Nhóm họp tại Thái Lan, Ngoại trưởng ASEAN tập trung bàn về Biển Đông và thương chiến Mỹ-Trung; Trung Quốc không thể thắng nếu chơi bài “tổng bằng 0” ở Biển Đông; Những chủ đề có thể ‘đốt nóng’ cuộc họp kín Bắc Đới Hà của lãnh đạo Trung Quốc; Triều Tiên phóng một loạt vật thể bay ra biển…là những tin chính được cập nhật.
Nhóm họp tại Thái Lan, Ngoại trưởng ASEAN tập trung bàn về Biển Đông và thương chiến Mỹ-Trung
Các quan chức cấp cao ASEAN tham dự cuộc họp trong chuỗi sự kiện từ ngày 29/7- 4/8 tại Thái Lan. (Ảnh: VOV)
(VTC News) – Thương chiến Mỹ-Trung và Biển Đông sẽ là 2 trọng tâm của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần này.
Sáng nay (31/7), Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai sẽ chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng với các Đối tác Đối thoại và các cuộc họp khác. Sẽ có tổng cộng 27 cuộc họp đầy đủ cùng với các phiên họp bên lề tại Bangkok trong dịp này.
Đây sẽ là dịp để Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN và đối tác trao đổi các vấn đề quan trọng đang được khu vực và quốc gia cùng quan tâm.
Tuy nhiên, ông James Gomes, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á cho biết vấn đề được quan tâm và sẽ được thảo luận nhiều nhất là những căng thẳng hiện nay trên Biển Đông.
“Căng thẳng trên biển Đông hiện đã trở thành vấn đề của cả khu vực và quốc tế. Tôi dự đoán rằng với sự tham gia của Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ, Biển Đông chắc chắn sẽ được mang ra thảo luận dù là trực tiếp hay bên lề”, ông này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, ông Alexander Neill, chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, tin rằng Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự và Bắc Kinh có thể nhân dịp này để kiềm chế lập trường đang trở nên cứng rắn hơn của các nước ASEAN.
Trước đó, một quan chức Mỹ cũng xác nhận Biển Đông sẽ là một phần then chốt, chủ đề nổi bật trong các cuộc thảo luận của ông Pompeo tại Thái Lan.
“Dường như sự quan tâm ngày càng gia tăng tại khu vực, cụ thể là các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cũng như mong muốn đảm bảo bất kỳ bộ quy tắc ứng xử nào cũng đều phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành, cụ thể là luật biển. Những vấn đề này sẽ được nêu ra và rõ ràng chúng tôi muốn đảm bảo sự ổn định tại đó”, quan chức này cho hay.
Một vấn đề khác cũng thu hút sự chú ý trong 4 ngày nhóm họp tới đây là ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
“Tôi cho rằng vấn đề an ninh là hết sức quan trọng nhưng việc xem xét các vấn đề về kinh tế cũng rất cần thiết, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vì cuộc chiến này ảnh hưởng tới kinh tế khu vực. Các nước ASEAN sẽ trao đổi để thúc đẩy 2 nước cùng giải quyết căng thẳng”, ông Gomes cho hay.
Trung Quốc không thể thắng nếu chơi bài “tổng bằng 0” ở Biển Đông
VOV.VN – Nếu Trung Quốc đơn phương áp đặt ý chí của mình lên khu vực, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ của Trung Quốc với đối tác.
Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa ở phía Nam Biển Đông của Việt Nam gần đây được đánh giá là sự vụ rất nghiêm trọng. Động thái nguy hiểm của Trung Quốc không chỉ vấp phải sự lên án gay gắt từ phía Việt Nam mà còn từ những tiếng nói yêu chuộng hòa bình, tôn trọng công lý khắp nơi trên thế giới.
Trung Quốc hành động sai trái không thể biện minh
“Đây rõ ràng là một sự vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), tôi không thấy có điều gì có thể biện minh cho các hoạt động hiện nay của Trung Quốc. Việt Nam có mọi quyền để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình. Theo UNCLOS và phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế 3 năm trước đây thì khu vực biển đó thuộc về Việt Nam”, ông Bill Hayton, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh nói.
Không ngừng gia tăng ảnh hưởng…
Không thể phủ nhận rằng Biển Đông là một vấn đề nhạy cảm. Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông trong khi các quốc gia thành viên ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này. Trong những năm gần đây, cùng với việc nền kinh tế phát triển nhanh chóng, Trung Quốc cũng không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự và ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn đối với vấn đề Biển Đông.
Không thể chơi bài “tổng bằng 0”
Bài bình luận trên tờ Times of India cho rằng, nhìn tổng thể, một số quốc gia có thể đưa ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông nhưng không nước nào có thể giành thắng lợi nếu chơi trò “tổng bằng 0” (tôi được, anh mất; tôi mất, anh được). Nếu Trung Quốc đơn phương áp đặt ý chí của mình lên khu vực, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước ASEAN. Điều này sẽ không có lợi về lâu dài. Ngoài ra, Trung Quốc cần phải tự hỏi lại bản thân liệu nước này muốn “trỗi dậy hòa bình” hay “trỗi dậy phẫn nộ”. Nếu sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến các nước khác phẫn nộ, Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình.
Những chủ đề có thể ‘đốt nóng’ cuộc họp kín Bắc Đới Hà của lãnh đạo Trung Quốc
Bắc Đới Hà là khu nghỉ mát nổi tiếng của Trung Quốc, nhưng “nhiệt độ chính trị” tại đây sẽ tăng cao vào đầu tháng 8, khi các lãnh đạo tề tựu.
Từ năm 1953, các lãnh đạo đương chức và nghỉ hưu Trung Quốc bắt đầu tới Bắc Đới Hà, khu nghỉ dưỡng nằm cạnh biển Bột Hải, cách thủ đô Bắc Kinh 280 km về phía đông, vào mỗi mùa hè để trốn tránh cái nóng ở thủ đô và bàn bạc về những vấn đề quan trọng của đất nước.
Ông Mao Trạch Đông được cho là từng ở Bắc Đới Hà ít nhất 4 tháng năm 1954. Truyền thống này chấm dứt trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1969-1976), nhưng được nối lại vào năm 1984, khi ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu đi nghỉ hè ở đó.
Chính quyền Trung Quốc thường không thông báo chính thức về cuộc họp Bắc Đới Hà, nhưng sự kiện thường diễn ra vào đầu tháng 8. Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác vắng mặt trong các bản tin hàng ngày trên truyền hình nhà nước, giới quan sát cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy hội nghị Bắc Đới Hà đã bắt đầu.
“Bắc Đới Hà là nơi các lãnh đạo cấp cao có thể gặp nhau trong các cuộc họp không chính thức để trao đổi quan điểm của họ về các chính sách lớn, do đó, sự kiện này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách của Trung Quốc”, Alfred Wu, phó giáo sư tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore, nói.
Cuộc họp năm nay sẽ được theo dõi rất chặt chẽ vì giới lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt với một loạt thách thức chưa từng có. Kerry Brown, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học King, London, cho biết ông tin rằng trọng tâm của cuộc họp năm nay sẽ là quan hệ Mỹ – Trung.
Chuyên gia Alfred Wu nói rằng các cuộc biểu tình ở Hong Kong cũng sẽ là nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của các lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Đới Hà năm nay.
Vấn đề Đài Loan cũng sẽ là chủ đề được quan tâm tại hội nghị này. Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đã xuống mức thấp nhất kể từ khi bà Thái Anh Văn, người không thừa nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc”, trở thành lãnh đạo hòn đảo từ năm 2016.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cũng phải bàn bạc về các biện pháp phục hồi đà đi lên của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống mức 6,2% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 3/1992. Không chỉ vậy, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn dần dần giảm tốc trong thập kỷ qua, từ mức 14,23% năm 2007 xuống 9,5% vào năm 2011, 7,3% vào năm 2014 và 6,6% vào năm ngoái.
Triều Tiên phóng một loạt vật thể bay ra biển
Sáng nay (31/7), Triều Tiên đã bắn một loạt vật thể bay không xác định ra ngoài khơi bờ biển phía đông của nước này, quân đội Hàn Quốc cho hay.
Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ra thông báo cho biết, vật thể bay được Triều Tiên phóng đi từ bán đảo Hodo ở tỉnh Nam Hamgyong, trên bờ biển phía đông nước này. JCS cho biết, đang theo sát tình hình để xem Triều Tiên có phóng thêm các vật thể bay nữa không.
Hiện chưa rõ, vật thể bay của Triều Tiên là loại gì và bay được bao xa, AP đưa tin.
Mỹ cho biết, đã nắm được thông tin về các vụ phóng vật thể bay của Triều Tiên, theo Yonhap.
Các vụ phóng vật thể bay mới này diễn ra 6 ngày sau khi Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà giới chức Seoul cho biết, nó bay xa 600 km rồi mới rơi xuống ngoài khơi vùng bờ biển phía đông Triều Tiên.
Loại tên lửa mà Triều Tiên phóng tuần trước được cho là phiên bản tên lửa Iskander của Nga. Hiện chưa biết, loạt vật thể bay mà Triều Tiên phóng hôm nay có cùng loại hay không.
Giới quan sát nhận định, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên nhằm tăng sức ép với Mỹ, buộc Washington phải nhượng bộ khi hai nước đang cố nối lại các nỗ lực ngoại giao về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
*** Triều Tiên phóng nhiều tên lửa “chưa từng thấy trước đây”
Nguồn tin quân đội Hàn Quốc sáng 31-7 thông báo, Triều Tiên đã phóng hai vật thể không xác định được cho là tên lửa đạn đạo vào sáng sớm cùng ngày.
Mexico xoa dịu Mỹ về vấn đề di cư
Số người di cư đến khu vực biên giới Mỹ – Mexico đã giảm gần 40% kể từ tháng 5, chính phủ Mexico công bố ngày 30-7, trong một nỗ lực được cho là nhằm xoa dịu căng thẳng với Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến vấn đề di cư.
Mỹ quyết tâm đảm bảo an ninh hàng hải quốc tế
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc Hàn Quốc và Nhật Bản tham gia liên minh an ninh hàng hải quốc tế, nhằm tạo mặt trận chung bảo vệ các tàu chở dầu ở khu vực vùng Vịnh, sau khi các nước châu Âu phản đối đề xuất này của người đứng đầu Nhà Trắng. Vậy, Seoul và Tokyo sẽ làm gì trước lời kêu gọi này?
Tổng thống Mông Cổ đến thăm Mỹ, tặng ngựa cho cậu út nhà Trump
Tổng thống Mông Cổ Battulga Khaltmaa sẽ đến thăm Nhà Trắng trong ngày 31-7, tìm kiếm sự giúp đỡ từ Tổng thống Donald Trump về các thỏa thuận thương mại và quân sự, đồng thời, ông có thể đặt tên cho chú ngựa mà chính phủ đã thân tặng cậu con trai 13 tuổi của ông Trump.
Nhật Bản nói gì về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên?
Yonhap ngày 30-7 đưa tin, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức lên tiếng về vụ phóng tên lửa thử nghiệm của Triều Tiên hôm 25-7, đồng thời cho rằng Bình Nhưỡng đang cố gắng phát triển các loại vũ khí phức tạp hơn.
Diễn viên huyền thoại và nghi án làm điệp viên cho Đức Quốc xã
Diễn viên huyền thoại của Hollywood trong các thập niên 1930 đến thập niên 1950 Errol Flynn, bị nghi là điệp viên nằm vùng của Đức Quốc xã (ĐQX).
Iran “khoe” sắp cùng Nga tập trận trên Eo biển Hormuz
Hải quân Iran thông báo sẽ tập trận chung cùng lực lượng Nga ở Ấn Độ Dương, bao gồm khu vực Eo biển Hormuz, trong bối cảnh căng thẳng vùng Vịnh leo thang chóng mặt.
Người Nga xuất hiện, Syria giành khu chiến lược từ tay khủng bố ở Idlib
Quân đội Syria giành lại nhiều khu vực chiến lược từ tay khủng bố Hồi giáo cực đoan ở vùng Tây Bắc đất nước nhờ sự trợ giúp trực tiếp của người Nga.
Nghi phạm xả súng tại Mỹ “khoe” trên mạng xã hội trước khi ra tay
Cảnh sát Mỹ ngày 29-7 xác định một thanh niên 19 tuổi tại California là người đã xả súng vào lễ hội tỏi ở Gilroy (Gilroy Garlic Festival), California, khiến 3 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
254 số phận bi thảm trên tàu St Louis
Ngày 16-4-1939, chiếc tàu buôn St Louis rời cảng Hamburg, Đức, với 937 hành khách, phần lớn là công dân Đức gốc Do Thái, bỏ chạy khỏi nước Đức nhằm tránh sự thanh trừng của chủ nghĩa Quốc xã. Tuy nhiên, cả Mỹ lẫn Canada và Cuba đều từ chối tiếp nhận những người này.
Iran cùng các cường quốc bàn cách duy trì thỏa thuận hạt nhân
Iran cùng các cường quốc còn lại trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 tái khẳng định sự cần thiết của việc duy trì văn kiện lịch sử này, đồng thời vạch ra những bước đi đầu tiên nhằm ngăn thỏa thuận sụp đổ sau sự rút đi của Mỹ.
Tổng thống Trump muốn rút quân khỏi Afghanistan trước thềm bầu cử 2020
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Tổng thống Trump mong muốn các lực lượng chiến đấu của Mỹ ở Afghanistan được giảm xuống trước thềm cuộc bầu cử tiếp theo, mở ra một mốc thời gian mới cho kế hoạch cắt giảm quân của Washington.
Giang hồ Brazil thanh trừng lẫn nhau, 57 tù nhân thiệt mạng
Một cuộc đụng độ đẫm máu giữa hai băng đảng trong nhà tù ở bang Para, Brazil đã xảy ra ngày 29-7 (giờ địa phương), khiến ít nhất 57 tù nhân thiệt mạng, man rợn hơn, 16 người trong đó bị chặt đầu.
Hơn 100 triệu khách hàng của nhà băng bị đánh cắp thông tin ở Mỹ và Canada
Tập đoàn tài chính Capital One ngày 29-7 cho biết thông tin cá nhân bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại và điểm tín dụng của hơn 100 triệu khách hàng ở Mỹ và 6 triệu khách hàng ở Canada đã bị các hacker đánh cắp.
Tân Tổng thống Angola và cuộc chiến chống tham nhũng
Nguồn dầu mỏ dồi dào đã biến Angola thành nền kinh tế giàu thứ 3 ở vùng phụ cận hoang mạc Sahara châu Phi. Nhưng xứ này cũng là một trong những quốc gia còn tồn tại nhiều bất công, thể hiện ở tầng lớp chính trị siêu giàu và sống tách biệt với đại bộ phận 30 triệu dân cư của nước này.
Tổng hợp-TT