động
– Trung Quốc đang gây quan ngại rất lớn cho cộng đồng quốc tế nói chung và các nước có lợi ích ở Biển Đông nói riêng khi liên tiếp có những động thái coi thường luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước khác và gây hấn với các nước có tranh chấp trong khu vực.
Những hành động của Trung Quốc đã leo thang đến mức các nước đồng loạt phải hành động. Việt Nam, Malaysia đều có những bước đi phản đối hành động của Trung Quốc. Ngay cả Philippines – nước lâu nay vẫn chủ trường làm hòa với Trung Quốc, cũng đã phải lên tiếng. Trong khi đó, Mỹ cho thấy quyết tâm duy trì chiến dịch tự do hàng hải, tự do bay qua bầu trời khu vực Biển Đông.
Sau một thời gian dài tiến hành các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, gần đây, Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông như triển khai vũ khí, tên lửa đến các khu vực có tranh chấp đồng thời tăng cường các cuộc tập trận, bắn tên lửa ở những nơi này. Loạt hành động này của Trung Quốc đương nhiên gây lo ngại và bất bình rất lớn không chỉ với các nước trong khu vực mà với cả cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, Trung Quốc chưa dừng lại ở đó. Trong những tháng gần đây nhất, Trung Quốc bắt đầu có những hành động gây hấn với các nước có tranh chấp ở Biển Đông và đi xa hơn nữa là xâm phạm hẳn vào các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác. Cụ thể, hồi tháng Sáu, ở Philippines đã nổi lên một làn sóng phẫn nộ khi tàu Trung Quốc đâm vào tàu cá của Philippines và bỏ mặc số phận của các ngư dân Philippines trên con tàu đang chìm dần.
Theo lời tố cáo của phía Philippines, một tàu của Trung Quốc đã đâm vào một con tàu đang neo đậu của họ vào đêm ngày 9/6. Sau khi đâm tàu của Philippines, Trung Quốc đã bỏ mặc các ngư dân của Philippines khi con tàu đang chìm dần ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank). Rất may, con tàu này cùng các ngư dân trên tàu đã được tàu của Việt Nam cứu giúp và thoát nạn.
Sau vụ việc, Manila đã lên án kịch liệt hành động của phía Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó hồi đáp lại rằng tàu của họ chỉ vô tình đâm vào tàu của Philippines khi nó đang cố gắng luồn lách đi qua khu vực bị “bao vây” bởi rất nhiều tàu của Philippines. Phía Trung Quốc cũng nói thêm rằng, thuyền trưởng tàu của họ đã cố gắng tìm cách cứu các ngư dân của Philippines nhưng sợ bị bao vây bởi các con tàu khác.
Sau vụ việc với Philippines, Trung Quốc tiếp tục gây bất bình bằng hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc hồi tháng Bảy đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Sau khi rút đi một thời gian, ngày 13/8/2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Cả hai lần nhóm tàu Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Việt Nam đều phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

 Trump đề xuất đưa Nga trở lại G7
Trump muốn thấy Nga được kết nạp trở lại G7 sau khi nước này bị loại khỏi nhóm năm 2014 vì sáp nhập Crimea.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/8 nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng Nga thường là đề tài thảo luận khi ông và các lãnh đạo của Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản gặp nhau mỗi năm. Ông dự kiến bay tới Pháp vào ngày 24/8 để dự hội nghị G7 năm nay.
Hồi tháng 3/2014, dưới sự thúc giục của tổng thống Mỹ Barack Obama, các lãnh đạo G7 đã loại Nga khỏi nhóm 8 nước phát triển (G8) sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ.
Trump cho rằng Obama muốn loại Nga khỏi nhóm vì Putin “thông minh hơn ông ấy”. Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, người giữ chức phó tổng thống dưới thời Obama, đã chỉ trích mạnh mẽ đề xuất của Trump, cho rằng Moskva không làm bất cứ điều gì để xứng đáng nhận được lời mời quay trở lại nhóm.
“Họ đã phá vỡ mọi thỏa thuận với cộng đồng quốc tế”, Biden nói trước các phóng viên tại thành phố Prole, bang Iowa, đề cập tới Nga. “Họ không thay đổi hành vi của mình mà còn can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta”.
Trump từng đưa ra bình luận tương tự về việc đưa Nga trở lại G7 trước khi đến dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm vào năm 2018 nhưng không có thay đổi nào được thực hiện sau đó.

***   Mỹ sẽ “làm tất cả” để ngăn tàu Iran bán dầu cho Syria
Mỹ sẽ dùng tất cả các biện pháp có thể để ngăn chặn tàu chở dầu của Iran đi qua Địa Trung Hải để chở dầu đển Syria, một hành động trái với lệnh trừng phạt của Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo ngày 20-8.

Máy bay tấn công không người lái của Mỹ bị bắn hạ trên bầu trời Yemen
Phong trào vũ trang Hồi giáo Houthi sáng nay (21-8) tuyên bố bắn rơi một máy bay tấn công không người lái MQ-9 Reaper có giá hơn 10 triệu USD của Mỹ trên bầu trời Yemen.

Ông Trump hủy chuyến thăm đến Đan Mạch vì “bất đồng” về đảo Greenland
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy chuyến thăm đến Đan Mạch sau khi Thủ tướng nước chủ nhà bác bỏ mối quan tâm của ông chủ Nhà Trắng về việc mua lại đảo Greenland, một lãnh thổ thuộc Đan Mạch.

Những trò quái đản của giáo phái Aum Shinrikyo
Từ cuối thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990, giáo phái Aum Shinrikyo đã khởi động chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt đầy tham vọng. Nhưng bất chấp nhiều năm theo đuổi và tốn kém nhiều triệu USD, chương trình chỉ đạt được một số thành công ít ỏi.

Cơ quan mật vụ thỏa thuận với những tên khủng bố
Quá trình điều tra vụ tấn công khủng bố 37 năm trước tại Paris đã phát hiện ra rằng, Cơ quan Phản gián của Pháp đã có thỏa thuận không tấn công lẫn nhau với những tên khủng bố. Thông tin được tờ Le Parisien tiết lộ mới đây đã gây ra sự phẫn nộ từ phía con cháu các nạn nhân cũng như từ phía Hiệp hội các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố…

Vén màn bí mật tuyển mộ điệp viên của CIA
Tháng 7-2019, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mở ra một chương trình đào tạo “lớp bồi dưỡng điệp viên” mới. Sau vụ khủng bố “11-9” CIA đã tiến hành cải tổ tổ chức lớn nhất từ trước đến nay và bí mật tăng số điệp viên lên đến 70%.

Cuộc chiến chống mại dâm trẻ em ở Ghana
Tiến sĩ George Oppong, người đứng đầu bộ phận Ghana của Tổ chức phi chính phủ Bảo vệ trẻ em quốc tế (DCI) nói rằng, không ai thực sự biết có bao nhiêu trẻ em hiện đang làm gái mại dâm ở đây.

Iran khuyên Triều Tiên không nên tin tưởng Mỹ
Iran cho rằng Mỹ không phải đối tác đàm phán đáng tin cậy sau khi Washington xé bỏ thỏa thuận hạt nhân kí năm 2015.

Ông Putin trấn an thế giới về nguy cơ rò rỉ hạt nhân sau vụ nổ tên lửa bí mật
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định không có bất cứ nguy cơ rò rỉ phóng xạ nguy hiểm nào sau vụ nổ động cơ tên lửa bí mật hồi đầu tháng.

Xe chở du khách Trung Quốc gặp nạn tại Lào, ít nhất 14 người thiệt mạng
Chiếc xe buýt chở 43 du khách Trung Quốc đã bất ngờ lao xuống khe núi sâu khi đang di chuyển giữa thủ đô Vientiane và thành phố Luang Prabang, Lào, Sputnik ngày 20-8 đưa tin.

Mỹ – ASEAN và tác động của cuộc chiến thương mại
Đông Nam Á là một trong những thị trường lớn nhất, tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Với tốc độ tăng trưởng khu vực hàng năm dự kiến khoảng 5%, Đông Nam Á được mong đợi sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, vượt qua Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản vào năm 2050.

Hải quân Iran tính triển khai cả hạm đội ngăn Mỹ bắt siêu tàu dầu
Hải quân Iran tuyên bố có thể triển khai nguyên một hạm đội để bảo vệ tàu dầu MT Grace 1 về lại lãnh hải nước này trước nguy cơ bị Mỹ bắt giữ.

Anh – Mỹ và câu chuyện hậu Brexit
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton và các quan chức hàng đầu của Mỹ vừa có loạt chuyến thăm đến Anh. Các chính khách Mỹ đã có nhiều cuộc tiếp xúc quan trọng trong bối cảnh Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 10-2019.

Tranh cãi xung quanh vụ nổ tên lửa hạt nhân Nga
Vụ nổ tại một bãi thử hạt nhân của Nga vừa qua đã thu hút sự chú ý của dư luận vào nỗ lực xây dựng một loại tên lửa có năng lực hạt nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin, với mong muốn của Kremlin là mang lại cho Moscow vị thế cạnh tranh trong một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Kashmir: Ván cờ lớn của ông Modi
Bãi bỏ cơ chế tự trị cho Jammu và Kashmir là bước đi táo bạo của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Đây là điều ông đã ấp ủ từ lâu và hiện thực hóa nó khi thời cơ đã “chín muồi”.

Thổ Nhĩ Kỳ điều hơn 50 thiết giáp đến Idlib giúp phiến quân chống lại quân đội Syria
Syria cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai ít nhất 5 xe tăng và 50 xe thiết giáp cùng đạn dược đến thị trấn chiến lược Khan Sheikhun ở tỉnh Idlib của Syria, một ngày sau khi Damascus tiến vào khu vực.

Google gặp sự cố sập mạng nghiêm trọng tại Mỹ
Một loạt dịch vụ của Google như Google Search, Gmail hay ứng dụng lưu trữ Google Drive đều đã rơi vào trạng thái bị gián đoạn liên tục khiến người dùng gặp khó khăn khi không thể truy cập được.
Tổng hợp-TT