Liên hợp quốc kêu gọi giảm nợ cho các nước nghèo; Căng thẳng miền đông Ukraine leo thang: Mỹ và châu Âu như “ngồi trên đống lửa”; WHO xác nhận Covid-19 có thể lây từ người sang động vật; Mỹ – Nhật kề vai đối trọng “Vành đai, con đường” của Trung Quốc; Làn sóng Covid-19 thứ tư đe dọa Nhật; Hơn 132 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Ấn Độ ghi nhận kỷ lục ca hàng ngày…là những tin chính được cập nhật.
Liên hợp quốc kêu gọi giảm nợ cho các nước nghèo
Ảnh minh họa.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã khuyến nghị áp dụng các cơ chế để giảm bớt các khoản nợ công cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Trong báo cáo mang tên: “Tính dễ bị tổn thương của nợ công ở các nền kinh tế đang phát triển”, UNDP phân tích sự mong manh của các khoản nợ ở 120 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình để xác định những nền kinh tế nào có rủi ro cao nhất.
Bằng cách đó, cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc đã phân loại ra 72 nền kinh tế được đánh giá là “dễ bị tổn thương” và dự báo nợ ở các quốc gia này sẽ vẫn ở mức cao trong nhiều năm. Điều này sẽ ngăn cản các chính phủ đưa ra những khoản đầu tư có tính quyết định để mang lại lợi ích cho người dân và chống biến đổi khí hậu.
Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner nhấn mạnh, các khoản thanh toán dịch vụ trong năm nay rơi vào khoảng 1.100 tỷ USD tiền nợ và chỉ cần 2,5% trong số đó là đủ để tiêm chủng cho 2 tỷ người theo sáng kiến COVAX (cơ chế tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu).
Ông Steiner cũng lưu ý rằng Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ (DSSI) của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), theo đó cho phép các quốc gia dễ bị tổn thương nhất được hoãn nợ, là điều cần thiết nhưng vẫn chưa đủ.
Người đứng đầu UNDP cũng lưu ý rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang tìm cách tăng dự trữ và khả năng tín dụng của mình lên 650 tỷ USD với việc phát hành mới quyền rút vốn đặc biệt. Trong số đó, 224 tỷ USD sẽ dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Căng thẳng miền đông Ukraine leo thang: Mỹ và châu Âu như “ngồi trên đống lửa”
VOV.VN – Căng thẳng ở miền đông Ukraine đang khiến Mỹ và châu Âu như “ngồi trên đống lửa”. Liệu đây chỉ là một phép thử với chính quyền Tổng thống Biden hay chính là khởi đầu của một cuộc xung đột toàn diện?
Mỹ và châu Âu như “ngồi trên đống lửa”
Những diễn biến căng thẳng ở miền đông Ukraine giữa lực lượng ly khai được Nga ủng hộ và binh lính Ukraine đã làm dấy lên nguy cơ về một cuộc xung đột mới tại khu vực nhiều bất ổn này.
Các đối tác phương Tây của Ukraine đã lên tiếng ủng hộ Ukraine và cảnh báo Nga về các động thái tăng cường lực lượng. Khi căng thẳng trở nên nghiêm trọng vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có điện đàm đầu tiên kể từ khi nhậm chức với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky và “khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với chủ quyền và lãnh thổ của Ukraine trước các hành động của Nga ở Donbas và Crimea”.
Quan ngại trước các hành động của Nga, Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ đã nâng tình trạng cảnh báo lên mức cao nhất. Một số nhà quan sát quân sự cho rằng điện Kremlin đang có bước đi chiến lược nhằm thử thách chính quyền Tổng thống Biden trong chính sách với Ukraine. Một số nhà phân tích khác thì nhận định về khả năng một cuộc xung đột giữa 2 bên khi sự leo thang căng thẳng chưa có dấu hiệu dừng lại.
WHO xác nhận Covid-19 có thể lây từ người sang động vật
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa xác nhận khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ người sang một số loại vật nuôi và động vật hoang dã.
“Virus SARS-CoV-2 chủ yếu nhiễm từ người sang người, nhưng đã có bằng chứng lây từ người sang động vật. Một số động vật như chó, mèo nhà, chồn, sư tử và hổ tiếp xúc với người mắc bệnh đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Quá trình nghiên cứu ảnh hưởng của virus đối với các loài động vật khác đang được tiến hành”, Đại diện WHO tại Nga Melita Vujnovic nói.
Quan chức này cho biết, hiện vẫn chưa xác định được “vật chủ trung gian”.
Mỹ – Nhật kề vai đối trọng “Vành đai, con đường” của Trung Quốc
(DTO)- Mỹ và Nhật Bản dự kiến hợp tác thực hiện một chương trình mới nhằm đối trọng với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quôc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Nikkei đưa tin, Mỹ và Nhật Bản sớm sẽ vạch ra đường hướng cho việc hợp tác phát triển dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao, bao gồm mạng không dây 5G, năng lượng hydro, tại Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm đối trọng với “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Washington và Tokyo dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận mở rộng hợp tác trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài khi Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau ở Nhà Trắng vào ngày 16/4. Hai lãnh đạo dự kiến bàn về thúc đẩy năng lượng sạch và mạng không dây tốc độ cao ở khu vực.
Bằng cách đặt ra một khung rõ ràng để giúp các tổ chức cùng doanh nghiệp có thể tuân theo, Tokyo và Washington đặt mục tiêu giành được lòng tin của các quốc gia trong khu vực và có được lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh về tầm ảnh hưởng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Khung mới này sẽ cho phép các bên đầu tư theo kế hoạch nhiều hơn so với cách tiếp cận từng dự án một theo biên bản ghi nhớ năm 2017 về chủ đề này.
Ngân hàng phát triển châu Á ước tính để phát triển, khu vực cần 26.000 tỷ USD ngân sách cho cơ sở hạ tầng từ năm 2016 tới 2030.
Làn sóng Covid-19 thứ tư đe dọa Nhật
Cơ quan y tế Nhật Bản lo ngại biến thể nCoV mới gây đợt bùng phát dịch thứ tư khi còn 109 ngày nữa là tới Olympic Tokyo.
Biến thể chưa xác định chứa đột biến E484K, có thể làm giảm hiệu quả của vaccine. Hiện chúng chưa lây lan quá rộng ở Nhật Bản. Khu vực ảnh hưởng nhiều nhất là Osaka. Các ca nhiễm đạt kỷ lục hồi tuần trước, chính quyền khu vực bắt đầu siết chặt các biện pháp hạn chế kể từ ngày 5/4.
Theo Koji Wada, giáo sư Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế Tokyo, cố vấn về Covid-19 của chính phủ, biến thể nCoV lây lan nhanh hơn, khiến số ca mắc và số trường hợp nghiêm trọng nhiều hơn ban đầu.
“Làn sóng thứ tư sẽ lớn hơn. Chúng ta cần bắt đầu thảo luận về các biện pháp phòng ngừa ở Tokyo”, ông nói.
Nhật Bản đã hai lần ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong năm 2021, lần gần đây nhất là sau dịp năm mới. Đợt bùng phát thứ ba gây chết người nhiều nhất. Giới chức đang lựa chọn những biện pháp dập dịch có mục tiêu hơn, như rút ngắn giờ làm việc hay phạt tiền người không tuân thủ quy định y tế.
Thành phố Osaka đã hủy bỏ sự kiện rước đuốc Olympic, song Thủ tướng Yoshihide Suga vẫn khẳng định Nhật Bản sẽ tổ chức Thế vận hội theo đúng lịch trình. Hôm 4/4, ông Suga cho biết lệnh hạn chế ở Osaka có thể mở rộng sang Tokyo.
*** Hơn 132 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Ấn Độ ghi nhận kỷ lục ca hàng ngày
Thế giới ghi nhận hơn 132 triệu người nhiễm, gần 2,9 triệu người chết do nCoV, Ấn Độ báo cáo hơn 100.000 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi bùng dịch.
Thế giới đã ghi nhận132.364.510 ca nhiễm nCoV và 2.872.121 ca tử vong, tăng lần lượt 432.767 và 6.132, trong khi 106.654.778 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ 3 thế giới, hôm 5/4 ghi nhận ca nhiễm mới lớn nhất với 103.558 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 12,68 triệu. Quốc gia này cũng báo cáo 165.101 ca tử vong vì Covid-19, sau khi ghi nhận thêm 478 người chết.
Số ca nhiễm hàng ngày ở Ấn Độ đã tăng trở lại từ đầu tháng 2, sau khi giảm xuống dưới 9.000 ca từ đỉnh điểm gần 100.000 ca hồi tháng 9 năm ngoái.
Bang giàu nhất Ấn Độ Maharashtra, nơi có thủ phủ tài chính Mumbai, sẽ áp lệnh phong tỏa vào cuối tuần và lệnh giới nghiêm vào ban đêm với 110 triệu dân để đối phó với làn sóng mới, theo giới chức địa phương.
Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ đêm 5/4 tới hết tháng 4, cấm tụ tập trên 4 người, đóng cửa nhà hàng, văn phòng tư nhân, rạp chiếu phim, hồ bơi, quán bar, nơi thờ tự và nhiều địa điểm công cộng khác như bãi biển. Vào cuối tuần, chỉ những dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 31.480.281 ca nhiễm và 569.147 ca tử vong do nCoV, tăng 42.867 ca nhiễm và 368 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky cho biết Mỹ đã chứng kiến số ca nhiễm mới tăng tuần thứ 4 liên tiếp và nhận định các biến thể nCoV có thể là một phần nguyên nhân của đợt gia tăng này. Biến chủng mới đã phát hiện ở tất cả 50 bang của Mỹ.
Giám đốc CDC cảnh báo mọi người không nên lơ là cảnh giác, phớt lờ các hướng dẫn an toàn. “Tôi hiểu mọi người mệt mỏi và sẵn sàng cho thời khắc đại dịch kết thúc. Tôi cũng vậy. Nhưng xin hãy tiếp tục cố gắng và tiếp tục làm những điều mà chúng ta biết có thể ngăn chặn virus lây lan”.
Cố vấn cấp cao Nhà Trắng về Covid-19 Andy Slavitt hôm 5/4 thông báo mở thêm ba điểm tiêm chủng hàng loạt ở Nam Carolina, Colorado và Minnesota, nâng tổng số cơ sở tiêm vaccine Covid-19 của Mỹ lên 28. Theo dữ liệu CDC công bố hôm 4/4, Mỹ đã tiêm khoảng 165 triệu liều vaccine Covid-19.
Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 13.013.601 ca nhiễm và 332.752 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 28.645 và 1.222 ca.
Hầu hết các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) trên khắp đất nước Brazil đều đã hoạt động trên 90% công suất. Trong khi đó, số ca nhiễm mới hàng ngày tiếp tục tăng và số ca tử vong mỗi ngày chiếm khoảng 1/4 số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu hàng ngày.
Tuy nhiên, Jair Bolsonaro vẫn đánh giá thấp mối đe dọa của Covid-19, khi xem đây chỉ là “cúm nhẹ”, đồng thời thách thức nỗ lực phong tỏa của địa phương ở tòa án và từ chối tiêm vaccine Covid-19.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 4.833.263 ca nhiễm và 96.875 ca tử vong.
Khi kế hoạch triển khai vaccine của châu Âu bị đình trệ một phần do vấn đề sản xuất, Pháp đã quyết định sẽ tự sản xuất vaccine Pfizer-BioNTech với sự hỗ trợ của công ty Delpharm, theo Bộ Kinh tế.
Anh, báo cáo 4.362.150 người nhiễm và 126.862 người chết, tăng lần lượt 2.762 và 26 trường hợp.
Trong cuộc họp báo chiều 5/4, Thủ tướng Boris Johnson ca ngợi nỗ lực tuân thủ các biện pháp phòng ngừa Covid-19 của người dân Anh, đồng thời xác nhận quốc gia này chuyển sang giai đoạn hai của lộ trình nới lỏng biện pháp hạn chế. Theo đó, cửa hàng, quán rượu ngoài trời, tiệm cắt tóc, phòng gym và nhiều dịch vụ khác sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 12/4.
“Những nỗ lực tập thể của bạn và của chúng ta đã mang tới không gian và thời gian để tiêm chủng cho 31 triệu dân”, ông nói.
Tất cả người dân Anh sẽ được xét nghiệm Covid-19 hai lần mỗi tuần kể từ ngày 9/4. Đây là kế hoạch mới được Thủ tướng Johnson giới thiệu nhằm đưa Anh thoát khỏi tình trạng phong tỏa, khi chính phủ đối mặt phản ứng dữ dội về ý tưởng “hộ chiếu” dựa trên ứng dụng để cho phép mọi người được tới những địa điểm hoặc sự kiện đông người.
Đức, vùng dịch thứ mười thế giới, ghi nhận 2.903.036 ca nhiễm và 77.630 ca tử vong, tăng lần lượt 7.405 và 73 trong 24 giờ qua.
Khảo sát của YouGov cho biết 53% người Đức muốn chính phủ có cách tiếp cận thống nhất trên toàn quốc để đối phó với làn sóng ca nhiễm tăng trở lại. Họ ủng hộ chính phủ thiết lập các quy tắc kiểm soát dịch mà không cần sự đồng thuận từ 16 bang.
Thủ tướng Angela Merkel nhiều lần kêu gọi đưa ra các quy định thống nhất và siết chặt hơn trên khắp nước Đức, nhưng thường xuyên bị lãnh đạo các bang bác bỏ, khiến vị thế của bà bị suy yếu.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.537.967 ca nhiễm, tăng 3.712, trong đó 41.815 người chết, tăng 146.
Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng 1 và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Quốc gia này đã tiêm khoảng 12,6 triệu mũi và khoảng 1,5% dân số đã hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo Our World in Data.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 803.398 ca nhiễm và 13.435 ca tử vong, tăng lần lượt 8.355 và 10 ca.
Philippines đã tiêm chủng khoảng 739.000 mũi vaccine Covid-19 kể từ khi bắt đầu tiêm chủng ngày 2/3. Giới chức cho biết 1.344 người đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 3/4 tuyên bố sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chống Covid-19 ở khu vực thủ đô Manila và các tỉnh lân cận ít nhất một tuần. Các biện pháp hạn chế gồm cấm đi lại không cần thiết và tụ tập đông người.
Tổng hợp-TT