Covid-19 tại Ấn Độ: Thảm họa nhân đạo cận kề, phong tỏa là ‘vũ khí’ cuối cùng; Lý do khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ là vấn đề nghiêm trọng với thế giới; Biến thể nCoV Ấn Độ nguy hiểm như thế nào?; Nghi ngại ca tử vong Covid-19 Ấn Độ cao 5 lần báo cáo; Dịch chuyển khỏi Trung Quốc, doanh nghiệp toàn cầu mua mạnh hàng hoá từ Việt Nam; Hơn 200 tỷ USD trên thị trường tiền số bị “thổi bay”; Gần 10.000 người tử vong vì COVID-19 chỉ trong một ngày…là những tin chính được cập nhật.
Covid-19 tại Ấn Độ: Thảm họa nhân đạo cận kề, phong tỏa là ‘vũ khí’ cuối cùng
Ấn Độ đang vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ hai tàn khốc. Ảnh: AFP
Phát biểu trên đài phát thanh hôm 25/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng “cơn bão” Covid-19 đã làm rung chuyển nước này, đồng thời kêu gọi người dân tiêm phòng vaccine và thận trọng.
Ấn Độ đang vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ hai tàn khốc được xác định do một biến chủng mới của Covid-19 và sự chủ quan của chính quyền địa phương khi cho phép các cuộc tụ tập tôn giáo và chính trị lớn diễn ra. Ảnh: AFP
Ấn Độ trong những ngày gần đây liên tiếp xác lập kỷ lục thế giới về số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày. Phía Mỹ cho biết họ vô cùng lo ngại trước làn sóng nhiễm Covid-19 dâng cao tại Ấn Độ và Mỹ đang chạy đua để gửi viện trợ đến Ấn Độ.
Ấn Độ ghi nhận tăng thêm 349.691 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp lập kỷ lục thế giới về số ca nhiễm trong ngày. Các bệnh viện ở thành phố Delhi cũng như trên khắp Ấn Độ đã từ chối tiếp nhận bệnh nhân do thiếu nguồn khí oxy và giường bệnh.
“Chúng tôi rất tự tin và phấn chấn sau khi vượt qua thành công làn sóng Covid-19 đầu tiên, nhưng cơn bão này đã làm rung chuyển đất nước”, Thủ tướng Modi nói trong một bài phát biểu trên đài phát thanh.
Chính phủ Ấn Độ đang đối mặt với những lời chỉ trích rằng họ đã mất cảnh giác, cho phép các cuộc tụ tập tôn giáo và chính trị lớn diễn ra khi số ca nhiễm ở nước này giảm mạnh xuống dưới 10.000 ca mỗi ngày mà không hề có kế hoạch củng cố hệ thống y tế.
Các bệnh viện và bác sĩ Ấn Độ liên tiếp đưa ra những thông báo khẩn cấp rằng họ không thể đối phó với tình trạng bệnh nhân đổ xô nhập viện vì Covid-19.
Theo ghi nhận của phóng viên Reuters, người dân Ấn Độ đang sắp xếp cáng và bình oxy bên ngoài bệnh viện trong sự tuyệt vọng. “Ngày nào cũng xảy ra tình trạng tương tự, chúng tôi chỉ còn lượng oxy sử dụng trong vòng 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi cần nhận được sự đảm bảo từ chính quyền”, một bác sĩ Ấn Độ nói trên truyền hình.
Bên ngoài một ngôi đền của người Sikh ở thành phố Ghaziabad (ngoại ô Delhi), con phố bỗng trở thành khu cấp cứu của bệnh viện, chật cứng những chiếc xe chở bệnh nhân Covid-19 đang thở hổn hển vì vừa được thở bình oxy cầm tay.
Thủ hiến Delhi, ông Arvind Kejriwal, đã quyết định kéo dài thêm 1 tuần lệnh phong tỏa Thủ đô dự kiến kết thúc vào ngày mai 26/4, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus chết người này. Theo ước tính, cứ sau 4 phút, Covid-19 lại cướp đi một mạng sống tại Ấn Độ.
“Lệnh phong tỏa là vũ khí cuối cùng mà chúng tôi dùng để đối phó với Covid-19, nhưng số ca nhiễm tăng quá nhanh, chúng tôi phải sử dụng vũ khí này”, Thủ hiến Delhi nói.
Lý do khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ là vấn đề nghiêm trọng với thế giới
Ấn Độ là nước đông dân thứ 2 thế giới với 1,4 tỷ dân, hệ thống y tế mong manh, chìm trong loạt dịch bệnh.
Thảm họa đang xảy ra ở Ấn Độ dường như là trường hợp tồi tệ nhất mà nhiều người lo ngại về đại dịch Covid-19: không có đủ giường bệnh, không thể tiếp cận các xét nghiệm, thuốc men hoặc oxy, đất nước 1,4 tỷ dân đang chìm trong hàng loạt dịch bệnh.
Ấn Độ rơi vào cuộc khủng hoảng Covid-19, đặc biệt là tình trạng thiếu oxy cho người bệnh
Hiện tại, các quốc gia giàu có ở phương Tây ưu tiên vắc xin cho nhu cầu riêng của mỗi nước trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yêu cầu bình đẳng vắc xin toàn cầu. Hai cách ứng phó với Covid-19 đều không hạn chế được quy mô cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ.
Nguồn cung vắc xin toàn cầu khó có khả năng tăng cho đến cuối năm nay. Điều cần thiết lúc này là đại dịch cần một khoảng thời gian “chữa cháy” tập trung ở những điểm nóng.
Điều đó sẽ đòi hỏi các quốc gia phải nhìn xa hơn cuộc khủng hoảng y tế của chính mình. Họ cần thấy rằng đại dịch có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn nhiều nếu không có sự can thiệp.
Giới chuyên môn đã nhiều lần cảnh báo virus không được kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm và kéo dài đại dịch.
Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng tuyên bố đại dịch đã ở trong “trận đấu cuối cùng” vào tháng 3. Tư duy này không khác nhiều so với những sai lầm của các nhà lãnh đạo khác, bao gồm cả cựu tổng thống Mỹ, Donald Trump, người nghĩ rằng virus sẽ biến mất một cách đơn giản, hay sai lầm của Thủ tướng Anh, Boris Johnson.
Điều khác biệt của Ấn Độ với các nước trên là nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới toàn cầu, có lẽ trên quy mô chưa từng thấy trong đại dịch. Đây là quốc gia đông dân thứ 2 thế giới (1,4 triệu dân) có hệ thống y tế mỏng manh.
Biến thể nCoV Ấn Độ nguy hiểm như thế nào?
Biến thể B.1.617 từ Ấn Độ chứa hai đột biến L452R và E484Q, gọi là “đột biến kép”, có khả năng lây lan nhanh chóng và làm giảm hiệu quả vaccine Covid-19.
Ấn Độ đang trải qua đợt bùng phát Covid-19 thứ hai tàn khốc, số ca nhiễm mỗi ngày cao nhất thế giới trong liền 4 ngày qua. Một trong các nguyên nhân là B.1.617 có đột biến kép.
Kristian Andersen, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Viện nghiên cứu Scripps, cho biết tình hình ở Ấn Độ tương tự Brazil, Nam Phi trước đây và giờ là Iran. Ông nói: “Những quốc gia này từng có rất nhiều người nhiễm nCoV trong đợt đầu tiên. Có cảm giác họ đã đạt đến mức độ miễn dịch cộng đồng nhất định. Song sau đó, theo thời gian, khi khả năng miễn dịch của con người suy yếu, nhiều biến thể dễ lây lan hơn xuất hiện, gây ra đợt bùng phát khác”.
Nghi ngại ca tử vong Covid-19 Ấn Độ cao 5 lần báo cáo
Covid-19 đang nhấn chìm Ấn Độ, nhưng chuyên gia cho rằng số ca tử vong thực tế có thể lớn hơn hai đến 5 lần so với báo cáo chính thức.
Làn sóng Covid-19 thứ hai đang đẩy Ấn Độ vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, với bệnh viện quá tải, nguồn cung oxy cạn kiệt và nhiều bệnh nhân tuyệt vọng nằm chờ chết. Mỗi ngày, chính phủ báo cáo hơn 300.000 ca nhiễm mới, mức kỷ lục so với thế giới và chiếm gần một nửa số ca nhiễm mới của toàn cầu.
Giới chuyên gia cho rằng những con số đó đáng kinh ngạc, nhưng chỉ phản ánh được một phần quy mô của đại dịch của Ấn Độ. Số ca nhiễm tăng đột ngột trong những tuần gần đây, với sự xuất hiện của biến chủng mới được cho là tác nhân hàng đầu, ngày càng khiến nhiều người hoài nghi về báo cáo gần 200.000 ca tử vong, với hơn 2.000 người chết mỗi ngày, của giới chức Ấn Độ.
Nhiều cuộc phỏng vấn tại các khu hỏa táng trên khắp đất nước, nơi lửa gần như không tắt, đã phác họa một bức tranh đại dịch tàn khốc hơn. Giới phân tích cho rằng chính trị gia và ban quản lý bệnh viện có thể chưa thống kê hết số lượng lớn người chết vì đại dịch. Thêm vào đó, nhiều gia đình cũng có thể đang che giấu việc người thân chết vì Covid-19.
“Từ tất cả mô hình đã thực hiện, chúng tôi tin số người chết thực tế có thể gấp hai tới 5 lần so với báo cáo”, Bhramar Mukherjee, nhà dịch tễ học tại Đại học Michigan, người theo dõi sát sao tình hình Ấn Độ, cho hay.
Dịch chuyển khỏi Trung Quốc, doanh nghiệp toàn cầu mua mạnh hàng hoá từ Việt Nam
Theo một khảo sát, Việt Nam đang dẫn đầu xu hướng doanh nghiệp toàn cầu đa dạng hoá nguồn cung hàng hoá khỏi Trung Quốc
Việt Nam, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đang là những quốc gia dẫn đầu trong xu hướng các doanh nghiệp toàn cầu đa dạng hoá nguồn cung cấp hàng hoá khỏi Trung Quốc.
Loadstar – một tờ báo chuyên theo dõi chuỗi cung ứng toàn cầu – đưa tin một công ty kiểm tra chất lượng và kiểm soát chuỗi cung ứng có tên Qima với trụ sở ở Hồng Kông đã thực hiện một cuộc khảo sát với sự tham gia của 700 công ty có chuỗi cung ứng quốc tế.
Cuộc khảo sát tiến hành trong quý 1 cho thấy hoạt động mua hàng hoá từ Trung Quốc đã tăng mạnh trở lại, nhưng vẫn chưa đạt tới mức như trước khi Covid-19 trở thành đại dịch.
“Những nguồn cung cấp hàng hoá thay thế như Việt Nam, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng kiến sự tăng trưởng bền vững”, báo cáo của Qima được Loadstar trích dẫn.
Chẳng hạn, mức độ phổ biến của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đã tăng mạnh trong mấy năm trở lại đây, dẫn tới mức tăng 16% về số cuộc kiểm tra và kiểm toán về nguồn hàng từ Việt Nam trong quý 1 năm nay.
Khoảng 1/3 đơn vị mua hàng trên toàn cầu, và 38% ở Mỹ, xem Việt Nam là một trong những đích đến khi họ có kế hoạch mua thêm hàng hoá trong năm nay.
“Đây là quý tăng trưởng thứ ba liên tiếp của Việt Nam, bắt đầu từ giữa năm 2020”, Qima giải thích, nhấn mạnh rằng nhu cầu kiểm tra nguồn hàng từ Việt Nam trong quý 1 đã tăng gấp đôi so với quý 1/2019. Ngoài ra, có tới 43% doanh nghiệp có trụ sở ở Mỹ trong cuộc khảo sát của Qima nói rằng Việt Nam là 1 trong 3 nguồn hàng lớn nhất.
“Ngoài ra, cơn khát hàng hoá từ Việt Nam còn chưa được thoả mãn, và nhiều khả năng sẽ định hình lại bức tranh cung ứng hàng hoá trong năm 2021”, báo cáo của Qima có đoạn viết.
“Khoảng 1/3 đơn vị mua hàng trên toàn cầu, và 38% ở Mỹ, xem Việt Nam là một trong những đích đến khi họ có kế hoạch mua thêm hàng hoá trong năm nay”.
Hơn 200 tỷ USD trên thị trường tiền số bị “thổi bay”
Cú rơi của bitcoin và một số đồng tiền số khác trong ngày giao dịch 23/4 đã “thổi bay” hơn 200 tỷ USD trên thị trường tiền số, theo dữ liệu của CoinMarketCap.
Tính đến giữa ngày giao dịch 23/4 (giờ miền Đông Bắc Mỹ), bitcoin đã “bốc hơi” 7,3% xuống còn 49.730 USD, theo dữ liệu của Coin Metrics. Đây là lần đầu tiên bitcoin giao dịch dưới mức 50.000 USD kể từ đầu tháng 3. Trong khi đó, đồng ether cũng trượt giá 8% xuống còn 2.320 USD, còn XRP (Ripple) – đồng tiền số có giá lớn thứ 5 thế giới – lao dốc tới 16%. Diễn biến trượt giá đồng loạt của các đồng tiền số khiến thị trường này “vụt bay” 200 tỷ USD, theo dữ liệu của CoinMarketCap.
*** Gần 10.000 người tử vong vì COVID-19 chỉ trong một ngày
(ĐCSVN) – Đến sáng 26/4, thế giới có tổng số 147.783.379 ca nhiễm và 3.122.538 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 727.349 và 9.924 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Ấn Độ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất trong một ngày qua do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 26/4, đã có 125.320.873 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 19.339.968 ca bệnh đang điều trị, có 19.229.481 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 110.487 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm tới 354.531 ca nhiễm, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ (38.553 ca) và Mỹ (34.736 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 2.805 ca, sau đó là Brazil (1.316 ca) và Colombia (465 ca). Như vậy, Ấn Độ đã 5 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày, ngày sau cao hơn ngày trước, và số ca tử vong theo ngày do COVID-19 cũng liên tục lên mức cao mới. Báo chí và các phương tiện truyền thông xã hội đang lan truyền ngày càng nhiều những hình ảnh hãi hùng về sự hoành hành của dịch bệnh và tình trạng thất thủ của hệ thống y tế quốc gia.
Trước tình hình này, Chính phủ Ấn Độ đã huy động cả máy bay quân sự và tàu hỏa để vận chuyển oxy từ những khu vực xa xôi của đất nước tới thủ đô New Delhi. Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ “ngay lập tức” cung cấp các nguyên liệu thô để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, cũng như các phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo hộ y tế có sẵn cho Ấn Độ. Văn phòng Tổng thống Pháp cũng ra thông báo cho biết sẽ đề nghị hỗ trợ Ấn Độ hệ thống máy trợ thở trong những ngày tới. Trước đó, Chính phủ Anh cho biết sẽ gửi hơn 600 thiết bị y tế, trong đó có máy tạo oxy và máy trợ thở, tới Ấn Độ.
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 43.904.361 ca, trong đó có 998.380 ca tử vong và 38.371.459 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 105.467 ca nhiễm và 1.897 ca tử vong mới vì COVID-19. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.498.044; 4.762.569 và 4.404.882 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.428 ca, sau khi có thêm 11 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (119.238 ca) và Nga (108.232 ca).
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 48.973 ca nhiễm COVID-19 và 707 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 37.962.573 và 855.558 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Với 32.824.389 ca nhiễm và 586.152 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.326.738 và 1.178.987 ca nhiễm, cùng 214.853 và 23.965 ca tử vong vì COVID-19.
Với 37.042.853 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 26/4, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 495.503 ca đã tử vong do COVID-19 và 31.791.506 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 17.306.300; 4.629.969 và 2.396.204 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 195.116; 38.358 và 69.574 ca.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 86.297 ca nhiễm và 2.565 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 24.262.895 ca và 651.342 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 32.572 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 14.340.787 vào thời điểm hiện tại, và 1.316 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 390.925 ca.
Tính đến sáng 26/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.544.970 ca, trong đó có 120.443 ca tử vong và 4.061.995 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.575.471 ca nhiễm và 54.148 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.101 ca nhiễm và 23 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 509.363 và 300.342 ca nhiễm bệnh cùng 8.992 và 10.304 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 62.358 ca nhiễm (tăng 80 ca) và 1.187 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 8 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.666 ca, trong đó 910 ca tử vong./.
Tổng hợp-TT