VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 22/3/2020.

 Từ 0h ngày 22/3, tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam; Italy có gần 800 ca tử vong vì virus một ngày, mức cao chưa từng có;   Tây Ban Nha ghi nhận 5.000 ca nhiễm COVID-19 trong một ngày; Anh đề nghị 1,5 triệu người ở nhà ít nhất ba tháng;  Mỹ tăng gói kích thích kinh tế lên 2.000 tỷ USD;  Chi phí điều trị Covid-19 tại Mỹ; CẬP NHẬT dịch bệnh COVID-19 và ứng phó: Trên 300.000 ca mắc trên toàn cầu…là những tin chính được cập nhật.

Từ 0h ngày 22/3, tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam

     Từ 0h ngày 22/3, Việt Nam tạm dừng nhập cảnh với người nước ngoài, người gốc Việt có giấy miễn thị thực – Ảnh: DOÃN HÒA/tuoitre.vn

Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, trừ trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt; tạm dừng hiệu lực Giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân.
Ngày 21/3/2020, Bộ Ngoại giao thông báo: Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, trừ trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao); tạm dừng hiệu lực Giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân.
Các biện pháp nêu trên được áp dụng từ 00:00 giờ ngày 22 tháng 3 năm 2020.
Người nhập cảnh vào Việt Nam phải tuân thủ quy trình kiểm tra y tế và thực hiện cách ly tập trung, trừ trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt khác (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao) được thực hiện cách ly phù hợp tại cơ sở lưu trú theo quy định.
Bộ Ngoại giao đã thông báo quyết định này tới các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài nhằm đảm bảo công dân các nước chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam./.

 Chi phí điều trị Covid-19 tại Mỹ
MỹDanni Askini, ở Boston, bàng hoàng khi nhận được hóa đơn xét nghiệm và điều trị Covid-19 lên tới gần 35.000 USD.
Cuối tháng 2, Danni Askini đột nhiên thấy tức ngực, khó thở và đau nửa đầu. Cô gọi điện cho bác sĩ ung bướu của mình. Bác sĩ cho rằng Danni đang phản ứng với loại thuốc mới sử dụng, vì vậy đưa cô tới phòng cấp cứu khu vực Boston. Cô được chẩn đoán mắc viêm phổi và cho về điều trị tại nhà.
Vài ngày sau đó, nhiệt độ cơ thể tăng giảm đột ngột, Askini bắt đầu có những cơn ho với nhiều đờm trong phổi hơn. Nhiều lần tới phòng cấp cứu, cô cuối cùng cũng được xét nghiệm khi các bác sĩ đã nắm được các triệu chứng. Ba ngày sau Danni nhận được kết quả: dương tính với nCoV.
Hóa đơn xét nghiệm và điều trị lên tới 34.927 đô. Cô khá bất ngờ, nói: “Tôi không biết ai khác mất số tiền lớn như vậy”.
Cũng giống 27 triệu người dân Mỹ khác, Askini vào bệnh viện mà không có bảo hiểm. Cô cùng chồng đã lên kế hoạch chuyển tới thành phố Washington tháng này để bắt đầu công việc mới, tuy nhiên giờ bị hoãn lại vô thời hạn. Cô đang xin hỗ trợ từ Medicaid và mong có thể giúp chi trả hóa đơn viện phí. Nếu không cô sẽ gặp rắc rối.
Các chuyên gia y tế công cộng dự đoán là hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu người trên khắp nước Mỹ có khả năng sẽ phải nhập viện vì Covid-19 trong tương lai gần. Tuy nhiên Quốc hội vẫn chưa động chạm tới vấn đề này. Hôm 18/3, Quốc hội thông qua Đạo luật ứng phó với dịch bệnh bao gồm miễn phí xét nghiệm, nhưng lại không đề cập gì tới chi phí điều trị.
Hầu hết bệnh nhân Covid-19 không cần nhập viện và có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), những bệnh nhân phải vào trung tâm hồi sức tích cực (ICU) có thể chịu mức viện phí rất cao, bất kể loại bảo hiểm mà họ sử dụng. Trong lúc chính phủ vẫn đang nghiên cứu các gói hỗ trợ, việc giải tỏa gánh nặng về kinh tế gây ra bởi dịch bệnh là vô cùng quan trọng.
Ở Mỹ, hệ thống bảo hiểm y tế cực kỳ phân mảnh, nên rất khó xác định chi phí điều trị Covid-19 sẽ ở mức nào vì còn thuộc vào gói bảo hiểm mà bệnh nhân sử dụng. Chi phí điều trị trung bình có thể từ 9.763 USD lên tới 20.292 USD cho những người có bảo hiểm lao động, và mức khấu trừ (số tiền bệnh nhân phải trả trước khi được tính bảo hiểm) vào khoảng 1.655 USD theo số liệu năm ngoái của Health Pocket. Đối với bảo hiểm cá nhân, mức khấu trừ có thể còn cao hơn. Mức khấu trừ trung bình cho gói bảo hiểm cá nhân hạng đồng năm 2019 là 5.861 USD.
Một số bảo hiểm có chính sách đồng thanh toán. Bệnh nhân phải trả 15-20% tổng chi phí khám chữa bệnh nếu khám ở bệnh viện trong cùng hệ thống. Con số này có thể cao hơn rất nhiều nếu là bệnh viện ngoài hệ thống.

Italy có gần 800 ca tử vong vì virus một ngày, mức cao chưa từng có
Italy báo cáo thêm 793 ca tử vong vì virus corona trong một ngày, đưa tổng số người chết vì virus ở nước này lên 4.825 trường hợp, chiếm 38,3% số ca tử vong của thế giới.
Con số 793 ca tử vong này, tăng 19,6%, cũng là mức tử vong cao nhất mà một nước ghi nhận trong ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Số ca nhiễm virus ở Italy tăng thêm 6.557 và hiện có tất cả 53.578 ca nhiễm được ghi nhận. Số ca tử vong ở vùng Lombardy phía bắc, bao quanh Milan, là 3.095, trong số 25.515 trường hợp nhiễm bệnh.
Từ ngày 19/3, số ca tử vong vì virus tại Italy đã vượt qua Trung Quốc, khiến nước này trở thành nơi có nhiều trường hợp chết vì dịch bệnh nhất thế giới.
Trong số những người nhiễm bệnh trên toàn Italy, 6.072 người đã bình phục hoàn toàn vào hôm 21/3, so với con số 5.129 của ngày trước đó. 2.857 người đang được chăm sóc tích cực.
Channel NewsAsia nhận định con số tử vong vẫn liên tục tăng ở Italy cho thấy virus vẫn đang luồng lách qua các biện pháp kiểm soát và cách ly xã hội của chính phủ.
Italy, đất nước với 60 triệu dân, đã được đặt trong tình trạng phong tỏa từ ngày 12/3, việc tụ tập nơi công cộng bị cấm, hầu hết cửa hàng đóng cửa.
Cảnh sát được nhìn thấy trên đường phố Rome ngày 21/3, kiểm tra giấy tờ và phạt những người ở ngoài đường mà không có lý do chính đáng như đi mua nhu yếu phẩm.

 Mỹ tăng gói kích thích kinh tế lên 2.000 tỷ USD
Quy mô gói hỗ trợ kinh tế tăng gấp đôi so với đề nghị cách đây vài ngày, khi tác động của Covid-19 lên kinh tế Mỹ ngày càng mạnh.
Trả lời phỏng vấn trước cuộc họp với các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, gói kích thích để chống tại tác động của Covid-19 với kinh tế Mỹ có thể tăng lên 2.000 tỷ USD.
“Gói kích thích tương đương khoảng 10% GDP và cao gấp đối quy mô đề nghị trước đó”, Kudlow nói với các phóng viên. “Đây là một số rất lớn. Nhưng chúng tôi chỉ cố gắng phản ánh đúng nhất tình hình”. Gói hỗ trợ dự kiến có tổng số tiền chi ra thực tế khoảng 1.300-1.400 tỷ USD, cộng với các điều khoản khác.
“Chúng tôi đã đến rất gần với thỏa thuận”, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. “Các biện pháp được đưa ra để giữ các doanh nghiệp cùng tồn tại, người lao động được trả lương”.
Nếu được thông qua, gói kích thích lần này sẽ là gói cứu trợ thứ ba của Chính phủ Mỹ để giảm bớt tác động từ Covid-19. Đầu tuần, Tổng thống Donald Trump đã ký một gói viện trợ 100 tỷ USD bao gồm các điều khoản xét nghiệm Covid-19 miễn phí và đảm bảo lương cho người lao động nghỉ việc. Trước đó, một gói hỗ trợ 8,3 tỷ USD cũng được thông qua để các cơ quan y tế nghiên cứu và phát triển vắc-xin.
Kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với những tác động lớn từ dịch bệnh. Giới phân tích ước tính, số người nộp đơn xin hỗ trợ thất nghiệp sẽ lên mức kỷ lục trong tuần tới, khoảng 3 triệu người. Bank of America cho biết tình trạng công nhân nghỉ việc đang lan trọng khi các nhà máy đòng cửa hoặc dừng sản xuất. Trong khi đó, các bệnh viện cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị và nhân viên trong bối cảnh khủng hoảng.
Để đối phó với diễn biến phức tạp của đại dịch, hàng triệu người Mỹ đang được yêu cầu tự cô lập khi các trường hợp nhiễm Covid-19 ở nước này vượt qua 19.000 người, với hơn 260 người thiệt mạng. 45 tiểu bang đã đóng cửa các trường học, quán bar và nhà hàng.
California và New York, những tiểu bang đóng góp hàng đầu cho kinh tế Mỹ, đã đóng cửa tất cả doanh nghiệp không cần thiết vô thời hạn trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan. Các biện pháp tương tự đã hoặc đang có kế hoạch thực hiện tại New Jersey, Illinois và Connecticut.

 Anh đề nghị 1,5 triệu người ở nhà ít nhất ba tháng
Chính phủ Anh hôm 22/3 đề nghị 1,5 triệu người sức khỏe kém, được cho là có nguy cơ mắc nCoV cao nhất, nên ở nhà ít nhất 12 tuần.
“Mọi người nên ở nhà, bảo vệ Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) của chúng ta và mạng sống”, Bộ trưởng Cộng đồng Anh Robert Jenrick ra tuyên bố ở London, thêm rằng chính phủ đang yêu cầu “các đối tượng cực kỳ dễ bị tổn thương” thực hiện thêm nhiều biện pháp để bảo vệ bản thân.
Những người có các bệnh lý nền như ung thư xương, ưng thư máu, xơ nang hoặc người đã ghép tạng được giới chức y tế Anh khuyên nên làm tất cả những gì có thể để tránh lây nhiễm nCoV, kể cả tự cách ly tại nhà trong một thời gian dài.
“Những người đã được xác định thuộc một hoặc nhiều nhóm có nguy cơ sẽ được bác sĩ, chuyên gia hoặc cả hai liên hệ, khuyến cáo ở nhà trong ít nhất 12 tuần”, Jenrick nói thêm.
Giám đốc trung tâm Y tế Công cộng Anh Paul Johnstone cho biết những người được liên hệ không nên “đi ra ngoài mua sắm, giải trí hoặc đi du lịch”.
Chính phủ Anh đã tăng cường nỗ lực chống Covid-19 khi yêu cầu tất cả quán cafe, quán rượu, quán bar, nhà hàng, câu lạc bộ đêm, nhà hát và trung tâm giải trí đóng cửa từ hôm 20/3. Lệnh đóng cửa không có thời hạn, song giới chức Anh sẽ cân nhắc hàng tháng. Các cửa hàng bán hàng hóa, thực phẩm vẫn được mở cửa.
Covid-19 đã xuất hiện ở 188 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 300.000 người nhiễm, trong đó hơn 13.000 người tử vong. Anh hiện ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm và hơn 200 người chết vì nCoV.

CẬP NHẬT dịch bệnh COVID-19 và ứng phó: Trên 300.000 ca mắc trên toàn cầu
(Chinhphu.vn) – Báo Điện tử Chính phủ cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus COVID-19 và các chỉ đạo ứng phó của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đến hết ngày 21/3, tổng ca mắc COVID-19 thế giới trên 286 nghìn ca. Các nước ngoài Trung Quốc có số ca mắc trên 205 nghìn ca, gấp 2,5 lần Trung Quốc.
Tỷ suất tử vong của Italy và Iran ở mức rất cao (Italy: 4.032 người tử vong, tỷ suất 8,57% và Iran: 1.556 người tử vong, tỷ suất 7,55%).
Số ca mắc của Italy vượt trên 47 nghìn ca. Các nước Tây Ban Nha, Đức, Iran đều vượt trên 20 nghìn ca, Hoa Kỳ xấp xỉ con số trên.
Số ca mắc tại các điểm nóng tăng theo cấp số nhân. Sau 1 tháng, số ca mắc của Italy tăng gấp 166 lần, Tây Ban Nha từ 3 ca đã tăng lên gấp 8.000 lần (lên gần 25 nghìn ca), Đức tăng gấp 1.300 lần, Iran tăng gấp 216 lần, Hoa Kỳ tăng gấp 374 lần, Pháp tăng gấp 1.000 lần.
Cập nhật lúc 8h00 ngày 22/3:
Thế giới 307.885 người mắc, 13.112 người tử vong, trong đó:
– Lục địa Trung Quốc: 81.088 người mắc; 3.255 người tử vong.
– 188 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc: 226.887 người mắc; 9.857 người tử vong.
Việt Nam: 94 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1). 01 bệnh nhân (BN18) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).

***   Tây Ban Nha ghi nhận 5.000 ca nhiễm COVID-19 trong một ngày
Cơ quan y tế của Tây Ban Nha ngày 21/3 đã báo cáo sự gia tăng đột biến, 5.000 trường hợp nhiễm COVID-19 mới chỉ trong một ngày.

Italia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 kỷ lục
Số ca tử vong vì COVID-19 tại Italia đã tăng 793 trong vòng 24 giờ qua, lên 4.825 ca, theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự nước này.

COVID-19: Thế giới ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm, số người chết tiếp tục tăng
Tình hình dịch COVID-19 tại các quốc gia trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp, buộc các nước phải đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Hàn Quốc kêu gọi đóng cửa các cơ sở công cộng
Thủ tướng Hàn Quốc mạnh mẽ kêu gọi các cơ sở tôn giáo, thể thao trong nhà và cơ sở giải trí tạm ngừng hoạt động trong vòng 15 ngày để tránh lây lan COVID-19.

Ông Trump nổi giận với phóng viên vì câu hỏi liên quan tới COVID-19
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nổi cơn thịnh nộ với phóng viên khi người này đặt câu hỏi hoài nghi về phương pháp điều trị COVID-19 bằng thuốc chống sốt rét được ông đề nghị với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) nghiên cứu trước đó.

Mỹ tạm ngừng cấp thị thực thông thường toàn cầu
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/3 (giờ địa phương) cho biết sẽ tạm ngừng cấp thị thực thông thường trên phạm vi toàn cầu do lo ngại dịch COVID-19, theo AFP.

Lãnh tụ tối cao Iran kêu gọi người dân đoàn kết giữa “bão” COVID-19
Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei kêu gọi nhân dân Iran đoàn kết để chống lại dịch bệnh, trong bối cảnh COVID-19 hiện đã khiến 19.644 người nhiễm, 1.433 người tử vong tại quốc gia Trung Đông này.

Triều Tiên dỡ bỏ lệnh cách ly với hầu hết người nước ngoài
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 20/3 cho biết nước này đã dỡ bỏ lệnh cách ly đối với tất cả người nước ngoài đang cư trú ở đây, ngoại trừ 3 trường hợp có biểu hiện nhiễm COVID-19.

Có nên hồi hương?
Là câu hỏi của rất nhiều người Trung Quốc đang sinh sống và học tập ở nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát tại nhiều nước trên thế giới, và nhiều người trong số họ đã có quyết định cho riêng mình.

Hơn một nửa dân số bang giàu nhất nước Mỹ có nguy cơ nhiễm COVID-19
California, bang đông dân nhất nước Mỹ, đang kêu gọi gần 40 triệu cư dân nên ở nhà nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan rộng hơn.
Tổng hợp-TT