VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 22/5/2021.

     IMF kêu gọi chi 50 tỷ USD để tăng tốc tiêm vaccine phòng Covid-19, tiến tới chấm dứt đại dịch; Covid-19: Việt Nam tặng 800 máy thở và hơn 2 triệu khẩu trang cho Campuchia; Biến thể Ấn Độ đã lan sang 4 châu lục, 48 nước; Đại dịch COVID-19: Tăng nguồn cung vaccine cho các nước nghèo hơn…là những tin chính được cập nhật.
IMF kêu gọi chi 50 tỷ USD để tăng tốc tiêm vaccine phòng Covid-19, tiến tới chấm dứt đại dịch
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại một trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở thành phố Srinagar, Ấn Độ. Ảnh: AFP   Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại một trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở thành phố Srinagar, Ấn Độ. Ảnh: AFP
(baodautu.vn) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi chi 50 tỷ USD để tăng tốc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, với kỳ vọng mang lại lợi nhuận 9.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
IMF hôm 21/5 kêu gọi ít nhất 40% dân số toàn cầu phải được tiêm vaccine kháng Covid-19 vào cuối năm nay và tỷ lệ này phải đạt ít nhất 60% vào tháng 6/2022. Theo số liệu hiện nay, mới chỉ khoảng 9,5% dân số toàn cầu đã được tiêm ít nhất một liều vaccine kháng Covid-19.
“Không quốc gia nào có thể trở lại bình thường cho đến khi tất cả các nước đều trở lại trạng thái bình thường”, IMF nhận định trong một báo cáo mới có tựa đề “Đề xuất chấm dứt đại dịch Covid-19”.
Để đạt được điều này, IMF cho rằng cần phải có nỗ lực toàn cầu để đầu tư thêm 50 tỷ USD nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine kháng Covid-19 trên toàn thế giới. Số tiền bổ sung này sẽ được sử dụng để tăng tỷ lệ bao phủ của chương trình vaccine COVAX toàn cầu lên 30%, mua sắm thêm các bộ xét nghiệm, và nâng cao năng lực sản xuất vaccine kháng Covid-19.
IMF gợi ý, ít nhất 35 tỷ USD có thể đến từ khu vực công, các nhà tài trợ tư nhân và tổ chức đa phương, phần còn lại đến từ các chính phủ.
Đã có ít nhất 15 tỷ USD được ủng hộ bởi các đơn vị tài trợ chống dịch Covid-19 do các ngân hàng phát triển thành lập, đơn cử như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, IMF cho biết.
Tháng trước, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021 và 4,4% vào năm 2022. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch xuất hiện, IMF đã cảnh báo về những tác động không đồng đều do cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế gây ra.
Theo đánh giá của IMF, chi phí kinh tế và xã hội thời dịch tiếp tục tăng và tình trạng phân hóa trong phục hồi giữa các nước giàu và nước nghèo sẽ trở nên tồi tệ hơn. Báo cáo của IMF được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu có cuộc họp trực tuyến vào ngày 21/5 để thảo luận cách thức hợp tác đối phó với đại dịch Covid-19.
Covid-19: Việt Nam tặng 800 máy thở và hơn 2 triệu khẩu trang cho Campuchia
(vnmedia.vn) – Ngày 20/5, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao đã diễn ra Lễ trao tặng vật tư, thiết bị y tế gồm 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế và 300.000 khẩu trang N95 của Chính phủ và nhân dân Việt Nam hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Campuchia ứng phó với dịch Covid-19.
Tham dự buổi lễ, về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Thông tin và Truyền thông; về phía Campuchia có Đại sứ Chay Navuth cùng một số thành viên Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam.
Số vật tư, thiết bị y tế gồm 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế và 300.000 khẩu trang N95 nằm trong khuôn khổ đợt hỗ trợ chính thức thứ ba của Việt Nam giúp Campuchia ứng phó dịch Covid-19. Trước đó, vào tháng 4/2020 và tháng 4/2021, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã tặng Campuchia nhiều vật tư, thiết bị y tế gồm hệ thống xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm Covid-19, quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn và các khoản hỗ trợ tài chính trị giá 500.000 USD.
Biến thể Ấn Độ đã lan sang 4 châu lục, 48 nước
(VNN) Biến thể B.1.617.2 được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm cao đã lan rộng trên toàn cầu, đến mọi châu lục ngoại trừ Nam Cực.
Dù nhiều nước vẫn áp dụng chính sách hạn chế đi lại nhưng các biến thể SARS-CoV-2 vẫn lan rộng khắp thế giới.
“Biến thể đáng lo ngại” B.1.617.2 được ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ. Đây là chủng virus được đánh giá có khả năng lây nhiễm cao hơn các chủng trước đó. Hiện, biến thể này đã xuất hiện ở 48 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam.
Dữ liệu từ các thư viện giải trình tự gene cho thấy B.1.617.2 hiện đã phổ biến khắp châu Âu và đang lan rộng ở Bắc Mỹ cũng như các khu vực Đông Á, Australia và New Zealand.
Anh có hơn 2.900 trường hợp nhiễm B.1.617.2, là nước có số ca biến thể này cao nhất thế giới. Trong khi đó, Ấn Độ chỉ ghi nhận 776 ca mắc biến thể trên.
Tuy nhiên, Anh là nước thực hiện nhiều xét nghiệm hơn so với đất nước 1,3 tỷ dân, Ấn Độ.
B.1.617.2 cũng lan sang Mỹ với 557 trường hợp. Đức, Nhật Bản và Singapore đã nổi lên như những điểm nóng của biến thể. Thậm chí Australia cũng có 74 ca mắc biến thể dù biên giới quốc tế đã bị đóng cửa.
Những lo ngại về sự lây lan của biến thể đang trì hoãn quyết định của Liên minh châu Âu (EU) về việc có cho phép người Anh tiếp cận dễ dàng hơn với các quốc gia thành viên hay không. Hiện biến thể Ấn Độ hiện diện ở 16 nước EU trong đó có Ireland (59 ca), Bỉ (52), Italy (48), Tây Ban Nha (29) và Pháp (28).
Ở Việt Nam, biến thể Ấn Độ đã được ghi nhận ở Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, TP.HCM.
Trung Quốc, Mỹ tiếp tục đối đầu căng thẳng ở Biển Đông
(VnMedia.vn) – Trung Quốc hôm qua (20/5) đã bày tỏ sự phản đối về các hoạt động hải quân của Mỹ ở Biển Đông. Động thái này vấp phải phản ứng gay gắt bất thường từ Hạm đội số 7 của Hải quân Mỹ khi cáo buộc Bắc Kinh tìm cách đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông bằng cách hy sinh lợi ích của các nước láng giềng của nước này.
Ca COVID-19 tăng vọt, Đài Loan đề nghị Mỹ hỗ trợ vaccine
(VTC News) – Đài Loan đề nghị Mỹ giúp đỡ vaccine COVID-19 khi số ca mắc trên hòn đảo ngày tăng nhanh những ngày qua.
Đài Loan nhiều ngày qua ghi nhận các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với ba con số, sau thời gian dài kiểm soát được dịch COVID-19. Hôm 21/5, Đài Loan ghi nhận 312 ca nhiễm, chủ yếu tập trung ở Đài Bắc, thành phố Tân Đài Bắc.
Đài Loan hiện có 3.139 ca COVID-19, trong đó 1.980 ca lây nhiễm cộng đồng. Trước bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan – Chen Shih-chung kêu gọi mọi người ở nhà càng nhiều càng tốt.
Dịch bệnh bùng phát khiến nhu cầu tiêm chủng ở hòn đảo này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đến nay, Đài Loan mới có 720.000 liều vaccine AstraZeneca được cung cấp thông qua chương trình COVAX, con số này là không đủ để tiêm chủng cho 23,5 triệu dân.
Tại cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ dân sinh Mỹ Xavier Becerra hôm 21/5, ông Chen Shih-chung đề nghị Washington hỗ trợ vaccine COVID-19 khẩn cấp.
*** Đại dịch COVID-19: Tăng nguồn cung vaccine cho các nước nghèo hơn
(ĐCSVN) – Tính đến sáng 22/5, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là 166.454.945 trường hợp, với 3.457.001 ca tử vong. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu vừa bế mạc vào tối qua cùng với cam kết bảo đảm nguồn cung vaccine cho tất cả mọi người đã phát đi tín hiệu lạc quan cho cuộc chiến chống COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.
Tối 21/5 (theo giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu do Ủy ban châu Âu (EU) và Italy chủ trì dưới hình thức trực tuyến đã kết thúc với việc lãnh đạo các nước giàu và đại diện các hãng dược phẩm cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên thế giới, với biện pháp cụ thể là tăng nguồn cung vaccine cho những nước nghèo hơn.
Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Rome” theo đó kêu gọi “cấp phép tự nguyện” liên quan đến bằng sáng chế vaccine và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine. Trong Tuyên bố Rome, các nhà lãnh đạo thế giới cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19” (ACT-A), một công cụ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dùng để phân bổ vaccine, dược phẩm và các loại dụng cụ xét nghiệm. Tuyên bố Rome còn đề cập đến chương trình COVAX như là một cách để phân phối số vaccine dành để tặng đến các nước.
Tại hội nghị, đại diện các “ông lớn sản xuất vaccine” gồm hdược phẩm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cam kết sẽ cung cấp khoảng 3,5 tỷ liều vaccine với giá gốc hoặc giá chiết khấu cho các nước có thu thập thấp và trung bình trong năm nay và năm tới. EU thì cam kết hỗ trợ 100 triệu liều vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời tiến hành đầu tư 1,2 tỷ USD để xây dựng các trung tâm sản xuất vaccine ở châu Phi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đề xuất một kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm chấm dứt đại dịch bằng cách tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển vaccine, theo đó đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số thế giới trong năm nay và 60% vào cuối năm 2022.
Còn về diễn biến dịch bệnh trên thế giới, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 22/5 cho thấy, hiện toàn thế giới có 147.217.257 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 15.780.687 ca bệnh đang điều trị thì có 15.682.447 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 98.240 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 46.097.404 trường hợp, trong đó có 1.058.689 ca tử vong và 42.515.195 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận 71.055 ca nhiễm mới, giảm gần 9.000 ca so với ngày trước đó.
Tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh đã khiến tình hình dịch bệnh tại nhiều nước tại châu Âu có nhiều cải thiện và cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường do các lệnh hạn chế được nới lỏng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra khuyến cáo thận trọng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Hiện Bắc Mỹ có 39.426.472 ca nhiễm bệnh, trong đó có 883.552 ca tử vong vì COVID-19. Cho dù tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện song cho tới nay, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 33.862.288 ca nhiễm và 603.407 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 22/5, Nam Mỹ có 27.490.472 ca nhiễm COVID-19, với 748.008 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt: 15.976.156; 3.482.512; 3.192.050; 1.910.036… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 48.590.787 trường hợp, với 637.163 ca tử vong và 43.536.192 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 4.417.432 ca bệnh đang điều trị thì có 32.007 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 26.285.069 ca, trong đó có 295.508 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 254.395 ca mắc mới COVID-19, chiếm gần 75% tổng số 341.396 ca nhiễm mới trong toàn khu vực và chiếm hơn 40% tổng số 611.008 số ca nhiễm mới trên toàn thế giới.
Tính đến sáng 22/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.781.877 trường hợp, trong đó có 128.331 ca tử vong và 4.307.845 ca bình phục. Trong tổng số 345.701 ca đang điều trị thì có 2.839 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.628.335 ca nhiễm COVID-19 và 55.719 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 13 ca nhiễm COVID-19, giảm mạnh so với con số 591 ca của ngày hôm trước. Hiện khu vực này có tổng số 67.212 trường hợp ca mắc COVID-19, với 1.243 ca tử vong. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.999 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.844 ca./.
*** Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 33,9 triệu ca mắc và 603.394 bệnh nhân không qua khỏi. Song, tình hình dịch tại xứ sở cờ hoa đang tiến triển tích cực và nhiều tiểu bang đang tiến gần hơn tới việc dỡ bỏ dần, thậm chí toàn bộ các biện pháp hạn chế trong bối cảnh chính phủ cho tăng tốc quá trình tiêm chủng đại trà.
Đông Nam Á tiếp tục tăng mạnh ca mắc
Chỉ trong vòng 24 giờ qua, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 22.822 ca dương tính với virus corona chủng mới, khiến tổng số ca bệnh toàn khối hiện xấp xỉ 3,8 triệu ca. Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia Timor Leste và Việt Nam đều ghi nhận các trường hợp tử vong vì dịch trong cùng khoảng thời gian, nâng tổng số bệnh nhân thiệt mạng của toàn khối lên hơn 75.000 người.
Làn sóng lây nhiễm mới đang biến Philippines trở thành “điểm nóng” về dịch ở ASEAN. Thêm 6.258 ca mắc mới và 141 trường hợp tử vong, cao nhất khu vực trong ngày 21/5 đã nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 ở nước này lên gần 1,2 triệu người, trong đó 19.763 ca bệnh không qua khỏi.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi có thêm 3.481 ca mắc và 32 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ qua. Số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn ở mức cao vài ngày trở lại đây, buộc nhà chức trách phải tăng cường các biện pháp phòng chống mầm bệnh nguy hiểm.
Tại Campuchia, dịch cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, với 460 ca bệnh mới và 1 trường hợp tử vong trong ngày 21/5. Dịch bùng phát nghiêm trọng nhất kể từ năm ngoái đang buộc Chính phủ Campuchia phải áp phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Ca tử vong ở Mỹ Latinh và Caribbe cán mốc mới
Theo Reuters, virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt ở Mỹ Latinh và vùng Caribbe, khiến số ca tử vong trong khu vực hiện đã vượt mốc 1 triệu người.
Từ những vùng cao nguyên đầy nắng gió ở Bolivia đến São Paulo của Brazil, đại dịch làm các hệ thống y tế của nhiều quốc gia điêu đứng, thậm chí trên bờ bức sụp đổ.
Tại Peru, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực, nhiều bệnh nhân Covid-19 đã tử vong ngay ở hành lang các bệnh viện đông đúc tại thủ đô Lima.
Nằm sâu trong rừng rậm Amazon của Brazil, nhiều cư dân của thành phố Manaus qua đời tại nhà vì không có oxy để lấp đầy những lá phổi bị tổn thương vì nhiễm virus corona, trong bối cảnh nguồn cung dưỡng khí y tế tại địa phương đã cạn kiệt.
Tính trung bình trong tháng 5, tới 31% số ca tử vong trên thế giới là ở Mỹ Latinh và vùng Caribbe, nơi chỉ chiếm 8,4% tổng dân số toàn cầu. 8 quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tính theo đầu người cao nhất thế giới trong tuần qua đều ở khu vực này.
Theo các bác sĩ và chuyên gia dịch tễ học, đại dịch đã gây bất choáng cho các chính phủ trong khu vực do họ không có sự chuẩn bị trước vào năm ngoái. Tác động càng nghiêm trọng khi các nhà lãnh đạo địa phương hạ thấp khả năng tàn phá của virus và không đảm bảo nguồn cung cấp vắc-xin kịp thời.
– Tại hội nghị thượng đỉnh G20 về sức khỏe toàn cầu hôm 21/5, ba hãng dược phẩm lớn Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson cam kết sẽ cung cấp khoảng 3,5 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 với giá gốc hoặc có chiết khấu cho quốc gia thu nhập trung bình và thấp.
– Samira Asma, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số ca tử vong vì SARS-CoV-2 trong thực tế có thể cao gấp 2 – 3 lần con số thống kê chính thức hơn 3 triệu người như hiện nay. Dựa vào tỷ lệ số ca tử vong vượt mức dự báo của năm 2020, WHO nhận định thế giới đang bỏ lọt rất nhiều người chết có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến virus.
– Chính phủ Nhật vừa quyết định đưa tỉnh Okinawa vào danh sách các khu vực phải áp tình trạng khẩn cấp do số ca nhiễm mới tăng vọt gần đây. Động thái đồng nghĩa số tỉnh phải áp tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn đà lây lan của virus đã tăng lên 10 tỉnh.
– Pháp thông báo sẽ tái mở cửa tháp Eiffel đón khách từ ngày 16/7 sau nhiều tháng nơi này phải tạm dừng hoạt động. Theo quy định mới, địa điểm du lịch hút khách này sẽ phải hạn chế công suất phục vụ xuống mức 10.000 khách/ngày và vẫn phải thực hiện các biện pháp y tế phòng chống dịch.
– Thủ tướng Na Uy Erna Solberg tuyên bố, từ ngày 27/5, nước này sẽ nới lỏng hạn chế tụ tập nơi công cộng, đồng thời cho phép hầu hết quán bar và nhà hàng phục vụ rượu. Đây là giai đoạn hai trong kế hoạch nới lỏng phong tỏa toàn quốc gồm 4 giai đoạn của nước này.

TQ-TT