WHO cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ 2 ‘vô cùng hủy diệt”; Mỹ phản đối lên LHQ yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc; Kinh tế Pháp sẽ suy giảm tới 11% vì Covid-19; Tổng thống Mỹ muốn Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7; Thế giới vượt mốc 6,5 triệu ca mắc COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
WHO cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ 2 ‘vô cùng hủy diệt”
Ảnh minh họa.
Covid-19 có nguy cơ tái diễn nếu những nước đang thoát khỏi làn sóng dịch bệnh đầu tiên không thận trọng khi nới lỏng các hạn chế.
Trên đây là cảnh báo của Hans Kluge, Giám đốc phụ trách châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo hãng tin RT, quan chức này nhắc lại thông điệp chính của WHO: kể cả đại dịch Covid-19 dường như đã được kiểm soát thì mối đe dọa của nó vẫn tồn tại.
“Chúng ta vẫn chưa có vaccine hay thuốc trị Covid-19”, Hans Kluge nhấn mạnh tại một cuộc họp báo. “Làn sóng thứ 2 là không thể tránh được. Nhưng ngày càng nhiều quốc gia đang dỡ bỏ các giới hạn, và có một mối đe dọa rõ ràng rằng sự lây lan của Covid-19 sẽ tái diễn. Nếu các ổ dịch không bị cô lập thì làn sóng thứ 2 có thể xuất hiện và vô cùng hủy diệt”.
Kluge nêu thêm, tin vui là con người hiện nay có thể đối phó với đại dịch Covid-19 tốt hơn sau làn sóng lây nhiễm lần 1. “Chúng ta hiểu rõ hơn về virus, về các biện pháp và cách thức chúng ta phải chuẩn bị”.
WHO liên tục khuyến cáo các nước thận trọng khi dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, không để dịch bệnh lại vượt tầm kiểm soát lần nữa. Italia – nước bị Covid-19 càn quét dữ dội nhất ở châu Âu – tuần này đã cho phép khách du lịch từ các quốc gia thành viên EU và Anh nhập cảnh mà không phải cách ly 2 tuần.
Dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, hồi cuối năm 2019. Đến nay, virus corona chủng mới gây bệnh này đã hiện diện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho hơn 6,5 triệu người và cướp mạng sống của gần 388.000 bệnh nhân, theo trang thống kê toàn cầu Worldometers.
Mỹ phản đối lên LHQ yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc
SGGP – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 2-6 (giờ Washington) cho biết Mỹ đã gửi phản đối đối với những yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc tới Liên hiệp quốc (LHQ), cho rằng những yêu sách này là bất hợp pháp. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á tiếp tục có nhiều động thái mới nhằm đối phó với hành vi sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bất hợp pháp và nguy hiểm
Trên tài khoản Twitter, ông Pompeo nêu rõ: “Chúng tôi bác bỏ những yêu sách chủ quyền bất hợp pháp và nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước thành viên LHQ cần đoàn kết để bảo vệ luật pháp quốc tế và quyền tự do trên biển”. Trước đó, ngày 1-6, trong thư gửi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, đại diện Mỹ tại LHQ, Đại sứ Kelly Craft đề cập tới công hàm của Trung Quốc ngày 12-12-2019 phản đối việc Malaysia gửi bản đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ.
Đại sứ Kelly Craft lưu ý rằng Mỹ phản đối những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và cho rằng những yêu sách này đi ngược Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Bà Kelly Craft cũng đề nghị Tổng Thư ký Guterres cho lưu hành bức thư này tới tất cả các nước thành viên như một văn bản cho chương trình nghị sự của Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ.
Đại sứ Mỹ tại LHQ nhấn mạnh, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, can thiệp trái phép vào quyền và tự do của Mỹ cũng như các nước thành viên khác. Trong Công hàm gửi LHQ, Mỹ bác bỏ khái niệm “quyền lịch sử” mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông, cho rằng điều này vượt quá quyền được nêu trong Công ước Luật Biển và đã được Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 phán quyết là không phù hợp với Công ước Luật Biển. Công hàm cũng khẳng định, phán quyết năm 2016 là cuối cùng và có giá trị pháp lý.
Công hàm nêu rõ, bằng cách tuyên bố chủ quyền với vùng biển rộng lớn ở Biển Đông, Trung Quốc đã hạn chế quyền và tự do, trong đó có tự do hàng hải mà các nước được hưởng. Mỹ, một lần nữa, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế; tuân thủ quyết định của Tòa Trọng tài năm 2016 và chấm dứt các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông.
Đông Nam Á cảnh giác
Trước công hàm của Mỹ, Malaysia, Việt Nam và Indonesia cũng đã có nhiều công hàm gửi LHQ phản đối các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong động thái mới nhất, theo CNN, Philippines đã đảo ngược quyết định chấm dứt thỏa thuận quân sự quan trọng với Mỹ khi căng thẳng lãnh hải với Trung Quốc nóng lên ở Biển Đông.
Theo Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin, Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định giữ lại Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng (VFA) với Mỹ “trong bối cảnh phát triển chính trị và các vấn đề khác trong khu vực”. Thỏa thuận được ký vào năm 1988, cho phép máy bay và tàu quân sự của Mỹ vào Philippines tự do cũng như nới lỏng các hạn chế về thị thực cho quân nhân Mỹ. Đại sứ quán Mỹ tại Manila, Philippines ra tuyên bố: “Liên minh lâu dài của chúng tôi đã mang lại lợi ích cho cả hai nước và chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ về an ninh, quốc phòng với Philippines”.
Trong khi đó, có nhiều thông tin về khả năng Trung Quốc tuyên bố Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Tờ South China Morning Post mới đây đưa tin, Bắc Kinh đã lên kế hoạch cho một ADIZ trên Biển Đông kể từ năm 2010. Báo trích dẫn một nguồn tin quân sự Trung Quốc giấu tên cho biết ADIZ sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp, bao gồm toàn bộ Trường Sa, Hoàng Sa (đều thuộc chủ quyền của Việt Nam) và quần đảo Đông Sa (hiện do Đài Loan kiểm soát). ADIZ Biển Đông mà Trung Quốc đề xuất sẽ bao phủ một khu vực rộng lớn. Các chuyên gia cho rằng việc thực thi sẽ đưa ra những thách thức hậu cần lớn cho lực lượng không quân Trung Quốc và có thể gây ra phản ứng ngoại giao.
Kinh tế Pháp sẽ suy giảm tới 11% vì Covid-19
(Doanhnhan.vn) – Chuỗi ngày khó khăn hơn của Pháp đang ở phía trước, khi con số suy giảm của riêng quý II có thể đạt đến 20%.
Pháp là một trong số những quốc gia thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất ở châu Âu từ giữa tháng 3 và chỉ bắt đầu dỡ bỏ các quy định vào ngày 11/5. Chỉ khoảng 300 quán cà phê, quán bar và nhà hàng được phép mở cửa kinh doanh bình thường từ ngày 2/6. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Pháp suy giảm khoảng 11% trong quý I, cao hơn mức dự báo 8% đưa ra trước đó.
Phát biểu trên kênh truyền hình RTL, Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire nhận định cú sốc từ đại dịch Covid-19 là rất nghiêm trọng. “Mặc dù nền kinh tế bị đình trệ trong 3 tháng, nhưng Pháp vẫn đặt hi vọng phục hồi trở lại trong năm 2021”.
Cuối tháng trước, Cơ quan Thống kê quốc gia (INSEE) của Pháp cảnh báo, nền kinh tế nước này có thể suy giảm tới 20% trong quý II/2020 do tác động của đại dịch Covid-19 khiến gần như mọi hoạt động bị gián đoạn.
Theo INSEE, kinh tế Pháp đang vận hành ở mức tương đương 80% trước khi xảy ra khủng hoảng Covid-19, so với mức hơn 60% trong giai đoạn phong tỏa. Ước tính mỗi tháng, việc đóng cửa các doanh nghiệp sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong cả năm của Pháp giảm tới 3%.
Tổng thống Mỹ muốn Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7
(ĐCSVN) – Trả lời phỏng vấn chương trình Brian Kilmeade Show trên kênh Fox News, ngày 3/6, Tổng thống Mỹ D.Trump bày tỏ tin tưởng rằng, việc Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề, đồng thời để ngỏ khả năng ký kết hiệp ước hạt nhân với Moscow.
Liên quan khả năng Nga quay trở lại nhóm G7, Tổng thống D.Trump đã ca ngợi những hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thời gian qua, coi đó như một trong những lý do giúp Moscow có thể quay trở lại nhóm.
“Ông ấy đã giúp ngành công nghiệp dầu mỏ của chúng ta và điều này cũng tốt cho ông ấy… Một nửa số cuộc họp tại G7 được bàn về chủ đề liên quan đến Nga…Vì thế, việc Tổng thống Putin có mặt tại G7 sẽ giúp nhiều vấn đề được giải quyết dễ dàng hơn” – người đứng đầu Nhà Trắng nói.
Trong thông điệp phát đi cùng ngày, Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ mong muốn ký kết hiệp ước hạt nhân với Nga vì coi đây là “một vấn đề lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt”, song không nêu chi tiết.
*** Thế giới vượt mốc 6,5 triệu ca mắc COVID-19
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 4/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 6.554.060 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 386.257 ca tử vong và 3.144.761 ca phục hồi.
Đại dịch COVID-19 đã lan sang 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận có thêm 112.778 ca nhiễm mới và 4.398 ca tử vong vì đại dịch. Mỹ vẫn là nước có nhiều ca tử vong nhất trong 24 giờ qua với 1.039 ca. Tiếp đó là Brazil với 839 ca. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận 1.900.971 ca nhiễm COVID-19, trong đó 109.098 ca tử vong vì dịch bệnh
Châu Âu tiếp tục là khu vực ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong nhiều nhất vì đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Hiện, số người nhiễm COVID-19 tại châu Âu đã vượt ngưỡng 2 triệu người, với 2.028.212 ca. châu lục này Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 17.063 ca nhiễm mới và 888 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại châu lục này 176.445 người.
Nga, Tây Ban Nha và Anh là 3 nước dẫn đầu bảng danh sách các nước bị tác động bởi dịch bệnh tại châu Âu, lần lượt với 432.277; 287.406; 279.856 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào thời điểm hiện tại. Ngày 3/6, Anh ghi nhận thêm 359 người tử vong do COVID-19, đây là nước ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong ngày tại châu Âu.
Tại châu Á, đã có tổng cộng 1.226.630 ca nhiễm và 32.465 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 32.403 ca mắc mới và 634 trường hợp tử vong. Riêng tại châu Á, có 748.508 ca được điều trị khỏi; 445.657 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 14.502 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 3/6, nước này ghi nhận thêm 9.633 trường hợp mắc COVID-19 và 259 ca tử vong vì dịch bệnh. Tính tới nay, quốc gia Nam Á này ghi nhận tổng cộng 216.824 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 6.088 người tử vong. Ấn Độ hiện là quốc gia có số ca nhiễm bệnh nhiều thứ 7 trên thế giới.
Hàn Quốc cũng tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trở lại. Với 49 ca nhiễm mới được phát hiện trong ngày 3/6 đã nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã lên thành 11.590 ca và số ca tử vong là 273 người. Giới chức y tế cho biết nếu số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 50 ca/ngày, nước này sẽ tính toán trở lại biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa trường học và các cơ sở dịch vụ công cộng trên quy mô toàn quốc.
Nhật Bản hiện đang phải đối mặt nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19. Ngày 3/6, chính quyền thủ đô Tokyo đã xác nhận thêm 34 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại thành phố này lên 5.299 ca, trong đó 306 trường hợp tử vong. Trước nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike ngày 2/6 đã phải phát đi “Cảnh báo Tokyo” về dịch COVID-19. Bà Yuriko Koike cho biết, “Cảnh báo Tokyo” nhằm nâng cao ý thức của người dân trước nguy cơ dịch COVID-19 có thể sẽ tiếp tục lây lan trên diện rộng tại thủ đô Tokyo.
Tại Đông Nam Á (ASEAN), đến hết ngày 3/6, khu vực này ghi nhận có tổng cộng 96.310 ca mắc COVID-19, trong đó 2.877 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 2.099 ca mắc COVID-19, chủ yếu ở 3 nước Philippines (751 ca), Indonesia (684 ca) và Singapore (569 ca). Ngoài ra, Malaysia ghi nhận 93 ca mắc, Myanmar và Thái Lan mỗi nước có thêm 1 trường hợp. Chỉ có 2 nước là Indonesia và Philippines ghi nhận có ca tử vong trong ngày 3/6. Hiện, Indonesia là quốc gia đứng đầu khối về ca tử vong với 1.698 ca, tiếp đó là Philippines với 974 ca. Các quốc gia còn lại trong khu vực là Campuchia, Lào, Brunei, Myanmar và Timor-Leste không ghi nhận ca mắc mới nào.
Tại Việt Nam, theo bản tin 6h ngày 4/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến nay, đã 49 ngày Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng.
Khu vực Mỹ Latinh, tâm dịch mới của thế giới, hiện ghi nhận trên 959.305 ca nhiễm và 43.045 ca tử vong. Brazil là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực với 560.737ca nhiễm và 31.417 ca tử vong. Peru hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng thứ 2 vì COVID-19 trong khu vực. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 4.030 ca mắc COVID-19 và 127 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này lên 178.914 và 4.894 trường hợp.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 164.981 ca mắc COVID-19, trong đó 4.627 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu lục, với 37.525 trường hợp, trong đó 792 ca tử vong. Ai Cập là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục với 1.088 ca. Nước này cũng ghi nhận có 28.615 ca nhiễm COVID-19, xếp vị trí thứ 2 sau Nam Phi.
Tại châu Đại Dương, Australia là quốc gia dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 8 trường hợp mắc mới và không có thêm trường hợp tử vong nào vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên tới 7.229 ca, trong đó số ca tử vong là 102 trường hợp.
New Zealand là quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 sau Australia về số ca lây nhiễm, với 1.504 ca, trong đó 22 trường hợp tử vong. Đã nhiều ngày qua, New Zealand không ghi nhận trường hợp mắc mới và tử vong nào vì COVID-19./.
*** Khủng hoảng kép và bài toán khó cho ứng viên Tổng thống Mỹ 2020
Bất chấp lệnh giới nghiêm, hàng chục ngàn người trên khắp nước Mỹ đã xuống đường ở những thành phố lớn trong đêm 2-6, đêm thứ 8 liên tiếp của các cuộc biểu tình phản đối cái chết của người đàn ông da màu George Floyd sau khi bị cảnh sát khống chế hôm 25-5.
(Sốc) Nhồi pháo vào dứa để… giết voi
Các quan chức quản lý động vật hoang dã của Ấn Độ đang thương tiếc cái chết của một con voi hoang dã đang mang thai ở Kerala, con voi này chết sau khi được cho ăn một quả dứa chứa đầy pháo.
Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc bị hoãn vì COVID-19
Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã đồng ý hoãn Hội nghị thượng đỉnh ở Đức dự kiến tổ chức vào tháng 9/2020 do những lo ngại về đại dịch COVID-19, chính phủ Đức tuyên bố hôm 3/6.
Vụ án quả phụ đen
Với tham vọng giàu có, sống trong sung sướng, Belle Gunness đã không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để đạt được ước muốn ích kỉ của mình. Là một sát nhân giết người hàng loạt, tội ác của bà khiến người nghe phải “sởn tóc gáy”.
Thủ tướng Canada “đứng hình” 21 giây khi nhận định về ông Trump
Hơn 20 bang của Mỹ đã huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia để ngăn chặn các cuộc biểu tình bạo lực ở nhiều nơi trên khắp đất nước trong suốt hơn một tuần qua sau vụ người đàn ông da màu George Floyd chết khi bị cảnh sát khống chế.
Vùng biên giới Ấn Độ – Trung Quốc tiếp tục “dậy sóng”
Ngày 27-5, Ấn Độ đã điều thêm 5.000 quân đến vùng Ladakh, trên dãy Himalaya, để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) hiện được coi là biên giới với Trung Quốc.
Xác định bệnh lạ nghi do COVID-19 trên trẻ em Hàn Quốc
Hai em bé Hàn Quốc, cũng là hai trường hợp đầu tiên mắc hội chứng viêm hiếm gặp nghi có liên quan tới bệnh COVID-19, được xác định mắc bệnh Kawasaki, một dạng bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong, Korea Herald đưa tin.
Bóng đá châu Âu trở lại không như mong muốn
Đơn vị tổ chức các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu đang nỗ lực đưa những trận bóng đá trở lại trong thời gian sớm nhất có thể.
COVID-19 “trở lại” tại một loạt nhà thờ Hàn Quốc
Số ca mắc COVID-19 mới tại Hàn Quốc đã tăng trở lại trong ngày 3/6, trong đó phần lớn có liên quan đến các hoạt động sinh hoạt tôn giáo cộng đồng, khiến cuộc chiến chống COVID-19 tại xứ sở kim chi trở nên căng thẳng thêm.
Siêu tên lửa đạn đạo Israel đánh trúng mục tiêu cách 400km
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn chiến thuật LORA của Israel được khai hoả từ bệ phóng trên biển và đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 400km.
Biểu tình quá dữ đội, Mỹ huy động hàng ngàn binh sĩ đến thủ đô Washington DC
Động thái này tuân theo mệnh lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm tối đa sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đường phố Washington DC trong nỗ lực kiềm chế bạo lực trong các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd.
Phóng viên Nga trúng đạn giữa “bão” biểu tình ở Mỹ
Nga kêu gọi Mỹ đảm bảo an toàn cho các nhà báo sau khi một phóng viên của hãng tin Sputnik bị thương do đạn cao su và lựu đạn khói của lực lượng an ninh Mỹ ở thủ đô Washington D.C.
Đằng sau cuộc chiến tranh mạng đang khuấy động Trung Đông
Khoảng một tháng trước đây, các cơ quan tình báo Iran đã phát động một cuộc tấn công mạng nhắm vào các cơ sở xử lý và phân phối nước của Israel.
Putin công bố kế hoạch cực “khủng” vực dậy nước Nga hậu COVID-19
Tổng thống Nga Vladimir Putin phê chuẩn kế hoạch trị giá lên đến gần 73 tỷ USD để khôi phục nền kinh tế, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Mỹ tiếp tục phản đối yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 3/6 đăng tải trên trang Twitter cá nhân rằng Mỹ đã gửi một công hàm lên Liên hợp quốc (LHQ) phản đối yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bỉ đưa vào sử dụng robot sàng lọc sốt, hỗ trợ phát hiện COVID-19
Bệnh viện Đại học Antwerp, Bỉ ngày 3/6 cho biết, bệnh viện này đang đưa vào sử dụng một loại robot có thể nói được hàng chục thứ tiếng và nhất là hỗ trợ phát hiện COVID-19, nhằm giảm thiểu số người trực tiếp tham gia vào quá trình khám và xét nghiệm bệnh nhân.
Người dân không tuân thủ giãn cách, Iran “vỡ trận” vì làn sóng COVID-19 thứ hai
Số ca nhiễm mới COVID-19 tại Iran đang tăng nhanh trở lại từng ngày, trong bối cảnh người dân quốc gia Trung Đông không chịu tuân thủ các quy định giãn cách xã hội, coi thường dịch bệnh.
Tổng hợp-TT