– Dù bận rộn với lịch làm việc dày đặc cuối năm, Bộ trưởng Công an Tô Lâm vẫn dành cho VietNamNet buổi trò chuyện trong dịp tổng kết công tác công an năm 2016. Ông chia sẻ, trăn trở lớn nhất của mình là tình hình thực thi pháp luật.
Thưa Bộ trưởng, gần đây đã xảy ra tình trạng một số người có liên quan đến các vụ việc tiêu cực lớn bỏ trốn trong khi các cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ khiến dư luận bức xúc, Bộ Công an có những giải pháp gì để ngăn chặn? Liệu có việc lộ lọt thông tin khiến Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn không?
Không có bất cứ bí mật nội bộ nào như việc để lộ lọt thông tin nội bộ trong ngành khiến Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn. Tuy nhiên, qua vụ việc cho thấy còn có những sơ hở trong quản lý và sự phối hợp giữa cơ quan chức năng.
Bộ Công an sẽ có báo cáo, bổ sung hoàn chỉnh thể chế, công tác quản lý cán bộ, quản lý quan hệ với nước ngoài.
Bỏ trốn ra nước ngoài, nhưng việc quản lý chưa được tuyệt đối và chưa được triển khai hiệu quả. Không thể thực hiện những biện pháp trái với luật được. Thông thường xuất cảnh là qua cửa khẩu, nhưng giờ các đối tượng không qua con đường cửa khẩu. Đặc biệt là các đối tượng tội phạm rất nhạy cảm… thì đây là sơ hở trong khâu quản lý, giấy tờ, thủ tục, sự phối hợp giữa các đơn vị.
Sắp tới Bộ Công an sẽ có báo cáo bổ sung về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý cán bộ quản lý những người có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa bị khởi tố.
Hiện nay, việc quản lý những người có dấu hiệu vi phạm như vậy đang gặp khó khăn vì liên quan tới quy định của pháp luật về tố tụng. Khi chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì không thể có các biện pháp mà trái với quy định của pháp luật.
Làm oan cho người dân là vi phạm pháp luật
Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề án oan sai như thế nào? Công an đã có giải pháp gì để ngăn ngừa việc oan sai, thưa Bộ trưởng?
– Chúng tôi xác định rất rõ là, lực lượng công an có nhiệm vụ rất quan trọng, vạch trần tội phạm, không để lọt tội phạm. Nghiêng về bên phải là bỏ lọt tội phạm, nghiêng về bên trái là oan người ngay, không còn cách nào khác là tuân thủ theo pháp luật.
Dù tỷ lệ oan sai là rất nhỏ trong số hàng vạn vụ án mà lực lượng công an đã khám phá nhưng trong lực lượng công an không thể chấp nhận bất kể một vụ oan sai nào. Làm oan cho người dân là vi phạm luật pháp.
Với sự đối phó, tinh vi của các loại tội phạm, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Và trong một số nguyên nhân chúng tôi kiểm điểm thì nguyên nhân chính là thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu khách quan, cộng với động cơ cá nhân, suy thoái, biến chất của cán bộ điều tra rất dễ làm oan sai.
Lãnh đạo chỉ huy buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm để cán bộ chiến sĩ vi phạm luật pháp tạo oan sai. Biện pháp là các cấp cùng khắc phục. Không có cách gì khác là phải nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, kiên quyết đấu tranh vạch trần tội phạm, tuân thủ tuyệt đối pháp luật.
Tiếp theo, non yếu về nghiệp vụ, động cơ thành tích, thiếu hiểu biết, hiểu sai, thực hiện không đúng pháp luật cũng tạo oan sai. Một nguyên nhân nữa đó là lực lượng điều tra “rất mỏng”. Hiện trung bình một cán bộ điều tra thụ lý 10 vụ án trong 1 năm, có những vùng, huyện, một năm một điều tra viên thụ lý 50 vụ án khác nhau. Còn những vụ án nghiêm trọng thì có vài chục cán bộ cùng vào cuộc điều tra.
Bộ Công an đã có giải pháp thế nào để ngăn ngừa việc oan sai, đem lại tin tưởng tuyệt đối của người dân vào cán cân công lý?
Giải pháp là cán bộ quản lý phải tăng cường lãnh đạo, sâu sát, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc điều tra. Đặc biệt, từng đơn vị cần bồi bổ kiến thức pháp luật cho các điều tra viên và bổ sung nhân lực còn thiếu, mỏng. Cán bộ điều tra phải có động cơ thái độ làm việc nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm, khách quan, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật.
Rất khó xử lý tội phạm trên không gian mạng
Tội phạm mạng hiện cũng có diễn biến len lỏi nhiều ngóc ngách, gây nhiễu loạn thông tin. Bộ trưởng cho biết biện pháp đấu tranh chống loại tội phạm mạng này?
Đánh giá thông tin không gian mạng thì thấy có 2 khía cạnh.
Có những người rất đứng đắn, có ý thức, xem trên mạng để biết nhưng lại không tham gia bình luận. Ngược lại, bình luận phần lớn lại là của những người chưa nắm đầy đủ thông tin hoặc đang có vấn đề, nên nhìn trên không gian mạng người ta thấy tiêu cực là nhiều.
So với trước đây số người tin vào những thông tin trên mạng cũng giảm nhiều. Tuy nhiên, những thông tin có vấn đề hiện nay chủ yếu, lặp đi lặp lại nhiều lần, rồi lại được bạn đọc chia sẻ tiếp tạo ra cả một không gian thông tin trên mạng đều là những cái tiêu cực, hoặc để chửi bới. Có khi chỉ là một thông tin giật gân gì đó cũng làm lay động dư luận, đến khi bình tĩnh lại thì cái đó chỉ là cái không có thực.
Việc xử lý tội phạm trên không gian mạng cũng đang rất khó khăn. Chứng cứ số, chứng cứ mạng chưa thể đưa vào để phục vụ cho việc điều tra, xét xử vì còn vướng rất nhiều quy định khác.
Tính chất thông tin trên mạng là nặc danh. Nặc danh thì người đưa tin thiếu trách nhiệm, mà với luật pháp thì bất cứ cái gì cũng phải xác định được danh thực. Ở đây phạm vi quy định của pháp luật chưa theo kịp diễn biến của tình hình. Có những kẽ hở như vậy thì tội phạm sẽ lợi dụng để hoạt động.
Có kỷ cương, đất nước mới phát triển
Điều gì đang khiến Bộ trưởng băn khoăn, trăn trở nhất trong quá trình thực thi nhiệm vụ?
– Trăn trở lớn nhất của tôi là tình hình thực thi pháp luật. Có những mặt, những lĩnh vực không cần qua cơ quan điều tra mà chúng tôi thấy rất sốt ruột, như tình trạng vi phạm luật giao thông, lấn chiếm vỉa hè lòng đường gây ảnh hưởng an toàn giao thông, ra đường ai cũng có thể vi phạm.
Điều đó đang khiến VN của chúng ta trở nên xấu xí. Lẽ ra những điều này phải được người dân lên án phê phán, thì lại trông chờ vào cơ quan chức năng, lực lượng CSGT thì không đủ. Chúng ta phải như thế nào để vận động được nhân dân chấp hành trật tự, kỷ cương, lên án hành vi vi phạm pháp luật.
Năm 2016 lực lượng công an đã xử lý hơn 2 triệu vụ vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, số tiền xử phạt hành chính khoảng 2.000 tỉ đồng, bằng thu ngân sách của một tỉnh. Thực tình tôi không muốn tăng thêm những khoản phạt này và có xử lý cũng không hết được. Những vấn đề này tôi mong muốn có sự tham gia vào cuộc của toàn xã hội. Có kỷ cương, trật tự thì xã hội, đất nước mới phát triển được.
Trong đấu tranh phòng chống tội phạm chúng tôi cũng rất băn khoăn, đặc biệt là tội phạm ma túy. Giờ không phải là buôn bán vài tép như trước kia mà là vài trăm bánh, cả ngàn bánh heroin, các đối tượng tàng trữ cả vũ khí sẵn sàng bắn trả khi gặp lực lượng chức năng.
VN đã trở thành nơi trung chuyển về ma túy mà ở biên giới để lọt thì phòng chống nội địa rất khó khăn. Khoảng 70% đối tượng đang bị giam giữ hiện nay đều có liên quan đến ma túy. Cũng do ma túy mà nảy sinh nhiều vụ trộm cắp, giết người, như những vụ giết người dã man, hàng loạt trong gia đình vừa qua đều liên quan đến ma túy. Trong năm qua, đã có 11 cán bộ chiến sĩ hy sinh, hàng trăm cán bộ chiến sỹ bị phơi nhiễm chủ yếu là đấu tranh với tội phạm ma túy.
Việc xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch vững mạnh cũng là một việc rất quan trọng. Chúng tôi thấy được nhiệm vụ của công an rất khó khăn, rất nặng nề, nhưng nếu không xây dựng được lực lượng công an trong sạch, vững mạnh thì sẽ không đảm bảo được cho an sinh xã hội; không đủ sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ được giao. Có thể thấy đại đa số các cán bộ chiến sĩ rất trung thành, chấp nhận gian khổ, hy sinh thân mình, hy sinh quyền lợi cá nhân của mình để hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ cuộc sống bình yên hạnh phúc của nhân dân.
Có những người suốt đời gắn bó với nhân dân, cố hết sức giải quyết tội phạm. Có những chiến sĩ đã hy sinh trong thời bình trong lúc làm nhiệm vụ khiến chúng tôi rất đau lòng.
Noi gương những đồng chí đó, các cán bộ chiến sĩ phải ra sức rèn luyện, xây dựng lực lượng vững mạnh, kỷ cương kỷ luật, không bị cám dỗ vào những môi trường tiêu cực, cám dỗ lôi kéo vi phạm pháp luật.