VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 31/3/2020.

 Việt Nam ‘cách ly toàn xã hội’ trong 15 ngày; Lý do Putin bất chấp rủi ro đi thăm bệnh nhân Covid-19;  Nga tuyên bố điều chế thành công ba loại thuốc chữa Covid-19; 8 tháng nữa, thứ giúp chúng ta miễn nhiễm Covid-19 mới xuất hiện; Virus corona tiếp tục đột biến, đã có 8 biến thể trên toàn cầu; Mercedes chế tạo 1.000 máy thở mỗi ngày;  New York cầu cứu;  Việt Nam đóng biên với Campuchia, Lào; CẬP NHẬT dịch COVID-19 và ứng phó tới sáng 31/3…là những tin chính được cập nhật.

 Việt Nam ‘cách ly toàn xã hội’ trong 15 ngày

 Hà Nội triển khai các chốt xét nghiệm nhanh Covid-19, có kết quả sau 10 phút   Hà Nội triển khai các chốt xét nghiệm nhanh Covid-19, có kết quả sau 10 phút.
Thủ tướng yêu cầu cách ly toàn xã hội trên toàn quốc, không tập trung quá 2 người nơi công cộng, từ 0h ngày 1/4 và kéo dài trong 15 ngày.
Theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về phòng chống Covid-19 ban hành sáng nay 31/3, cách ly toàn xã hội được thực hiện theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”.
Các phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.
Mọi người dân phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Thủ tướng yêu cầu toàn dân tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình và tham gia các hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng, cộng đồng. Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Các bộ Y tế, Công an, TP Hà Nội, TP HCM được giao “thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha”.
Hà Nội và TP HCM phải tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “ổ dịch”; tiếp tục kêu gọi người dân đã qua lại các “ổ dịch” này khai báo y tế và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm.
Đến sáng 31/3, Việt Nam ghi nhận 204 ca dương tính nCoV, trong đó 55 người đã khỏi bệnh, số còn lại đang được điều trị tại cơ sở y tế. Hà Nội hiện có nhiều ca bệnh nhất cả nước với 86 trường hợp, trong đó 33 ca liên quan đến bệnh viện Bạch Mai.

Lý do Putin bất chấp rủi ro đi thăm bệnh nhân Covid-19
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin là Dmitry Peskov cho biết, chuyến thăm các bệnh nhân Covid-19 gần đây của người đứng đầu nước Nga là không có chuẩn bị trước.
Số người nhiễm Covid-19 ở Nga tới giờ vẫn còn khá thấp, với 1.836 trường hợp được xác nhận trên toàn quốc. Hầu hết số người nhiễm đều sống ở Moscow và những ai cần chữa trị đều đang ở bệnh viện Communarka, nơi chuyên đương đầu với sự bùng phát của virus corona chủng mới.
Theo Sputniks, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya 1, phát ngôn viên của Tổng thống Putin là Dmitry Peskov cho biết, chuyến thăm gần đây của người đứng đầu nước Nga tại bệnh viện Communarka tại Moscow là tức thời, không có chuẩn bị trước.
Ông Peskov cho biết, quyết định đi vào khu vực phong toả và đích thân thăm hỏi các bệnh nhân Covid-19 của Tổng thống Putin không phải là điều gì đặc biệt đối với nhà lãnh đạo này.
“Các bạn biết đó, đấy là phong cách của Tổng thống. Ông muốn tận mắt thấy tình hình ở tiền tuyến… Putin sẽ không phải là Putin nữa nếu ông quyết định không tới đó. Sau tất cả, mọi biện pháp đề phòng đã được áp dụng để hạn chế nguy cơ phơi nhiễm”, ông Peskov nói.
Y tá trưởng bệnh viện là Lyudmila Larinova, người dùng máy điện thoại quay phim chuyến thăm của tổng thống nói, bà sửng sốt vì quyết định của Putin vào thăm khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Người phụ nữ này cho hay, thông thường, bà thấy mọi người đều sợ vào khu dịch bệnh này.
Bệnh viện Communarka là trung tâm chính ở Nga chuyên chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19. Dù quy mô bùng phát dịch còn nhỏ, song Nga đã áp dụng các biện pháp ngăn ngừa để hạn chế sự lây lan của virus như đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại trong nước, chuyển mọi hình thức học lên mạng, chỉ thị cho các công ty cho nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể.

 Nga tuyên bố điều chế thành công ba loại thuốc chữa Covid-19
Ba loại thuốc bao gồm Triazavirin, Favipiravir và thuốc dựa trên Fortepren của Nhật Bản.
Tuyên bố được Viện sĩ Vladimir Chekhonin, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga đưa ra hôm 29/3. Theo ông Chekhonin, thuốc kháng virus Triazavirin được tạo ra ba năm trước tại Viện Tổng hợp Hữu Cơ, hiện đang thử nghiệm tại Trung Quốc cho những bệnh nhân mắc Covid-19.
“Đến nay, thuốc đã được điều chế dưới dạng xịt, có thể sử dụng riêng cho với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus. Tôi chắc chắn nó sẽ phù hợp để điều trị Covid-19. Có thêm lựa chọn này ở thời điểm hiện tại là điều vô cùng quan trọng”, ông nhận định.
Loại thuốc thứ hai dựa trên thuốc cúm Favipiravir (hay còn gọi là Avigan) do Nhật Bản sản xuất trước đó, được Nga điều chỉnh để đáp ứng với các tiêu chuẩn của nước này. Thuốc đã sẵn sàng cho khâu thử nghiệm. Trước đó Favipiravir được cho là có tác dụng tốt đối với các bệnh nhân Covid-19, có khả năng ngăn chặn sự nhân lên của virus trong tế bào người bệnh. Sản phẩm cũng được chứng minh là tương đối an toàn.
Trong khi đó Fortepren đã vượt qua tất cả các thí nghiệm lâm sàng, hiện đang chờ đợi phê duyệt thử nghiệm trên người. Thuốc được điều chế dựa trên Fosprenil vốn để điều trị viêm nhiễm do virus corona ở động vật.
Theo các chuyên gia, kiểm tra độ an toàn và hiệu quả của ca ba loại thuốc này với bệnh nhân Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của cả Viện Hàn lâm và Bộ Giáo dục và Khoa học Nga. Ông Chekhonin cũng đề cập đến ba loại vaccine tiềm năng đang được phát triển ở nước này.
Tính đến ngày 31/3, Nga ghi nhận hơn 1.800 ca bệnh Covid-19 và 9 trường hợp tử vong, tương đối thấp so với các quốc gia châu Âu khác. Toàn thế giới có hơn 785.000 ca dương tính và 37.815 người chết vì căn bệnh này.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các quốc gia ráo riết chạy đua để phát triển thuốc điều trị virus. Đây được coi là niềm hy vọng lớn hơn bởi việc tìm ra vaccine là vô cùng gian nan, tốn nhiều thời gian và tiền của.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã xác nhận danh sách 4 loại thuốc kháng virus tiềm năng điều trị Covid-19. Danh sách có tên gọi Solidarity bao gồm: thuốc điều trị Ebola Remdesivir, tổ hợp thuốc kháng HIV/AIDS lopinavir và ritonavir, tổ hợp thuốc khác giữa lopinavir và ritonavir cộng thêm interferon beta (thuốc chữa đa xơ cứng) và thuốc sốt rét Chloroquine. Song các nhà khoa học cũng cho rằng cần thực hiện thêm nghiên cứu trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

8 tháng nữa, thứ giúp chúng ta miễn nhiễm Covid-19 mới xuất hiện
Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng của loại vaccine này sẽ được thực hiện vào tháng 9. Dự kiến đến đầu 2021, nhân loại sẽ có vaccine Covid-19.
Theo BRG, trong một nghiên cứu công bố đầu tháng 3, nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia khẳng định vaccine cho bệnh Covid-19 sẽ mất ít nhất 18 tháng nữa mới được tìm ra. Tuy vậy, ngày 30/3, công ty Johnson & Johnson (J&J) cho biết họ đã tìm ra loại vaccine có thể phòng Covid-19.
Dự kiến, vaccine mới sẽ được thử nghiệm trên người vào tháng 9. Điều này rút ngắn đáng kể thời gian mà nhân loại phải chung sống với căn bệnh có sức lây lan khủng khiếp này.
J&J đã hợp tác với Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Tiên tiến (BARDA) để nghiên cứu tạo ra vaccine Covid-19. Công ty này cam kết đầu tư một tỷ USD để tài trợ nghiên cứu này.
Cũng trong cam kết trên, J&J sẽ mở rộng quy mô sản xuất vaccine tại Mỹ và các quốc gia khác để cung cấp hơn một tỷ liều vaccine khi dự án thành công.
Alex Gorsky, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Johnson & Johnson cho biết thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế khẩn cấp. “Chúng tôi cam kết tham gia góp sức để tạo ra vaccine Covid-19 với chi phí phải chăng trên toàn cầu càng sớm càng tốt”, ông Alex nói thêm.
Theo thông cáo báo chí, J&J đã bắt tay nghiên cứu vaccine Covid-19 từ tháng 1, ngay khi cấu trúc chuỗi ADN virus SARS-CoV-2 được giải mã.
Nhiều cấu trúc đã được thử nghiệm. Cuối cùng họ chọn ra một ứng cử viên cùng với hai phiên bản khác của vaccine.
Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của vaccine này sẽ bắt đầu vào tháng 9 năm nay. Nếu không có gì thay đổi, đến đầu 2021, vaccine sẽ được áp dụng khẩn cấp cho nhân loại.
Ngày 16/3, loại vaccine có tên mã mRNA-1273, do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) và công ty công nghệ sinh học Moderna ở bang Massachusetts phối hợp nghiên cứu điều chế đã được thử nghiệm trên 45 người.
Tuy chưa có kết quả nhưng nếu thành công, loại vaccine này sẽ mất 12-18 tháng mới có thể được sản xuất đại trà, lâu hơn thời gian của J&J.

Virus corona tiếp tục đột biến, đã có 8 biến thể trên toàn cầu
Virus corona chủng mới đang gây đại dịch vẫn tiếp tục biến đổi và đã có 8 biến thể đang lan truyền trên toàn cầu, các chuyên gia y tế cho biết
Các nhà khoa học đang nghiên cứu bộ gen của virus corona và phát hiện các chủng mới đã xuất hiện, kể từ khi virus này lần đầu tiên nhảy từ động vật sang người ở chợ bán thịt thú hoang dã ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, theo New York Daily News.
Tin vui là các biến thể mới không gây tử vong nhiều hơn, theo Trevor Bedford, chủ trang web NextStrain.org chuyên theo dõi bộ gen của virus từ các mẫu được gửi tới từ khắp nơi trên thế giới.
“Theo nghĩa đen, nếu đặt câu hỏi ‘liệu virus có thay đổi về di truyền hay không’, thì câu trả lời là có”, nhà nghiên cứu dịch tễ học của Đại học Harvard, Marc Lipsitch, nói với NPR.
“Câu hỏi cần được đặt ra là liệu có thay đổi nào đáng kể đối với quá trình phát bệnh hay khả năng lây bệnh, hay những thứ khác mà con người chúng ta quan tâm không”.
Các biến thể mới chỉ khác đi một chút, không có sự thay đổi về mức độ gây tử vong, các chuyên gia cho biết.
“Tỷ lệ đột biến hiện ghi nhận được, khoảng hai biến thể mỗi tháng, là hoàn toàn bình thường đối với virus”, Bedford viết trên Twitter. “Cúm và cảm lạnh thông thường có tỷ lệ đột biến tương tự. Thậm chí cúm còn đột biến nhanh hơn”.
Các bộ gen ghi nhận được cho đến nay đang đem lại những thông tin cần thiết để dự đoán xem virus có thể ngăn chặn được không, và liệu các lệnh giãn cách xã hội có tác dụng hay không. Nhưng hiện bức tranh về virus vẫn chỉ như những nét phác thảo, các chuyên gia cho biết.
Họ đồng ý rằng vẫn còn rất nhiều điều phải khám phá. Nhưng trước mắt, những biến thể ở cấp vi mô đang giúp giới nghiên cứu lập bản đồ lây truyền của mầm bệnh trên thế giới.
“Các đợt bùng phát đều có thể lần theo dấu vết”, Charles Chiu, giáo sư y khoa và bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, Trường Y San Francisco, nói với USA Today. “Chúng tôi có khả năng giải mã bộ gen theo thời gian thực để xem có những chủng nào hoặc biến thể nào đang lan truyền”.

Mercedes chế tạo 1.000 máy thở mỗi ngày
Mercedes mất chưa đến một tuần để phát triển thiết bị hỗ trợ hô hấp giúp cho bệnh nhân bị nhiễm virus corona. Thiết bị này giúp đẩy một luồng khí hỗn hợp oxy vào miệng và mũi.
BBC cho biết đội đua đương kim vô địch F1 Mercedes đã làm việc với các kỹ sư và bác sĩ của đại học College London Hospital (ULCH) để tạo một thiết bị có thể cung cấp oxy đến phổi mà không cần sử dụng máy thở.
Thiết bị này có tên là áp lực đường thở dương liên tục (CPAP), trên thực tế thiết bị CPAP đang được sử dụng trên khắp thế giới, tuy nhiên số lượng đang rất hạn chế. Thiết bị CPAP mới của Mercedes đã được Dịch vụ y tế vương quốc Anh chấp thuận và cho phép sử dụng trong nỗ lực chống lại đại dịch Covid-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, 40 máy CPAP đã được chuyển đến ULCH và 3 bệnh viện khác ở London, Anh. Nếu mọi việc theo kế hoạch, Mercedes sẽ sản xuất 1.000 máy mỗi ngày, bắt đầu từ tuần tới.

New York cầu cứu
Thống đốc bang New York Cuomo kêu gọi hỗ trợ y tế khẩn cấp trong bối cảnh số người chết do nCoV tại đây đã vượt 1.200.
“Làm ơn hãy đến giúp New York ngay bây giờ. Chúng ta đã mất hơn 1.000 người New York. Đối với tôi, chúng ta đã vượt mức đáng sợ”, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói trong cuộc họp hôm 30/3.
Cuomo cho biết số ca tử vong do nCoV tại bang đã tăng hơn 250 người chỉ trong một ngày, nâng tổng số người chết lên hơn 1.200. Ông nói thêm cần khoảng một triệu nhân viên y tế để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhiều quan chức cũng cảnh báo tình trạng ở New York bây giờ có thể là kịch bản mà các khu vực khác tại Mỹ sớm phải đối diện.
Trước khi Thống đốc Cuomo phát lời kêu gọi, gần 80.000 cựu y tá, bác sĩ và các chuyên gia ở New York đã tình nguyện tham gia cuộc chiến chống Covid-19. Tàu bệnh viện USNS Comfort với sức chứa 1.000 giường cũng được điều tới đây hôm 30/3 để giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện.
Tại California, các quan chức cũng đưa ra đề nghị hỗ trợ tương tự khi số người nhập viện vì nCoV tăng gấp hai lần trong 4 ngày qua, số bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt cũng tăng gấp ba lần.
Đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến chống Covid-19 sẽ còn tiếp tục kéo dài khi dịch bệnh đã lan tới gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Mỹ là vùng dịch lớn nhất. Hơn 235 triệu người, chiếm khoảng hai phần ba dân số Mỹ, đang sống trong lệnh phong tỏa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo 30 ngày tới là thời gian thách thức và cũng là 30 ngày rất quan trọng. “Chúng ta càng nỗ lực hết mình, chúng ta sẽ càng nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng”, Trump nói hôm 30/3.
Mỹ hiện ghi nhận hơn 160.000 ca nhiễm và hơn 3.000 người chết do nCoV, trong đó New York là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

 Việt Nam đóng biên với Campuchia, Lào
Việt Nam ngưng hoạt động qua lại biên giới với hai nước láng giềng phía tây Campuchia và Lào từ 1/4 trong nỗ lực chặn Covid-19.
Việt Nam quyết định tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới đối với người tại các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới với Campuchia và Lào, bắt đầu từ 0h ngày 1/4, thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 31/3 cho biết.
Biện pháp này được đưa ra nhằm đảm bảo tối đa hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam, trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới. Quyết định đã được thông báo tới Đại sứ quán Campuchia và Đại sứ quán Lào tại Việt Nam.
“Việt Nam mong muốn nhận được sự hợp tác của chính phủ Lào và Campuchia, đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này”, thông cáo cho biết.

CẬP NHẬT dịch COVID-19 và ứng phó tới sáng 31/3
(Chinhphu.vn) – Báo Điện tử Chính phủ cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus COVID-19 và các chỉ đạo ứng phó của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay, 200 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.
Cập nhật lúc 7h00 ngày 31/3:
Thế giới: 784.005 người mắc, 37.778 người tử vong, trong đó:
– Hoa Kỳ: 163.287 người mắc; 3.148 người tử vong.
– Italy: 101.739 người mắc; 11.591 người tử vong.
– Tây Ban Nha: 87.956 người mắc; 7.716 người tử vong.
– Trung Quốc: 81.470 người mắc; 3.304 người tử vong.
Việt Nam: 204 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1), 39 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 30/3 được chữa khỏi (giai đoạn 2).

***   Nga, Trung gửi kiện hàng vật tư y tế “siêu khổng lồ” đến Mỹ
Mỹ đã trở thành quốc gia có số ca mắc COVID-19 được xác nhận cao nhất thế giới, theo sau là Italia và Tây Ban Nha.
Nga và Trung Quốc đã gửi nhiều nguồn cung cấp khác nhau, bao gồm cả thiết bị y tế, đến Mỹ để giúp chống lại căn bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong cuộc họp báo hàng ngày của Nhà Trắng ngày 30/3.
Tổng thống Trump cho biết: “Trung Quốc đã gửi cho chúng tôi một số thứ, thật tuyệt vời. Nga đã gửi cho chúng tôi lượng rất lớn, rất lớn, các thiết bị y tế, rất đẹp bằng máy bay”.
Trước đó trong cuộc họp báo, ông Trump cho biết, trong bối cảnh virus bùng phát nghiêm trọng ở Mỹ, những hạn chế có liên quan sẽ được thắt chặt hơn, nhưng nói rằng ông không có kế hoạch áp dụng cách ly trên phạm vi toàn quốc.
Tổng cộng, hơn 160.000 người ở Mỹ đã bị nhiễm bệnh, trong khi hơn 2.900 người đã tử vong vì COVID-19, theo dữ liệu cập nhật của Đại học Johns Hopkins.

Siêu lừa khét tiếng trở thành nhân viên FBI
Giả dạng phi công bay khắp thế giới, lừa đảo chiếm đoạt 2,5 triệu USD ở độ tuổi 20 – đó là một trong những thành tích bất hảo đã đi vào huyền thoại của Frank Abagnale (sinh năm 1948 tại Mỹ). Nhưng thành công nhất cuộc đời người đàn ông từng lầm lỡ này chính là hành trình làm lại cuộc đời sau song sắt, trong vai trò một nhân viên FBI thực thụ.

Chiến dịch săn lùng “Package” của KGB
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cuộc đối đầu của các cơ quan mật vụ Khối hiệp ước Warsaw và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) luôn được đánh giá là một trong những mặt trận “nóng bỏng” nhất.

Người dân Iran khổ sở trong vòng vây của COVID-19 và lệnh trừng phạt Mỹ
Ngoại trưởng Iran nói rằng người dân nước này “không có nhiều lựa chọn sinh tồn” khi vừa gánh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, vừa thiếu thốn đủ bề vì bị Mỹ trừng phạt.

Mới có 50 ca COVID-19, Nga phong tỏa toàn bộ cố đô St. Petersburg
Thành phố St. Petersburg ban bố lệnh phong toả nhằm ngăn dịch COVID-19 lan rộng, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Nga liên tiếp tăng.

WHO khuyến cáo những trường hợp nên đeo khẩu trang trong mùa COVID-19
Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/3 đưa ra lời khuyên rằng mọi người không nên đeo khẩu trang trừ khi bị nhiễm COVID-19 hoặc đang chăm sóc người bị bệnh.

160.000 ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ, lây nhiễm phức tạp trong quân đội
Hơn 256 triệu người dân Mỹ, tương đương 78% dân số, đang chịu ảnh hưởng của lệnh “không ra khỏi nhà”.

Mỹ – Trung cần ngưng “khẩu chiến” về đại dịch COVID-19
Đây là điều mà hai cường quốc thế giới cần làm ngay lúc này để chung tay nỗ lực chống dịch toàn cầu.

Hàn Quốc có ổ dịch COVID-19 mới, liên quan giáo phái ở Seoul
Hãng SCMP ngày 30/3 đưa tin Hàn Quốc vừa phát hiện thêm ổ dịch COVID-19 có liên quan đến một giáo phái tại quận Guro ở thủ đô Seoul với ít nhất 22 ca nhiễm bệnh được phát hiện cho tới thời điểm hiện tại.

Chỉ huy chống dịch COVID-19 của Tây Ban Nha nhiễm bệnh
Fernando Simon, chỉ huy chống dịch COVID-19 của Tây Ban Nha được xác nhận dương tính với căn bệnh này, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại đây đã vượt Trung Quốc, theo Reuters.

Lệnh phong toả khiến bầu không khí tại châu Âu sạch hơn
Ô nhiễm không khí đã giảm ở các khu vực đô thị trên khắp châu Âu trong thời gian phong toả vì COVID-19. Nhưng theo các chuyên gia, những người sống ở các thành phố vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Chết vì cuốc bộ hơn 200km về quê do lệnh phong toả
Ngày 28/3, một người đàn ông Ấn Độ đã tử vong sau khi đi bộ hơn 200 km từ thủ đô New Delhi về quê ở bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ do không có xe khách bởi nước này đang trong thời gian phong toả toàn quốc, theo Indiatimes.

Trung Quốc lên tiếng về lô khẩu trang kém chất lượng gửi cho Hà Lan
Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan Từ Hồng ngày 30/3 đã chính thức lên tiếng về vụ việc 600.000 khẩu trang nhập khẩu từ nước này bị Bộ Y tế Hà Lan thu hồi do phát hiện chúng có chất lượng kém và kêu gọi không chính trị hoá vụ việc.

Tín hiệu mới trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Anh
Sự lan rộng của đại dịch COVID-19 tại Anh đang có dấu hiệu chậm lại, trong bối cảnh xét nghiệm kháng thể diện rộng có thể sẵn sàng trong vài ngày tới, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Anh ngày 30/3 tuyên bố.

Xúc động khoảnh khắc hơn 1.000 nhân viên y tế “chia tay” bệnh viện Lôi Thần Sơn
Ngày 29/3, hơn 1.000 nhân viên y tế, là những người được điều động tới bệnh viện Lôi Thần Sơn để thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, đã tổ chức buổi chia tay sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Những lễ hoả táng âm thầm ở Hồ Bắc
Nhiều lọ tro cốt hiện vẫn đang đặt trong nhà hoả táng thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) do chưa có người nhận.

Ecuador – “Xa lộ” vận chuyển cocain toàn cầu
Ecuador, một đất nước vốn có tỷ lệ các vụ án mạng trên tổng số dân thấp, giờ đây Ecuador lại chính là một “xa lộ” để vận chuyển cocain  của một hệ thống cung ứng với quy mô toàn cầu.

Tổng hợp-TT