Cái bắt tay lịch sử’ của ông Trump và ông Kim tại DMZ; Lãnh đạo Mỹ -Triều tổ chức hội đàm kín tại vùng phi quân sự; Ông Trump chính thức mời Kim Jong Un đến Nhà Trắng; G20 và vị thế Việt Nam…là những tin chính được cập nhật.
‘Cái bắt tay lịch sử’ của ông Trump và ông Kim tại DMZ
Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim tại DMZ hôm nay 30/6. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp gỡ và bắt tay nhau tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ) hôm nay 30/6.
“Thời điểm tôi trở thành Tổng thống Mỹ, mâu thuẫn giữa 2 nước là rất, rất lớn. Giờ đây, mâu thuẫn đã vơi đi. Đây là vinh dự lớn cho tôi và Chủ tịch Kim” – Tổng thống Trump khẳng định, đồng thời nhấn mạnh “lịch sử đã được thiết lập”.
Đứng cùng Tổng thống Trump ở ranh giới phía Nam của DMZ, lãnh đạo Kim nói: “Tổng thống Trump đã bước qua ranh giới để trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên viếng thăm đất nước chúng tôi. Điều này cho thấy ông ấy sẵn sàng loại bỏ mâu thuẫn trong quá khứ để hướng về tương lai”.
Đáp lại, Tổng thống Trump nói: “Đây là vinh dự của tôi. Thật bất ngờ. Bước qua ranh giới đó là một vinh dự lớn – quan hệ 2 nước đã đạt được nhiều tiến triển và đây là một tình bạn tuyệt vời. Cuộc họp này diễn ra đột xuất nên tôi muốn cảm ơn ông”.
Trước khi gặp gỡ lãnh đạo Kim, Tổng thống Trump cũng đã thăm hỏi các binh sĩ tại một căn cứ ở DMZ. Ông chủ Nhà Trắng cũng đã ký tên lên bức tường của căn cứ này trong một nghi thức truyền thống. Tổng thống Trump xác nhận ông đã lên kế hoạch viếng thăm DMZ trong nhiều tháng nhưng đến ngày 29/6, ông mới điện đàm với lãnh đạo Kim để tổ chức cuộc gặp này. Trước đó, trong khi lên đường sang Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới), Tổng thống Trump cũng đã thông qua mạng xã hội Twitter để mời lãnh đạo đến DMZ để “bắt tay”.
Lãnh đạo Mỹ -Triều tổ chức hội đàm kín tại vùng phi quân sự
Sau khi có cuộc gặp gỡ lịch sử tại biên giới hai miền Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều đã ngồi xuống trong một cuộc hội đàm song phương tại vùng phi quân sự.
Mở đầu cuộc hội đàm, ông Kim cho biết ông đã rất “bất ngờ” với lời mời của ông Trump trên Twitter vào ngày hôm qua (29/6). Nhà lãnh đạo cũng cho biết ông và ông Trump có một “mối quan hệ tuyệt vời”.
“Nếu không phải nhờ mối quan hệ tốt đẹp ấy, chúng tôi đã không thể thực hiện cuộc gặp đột xuất này”, ông Kim cho biết, nói thêm với ông Trump rằng: “Tôi đã rất muốn gặp lại ông”.
“Mối quan hệ tuyệt vời này trong tương lai nữa, tôi hi vọng nó có thể sẽ là nền móng cho những thứ tốt đẹp hơn trong tương lai mà mọi người sẽ không dự đoán được. Và đây sẽ là một nguồn lực rất kỳ bí mà sẽ cho phép chúng ta vượt qua rất nhiều khó khăn tồn tại trong quá khứ” – ông Kim phát biểu trong cuộc họp.
Trước khi ông Trump bước qua biên giới, ông Kim đã nói: “Nếu ông bước qua đường kẻ này, ông sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên đất Triều Tiên”. Ông Kim còn khẳng định với Tổng thống Mỹ: “Việc này sẽ ghi dấu ấn trong lịch sử chính trị quốc tế”.
Sau khi ông Trump bước qua, nhà lãnh đạo nói: “Tổng thống Trump vừa bước qua đường phân cách biên giới. Việc này khiến ông trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm đất nước của chúng ta. Chỉ nhìn vào hành động này thôi, đây là một biểu hiện của việc ông ấy sẵn sàng bỏ qua quá khứ không may và mở ra một tương lai mới”.
Khi ngồi cạnh ông Kim trong buổi hội đàm, ông Trump cho biết ông “rất tự hào vì đã bước qua vạch kẻ phân cách”. Một lần nữa, ông cảm ơn ông Kim vì đã đến gặp ông và nói thêm rằng: “Khi tôi báo tin trên mạng xã hội, nếu ông ấy không đến, báo chí sẽ làm tôi bẽ mặt”.
Ông Trump cho biết vì ông Kim đã đến, nên hình ảnh của cả hai nhà lãnh đạo trước truyền thông sẽ là rất tốt.
“Đây có thể là một khoảnh khắc lịch sử, và tôi nghĩ nó thực sự là như thế đấy”, ông Trump nói. “Tôi nghĩ mối quan hệ mà chúng ta đã gây dựng được có ý nghĩa to lớn với rất nhiều người”.
Ông Trump và ông Kim đã hội đàm trong khoảng 50 phút, khoảng thời gian lâu hơn nhiều so với dự kiến của ông Trump trước đó, khi ông cho biết hai vị lãnh đạo gần như sẽ chỉ gặp mặt và trao đổi một cái bắt tay.
Khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un quay trở về Triều Tiên sau cuộc hội đàm, Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Moon Jae-in đã đi cùng ông đến tận biên giới để nói lời tạm biệt.
Ông Kim cho biết: “Việc chúng tôi giờ đây có thể gặp nhau bất cứ lúc nào, tôi nghĩ đây là thông điệp mà cuộc gặp gỡ này sẽ mang lại”.
Ông Trump chính thức mời Kim Jong Un đến Nhà Trắng
Diễn biến mới nhất trong cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều tại vùng phi quân sự (DMZ) ở biên giới Hàn Quốc – Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump, khi đứng cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở vùng phía Nam của Khu vực An ninh chung, đã mời ông Kim đến Washington.
“Tôi sẽ mời ông ấy đến Nhà Trắng ngay bây giờ”, ông Trump nói trước khi bắt tay với ông Kim. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã không lập tức phản hồi trước lời mời này.
“Rất nhiều điều tích cực đang diễn ra”, ông Trump phát biểu trước đó. “Thực sự rất tích cực”.
Chưa có nhà lãnh đạo Triều Tiên nào từng đến thăm nước Mỹ. Nếu chấp nhận lời mời của ông Trump, đây sẽ là một thành tích ngoại giao khổng lồ đối với ông Kim, người đã làm được việc mà chưa có người tiền nhiệm nào của ông làm được, đó là ngồi xuống cùng một Tổng thống Mỹ – khi ông gặp ông Trump lần đầu tiên tại Singapore.
Triều Tiên từ lâu đã yêu cầu được đối xử bình đẳng bởi các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Một cuộc gặp gỡ ở Washington sẽ là một minh chứng tuyệt vời cho điều này, và sẽ là một chiến thắng to lớn đối với ông Kim.
Ông Kim đã nói với Tổng thống Trump khi hai nhà lãnh đạo gặp mặt: “Thật tốt khi được gặp lại ông. Tôi không nghĩ là sẽ gặp ông ở nơi này”.
Hai lãnh đạo đã gặp nhau tại đường kẻ biên giới ngăn cách hai miền Bắc – Nam Triều Tiên. Ông Trump sau đó đã bước 20 bước để tiến vào lãnh thổ Triều Tiên, làm nên lịch sử với tư cách Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân đến quốc gia này.
G20 và vị thế Việt Nam
Tham dự Thượng đỉnh G20 lần này giúp Việt Nam nói tiếng nói cùng những nền kinh tế đang nổi, góp phần vào việc giải quyết những vấn đề chung của nền kinh tế thế giới.
Việt Nam là một trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản dự Hội nghị G20 lần thứ 14.
Năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam tham gia G20 với tư cách là Chủ tịch ASEAN. Điều này thể hiện vị thế quan trọng của Việt Nam trong nền chính trị thế giới và nền kinh tế Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ.
Việt Nam tham dự Thượng đỉnh G20 lần này tại Nhật Bản giúp Việt Nam nói tiếng nói cùng những nền kinh tế đang nổi, góp phần vào việc giải quyết những vấn đề chung của nền kinh tế thế giới.
G20 và vị thế Việt Nam
Sáng 28/6, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã chính thức đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Nguyên thủ các nước thành viên Nhóm G20 cùng các nước khách mời, lãnh đạo đứng đầu của các tổ chức đa phương toàn cầu quan trọng.
Sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo cấp cao các nước tham dự phiên thảo luận chuyên đề về kinh tế số do Thủ tướng Nhật Bản Abe chủ trì.
Lãnh đạo các nước tham dự đã thông qua Tuyên bố Osaka về Kinh tế số; nhấn mạnh tiềm năng to lớn và tầm quan trọng của kinh tế số; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, tranh thủ tối đa lợi ích của kinh tế số và các công nghệ mới nổi, đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn trong kinh tế số.
G20 và vị thế Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo thảo luận tình hình, triển vọng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo đánh giá kinh tế thế giới cơ bản ổn định, song tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro. Trong bối cảnh thương mại trên thế giới đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo nhiều nước đề cao hợp tác quốc tế, kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư, thúc đẩy cải cách WTO, duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương…
Sáng kiến hình thành mạng lưới sáng tạo toàn cầu
Phát biểu tại phiên họp về đổi mới sáng tạo vào chiều 28/6, Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định kinh tế số là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo về lưu chuyển tự do dữ liệu đi đôi với bảo đảm sự tin cậy; đề nghị cần có khuôn khổ pháp luật, quy tắc toàn cầu về lưu chuyển và quản trị dữ liệu.
Thủ tướng cũng hoan nghênh cách tiếp cận của các nước G20 về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) lấy con người làm trung tâm; nhấn mạnh sáng tạo công nghệ mới trước hết phải vì con người và gìn giữ các giá trị đạo đức nhân văn tốt đẹp.
*** Ông Trump nhấn mạnh “tình cảm đặc biệt” với Chủ tịch Triều Tiên
Trong cuộc họp báo diễn ra sau cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sáng 30-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định về mối quan hệ đặc biệt với nhà lãnh đạo Triều Tiên và cho biết sẽ gặp ông Kim tại khu phi quân sự DMZ.
Mỹ-Trung nối lại đàm phán thương mại song phương
Tân Hoa Xã ngày 29-6 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên, sau cuộc gặp hẹp diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Mỹ tăng sức ép, áp lệnh trừng phạt lên con trai Tổng thống Venezuela
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28-6 (giờ địa phương) đã quyết định áp lệnh trừng phạt lên con trai của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, trong một động thái nhằm tăng sức ép lên chính trị gia này, Reuters nhận định.
Pháp lao đao vì nóng, Australia hoãn bay do…sương mù
Trong khi nền nhiệt tại Pháp đã vượt ngưỡng 45°C trong ngày 28-6 (giờ địa phương) thì tại thành phố Sydney, Australia, một loạt chuyến bay đã buộc phải hoãn hoặc hủy do sương mù dày đặc.
Lật lại vụ án sát hại hàng loạt trẻ da đen ở Atlantas
Bốn mươi năm trước, xuất hiện một kẻ giết người hàng loạt khủng bố thành phố Atlanta. Các gia đình đã tìm kiếm câu trả lời kể từ đó. Hồ sơ vụ án được mã hóa màu từ năm 1981 trong phòng bằng chứng và sau đó chính là nơi các thám tử cố gắng mở lại cuộc điều tra loạt vụ án xảy ra ở thành phố Atlanta bang Georgia miền Đông nam nước Mỹ.
Tổng thống Trump chờ đợi “cái bắt tay” của Chủ tịch Kim tại biên giới liên Triều
Chỉ với dòng chia sẻ được đăng tải trên trang Twitter cá nhân sáng 29-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dấy lên hi vọng về một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều có thể xảy ra ở khu vực phi quân sự (DMZ) tại biên giới liên Triều.
Ông Putin khen Tổng thống Mỹ tài năng, mời đến Moscow xem duyệt binh chiến thắng
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi ông chủ Nhà Trắng là một người tài năng sau đó mời Tổng thống Trump tới Moscow xem duyệt binh chiến thắng vào ngày 9-5-2020.
Xe bus đâm vào đuôi xe tải làm 7 người chết, 50 người bị thương
Cảnh sát Ấn Độ cho biết ít nhất 7 người thiệt mạng và 50 người khác bị thương khi một chiếc xe bus chở khách đâm vào đuôi xe tải ở bang miền Bắc Uttar Pradesh.
Ông Tập lo chiến tranh bùng phát ở Vùng Vịnh, ông Trump nói ‘không phải vội’
Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lo ngại chiến tranh sẽ bùng phát ở Vùng Vịnh vì căng thẳng Mỹ-Iran thì Tổng thống Trump nói rằng ông không vội tìm giải pháp trong vấn đề Iran.
Tổng thống Nga-Mỹ bàn về Iran và cải thiện quan hệ tại cuộc gặp ở G20
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump thống nhất cải thiện quan hệ song phương “vì lợi ích cả thế giới” tại cuộc gặp kéo dài 1,5 giờ bên lề Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản.
Iran nói Mỹ “ảo tưởng” về sức mạnh khi tuyên bố nhanh chóng đánh bại Tehran
Ngoại trưởng Iran khẳng định nước này không muốn dấn thân vào chiến tranh, song nếu Mỹ cho rằng có thể nhanh chóng đánh bại Tehran thì đó là một suy nghĩ “ảo tưởng”.
Tổng thống Putin bình luận ‘lạ’ về vụ Skripal trước khi gặp Thủ tướng Anh
Tổng thống Nga Putin thêm lần nữa bác bỏ dính líu đến nghi án đầu độc cựu điệp viên hai mang Skripal, nhấn mạnh các bên không nên để vụ việc này làm ảnh hưởng đến quan hệ.
Thượng viện Mỹ cho Lầu Năm Góc chi 750 tỷ USD trong năm 2020
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2020 với tổng ngân sách lên tới 750 tỷ USD, tức nhiều nhất trong lịch sử Mỹ và gấp hơn 15 lần Nga.
Cuộc di cư vĩ đại của các nhà khoa học dưới thời Đức Quốc xã
Hai tháng sau khi Adolf Hitler được bổ nhiệm làm thủ tướng, chính phủ Đức ban hành Luật Phục hồi cơ quan Dân sự Chuyên nghiệp vào ngày 7-4-1933 buộc những công chức nhà nước có ít nhất một ông hay bà (nội hay ngoại) là người Do Thái hoặc là đối thủ chính trị của Đảng Quốc xã phải bị bãi nhiệm ngay lập tức.
Tổng hợp-TT