VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 4/3/2021.

    Ngoại giao vaccine; Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc là ‘phép thử địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21’; Chậm tiêm vaccine và kích thích nhỏ giọt trói chân kinh tế châu Âu; Mỹ ủng hộ tàu chiến Đức hiện diện ở Biển Đông; Gần 116 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Ấn Độ nói vaccine nội địa hiệu quả 81%…là những tin chính được cập nhật.
Ngoại giao vaccine
     Ảnh minh họa
Kinhtedothi – Trong mấy tuần qua, nhiều quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh nhận được cung ứng vaccine phòng dịch Covid-19 từ Trung Quốc và Nga. Khối lượng vaccine được cung ứng không nhiều nhưng vẫn làm cho chính quyền các quốc gia này hài lòng.
Trong chuyện cung ứng vaccine hiện có sự khác biệt rất rõ nét giữa Trung Quốc, Nga với Mỹ và các nước trong khối phương Tây ở khu vực Mỹ Latinh. Trung Quốc và Nga chủ động, khẩn trương bao nhiêu với cái gọi là “ngoại giao vaccine” ở khu vực này thì Mỹ và các nước Phương Tây lại thờ ơ bấy nhiêu. Ai cũng biết rằng hiện tại vaccine phòng ngừa dịch bệnh là con át chủ bài vô cùng đắc dụng về đối nội cũng như đối ngoại ở mọi nơi trên thế giới. Cung ứng vaccine như thế cho các quốc gia trên thế giới, cả ở châu Âu, châu Phi thì qua đó Trung Quốc và Nga tranh thủ được đối tác, thúc đẩy quan hệ song phương, tăng cường được vai trò cũng như ganh đua, đẩy lùi ảnh hưởng của các đối tác khác. Trung Quốc và Nga hiện đang khai thác tối đa hiệu ứng thiết thực của sách lược “Một miếng khi đói bằng cả gói khi no”.
Không phải Mỹ và các nước phương Tây không nhận ra chủ ý của Trung Quốc, Nga trong việc cung ứng vaccine. Mỹ, phương Tây rất muốn làm phá sản hình thức ngoại giao này của Trung Quốc và Nga nhưng thật sự lực bất tòng tâm. Họ phải ưu tiên cho đối nội và chấp nhận trả giá đắt về đối ngoại bởi thực trạng dịch bệnh vẫn rất trầm trọng và kể cả khi có để thừa vaccine thì vẫn còn cần rất nhiều thời gian nữa mới có thể khống chế, đẩy lùi được dịch bệnh. Họ vừa chủ định dùng vaccine làm phương cách chính đối phó dịch bệnh, vừa tìm cách có độc quyền về vaccine để chiếm ưu thế về chính trị thế giới. Vì thế, vaccine không chỉ giúp phòng ngừa dịch bệnh mà còn tác động rất mạnh mẽ tới chính trị thế giới và quan hệ quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc là ‘phép thử địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21’
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 3/3 nói quan hệ giữa nước này với Trung Quốc là “phép thử địa chính trị lớn nhất” trong thế kỷ 21.
Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao của Mỹ, Ngoại trưởng Blinken đã nêu ra 8 ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Các ưu tiên này bao gồm: Chấm dứt đại dịch Covid-19, phục hồi nền kinh tế trong và ngoài nước, đổi mới nền dân chủ, cải cách hệ thống nhập cư, tái thiết các mối quan hệ đồng minh, đối phó với việc biến đổi khí hậu, bảo đảm sự lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và đương đầu với Trung Quốc.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc cần khôi phục lại quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh cũng như cơ chế đa phương. “Chúng tôi đang thực hiện nỗ lực lớn nhằm tái kết nối với những người bạn và đồng minh”, ông Blinken nói tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tuy nhiên, ông cũng hối thúc các đồng minh của Mỹ duy trì vai trò của mình. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao ở Washington cho rằng, “quan hệ đối tác thực sự đồng nghĩa với việc chia sẻ gánh nặng chung”.
Theo Ngoại trưởng Blinken, Mỹ không có ý định thực hiện các chiến dịch can thiệp quân sự tốn kém, mà thay vào đó sẽ tập trung cho các giải pháp ngoại giao. “Chúng tôi từng sử dụng các chiến thuật này trong quá khứ, nhưng đây không phải là cách làm hiệu quả. Chúng tôi sẽ thực hiện theo cách khác”.
Liên quan tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken nói rằng, “quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ trở nên cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc phải như vậy”. Trong khi gọi Iran, xung đột ở Yemen và Myanmar là những thách thức tiềm tàng, ông Blinken đã xếp Trung Quốc là một trong 8 ưu tiên.
Theo ông, Trung Quốc là nước duy nhất có thể gây ra “thách thức nghiêm trọng cho sự ổn định và cởi mở của hệ thống quốc tế”. Để đương đầu với Trung Quốc về kinh tế, ông cho rằng Mỹ cần đầu tư vào “công nhân, doanh nghiệp và các lĩnh vực công nghệ” của mình.
Theo bình luận của hãng thông tấn Reuters, mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đang vấp phải nhiều thách thức nghiêm trọng từ việc cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, những hoạt động kinh tế của Bắc Kinh cho tới những vấn đề về Hong Kong, Biển Đông…
Tổng thống Biden từng gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất” của Mỹ và Washington sẽ đối đầu với Bắc Kinh về nhiều vấn đề như sở hữu trí tuệ, chính sách kinh tế. Chính quyền của ông Biden đã cho thấy dấu hiệu sẽ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Chậm tiêm vaccine và kích thích nhỏ giọt trói chân kinh tế châu Âu
Kinh tế châu Âu có thể quay về mức tiền khủng hoảng vào đầu năm 2023 – muộn hơn 6 tháng đến một năm so với Mỹ.
Anh đang nỗ lực tiêm vaccine nhanh để đưa nền kinh tế quay lại trạng thái bình thường mùa hè này. Mỹ thì dựa vào gói kích thích khổng lồ tiếp theo trị giá 1.900 tỷ USD. Cả hai thứ này Liên minh châu Âu (EU) đều không có và có thể bị tụt lại phía sau.
Chiến dịch tiêm vaccine của EU đang bị phủ bóng bởi sản xuất trì trệ, nguồn cung thiếu hụt và thách thức về phân phối. Việc này khiến các nhà hoạch định chính sách khó vạch ra lối thoát rõ ràng cho nền kinh tế. Trong khi các lệnh hạn chế đang dần được gỡ bỏ tại một số nước, các quốc gia khác lại muốn gia hạn do số ca mắc vẫn ở mức cao.
Chi tiêu công nhỏ giọt và nhiều nền kinh tế phụ thuộc lớn vào du lịch sẽ càng khiến tốc độ phục hồi bị ảnh hưởng. “Châu Âu sẽ phục hồi, nhưng muộn và yếu ơn những nơi khác”, Carsten Brzeski – Giám đốc Nghiên cứu tại ING nhận định. Kinh tế châu Âu có thể quay về mức tiền khủng hoảng vào đầu năm 2023 – muộn hơn 6 tháng đến một năm so với Mỹ.
Mỹ ủng hộ tàu chiến Đức hiện diện ở Biển Đông
(VTC News) – Mỹ ca ngợi kế hoạch của Đức khi điều tàu chiến đến Biển Đông, coi đây là hành động ủng hộ “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” ở khu vực.
“Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và các hoạt động hợp pháp trên biển”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
“Chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ của Đức đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cộng đồng quốc tế có vai trò quan trọng trong việc duy trì một trật tự hàng hải rộng mở”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Các quan chức chính phủ Đức hôm 2/3 cho biết, một tàu khu trục của Đức sẽ lên đường đến châu Á vào tháng 8 và đi qua Biển Đông trong hành trình trở về. Đây sẽ là tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002.
Các quan chức trong Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Đức nói thêm con tàu sẽ không đi vào khu vực 12 hải lý (của các quốc gia ở Biển Đông).
Phản ứng trước kế hoạch của Đức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo hôm 3/3 tuyên bố: “Các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế. Nhưng họ không thể lấy đó làm cái cớ để phá hoại chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển”.
Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động “tự do hàng hải”, trong đó các tàu chiến của họ đi qua gần một số hòn đảo ở Biển Đông. Mỹ cũng đã nhiều lần lên tiếng, ủng hộ đồng minh thực hiện các hoạt động tự do hành hải ở vùng biển này.
*** Gần 116 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Ấn Độ nói vaccine nội địa hiệu quả 81%
Thế giới ghi nhận hơn 115,7 triệu ca nhiễm, gần 2,6 triệu người chết, công ty Ấn Độ Bharat Biotech nói rằng Covaxin của họ hiệu quả gần 81%.
Thế giới ghi nhận 115.729.804 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.570.177 người đã chết, tăng lần lượt 488.093 và 12.399 , trong khi 91.440.337 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
2/3 các quốc gia phần lớn vẫn đóng cửa thuộc khu vực Mỹ Latinh và Caribe, ảnh hưởng đến gần 98 triệu người. Trong số đó, Panama đóng cửa trường học lâu nhất, tiếp theo là El Salvador, Bangladesh và Bolivia.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 1/3 cho biết số ca nhiễm nCoV mới trên toàn cầu đã tăng trở lại lần đầu tiên trong vòng 7 tuần. Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, đây là điều “đáng thất vọng nhưng không bất ngờ”, đồng thời kêu gọi các nước không nới lỏng những biện pháp kiểm soát dịch bệnh và còn quá sớm để dựa hoàn toàn vào vaccine.
Công ty dược phẩm Ấn Độ Bharat Biotech ngày 3/3 thông báo dữ liệu thử nghiệm giai đoạn cuối lâm thời cho thấy vaccine Covaxin được phát triển trong nước của họ có hiệu quả 80,6%. Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này hồi tháng một, trước khi thử nghiệm giai đoạn ba.
“Covaxin không chỉ có hiệu quả lâm sàng cao đối với Covid-19 mà còn có khả năng sinh miễn dịch đáng kể chống lại các biến thể mới”, chủ tịch Bharat Biotech Krishna Ella cho biết trong một tuyên bố và nói thêm rằng vaccine có ít tác dụng phụ.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 29.446.385 ca nhiễm và 531.414 ca tử vong, tăng lần lượt 57.778 và 2.092 trong 24 giờ qua.
Tổng thống Joe Biden hôm 2/3 tuyên bố Mỹ “đang đi đúng hướng để có đủ nguồn cung vaccine cho toàn bộ người trưởng thành tại Mỹ vào cuối tháng 5”, sớm hơn hai tháng so với dự đoán trước đó của Washington.
Hai bang Mỹ Texas và Mississippi đã gỡ lệnh bắt buộc người dân đeo khẩu trang. Biden gọi quyết định này là “sai lầm lớn”. “Điều chúng tôi không cần là lối suy nghĩ của người tối cổ rằng mọi thứ đều đang ổn, hãy tháo khẩu trang ra, quên nó đi. Khẩu trang vẫn rất quan trọng”, Biden nói ngày 3/3.
Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng nhấn mạnh “giờ không phải là lúc để nới lỏng tất cả các hạn chế”. “Một hoặc hai tháng tới thực sự có ý nghĩa quan trọng đến diễn biến của đại dịch này”.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 17.425 ca nhiễm và 86 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 11.156.748 và 157.471.
Số ca nhiễm tại nước này liên tục giảm kể từ giữa tháng 9/2020, trước khi tăng trở lại hồi đầu tháng trước. 8/10 số ca ghi nhận gần đây được báo cáo tại 5 bang, chủ yếu là Maharashtra và Kerala.
Chính phủ liên bang hôm qua tuyên bố họ “đủ nguồn dự trữ và sẽ cung cấp số liều vaccine cần thiết” cho mọi địa phương, đồng thời kêu gọi các bang không nên tích trữ vaccine Covid-19. Ấn Độ sản xuất 60% mọi loại vaccine trên thế giới và đã tặng, hoặc bán, vaccine Covid-19 cho vài quốc gia.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 1.840 ca tử vong, nâng tổng số lên 259.402. Số ca nhiễm nCoV tăng 74.376 trong 24 giờ qua, lên 10.722.221. Kể từ 3/3, ca tử vong hàng ngày ở Brazil liên tục ở mức cao kỷ lục.
Trong khi phần lớn thế giới đang áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc thúc đẩy tiêm vaccine Covid-19, nhiều người tại Brazil vẫn tiệc tùng và phớt lờ đại dịch, bất chấp việc nước này là nơi phát sinh một biến chủng nCoV lây lan nhanh hơn và được cho là nguy hiểm hơn.
Giới chức Brazil cảnh báo hệ thống y tế tại nước này đang bên bờ vực sụp đổ. “Với tình hình này, nếu không hành động, đến tháng 3 mọi người sẽ tranh giành nhau cả giường bệnh lẫn mộ trong nghĩa trang. Chúng tôi sẽ cần mở nghĩa trang mới để chôn cất các thi thể”, Domingos Alves, chuyên gia tại Đại học Sao Paulo, nhận định.
Anh, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, báo cáo 4.194.785 ca nhiễm và 123.783 ca tử vong, tăng lần lượt 6.385 và 315 trường hợp.
Chính phủ Anh hôm 2/3 cho biết họ sẽ nhận được 10 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, trong số 100 triệu liều đặt hàng từ hãng dược phẩm Anh – Thụy Điển. Tuy nhiên, Anh đang khiến nhiều bên lo ngại vì mua quá nhiều vaccine.
Anh đang tiến hành một trong những chiến dịch tiêm chủng Covid-19 thành công nhất thế giới, với gần 20,5 triệu cư dân đã được tiêm liều đầu tiên.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 26.788 ca nhiễm và 322 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.810.316 và 87.542.
Phát ngôn viên chính phủ Pháp Gabriel Attal hôm 2/3 cho hay họ chưa loại trừ phương án kiềm chế Covid-19 nào, bao gồm khả năng ban lệnh phong tỏa toàn quốc mới và các lệnh phong tỏa địa phương vào cuối tuần.
Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, ghi nhận 2.472.896 ca nhiễm và 71.711 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 10.835 và 386 ca so với một ngày trước đó.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 3/3 công bố kế hoạch dần nới lỏng hạn chế phòng dịch, khi các lãnh đạo khu vực và công chúng đang ngày càng mất kiên nhẫn và các doanh nghiệp chật vật tồn tại sau nhiều tháng đóng cửa
Tuyên bố về một “giai đoạn mới”, Merkel cho biết các hộ gia đình sẽ được tương tác nhiều hơn kể từ 8/2. Các cửa hàng sách, cửa hàng hoa cũng sẽ mở cửa trở lại trên toàn quốc. Việc mở cửa trở lại sẽ được quyết định phù hợp với tỷ lệ lây nhiễm tại địa phương.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.353.834 ca nhiễm, tăng 6.808, trong đó 36.721 người chết, tăng 203.
Thứ trưởng Y tế Indonesia Dante Saksono Harbuwono hôm 2/3 cho biết nước này đã phát hiện hai trường hợp nhiễm biến chủng nCoV từ Anh, đặt ra thách thức mới giữa lúc Indonesia cố gắng kiềm chế đại dịch.
Wiku Adisasmito, phát ngôn viên nhóm chuyên trách Covid-19 của Indonesia, cho hay việc giám sát tại các cửa ngõ của đất nước sẽ được siết chặt, nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng có tốc độ truyền nhiễm nhanh hơn này.
Mục tiêu của Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, là tiêm phòng Covid-19 cho hơn 181 triệu người để đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng. Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn khởi động hồi tháng 1 bắt đầu từ nhóm các nhân viên y tế, công chức và người cao tuổi.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 582.223 ca nhiễm và 12.389 ca tử vong, tăng lần lượt 1.783 và 20 ca.
Philippines đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp các vaccine Covid-19 của Pfizer, AstraZeneca và Sinovac. Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) hôm qua trở thành nhà sản xuất thứ 6 nộp đơn xin cấp phép tại nước này.
*** Brazil tiếp tục tự phá kỷ lục số ca tử vong vì COVID-19
Bang Sao Paulo của Brazil đã công bố các hạn chế COVID-19 mức “đỏ”, khi quốc gia Nam Mỹ này tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong trong ngày kỷ lục.
Thống đốc New York phản ứng sau những cáo buộc quấy rối tình dục
Thống đốc bang New York, Mỹ, Andrew Cuomo ngày 3/3 cho biết ông sẽ không từ chức sau hàng loạt cáo buộc tình dục đồng thời đưa ra lời xin lỗi và cam kết “hoàn toàn hợp tác” với sự cân nhắc của tổng chưởng lý của bang.
Ngày đẫm máu tại Myanmar, 38 người biểu tình thiệt mạng
Ít nhất 38 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống đảo chính tại Myanmar trong ngày 3/3, Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, ngày đẫm máu nhất kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu.
Trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Hà Lan thành mục tiêu tấn công
Cảnh sát Hà Lan cho biết một trung tâm xét nghiệm COVID-19 của nước này đã trở thành mục tiêu có chủ đích ngày 3/3.
Biểu tình tiếp tục nóng tại Myanmar, thêm 9 người thiệt mạng
Lực lượng an ninh Myanmar đã nổ súng vào những người biểu tình chống đảo chính ở một số thành phố và thị trấn ở Myanmar, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, theo các hãng tin và truyền thông địa phương.
Tên lửa nã liên tiếp vào căn cứ không quân của Mỹ tại Iraq
Ít nhất 10 quả tên lửa đã nhắm vào căn cứ không quân Ain al-Asad ở tỉnh Anbar, Iraq, nơi có lực lượng liên quân do Mỹ Mỹ dẫn đầu đóng quân.
Nước Nga, mùa xuân 1918
Có lẽ không có gì là quá lời nếu gọi việc chính quyền Bolshevik do lãnh tụ Lenin lãnh đạo bảo vệ được sự tồn vong của chính mình, ngay sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, là một kỳ tích.
Hong Kong điều tra ca bệnh tử vong sau 2 ngày tiêm vaccine COVID-19
Giới chức y tế Hong Kong hôm 2/3 đang điều tra cái chết của một người đàn ông bị bệnh mãn tính mà hai ngày trước, người này được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của công ty dược phẩm Sinovac, Trung Quốc.
Mỹ quan ngại Triều Tiên tiếp tục hoạt động hạt nhân
Lầu Năm Góc đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên sau khi cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng có thể nước này đang tái xử lý nhiên liệu hạt nhân.
Quằn quại vì COVID-19, Brazil có nguy cơ thành tâm dịch mới
Brazil ngày 2/3 đã công bố số ca tử vong do COVID-19 cao nhất trong một ngày khi tình hình chính trị làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng y tế và tốc độ triển khai tiêm chủng bị chững lại.
Sân bay vũ trụ Nga bị đánh cắp thiết bị vô tuyến quan trọng
Giới chức Nga xác nhận đang điều tra một vụ đánh cắp thiết bị vô tuyến quan trọng tại sân bay vũ trụ Baikonur do nước này vận hành trên lãnh thổ Kazakhstan.
Trùm ma túy Escobar để lại hậu họa cho Colombia
Khu đồn điền “Napoles” ở tỉnh Antioquia, Colombia, thật là một chỗ kỳ diệu: cổng vào được trang hoàng bằng chiếc máy bay thực thụ, đằng sau là công viên với đàn khủng long bằng bê tông, sân vận động, đường đua xe bốn bánh, bộ sưu tập xe hơi cổ có cả chiếc Chevrolet của cặp đôi tội phạm người Mỹ Bonnie và Clyde lỗ chỗ vết đạn xuyên thủng và một vườn bách thú lớn. Chủ nhân của khu đồn điền này là Pablo Escobar, trùm ma túy Colombia, người đã có những năm kiểm soát 90% thị trường cocain của châu Mỹ.
Nga cho rằng lệnh trừng phạt của Mỹ là “không thể hiểu nổi”
Nga “mỉa mai” lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Nga của Mỹ là “không thể hiểu nổi” vì Moscow hàng chục năm qua chưa từng nhận bất cứ khí tài quân sự nào từ Washington.
Đại sứ EU rời Venezuela vì “không được hoan nghênh”
Euronews ngày 3/3 đưa tin, Đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) tại Venezuela đã rời quốc gia Nam Mỹ này, sau khi Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro hôm 24/2 tuyên bố bà là nhân vật “không được hoan nghênh”.
Nga nặng lời chỉ trích Âu-Mỹ vì loạt biện pháp trừng phạt mới
Quan chức cấp cao Nga gọi các biện pháp trừng phạt mà phương Tây ban bố liên quan đến nhân vật đối lập tai tiếng Navalny là không thể chấp nhận được và chắc chắn sẽ bị đáp trả.
William Burns và sứ mệnh chống lại “những gai góc” của tình báo Mỹ
Ngày 24-2, William Burns, ứng cử viên cho vị trí Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) của Tổng thống Joe Biden, đã nhận được nhiều lời khen ngợi trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện.
SUV “siêu nhồi” đối mặt xe đầu kéo, 13 người chết
Một chiếc SUV chở 25 người đã va chạm với một xe đầu kéo trên đường cao tốc gần khu vực biên giới Mỹ-Mexico ngày 2/3 (giờ địa phương), khiến 13 người thiệt mạng, các thi thể nằm ngổn ngang trên đường.

Tổng hợp-TT