VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 23/2/2021.

     Ấn Độ phát hiện 240 chủng SARS-CoV-2 mới, nguy cơ lây nhiễm mạnh hơn; Nước Mỹ tưởng niệm 500.000 nạn nhân chết vì COVID-19; Hàn Quốc đối mặt khủng hoảng thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ 1997; Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, trên 87 triệu ca khỏi Covid-19, …là những tin chính được cập nhật.
Ấn Độ phát hiện 240 chủng SARS-CoV-2 mới, nguy cơ lây nhiễm mạnh hơn
 
Ấn Độ cần đẩy mạnh xét nghiệm, truy tìm tiếp xúc trở lại. (Ảnh: BBC)     Việc miễn dịch cộng đồng là không thể vì virus có khả năng thoát miễn dịch. (Ảnh: Science)
Giới chức y tế Ấn Độ đã phát hiện 240 chủng virus SARS-CoV-2 đột biến mới ở nước này, đồng thời cảnh báo một số biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn, thậm chí tránh được phản ứng miễn dịch
Kênh truyền hình RT (Nga) đưa tin ông Shahshank Joshi, một thành viên của lực lượng chống COVID-19 tại Ấn Độ, cho biết các chủng virus gây bệnh COVID-19 mới có khả năng là nguyên nhân gây ra sự gia tăng đột biến các ca mắc mới ở một số bang.
Ông Randeep Guleria, người đứng đầu Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn Độ (AIIMS) và cũng là thành viên của lực lượng chống dịch COVID-19 ở bang Maharashtra, đã cảnh báo một số biến thể mới có khả năng lây truyền cao hoặc nguy hiểm hơn. Ông phát biểu trên đài truyền hình Ấn Độ rằng một số chủng virus có “cơ chế trốn” miễn dịch. Điều này có thể gây ra tình trạng tái nhiễm ở những người đã có kháng thể chống lại SARS-CoV-2 sau khi tiêm vaccine hoặc từng mắc bệnh trước đó.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo tiêm ngừa COVID-19 vẫn là điều bắt buộc ngay cả khi việc tiêm chủng không ngăn ngừa tái nhiễm, song vẫn có thể làm cho các triệu chứng nhẹ hơn nhiều. Chuyên gia Guleria khẳng định chỉ tiêm phòng là chưa đủ mà cần phải có các biện khẩn trương trong việc kiểm tra, truy vết tiếp xúc và cách ly.
Nước Mỹ tưởng niệm 500.000 nạn nhân chết vì COVID-19
Số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ ngày 22/2 đã vượt qua cột mốc đáng kinh ngạc 500.000, chỉ hơn một năm kể từ khi đại dịch cướp đi nạn nhân đầu tiên được biết đến ở hạt Santa Clara, California.
Trong một tuyên bố tưởng nhớ những nạn nhân đã qua đời, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh treo cờ trên các tòa nhà và địa điểm công cộng cho đến ngày 26/2.
“Vào thời điểm này, chúng ta tưởng nhớ về sự ra đi của họ và sự mất mát của những người thân yêu của các nạn nhân”, ông Biden cho biết trong tuyên bố. “Chúng ta, với tư cách là một quốc gia, phải ghi nhớ họ để có thể bắt đầu hàn gắn, đoàn kết và tìm ra mục đích cùng nhau đánh bại đại dịch này”.
Chuông đã reo lên tại Nhà thờ Quốc gia ở Washington để tưởng nhớ những người đã mất.
Theo thống kê của Reuters, nước Mỹ đã ghi nhận hơn 28 triệu ca nhiễm COVID-19 và 500.264 người thiệt mạng tính đến chiều 22/2 (giờ địa phương), mặc dù số ca nhiễm và số ca nhập viện hàng ngày đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước lễ Tạ ơn và Giáng sinh.
Khoảng 19% tổng số ca tử vong toàn cầu được ghi nhận ở Mỹ, một con số quá lớn khi quốc gia này chỉ chiếm 4% dân số thế giới.
Hàn Quốc đối mặt khủng hoảng thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ 1997
Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng hơn tình trạng khan hiếm việc làm tại Hàn Quốc, trong đó nhóm người trẻ từ 15-29 tuổi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất…
Đại dịch Covid-19 kéo dài hơn một năm đã giáng một đòn mạnh vào thị trường lao động Hàn Quốc, khiến gần 1 triệu lao động mất việc chỉ trong tháng 1. Theo Nikkei Asia, đây là cuộc khủng hoảng thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính tại Hàn Quốc vào năm 1997.
*** Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, trên 87 triệu ca khỏi Covid-19,
  Theo Worldometer, đến sáng 23/2 (giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng 112.238.472 ca nhiễm Covid-19, trong đó 2.484.404 ca tử vong. Dù vậy, 87.732.925 bệnh nhân đã được chữa khỏi.
Mỹ vẫn dẫn đầu về số ca nhiễm mới trong ngày (50.911), song giảm hơn so với ngày trước đó. Brazil. Anh, Nga, Ấn Độ và Indonesia là những nước có số ca nhiễm trên 10.000.
WHO đồng ý bồi thường tác dụng phụ của vắc-xin
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đồng ý lên kế hoạch bồi thường cho những khiếu nại về tác dụng phụ nghiêm trọng của vắc-xin Covid-19 đối với 92 nước có tham gia chương trình COVAX.
Theo hãng thông tấn Reuters, tuyên bố của WHO cho biết đây là cơ chế bồi thường thương tật do vắc-xin đầu tiên và duy nhất hoạt động trên quy mô quốc tế. Cơ chế này sẽ cung cấp cho những người đủ điều kiện “một quy trình nhanh chóng, công bằng, mạnh mẽ và minh bạch”.
“Bằng cách cung cấp tổng số tiền bồi thường trong quá trình giải quyết bất kỳ khiếu nại nào, COVAX sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu phải nhờ đến các tòa án luật, một quá trình có thể kéo dài và tốn kém”, tuyên bố cho biết thêm.
Cơ chế sẽ được hỗ trợ ban đầu bởi nguồn vốn của các nhà tài trợ cho AMC, như một khoản phụ phí đối với tất cả liều vắc xin được phân phối qua COVAX. Theo WHO, đơn đăng ký bồi thường có thể được thực hiện thông qua cổng thông tin Covaxclaims từ ngày 31/3.
Kế hoạch mới được WHO đồng thuận đã được thảo luận trong vài tháng qua, và được thiết kế để có thể bao gồm những tác dụng phụ nghiêm trọng của bất kỳ loại vắc-xin nào do phân phối từ giờ đến 30/6/2022, đối với các nước thuộc khối Cam kết về Thị trường Tiến bộ (AMC) của COVAX – một nhóm gồm 92 nước nghèo, hầu hết là ở châu Phi và Đông Nam Á.
Seth Berkley, giám đốc điều hành của liên minh vắc xin GAVI, đồng lãnh đạo COVAX, cho biết thỏa thuận về cơ chế bồi thường là “một sự thúc đẩy lớn” cho COVAX, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vắc-xin Covid-19.
“Điều này không chỉ giúp đỡ người dân ở những quốc gia có nguy cơ chịu ảnh hưởng, mà còn giúp các nhà sản xuất phân phối vắc-xin của họ cho những quốc gia này với tốc độ nhanh hơn, và chính phủ các nước thu nhập thấp hơn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc mua vắc-xin thông qua COVAX”, ông nói.
Covid-19 diễn biến phức tạp ở Campuchia
Sáng 22/2, Bộ Y tế Campuchia thông báo nước này phát hiện thêm 35 ca nhiễm Covid-19 mới. Trong số này có 31 ca nhiễm từ cộng đồng và 4 ca nhập cảnh. Phần lớn những ca nhập cảnh đều đến từ Trung Quốc.
Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Campuchia phát hiện có ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân được phát hiện lên 78.
Cũng theo Bộ Y tế Campuchia, 23 địa điểm “có nguy cơ lây nhiễm cao” đã được khoanh vùng. Nhiều khu vực tại thủ đô Phnom Penh đã bị phong tỏa. Các vũ trường, quán bar… đã bị đóng cửa. Bộ Giáo dục nước này cũng cho tạm ngưng hoạt động của một số trường học.
Trong một diễn biến liên quan, ngành chức năng của Campuchia hiện đang ra sức truy tìm một số người nhập cảnh nhưng trốn cách ly từ Trung Quốc. Trong số này, có những người bỏ trốn khỏi nơi điều trị sau khi biết mình bị dương tính với Covid-19.
Khán giả Australian Open mất điểm vì… vắc-xin Covid-19
Phó thủ tướng Australia đã lên án hành vi của một số khán giả theo dõi trận chung kết giải quần vợt Australian Open.
Vụ việc xảy ra tại lễ trao danh hiệu đơn nam của Australian Open. Trong lúc bà Jayne Hrdlicka, Chủ tịch giải đấu, đang phát biểu về những tín hiệu lạc quan trong nỗ lực phân phối vắc-xin trên toàn cầu, nhiều tiếng la ó đã vang từ khán đài sân thi đấu Rod Laver.
Phó thủ tướng Australia Michael McCormack hôm 22/2 đã chỉ trích những hành vi trên. “Tôi không thích việc la ó ở bất kỳ sự kiện nào, trong đó có thể thao. Loại vắc-xin này sẽ đưa đất nước chúng ta trở lại trạng thái bình thường như trước dịch Covid-19″, ông nói.
Australia đã khởi động giai đoạn đầu tiên trong chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của mình vào hôm 22/2. Khoảng 60.000 liều vắc xin Pfizer đầu tiên dự kiến sẽ được phân phối cho các nhân viên y tế, kiểm dịch tuyến đầu trong tuần này
Dù nhận được sự ủng hộ rộng rãi, song vắc-xin Covid-19 cũng đã gây ra một số cuộc phản đối tại Australia. Hôm 20/2, một số cuộc biểu tình chống việc tiêm chủng đã diễn ra lẻ tẻ ở các thành phố như Melbourne và Sydney
Tuần trước, chính phủ Austrlia đã ra lệnh phong tỏa 5 ngày đối với cư dân bang Victoria, do lo ngại bùng phát ổ dịch Covid-19 mới tại đây. Dù vậy, giải Grand Slam đầu tiên trong năm 2021 vẫn có thể diễn ra mà không bị virus corona đe dọa.
*** Trung Quốc viện trợ vaccine COVID-19 cho hơn 19 nước châu Phi
Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ các công ty xuất khẩu vaccine COVID-19 sang các quốc gia châu Phi – những nơi cần khẩn cấp vaccine và đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Trung Quốc.
Đại sứ Italy tại Congo bị sát hại
Đại sứ Italy tại Congo, ông Luca Attanasio vừa được xác nhận thiệt mạng trong vụ tấn công đoàn xe của Liên Hợp Quốc gần thị trấn Kanyamahoro ở miền Đông Congo.
Hơn 70 người Mỹ thiệt mạng vì giá rét
Ít nhất 70 người thiệt mạng, trong đó 32 người ở bang Texas những ngày qua do chết cóng, do tai nạn trong điều kiện đường xá đóng băng hoặc ngộ độc khí khi tìm cách sưởi ấm.
Mỹ hoài nghi dữ liệu nguồn gốc COVID-19 Trung Quốc gửi cho WHO
Mỹ không tin tưởng các dữ liệu mà giới chức Trung Quốc cung cấp cho nhóm điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tổng thư ký LHQ yêu cầu quân đội Myanmar “ngừng đàn áp”
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 22/2 lên tiếng yêu cầu quân đội Myanmar ngừng đàn áp và thả hàng trăm người bị giam giữ kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra tại quốc gia này ba tuần trước.
Căng thẳng biên giới Trung- Ấn hạ nhiệt
Trung Quốc và Ấn Độ hoàn tất việc rút toàn bộ binh lính và khí tài quân sự hạng nặng khỏi một “điểm nóng” tranh cãi ở khu vực Đông Ladakh trên dãy Himalaya, bước đi được kỳ vọng có thể xoa dịu thế đối đầu căng thẳng trên tuyến biên giới giữa hai cường quốc châu Á.
Chuyên gia LHQ: Việt Nam chống COVID-19 rất hiệu quả
Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam, đánh giá thành công của Việt Nam trong ứng phó với COVID-19 đến từ 3 yếu tố, gồm: truy vết, xét nghiệm có chiến lược và thông điệp rõ ràng.
Trung Quốc kêu gọi thiết lập lại quan hệ song phương với Mỹ
Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng hai nước Mỹ – Trung có thể khôi phục mối quan hệ song phương vốn bị tổn hại nặng nề dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, từ đó cùng nhau giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.
Australia khởi động chương trình tiêm vaccine COVID-19 quy mô lớn
Sáng 22/2, Australia chính thức triển khai chương trình tiêm chủng vaccine của Pfizer ngừa COVID-19 quy mô lớn, với mục tiêu 60.000 liều vaccine sẽ được tiêm cho người dân tính đến cuối tuần này.
Chuyên gia châu Âu: Sputnik V đáng tin như súng Kalashnikov
Chuyên gia châu Âu đánh giá vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga đã chứng minh hiệu quả và độ tin cậy giống súng trường Kalashnikov, mẫu vũ khí được sử dụng trên toàn thế giới.
Hàng nghìn người Myanmar kêu gọi tổng đình công bất chấp bị đàn áp
Những người phản đối cuộc đảo chính quân sự của Myanmar đã kêu gọi một cuộc tổng đình công và nhiều cuộc biểu tình đường phố hơn, sau khi chính quyền đe dọa rằng các cuộc đối đầu có thể phải trả giá bằng mạng sống, Reuters ngày 22/2 đưa tin.
Iran thúc giục Mỹ dỡ bỏ trừng phạt nếu muốn cứu thỏa thuận hạt nhân
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết, việc Iran quyết định hạn chế hoạt động của các thanh sát viên Liên Hợp Quốc vào ngày 23/2 không có đồng nghĩa với việc nước này từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Tổng hợp-TT