VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 9/7/2020.

 Sinh viên quốc tế phải rời Mỹ nếu chỉ học trực tuyến; Đại học Mỹ tìm cách giữ sinh viên nước ngoài; Nam phi công người Anh đã khỏi bệnh, dự kiến về nước vào ngày 12/7; Thế giới vượt mốc 12 triệu ca nhiễm COVID-19…là những tin chính được cập nhật.

Sinh viên quốc tế phải rời Mỹ nếu chỉ học trực tuyến

      Đại học Havard là một trong số các trường Đại học tại Mỹ dự định chỉ tổ chức các khóa học trực tuyến vào mùa thu này (Ảnh: AP)
SGGP  Theo CNN, Cơ quan Hải quan và nhập cư Mỹ (ICE) thông báo sẽ không cho phép sinh viên nước ngoài ở lại Mỹ nếu toàn bộ học kỳ mùa thu tới được chuyển sang hình thức học trực tuyến do tác động của dịch Covid-19.
Thông báo của ICE nêu rõ, các sinh viên đang ở Mỹ theo học các chương trình học trực tuyến hoàn toàn phải rời khỏi Mỹ hoặc có biện pháp khác như đổi sang một trường giảng dạy trực tiếp để được ở lại cư trú hợp pháp.
Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không cấp thị thực cho các sinh viên đăng ký vào các trường hoặc chương trình học trực tuyến hoàn toàn trong học kỳ mùa thu tới.
Quy định này sẽ ảnh hưởng đến các sinh viên nước ngoài thuộc diện F-1 (theo học nghiên cứu, học thuật) và M-1 (theo học nghề) học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Quy định không áp dụng đối với các trường sử dụng phương pháp kết hợp vừa học trực tuyến vừa trực tiếp lên lớp.
Quy định trên vấp phải chỉ trích của một số chính trị gia Mỹ và các chuyên gia giáo dục vì cho rằng sinh viên nước ngoài đang bị đe dọa khi chỉ có một lựa chọn: đánh cược tính mạng của mình để đến lớp học trực tiếp hoặc sẽ bị trục xuất.

Đại học Mỹ tìm cách giữ sinh viên nước ngoài
SGGP Quyết định của Cơ quan Thực thi di trú và Hải quan Mỹ (ICE) yêu cầu sinh viên quốc tế sử dụng visa F-1 và M-1 ở Mỹ sẽ phải về nước vào mùa thu tới nếu chương trình học hoàn toàn trực tuyến (online).
Thông tin này đã gây tâm lý hoang mang cho hàng trăm ngàn sinh viên quốc tế học tập tại Mỹ, đẩy các trường cao đẳng và đại học của nước này vào tình trạng hỗn loạn. Theo Viện Giáo dục quốc tế, du học sinh chiếm 5,5% trong tổng sinh viên đại học tại Mỹ, tương đương 1,1 triệu người trong năm học 2018-2019. Trong năm 2018, lực lượng này đóng góp 44,7 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Việt Nam đứng thứ 6 trong số những nước có sinh viên du học nhiều nhất tại Mỹ, với gần 24.400 du học sinh, trong đó 69,9% là sinh viên đại học. Theo thống kê, trong tài khóa 2019, Mỹ đã cấp 388.839 thị thực F (theo học nghiên cứu, học thuật) và 9.518 thị thực M (theo học nghề).
Để giữ chân sinh viên, nhiều trường cao đẳng và đại học đã lên kế hoạch riêng cho học kỳ mùa thu vì các trường sẽ phải nộp kế hoạch giảng dạy cho nhà chức trách trước ngày 1-8. Trong một cuộc khảo sát của tờ Chronicle of Higher Education, phần lớn trong số hàng trăm trường đại học trên cả nước Mỹ cho biết sẽ chuyển sang giảng dạy trực tiếp hoặc vừa trực tiếp vừa trực tuyến trong khuôn viên trường. Ông Toni Molle, Giám đốc các vấn đề công cộng tại Đại học bang California, nơi tự nhận là trường đại học công lập lớn nhất của bang này, cho biết đang xem xét hướng dẫn mới để tránh tác động đối với sinh viên. Các quan chức tại Đại học Massachusetts Amherst (UMass Boston), nơi có 3.500 sinh viên quốc tế, đã gửi thư khẩn kêu gọi các em đừng lo lắng hoặc rời khỏi Mỹ đột ngột và cho rằng chính sách khó hiểu trên có thể sẽ thay đổi. Chính sách mới, nếu không thay đổi, có thể đặc biệt gây bất lợi cho các trường như UMass Boston, nơi có khả năng phải đóng cửa vào mùa thu này vì không có lớp học trực tiếp.
Một số trường – trong đó có Đại học Harvard và Đại học Massachusetts Boston – từng cho biết sẽ tổ chức các lớp học trực tuyến 100% trong thời gian tới nhưng do có thể bất lợi cho sinh viên quốc tế nên giờ các trường sẽ phải xem xét để phải thay đổi kế hoạch. Chủ tịch Đại học Harvard, ông Larry Bacow, cho biết, trường này “quan ngại sâu sắc” trước quyết định của ICE. Tổng chưởng lý bang Massachusetts Maura Healey cho biết, văn phòng của bà đang chuẩn bị kiện chính phủ Tổng thống Donald Trump về các quy định mới của ICE và đã liên lạc với các trường đại học trong tiểu bang để giúp bảo vệ sinh viên học tập tại Mỹ vào mùa thu này. Bang Massachusetts có 77.000 sinh viên quốc tế có visa du học Mỹ đang học tập và bang California có nhiều sinh viên nước ngoài nhất với 185.000 sinh viên.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông sẽ gây sức ép với thống đốc các bang để mở cửa trở lại các trường học vào mùa thu tới. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7-7 cho rằng quyết định của ICE nhằm tạo điều kiện cho việc kết hợp giữa hình thức đào tạo trực tuyến và trực tiếp. Một phát ngôn viên của ICE cho biết vẫn chưa rõ khi nào Bộ An ninh nội địa sẽ ban hành quy tắc cuối cùng. Các nhóm kinh tế cũng đã thúc giục mở lại trường học một cách an toàn để giúp khôi phục nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên do Mỹ đang trải qua một đợt tăng mới các ca mắc Covid-19, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, làm tăng mối lo ngại về nguy cơ lây lan sang người lớn tuổi dễ bị tổn thương. Do vậy, giáo viên lớn tuổi và nhân viên các trường sẽ dễ bị lây nhiễm nếu học tập trung trở lại.

Nam phi công người Anh đã khỏi bệnh, dự kiến về nước vào ngày 12/7
Theo kế hoạch đã thống nhất giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Anh, Bệnh viện Chợ Rẫy và ngành Y tế đang hoàn tất phương án trước khi nam phi công người Anh hồi hương vào ngày 12/7.
Liên quan đến bệnh nhân nam phi công người Anh (BN91), Tiểu ban Điều trị cho biết, căn cứ kết luận Hội chẩn Quốc gia ngày 3/7, bệnh nhân được chính thức công bố khỏi bệnh COVID-19, bệnh nhân có thể ra viện và không cần cách ly.
Tuy nhiên bệnh nhân còn tiếp tục ở lại Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị phục hồi chức năng vận động.
Đến nay, bệnh nhân đã trải qua 113 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3 đến chiều 22/5 và tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều ngày 22/5 đến nay.
Theo kế hoạch đã thống nhất giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Anh, phía Bệnh viện Chợ Rẫy và ngành Y tế đang khẩn trương hoàn tất phương án trước khi nam phi công người Anh hồi hương vào ngày 12/7.
Phi công người Anh sẽ được bàn giao cho công ty bảo hiểm theo sự lựa chọn của Đại sứ quán Anh để hồi hương.
Dự kiến, ngày 11/7, đại diện Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sẽ có buổi làm việc trực tiếp với Bệnh viện Chợ Rẫy để rà soát lần cuối cùng tất cả các vấn đề có liên quan đến sức khỏe người bệnh trước khi bàn giao cho Lãnh sự quán Anh.
Cũng trong ngày 11/7 bệnh nhân sẽ được tổ chức tiễn ra viện để ngày 12/7 trở về Anh trên chuyến bay thương mại./.

Thế giới vượt mốc 12 triệu ca nhiễm COVID-19
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 9/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 12.137.975 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 550.878 ca tử vong và 7.016.791ca phục hồi.

Đại dịch COVID-19 đã lan sang 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận có thêm 195.652 ca nhiễm mới và 5.204 ca tử vong vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận 3.150.006 ca nhiễm COVID-19, trong đó 134.756 ca tử vong vì dịch bệnh.  Cả 2 bang Texas và California đều ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 10.000 ca, mức cao nhất trong một ngày và vượt số ca nhiễm trong ngày cao nhất của bất kỳ quốc gia châu Âu nào trong giai đoạn đỉnh dịch.

Châu Âu tiếp tục là khu vực ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong nhiều nhất vì đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Hiện, số người nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 2.518.468 người, với 195.050 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 13.586 ca nhiễm mới và 483 ca tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, châu Âu tiếp tục xu thế “hạ nhiệt”, tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.

Nga là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực. Quốc gia này ghi nhận đã có 700.792 ca mắc COVID-19 và 10.667 ca tử vong vì dịch bệnh. Giới chức Nga thông báo đã ghi nhận thêm 6.562 ca nhiễm mới COVID-19 trong một ngày. Số ca tử vong cũng tăng thêm 173 ca lên tổng cộng 10.667 trường hợp. Nga ghi nhận đã nhiều ngày liên tiếp số ca nhiễm mới COVID-19 tại nước này dưới 7.000 ca/ngày.

Tây Ban Nha, Anh, Italy lần lượt là các quốc gia xếp sau Nga về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 trong khu vực với số ca nhiễm lần lượt với 299.593; 286.979; 242.149 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào thời điểm hiện tại.  Hiện Anh là quốc gia đứng đầu châu lục và thứ 3 thế giới về số ca tử vong do dịch COVID-19, với 44.517 trường hợp.

Châu Á, đã có tổng cộng 2.735.785 ca nhiễm và 65.516 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 55.524 ca mắc mới và 1.074 trường hợp tử vong.  Riêng tại châu Á, có 1.873.456 ca được điều trị khỏi; 796.813 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 19.634 ca bệnh nặng.

Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận thêm 75 ca mắc bệnh, đánh dấu lần đầu tiên số ca nhiễm bệnh ở Tokyo giảm xuống còn 2 con số trong vòng 7 ngày qua. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Tokyo là 7.048 ca, chiếm khoảng 1/3 tổng số ca mắc bệnh trên toàn Nhật Bản và 325 ca tử vong vì dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Trung Quốc – nơi bùng phát đại dịch COVID-19 thông báo đã ghi nhận 7 ca nhiễm mới trong ngày 8/7, toàn bộ đều là các ca nhập cảnh.Không có trường hợp tử vong nào trong ngày 8/7. Tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc hiện là 83.572 ca, trong đó có 4.634 ca tử vong.

Trong khi Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 8/7, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 25.571 ca mắc và 491 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 769.052 và 21.144 ca.

Iran là quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 tại châu lục. Ngày 8/7, giới chức y tế Iran xác nhận số các trường hợp COVID-19 ở nước này đã lên tới 248.379 người, sau khi có thêm 2.691 trường hợp mới ghi nhận trong ngày. Nước này cũng ghi nhận có thêm 153 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại Iran lên 12.084  trường hợp.

Tại Đông Nam Á (ASEAN), đến hết ngày 8/7, khu vực này ghi nhận thêm 4.502 ca mắc mới và 55 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca mắc vì COVID-19 tại khu vực lên 176.620 người, trong đó 4.887 ca tử vong. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 97.690 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, khu vực chỉ có 2 quốc gia là Indonesia và Philippines ghi nhận có ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Hiện, Indonesia vẫn đang là quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca mắc và tử vong vì COVID-19 với 68.079 ca nhiễm và 3.359 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 8/7, Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận 1.853 ca nhiễm mới và 50 ca tử vong vì dịch bệnh.

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cùng ngày thông báo số ca mắc COVID-19 tại đây đã tăng thêm 2.486 ca, lên 50.359 ca. Trong khi đó, số ca tử vong trên toàn Philippines đã tăng thêm 5 ca lên 1.314 ca.

Hiện Việt Nam, Campuchia, Lào và Timor-Leste vẫn chưa ghi nhận có trường hợp tử vong nào vì COVID-19. Tại Việt Nam, theo Bản tin 6h ngày 9/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến nay, đã 84 ngày Việt Nam không có ca mắc mới trong cộng đồng.

Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 62.037 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 3.683.025 ca, tổng số người tử vong là 179.471 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 1.679,.283 trường hợp, trong khi đó 1.824.271 ca đang được điều trị tích cực và 18.606 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 268.008 ca nhiễm và 32.014 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 106.415 ca nhiễm và 8.734 ca tử vong vì COVID-19.

Khu vực Nam Mỹ có tổng 2.663.641 ca nhiễm, 98.429 ca tử vong và 1.733.076 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 2 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, nước này ghi nhận đã có tổng cộng 1.713.160 ca nhiễm, trong đó 67.964 ca tử vong. Peru xếp sau Brazil tại khu vực với 312.911 ca nhiễm và 11.133 ca tử vong vì dịch bệnh. Tiếp đến là Chile với 303.083 ca nhiễm và 6.573 ca tử vong vì COVID-19.

Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 525.797 ca mắc COVID-19, trong đó 12.269 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và số ca tử vong tại châu lục, với 224.665 trường hợp, trong đó 3.602 ca tử vong. Ai Cập là quốc gia xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 với 78.304 ca nhiễm và 3.564 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia và New Zealand là các quốc gia trong khu vực ghi nhận có ca mắc mới vì COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 131 trường hợp mắc mới và không có trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2. Tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên tới 8.886 ca, trong đó số ca tử vong là 106 trường hợp.  Australia được đánh giá là nước kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, tình hình số ca mới tăng mạnh gần đây đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai tại nước này.

New Zealand là quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 sau Australia về số ca lây nhiễm, với 1.537 ca, trong đó 22 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc mới COVID-19./.

***   Rapper tỷ phú tung chiêu tranh cử tổng thống Mỹ 2020
Rapper da màu nổi tiếng Kanye West, người từng bày tỏ ngưỡng mộ với Tổng thống Donald Trump, mới đây đã tuyên bố chạy đua vị trí ông chủ Nhà Trắng trong một tweet đúng vào quốc khánh Mỹ 4/7.

Đại học Harvard và MIT kiện ông Trump ra tòa
Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ngày 8/7 đã kiện chính quyền ông Trump vì liên quan đến hướng dẫn không cho phép sinh viên nước ngoài tham gia các khóa học chỉ được tiến hành trực tuyến ở Mỹ trong học kỳ mùa thu này.

“Vòng cổ chống COVID-19” của Indonesia gây tranh cãi
Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia đang bị nhiều chuyên gia và nhà khoa học lên án vì đưa ra quan điểm rằng những chiếc vòng cổ làm từ bạch đàn có thể giúp ngăn ngừa việc lan truyền COVID-19.

Phát hiện “phòng tra tấn” trong một loạt container tại Hà Lan
Cảnh sát Hà Lan ngày 7/7 (giờ địa phương) cho biết đã phát hiện một loạt container được chuyển đổi thành nhà giam với “phòng tra tấn” cách âm cùng nhiều dụng cụ tra tấn man rợ, The Guardian đưa tin.

Nga – Trung bác đề xuất của Đức viện trợ nhân đạo ở Syria
Dự thảo nghị quyết về gia hạn viện trợ xuyên biên giới cho Syria do Đức đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bị Nga và Trung Quốc phủ quyết. Moscow sau đó đã đề xuất một phương án khác.

Mỹ sẽ hạn chế thị thực một số quan chức Trung Quốc ở Tây Tạng
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ hạn chế thị thực đối với một số quan chức Trung Quốc vì Bắc Kinh đã cản trở các nhà ngoại giao, nhà báo và khách du lịch Mỹ tới khu vực Tây Tạng, theo Reuters.

Israel kích nổ bom ở cơ sở hạt nhân Iran
Quan chức tình báo Trung Đông tiết lộ Israel đã kích nổ một quả bom có sức công phá lớn tại cở sở hạt nhân Natanz của Iran, gây thiệt hại nặng.

Mỹ-Hàn lại gặp mặt sau tuyên bố phũ phàng từ Bình Nhưỡng
Các quan chức Mỹ-Hàn có cuộc gặp ngày 8/7 để tiến hành các cuộc thảo luận vốn bị lu mờ bởi việc Bình Nhưỡng cương quyết cho rằng họ không có ý định sớm quay lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa.

COVID-19 có thể truyền lây qua không khí và khí dung
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/7 đã thừa nhận “bằng chứng mới” về sự lan truyền trong không khí của virus Corona, sau khi một nhóm các nhà khoa học kêu gọi tổ chức này cập nhật hướng dẫn về các con đường lây bệnh từ người sang người.

Căng thẳng quan hệ Trung – Ấn lan sang nhiều lĩnh vực
Mặc dù “ngòi nổ” tại khu vực biên giới đã được tháo, nhưng động thái này chưa thể chấm dứt cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ khi căng thẳng đã bắt đầu lan sang lĩnh vực công nghệ và thương mại.

Vừa được bổ nhiệm, bộ trưởng ở Pháp đối mặt cáo buộc hiếp dâm
Bộ trưởng Nội vụ mới được bổ nhiệm của Pháp, Gerald Darmanin, có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc hiếp dâm.

Mỹ chính thức rút khỏi WHO giữa đại dịch COVID-19
Chính quyền Trump đã thông báo cho Quốc hội và Liên Hợp Quốc rằng nước này chính thức rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một động thái diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-10 gia tăng trên khắp châu Mỹ trong tuần qua.

Tổng thống Brazil dương tính với COVID-19
Phát biểu trong một chương trình truyền hình trực tiếp hôm 7/7, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro thông báo ông dương tính với COVID-19, theo CNN.

Xe bus chở học sinh lao xuống hồ, gần 40 người thương vong
21 người chết và 15 người đã được đưa đến bệnh viện sau khi một chiếc xe buýt chở học sinh đâm vào rào chắn và lao xuống một hồ chứa ở tỉnh Quý Châu, miền nam Trung Quốc, theo SCMP.

Sau COVID-19, Nga siết kiểm soát khu biên giới với Trung Quốc ngăn “cái chết đen”
Chính quyền Nga siết chặt các biện pháp kiểm soát khu vực biên giới với Trung Quốc và Mông Cổ nhằm ngăn ngừa khả năng bệnh dịch hạch, còn được mô tả là “cái chết đen”, lây lan vào nước này.

Triều Tiên tiếp tục “dội gáo nước lạnh” lên Mỹ và Hàn Quốc
Quan chức ngoại giao Triều Tiên ngày 7/7 tuyên bố, nước này không có ý định đàm phán với Mỹ, đồng thời kêu gọi Hàn Quốc ngừng can thiệp vào vấn đề này, vào đúng thời điểm đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên đến Hàn Quốc để thảo luận về tiến trình đàm phán giữa các bên.

Hàng triệu người dân Australia bị phong tỏa trở lại
Lệnh tái phong tỏa sẽ được chính thức áp dụng tại Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Australia từ 8/7 và dự kiến sẽ kéo dài trong ít nhất 6 tuần, trong bối cảnh làn sóng COVID-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại tại quốc gia này.

Tổng hợp-TT