– Hơn bốn thập kỷ sau Ngày Chiến thắng, khát vọng đưa đất nước bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu đang trở nên mạnh mẽ, thôi thúc hơn bao giờ hết và chúng ta cũng có thời cơ thuận lợi chưa từng có để thực hiện.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Năm 2017 này, chúng ta kỷ niệm 42 năm Ngày Chiến thắng, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, kết thúc cuộc trường chinh kéo dài suốt 30 năm – cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc dài nhất trong lịch sử dân tộc.
Hơn bốn thập kỷ đã trôi qua, nhưng cho đến hôm nay, mỗi người chúng ta vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi nghe về những tháng ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những giờ phút “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam”; vẫn nhớ tới thời điểm lịch sử khi xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng sắt Dinh Độc lập và lá cờ giải phóng tung bay tại trụ sở cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, khi triệu triệu người vỡ òa niềm vui sum họp.
Nhắc lại quá khứ hào hùng hôm qua không chỉ để hoài niệm. Bởi lịch sử là một quá trình liên tục, ngày hôm qua vẫn ẩn chứa trong mình mầm mống của ngày hôm nay, quá khứ vẫn tác động mạnh mẽ tới hiện tại. Càng khâm phục, tự hào về những thế hệ cách mạng cha anh với ý chí kiên cường, tinh thần hết mình vì độc lập tự do, vì Tổ quốc, vì nhân dân, những thế hệ hôm nay càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, làm sao để “non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu”. Hơn bốn thập kỷ sau Ngày Chiến thắng, khát vọng ấy đang trở nên mạnh mẽ, thôi thúc hơn bao giờ hết và chúng ta cũng có thời cơ thuận lợi chưa từng có để thực hiện. Khát vọng đó đã trở thành mệnh lệnh của thời đại.
Kinh tế-xã hội Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, thần tốc trong mấy thập kỷ qua. Ảnh tư liệu
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ nhiệm kỳ mới do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu đã chọn năm 2016 là năm Quốc gia khởi nghiệp và triển khai những chính sách lớn nhằm hỗ trợ tối đa cho khởi nghiệp.
Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm coi khởi nghiệp là đột phá để thực hiện 3 đột phá chiến lược, là mệnh lệnh của các cuộc cách mạng công nghiệp; coi kết quả các chương trình khởi nghiệp là thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo.
Nếu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội để chúng ta đi tắt, đón đầu, thì ở trong nước, chúng ta cũng có những thuận lợi hết sức căn bản với nền tảng kinh tế-xã hội ổn định; thời kỳ dân số vàng, dân số trẻ rất đông là cơ hội vàng, thời điểm vàng của khởi nghiệp.
Trong suốt một năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã làm hết sức mình, không ngơi nghỉ để kêu gọi tinh thần quốc gia khởi nghiệp, để thúc đẩy khởi nghiệp. Nhiều người có thể nghĩ rằng những lời kêu gọi có vẻ không hợp thời trong nền kinh tế thị trường, rằng chúng chỉ có thể phát huy sức mạnh trong những điều kiện đặc biệt khi đất nước bị ngoại xâm đe doạ, rằng đã qua rồi thời kỳ mà muôn người như một cùng một ý chí. Nhưng lịch sử những nền kinh tế phát triển thần kỳ đều cho thấy, việc khơi gợi và thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm, chung sức, đồng lòng, đạp bằng mọi khó khăn thách thức là vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là có ý nghĩa quyết định đối với tiến trình cất cánh “hóa rồng”.
Cùng với tái thiết, phát triển đất nước sau chiến tranh, Việt Nam cũng hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, trở thành một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Ảnh: VGP
Người đứng đầu Chính phủ từng chia sẻ rằng ông rất tâm đắc một câu nói của Mark Zuckerberg – người sáng lập Facebook: Rủi ro lớn nhất là không dám chấp nhận rủi ro. Trong một thế giới đang thay đổi quá nhanh chóng, nếu bạn không dám chấp nhận rủi ro thì chắc chắn sẽ thất bại. Không khó để thấy tinh thần ấy tương đồng làm sao với sự quả cảm, dấn thân của những thế hệ người Việt dám đương đầu với những đối thủ khổng lồ mà nhiều người nước ngoài nghĩ rằng chúng ta không thể chiến thắng. Đấy cũng là một cơ sở để người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng đất nước ta có thể có những Facebook, Google… của mình.
Quá khứ qua đi, nhưng đã gieo những hạt mầm, dựng những nền móng cho hiện tại. Ngày Chiến thắng 42 năm trước nhắc nhở chúng ta về tinh thần yêu nước, tinh thần gắn kết cộng đồng, chung sức đồng lòng, tinh thần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trở ngại – những yếu tố không chỉ vẫn vẹn nguyên giá trị mà còn vô cùng quan trọng với mỗi người, mỗi quốc gia trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt hôm nay.
Trách nhiệm lịch sử của thế hệ hôm nay là vừa tiếp nối được tinh thần, phát huy được những nền tảng di sản của các thế hệ đi trước, vừa vượt lên về tầm nhìn, khát vọng, ý chí, đưa đất nước bắt kịp nhịp tiến mới của thời đại. Tiền đồ của đất nước ta đang xán lạn hơn bất cứ lúc nào.
Nguồn chinhphu.vn-TT