– Ngày 6/9, tại thành phố Sochi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp hẹp và hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Vladimir Putin nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, hoan nghênh những đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Tổng thống Putin khẳng định Nga luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tin tưởng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là một dấu mốc quan trọng, tạo xung lực mới cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng sang thăm lại Liên bang Nga; cảm ơn về sự đón tiếp trọng thị, thân tình mà Tổng thống, Chính phủ và nhân dân Nga đã dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; đánh giá cao những thành tựu mọi mặt mà Nga đã đạt được trong thời gian qua và vị thế quan trọng của Nga trên trường quốc tế. Tổng Bí thư khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi Nga là một trong những đối tác quan trọng và tin cậy hàng đầu của Việt Nam; nhấn mạnh nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình mà nhân dân Nga đã dành cho Việt Nam trước đây cũng như ngày nay.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển toàn diện quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua; thống nhất cho rằng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga có bề dày lịch sử, được thử thách qua thời gian, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc cần được giữ gìn và phát huy.
Trong không khí hữu nghị, tin cậy cao và hiểu biết lẫn nhau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã tập trung trao đổi ý kiến sâu rộng về các phương hướng và biện pháp lớn nhằm tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất trí nỗ lực cao nhất đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì thường xuyên gặp gỡ, trao đổi đoàn cấp cao, tham vấn chính trị, đối thoại chiến lược trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan, bộ, ngành, chính quyền các địa phương của hai nước; nhất trí không ngừng củng cố sự tin cậy chính trị, làm nền tảng để thúc đẩy và mở rộng hợp tác toàn diện.
Hai bên nhất trí cùng phối hợp tổ chức thành công Năm Nga tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Nga nhân dịp hai nước kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-LB Nga trong năm 2019 và kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020.
Về hợp tác kinh tế-thương mại, hai nhà lãnh đạo hài lòng nhận thấy quan hệ kinh tế-thương mại hai nước đã có sự phát triển nhanh, nhất là từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực. Hai bên nhất trí đẩy mạnh các biện pháp nhằm khai thác tối đa hiệu quả của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác Kinh tế-thương mại và Khoa học kỹ thuật trong việc đôn đốc, giám sát, thực hiện các thỏa thuận hợp tác, khuyến khích tìm kiếm các dự án trên các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, nông nghiệp, hạ tầng giao thông đô thị, thông tin và viễn thông… Đặc biệt, đối với lĩnh vực năng lượng và dầu khí, vốn là lĩnh vực hợp tác then chốt có ý nghĩa chiến lược giữa hai nước trong nhiều năm qua, hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp của hai nước thực hiện hiệu quả những dự án hiện có, đồng thời mở rộng các dự án đầu tư mới với sự tham gia của các công ty dầu khí quốc gia trên lãnh thổ hai nước.
Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả các dự án đầu tư ưu tiên tại hai nước; tiếp tục rà soát, điều chỉnh để có cơ chế khuyến khích, đơn giản hóa các thủ tục và tiêu chuẩn cho hàng hóa của cả hai bên được xâm nhập thị trường của nhau, nhất là nông lâm thủy sản, coi đây là một hướng tốt để nâng cao kim ngạch thương mại song phương.
Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, thể hiện sự tin cậy giữa hai nước và phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Về khoa học công nghệ, lãnh đạo hai nước nhất trí triển khai Dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân tại Việt Nam, coi đây là dự án trọng điểm về hợp tác khoa học-công nghệ giữa hai nước trong việc nghiên cứu sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác, như giáo dục đào tạo, văn hóa, du lịch, hợp tác giữa các địa phương hai nước…
Quang cảnh cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Vladimir Putin.
Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm về một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Hai bên chia sẻ quan điểm chung về sự cần thiết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ. Việt Nam ủng hộ Nga tăng cường vai trò trong bảo đảm an ninh, hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á và trên thế giới.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam tại Nga, là cầu nối quan trọng cho quan hệ giữa hai nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn lãnh đạo và các cơ quan chức năng của Nga đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại Nga thời gian qua, đề nghị Nga tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Nga làm việc và sinh sống ổn định, lâu dài, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trân trọng mời Tổng thống Nga sang thăm lại Việt Nam trong năm 2019. Tổng thống Vladimir Putin cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, chiều 6/9, tại dinh thự Botraroov Rutrei, thành phố Sochi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Vladimir Putin đã chứng kiến nhiều văn kiện hợp tác giữa hai nước được ký kết.
Các văn kiện được ký kết, bao gồm:
1/ Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ LB Nga về hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế.
2/ Nghị định thư sửa đổi, bổ sung về Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga.
3/ Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Y tế của nước CHXHCN Việt Nam và cơ quan LB về giám sát bảo vệ quyền của người tiêu dùng (Rospotrenadzor) và đảm bảo an toàn vệ sinh dịch tễ.
4/ Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Nga về trao đổi thông tin và hợp tác trong lĩnh vực giám sát hệ thống thanh toán.
5/ Bản ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với Tập đoàn Rosatom về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
6/ Bản ghi nhớ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ nước CHXHCN Việt Nam và Tập đoàn quốc gia về năng lượng nguyên tử “Rosatom” về định hướng dư luận đối với dự án Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân.
7/ Chương trình hợp tác văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Văn hóa Nga giai đoạn 2019-2021.
8/ Bản ghi nhớ về củng cố hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước CHXHCN Việt Nam với Bộ Nông nghiệp Nga.
9/ Thỏa thuận về các điều kiện cơ bản tham gia Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí Lô 09-2/09 trên thềm lục địa Việt Nam giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Zarubezneft.
10/ Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Công ty Cổ phần Đại chúng Gazprom, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị.
11/ Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Năng lượng LB Nga về hợp tác cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng và phát triển nhiệt điện khí tại Việt Nam.
12/ Bản ghi nhớ giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB). Theo đó, IIB sẽ cung cấp cho SHB khoản vay 20 triệu USD, nhằm tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam và các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa đến từ các quốc gia thành viên của IIB; hai bên cùng trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng năng lực quản trị.
13/ Hợp đồng tài trợ khung giữa Ngân hàng Hợp tác Kinh tế quốc tế (IBEC) và SHB, với hạn mức ban đầu là 20 triệu euro nhằm tài trợ cho các giao dịch thương mại của SHB.
Ngoài ra, một số văn kiện cũng được ký kết trong chuyến thăm như: Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Quỹ Rosscongress, LB Nga; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Tập đoàn Sovico Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Zarubezneft./.